Ông chú và hai người cháu gái họ Phan

Chủ Nhật, 04/11/2007, 09:00
3/9/2007, cụ Phan Tư Nghĩa lên cơn đau đột ngột, phải vào bệnh viện cấp cứu. Các con cháu của cụ và cả hai người cháu gái Phan Thị Phúc, Phan Thị Oanh có mặt đầy đủ bên giường bệnh, cùng bàn việc hai năm mươi cho cụ. Cụ là Uỷ viên Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi nghỉ hưu; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Tôi từng công tác nhiều năm với chị Phan Thị Oanh ở TTXVN, người hai lần được đánh máy phục vụ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và "trở thành nhà báo là nhờ sự rèn luyện của người thủ trưởng kính mến, nhà thơ Bút Tre". Nhà có hai chị em gái thì cả hai đều có chồng làm Bộ trưởng, một là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, một là Bộ trưởng Điện-Than.

Biết tôi có ý định viết về chị và gia đình, chị tế nhị từ chối, nhưng lại bảo nếu có viết thì hãy viết về ông chú ruột của chị, một nhân sĩ trí thức tôi từng nghe danh từ mấy chục năm trước, nguyên là đại biểu Quốc hội Khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Tổng Thư ký đầu tiên của Đảng Xã hội Việt Nam: cụ Phan Tư Nghĩa. Cụ là Ủy viên Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi nghỉ hưu; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Bài Pháp văn và tấm giấy khen bị xé

Chị Phan Thục Anh, con gái cụ Phan Tư Nghĩa, Tiến sĩ hoá học, nguyên giảng viên Trường Đại học Dược khoa Hà Nội đưa cho tôi một tập giấy dày, chi chít chữ viết tay trên giấy khổ A4 đã ngả màu vàng.

Đó là tập Hồi ký của cụ Phan Tư Nghĩa viết cách đây 15 năm. Tôi đọc từng trang Hồi ký viết tay của cụ, vừa cảm động vừa kính phục cụ cùng nhiều vị nhân sĩ, trí thức có tên tuổi dưới chế độ thực dân Pháp đã từ bỏ danh vọng, địa vị, giàu sang để tham gia cách mạng và kháng chiến.

Cụ Phan Tư Nghĩa, mà nhiều người, "trừ ông Tôn Quang Phiệt và ông Cù Huy Cận", đều gọi nhầm là Phan Tử Nghĩa, sinh năm 1910, trong một gia đình quan lại phong kiến lâu đời, cha thuộc hàng "tai to mặt lớn" dưới chế độ thực dân Pháp, từng làm Án sát Ninh Bình, Tuần phủ Kiến An, Tổng đốc Bắc Ninh…

Ngay từ cấp tiểu học, Phan Tư Nghĩa đã được gia đình gửi vào học tại "Trường Tây" mang tên viên Toàn quyền Albert Sarraut của Pháp ở Đông Dương.

Con quan, con nhà giàu nhưng từ nhỏ, cậu học sinh Phan Tư Nghĩa đã biết cảm thông với những người nghèo khổ và không chịu nổi những cảnh chướng tai gai mắt mà cậu gặp hằng ngày dưới chế độ thực dân, nhất là khi nó lại "chạm vào lòng tự ái dân tộc" của cậu.

Năm học cuối cấp tiểu học, thầy giáo dạy Pháp văn là ông Lahille, đã ra một đề bài cho các học trò về nhà làm, muốn mượn lời của học sinh để bày tỏ lòng "tri ân" với nước "Đại Pháp": "Em hãy ví thử một Cụ Tổ trở lại thế gian này. Hãy tả nỗi kinh ngạc của Cụ trước những ân huệ có được từ sự khai hóa của Pháp".

Cụ Phan Tư Nghĩa (ngồi bên trái) cùng gia đình trong ngày sinh nhật lần thứ 86. Bà Phan Thị Phúc (ngoài cùng bên phải) và bà Phan Thị Oanh (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Phan Thục Anh.

Trong bài làm của mình, cậu Phan Tư Nghĩa kể chuyện có một Cụ Tổ từ thế giới bên kia trở về, "đi đến đâu cũng thấy những cảnh trái ngược ở xứ sở của Cụ", như cảnh khổ cực của phu đi làm mỏ, làm đồn điền, cảnh bắt rượu lậu, cảnh người ăn mày đầy đường… Trở lại thế gian, điều ngạc nhiên nhất của Cụ Tổ là "vì sao xã hội bây giờ có nhiều cảnh đói nghèo và suy đồi đến thế?".

Cậu Phan Tư Nghĩa mượn lời của nhà văn Jean Jacques Rousseau để kết luận bài làm của mình: "Văn minh làm sa đọa con người". Ông thầy Pháp văn Lahille giận điên người vì bài làm "gậy ông đập lưng ông" này.

