Pachinko một thuở huy hoàng

Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:50
Nhật Bản vừa trải qua tình trạng khẩn cấp toàn quốc chưa từng có vì COVID-19. Giống như nhiều quốc gia khác, xứ sở mặt trời mọc đã áp đặt các lệnh cấm và đóng cửa nghiêm ngặt, khiến phần lớn nền kinh tế lao đao.

Nhưng, vẫn có một ngành công nghiệp âm thầm ăn nên làm ra, thách thức những nỗ lực giãn cách xã hội tại quốc gia này. Ngành công nghiệp ấy có hơn 10.000 cửa hàng trên khắp Nhật Bản, được gọi là "pachinko".

Hiếm nơi nào người chơi có thể tìm được bầu không khí vui nhộn và náo nhiệt từ hàng loạt cỗ máy điện tử như tại những cửa hàng pachinko. Những dãy máy xếp sát nhau trong không gian kín và chật hẹp, mỗi chiếc máy nhìn như một cây ATM với những thanh gạt đơn giản, cùng một rổ bi sắt màu bạc đặt bên cạnh - đây là cách mô tả dễ hình dung nhất về các cửa hàng pachinko.

 Xuất phát điểm là một trò chơi dành cho thiếu nhi, theo thời gian, các cỗ máy pachinko dần trở thành trò chơi được đông đảo giới trẻ ưa chuộng. Giờ đây, trên khắp Nhật Bản có tới khoảng 10.600 cửa hàng pachinko như thế. 

Mô tả đơn giản, cách chơi pachinko thậm chí còn đơn giản hơn. Người chơi chỉ cần mua những đồng xèng hoặc những viên bi sắt rồi thả vào một khay nhỏ đặt dưới máy điện tử, nhấn nút khởi động để đẩy bi sắt vào máy. 

Mục tiêu của trò chơi là để càng nhiều viên bi sắt, hay còn gọi là pinball, lọt vào những "ô may mắn" càng tốt, bằng cách xoay những thanh gạt điều khiển bên ngoài để "ngắm bắn", rồi nhấn nút. Đường đi của viên bi sắt, đáng tiếc rằng, phần lớn vẫn phụ thuộc vào sự hên xui. Thế nhưng, cảm giác "đặt cược" vào vận may luôn kích thích người chơi Nhật Bản. 

Theo Business Insider, gần một nửa số thời gian giải trí của người dân Nhật Bản được dành cho các cửa hàng pachinko. Mỗi năm, các "con bạc" tại Nhật Bản chi tới 200 tỷ USD cho các cửa hàng pachinko. Con số này gấp 30 lần doanh thu casino mỗi năm tại Las Vegas và cao hơn cả GDP của New Zealand.

 Ngành công nghiệp này thậm chí còn thuê nhiều nhân công hơn 10 nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Nhật Bản, biến đây trở thành đế chế đẻ trứng vàng của xứ sở mặt trời mọc. Theo Japan Times, ngành công nghiệp pachinko trị giá tới 20,7 nghìn tỷ yên, với sự xuất hiện dày đặc của những chiếc máy điện tử giải trí trên khắp đất nước. 

Một trong những doanh nghiệp pachinko lớn nhất tại Nhật Bản hiện nay là Dynam, sở hữu hơn 400 cửa hàng trên cả nước, và được biết đến là sạch sẽ và yên tĩnh hơn các cửa hàng truyền thống. Vậy, pachinko truyền thống đã ra đời như thế nào?

Những cửa hàng pachinko trong quá khứ.

Những cỗ máy pachinko được cho là có gốc gác với một trò chơi ở Pháp có từ thế kỷ 18 với tên gọi "Bagatelle", phát triển từ mô hình chơi bi-a. Song, phải đến những năm 1920, lịch sử của pachinko mới bắt đầu. 

Thời điểm đó, phiên bản trẻ em của trò Bagatelle có tên "Corith Game" được giới thiệu tại Chicago, Mỹ, với phần bàn đệm bắn bi được thiết kế lại để chứa các viên bi sắt cỡ lớn hơn, sau đó thêm vào các thanh dài ngắn trên khung gỗ lớn làm vật cản, tạo ra tiền thân của mô hình pinball tại Mỹ. 