Một hôm trước giờ học, ông Phó Hiệu trưởng nhà trường cầm một quyển sổ rất to đi vào lớp. Ông đọc danh sách những học trò được giấy khen danh dự, rồi rút ra một tờ giấy khen, giơ lên trước lớp nói: “Đây là giấy khen của trò Phan Tư Nghĩa. Vì trò đã viết bậy trong bài Pháp văn nên phải hủy giấy khen này”.

Ông xé từ từ cho cả lớp thấy rồi tuyên bố nhà trường quyết định phạt trò Phan Tư Nghĩa, học sinh nội trú, hai ngày nghỉ không được về nhà! Còn cậu học sinh Phan Tư Nghĩa thấy ông thầy Pháp văn Lahille "mặt dài ngoẵng ra" nhìn ông Phó Hiệu trưởng ra tay trị cậu học trò "ngỗ ngược" đã dám viết một bài Pháp văn trái ý thầy!

Những năm tháng ở Pháp và phiên tòa được xử trắng án

Năm 1925, Phan Tư Nghĩa được gia đình cho sang Pháp du học. Hơn 7 năm ở Pháp, anh đã theo học từ bậc trung học lên đại học ở nhiều trường danh tiếng của Pháp tại Paris, Bordeaux, Toulouse...

Năm 1929, anh gia nhập Đảng Cộng sản Pháp; từng được Đảng bí mật cử đi dự Đại hội Quốc tế cứu trợ công nhân ở Berlin, thủ đô nước Đức và là đại biểu chính thức duy nhất người Việt Nam trong Đảng Cộng sản Pháp tham dự Đại hội lần thứ 10 của Đảng.

Tại Đại hội này, Phan Tư Nghĩa thẳng thắn phê phán Tiểu ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp không quan tâm đúng mức đến cuộc đấu tranh đòi quyền độc lập của Việt Nam và các nước Đông Dương, không đấu tranh chống lại cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Trước thái độ và hành động không thiện chí của một Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, trực tiếp phụ trách Tiểu ban Thuộc địa, đối với Đông Dương và Việt Nam, nhất là khi vị này đưa cả mật vụ của chính quyền thực dân vào Đảng để phá hoại phong trào, Phan Tư Nghĩa tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1933, Phan Tư Nghĩa rời Pháp về nước. Anh bị giam lỏng tại nhà ở Kiến An hai năm, cuối năm 1935, mới lên Hà Nội, bí mật bắt liên lạc với một đảng viên cộng sản mới ở tù ra.

Anh được giao nhiệm vụ cùng một số trí thức yêu nước xuất bản tờ báo tiếng Pháp Le Travail (Lao động), đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh. Tờ báo chỉ ra được vài chục số thì bị đưa ra Toà Đại hình xét xử, sau đó phải đình bản. Phan Tư Nghĩa lại được giao đứng ra xuất bản tờ Rassemblement (Tập hợp), tiếp tục công việc của tờ Le Travail bị bỏ dở, chủ trương tập hợp và liên minh các lực lượng dân chủ ở Đông Dương đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ của nhân dân dưới chế độ thực dân Pháp.

Cuối năm 1937, anh và hai người cộng sự ở báo Rassemblement lại bị đưa ra Toà Đại hình Pháp ở Đông Dương xét xử. Nhưng trước lý lẽ của ông Lambert, một luật sư người Pháp khá nổi tiếng, lại được ông Hồ Đắc Điềm, "luật sư và là nhà quý tộc lớn, em vợ của vua Khải Định", thành viên của Bồi thẩm đoàn trong vụ xử án này bảo vệ, Phan Tư Nghĩa và hai người cộng sự được xử trắng án.

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Phan Tư Nghĩa được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và được bầu là đại biểu Quốc hội Khoá đầu tiên của tỉnh Thái Bình.

Tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I năm 1946, trước âm mưu của số đại biểu Quốc dân đảng trong Quốc hội dùng một số tờ báo lá cải hồi bấy giờ, như tờ "Thiết thực", đòi thay cờ đỏ sao vàng bằng lá cờ khác làm Quốc kỳ, ông Phan Tư Nghĩa mạnh mẽ lên tiếng: "Sẽ là một sự sỉ nhục nếu muốn làm việc đó. Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu bao nhiêu chiến sĩ anh hùng. Tôi đề nghị Quốc hội hãy tuyên dương trang trọng Quốc kỳ vinh quang này!" (Hồi ký Đại biểu Quốc hội Khóa I, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2000, tr.121).

Phát biểu của ông Phan Tư Nghĩa được đông đảo đại biểu Quốc hội tán thành và sau biểu quyết, lá cờ đỏ sao vàng chính thức trở thành Quốc kỳ của nước ta từ đó đến nay.--PageBreak--

"Ông mối" và chén rượu của người bạn cũ

Trước Cách mạng Tháng 8/1945, nhà ông Phan Tư Nghĩa ở Hà Nội là nơi nhiều cán bộ cộng sản bí mật lui tới, trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Mười Hương…

Nhớ lại thời kỳ này, bà Phan Thị Phúc, cháu gái của cụ Phan Tư Nghĩa đã kể với nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú, vợ của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: "Mình sớm được giác ngộ cách mạng là nhờ ông chú ruột Phan Tư Nghĩa. Từ năm 15 tuổi mình làm liên lạc cho chú và tham gia các hoạt động của Mặt trận Việt Minh… Mình gặp anh Thạch lần đầu tiên trong cuộc họp ở nhà chú mình. Hồi ấy, anh Thạch làm Bí thư cho anh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Lúc gặp mình anh ấy vừa ở tù Sơn La ra…". (Chuyện tình của các chính khách Việt Nam, Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh, NXB Phụ nữ, năm 2006, tr.104,105).