Năm 1924, Corith Game lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản với tên gọi "Korinto Gemu" và được giới thiệu tại những khu chợ lớn trong các lễ hội văn hóa tín ngưỡng "ennichi", theo Pachinko Planet. Mỗi ô may mắn tương đương với một giải thưởng có giá trị khác nhau, nhưng phần lớn vẫn là trái cây hoặc kẹo. 

Bắt đầu từ giữa năm 1920, các máy "Korinto Gemu" sử dụng đồng xu 1 cent trở nên phổ biến. Nhưng, chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh cấm trò chơi này do việc bắn các đồng xu với ngai vàng Hoa cúc khắc phía trên được coi là hành vi xúc phạm Hoàng gia. 

Từ đó, đồng xu 1 cent được thay thế bằng bi sắt hoặc những đồng xèng, các giải thưởng như kẹo hay trái cây được thay thế bằng thuốc lá hay xà bông, khiến pachinko trở nên phổ biến hơn trong thanh niên, người lớn. 

Vào cuối những năm 1920, gần như mọi cửa hàng đều có cỗ máy này. Trẻ em thích thú gọi cỗ máy là "Pachi-Pachi", giống như thứ âm thanh vui tai phát ra từ những đồng xèng hay viên bi sắt. 

Đến năm 1926, một số máy Korinto Gemu được cải tiến và gọi tên là "Circle of Pleasure", theo đó dựng dọc các cỗ máy và thu nhỏ kích cỡ viên bi, điều này giúp tiết kiệm không gian khi đặt được 10-15 máy trong một cửa hàng. 

Đến năm 1929, các cỗ máy thẳng đứng trở nên phổ biến và chính thức được gọi là "Pachinko". Năm 1936, các cỗ máy pachinko trở thành một trào lưu của người dân Nhật Bản, nhiều tay chơi thậm chí thức xuyên đêm để chinh phục các ô may mắn.

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra, ngành công nghiệp pachinko bị "khai tử". Trong thời gian đó, ngay cả chuông chùa và nồi, chảo gia đình cũng được khai thác để khắc phục tình trạng thiếu kim loại. Các viên bi để chơi Pachinko cũng được tận dụng để phục vụ chiến tranh, buộc các cửa hàng pachinko đóng cửa. 

Nền công nghiệp này chỉ thực sự phục hồi sau khi Thế chiến thứ II kết thúc. Trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1954, Takeichi Masamura, người được tôn sùng là vị thần của ngành công nghiệp pachinko, đã phát triển một hệ thống bắn tới 10 viên bi sắt liên tục thay vì cỗ máy pachinko đơn điệu kiểu cũ, tạo ra kỷ nguyên "Máy Masamura" mới, là nền tảng cho máy điện tử pachinko hiện đại. 

Vào đầu những năm 1950, cỗ máy "Renpatsu-shiki" ra đời với khả năng tự động đẩy bi sắt từ khay vào máy theo cách gần giống như ngày nay, giúp bắn 140 đến 160 bi sắt mỗi phút, khiến pachinko trở nên phổ biến hơn. Theo CLV Blog, vào giai đoạn cao điểm, hơn 45.000 cửa hàng pachinko đã được mở tại Nhật Bản. 

Cũng vào thời điểm này, các loại hình đổi thưởng trá hình từ những cỗ máy pachinko xuất hiện, buộc chính phủ Nhật Bản phải áp đặt lệnh cấm vào năm 1954. Một năm sau, số cửa hàng pachinko đang hoạt động tại Nhật Bản giảm xuống chỉ còn dưới 10.000. 

Để vượt qua khó khăn này, trong khoảng 20 năm tiếp theo, các nhà sản xuất pachinko đã phát triển mô hình pachinko miễn phí, nhập ngoại nhiều loại linh kiện điện tử mới như tay cầm điều khiển, thanh gạt để ngắm bắn bi sắt, nhằm thu hút người chơi. 

Đến năm 1980, cỗ máy pachinko "Fever" được ra mắt và trở thành bom tấn trong nền công nghiệp này. Nhờ "Fever", hàng trăm cửa hàng pachinko mới được mở thêm mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm vận may của giới trẻ, tạo ra sự bùng nổ chưa từng có của pachinko, giúp những cỗ máy điện tử này thiết lập vị thế vững chắc trong nền công nghiệp giải trí trong khoảng đầu những năm 1990 với những đổi mới về công nghệ cùng sự xuất hiện của màn hình màu. 

Cùng với tốc độ phát triển không ngừng nghỉ của Nhật Bản, pachinko đã ngày càng cải tiến và vẫn được ưa chuộng cho đến ngày nay, được người dân Nhật Bản coi như một đặc trưng văn hóa của đất nước mình - theo Japo.

Những cửa hàng pachinko ngày nay.

Đối nghịch với quá khứ hưng thịnh, nền công nghiệp có thâm niên gần 1 thế kỷ này đang phải đối mặt với một loạt vấn đề. Theo Business Insider, các cửa hàng pachinko hoạt động chủ yếu trong thị trường xám, ám chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức. 

Bà Min Jin Lee, tác giả của cuốn sách viễn tưởng lịch sử cũng có tiêu đề là Pachinko chia sẻ rằng, để tránh các quy định đánh bạc và cá độ ngặt nghèo tại Nhật Bản, các cửa hàng pachinko đã sử dụng "kẽ hở" giữa việc chơi điện tử bằng xèng và chuyển đổi thành tiền mặt để lách luật. "Mỗi viên bi tương đương với một số điểm nhất định và những điểm đó được đổi tại quầy giải thưởng. 

Với số điểm bạn ghi được, bạn có thể nhận được một thanh xà bông, hoặc thậm chí một chiếc túi Hermes. Nhưng một là đủ rồi, bạn không muốn nhận tới 100 thanh xà bông, hay 100 chiếc túi Hermes. Vì vậy, bạn đổi phần thưởng của mình với bên giao dịch thứ 3 nào đó để lấy tiền mặt", bà Lee nói. 

Các hình thức trao đổi tiền mặt này từng được kiểm soát bởi các băng đảng mafia yakuza của Nhật Bản, nhưng giờ đây, mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Tại các tiệm pachinko, quầy thu ngân chỉ cách quầy đổi thưởng một tấm kính mỏng, theo bà Lee. 

Từ một trò giải trí thông thường, CNN nhận định pachinko đã trở thành một trò chơi có tính chất cờ bạc, biến nhiều người trở thành con nghiện và ảo tưởng rằng họ có thể kiếm tiền từ đây. Vì lẽ đó, chính phủ Nhật Bản đã phải đưa ra một loạt quy định, khiến ngành công nghiệp pachinko thu hẹp hoạt động, buộc số lượng cửa hàng giảm tới 1/3 trong 15 năm qua. 

Cơ chế thanh toán kiểm soát hạn mức cũng được áp dụng trên mỗi máy pachinko, khiến người chơi khó lòng "hốt bạc" trong mỗi phiên chơi kéo dài 4 tiếng, gián tiếp "cai nghiện" cho những tay chơi lâu năm. Trong khi đó, thị trường pachinko đang già đi nhanh chóng, khi những người chơi pachinko phần lớn đều thuộc thế hệ trước, còn những người trẻ giờ đã có nhiều mối bận tâm hơn.

Nhưng sự thay đổi mang tính thế hệ có khai tử pachinko hay không? Có lẽ là không. Mỗi năm, 1.5 triệu máy pachinko mới vẫn được bán cho các cửa hàng, theo Financial Times. Và thói quen chơi điện tử, ngay cả khi không gây nghiện, vẫn rất khó để phá vỡ. 

"Cứ 11 người Nhật Bản thì có 1 người chơi pachinko một lần mỗi tuần", nữ tác giả tiểu thuyết Pachinko chia sẻ. Người dân Nhật Bản vẫn tìm đến đây như một hình thức giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, bởi trò chơi đặt cược may rủi khiến họ thư giãn. Thậm chí, trong tháng 4 vừa qua, ngay cả khi toàn Nhật Bản chịu lệnh hạn chế đi lại vì COVID-19, pachinko vẫn hoạt động. 

"Tôi thấy những khu giải trí này thậm chí còn đông đúc hơn bình thường", Kensuke Takao, một nhân viên nhà hàng 22 tuổi, chia sẻ khi đang có mặt tại cửa hàng pachinko ở Tokyo hồi cuối tháng 4. "Tôi đoán là vì mọi người không có việc để làm hoặc không có nơi nào để đi nên họ đến cửa hàng pachinko, vì ở đây vẫn mở cửa", anh nói.

An Nhiên
.
.