Năm 1947, chính Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đại diện cho nhà trai trong lễ thành hôn của anh chị Nguyễn Cơ Thạch - Phan Thị Phúc. Sau này đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao.

Còn cô cháu gái Phan Thị Oanh, sau khi được chị gái đưa lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến, tại cơ quan của ông chú ruột Phan Tư Nghĩa lần đầu tiên gặp đồng chí Nguyễn Chấn, cũng là một "tù nhân Cộng sản" từng vượt tù Hỏa Lò, Hà Nội, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên. Chính ông Phan Tư Nghĩa là "ông mối" tác thành hạnh phúc cho vợ chồng chị. Sau này, đồng chí Nguyễn Chấn là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Điện-Than.

Chị Phan Thị Oanh nói với tôi, có ba người có ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi cuộc đời của chị. Đó là chị gái Phan Thị Phúc, ông chú ruột Phan Tư Nghĩa và ông Đặng Văn Đăng, tức nhà thơ Bút Tre.

Năm 1960, khi chồng chị là Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, thì chị công tác ở Ty Thông tin của tỉnh, do nhà thơ Bút Tre làm Trưởng ty. Nhà thơ Bút Tre trực tiếp giao cho chị làm Bản tin tuyên truyền, cổ động phong trào thi đua sản xuất trong tỉnh.

Mặc dù biết chị là vợ ông Bí thư Tỉnh ủy nhưng trong công việc, nhà thơ Bút Tre không một chút châm chước, nể nang. Ông giao cho chị đi xuống cơ sở chụp ảnh, viết tin, biên tập, lên trang, đi nhà in, sửa mo-rát từng số Bản tin, phê bình "sát sạt" mỗi khi chị có sai sót, khuyết điểm.

Bây giờ, đã ở tuổi ngoài 70, mỗi lần nhớ lại, chị đều nói nhà thơ Bút Tre là người thầy dạy đầu tiên trong nghề làm báo của mình. Đặc biệt, chị rất kính trọng nhân cách của nhà thơ.

Nhà báo Nguyễn Lưu kể với tôi một câu chuyện khác về cụ Phan Tư Nghĩa. Trước khi mất, cha anh, cụ Nguyễn Xiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, thường nhắc đến hai người là Giáo sư Trần Văn Giàu và cụ Phan Tư Nghĩa. Một lần, nhân một chuyến công tác vào TP HCM, Nguyễn Lưu đến thăm Giáo sư Trần Văn Giàu.

Trước khi anh ra về, Giáo sư Trần Văn Giàu mang ra một chai rượu “Tây” rất quý còn nguyên nhãn mác đưa cho Lưu, dặn:

- Khi cha cháu mất, Bác yếu quá không ra Hà Nội để thắp hương cho cha cháu được. Bác nhờ cháu đem chai rượu này về, rót một chén để lên bàn thờ mời cha cháu hộ bác và cháu nhớ rót thêm một chén giúp bác để mời cụ Phan Tư Nghĩa, bạn của cha cháu và bác từ ngày còn ở Pháp, cùng uống. Nghe nói cụ Nghĩa cũng yếu lắm rồi!

Còn tôi, khi đang viết dở những dòng này thì được tin ngày 3/9/2007, cụ Phan Tư Nghĩa lên cơn đau đột ngột, phải vào bệnh viện cấp cứu. Các con cháu của cụ và cả hai người cháu gái Phan Thị Phúc, Phan Thị Oanh có mặt đầy đủ bên giường bệnh, cùng bàn việc hai năm mươi cho cụ. Sau mười ngày cấp cứu và nằm viện, cụ Phan Tư Nghĩa qua cơn nguy kịch và trở về nhà.

Tôi đến thăm cụ Phan Tư Nghĩa, nhìn cụ nằm bất động trên giường như đang thiu thiu ngủ mà lòng cứ nghĩ vẩn vơ. Không biết cụ có thọ thêm được 3 năm nữa để tròn 100 tuổi, số tuổi đúng bằng số trang của tập Hồi ký cụ viết dở dang?

Ngay buổi chiều tôi rời nhà cụ thì chị Phan Thục Anh gọi điện báo tin cha chị lại sốt cao, một lần nữa gia đình lại phải đưa cụ vào Bệnh viện Hữu nghị cấp cứu!

Mong sao cụ lại trở về nhà để tôi lại được đến thăm cụ và biếu cụ tờ báo có bài viết này của tôi…

.
.