Ồn ào chuyện chống… “sóc đồng” miền Tây
Nhiều người thở phào sau lời giải thích kèm theo chữ “nếu” này. Thực tế lâu nay có rất nhiều dân miền Tây sống khỏe, thậm chí làm giàu nhờ “sóc đồng” nên giờ nghe chuyện tốn tiền tỷ để diệt chúng, người ta đặt dấu hỏi. Một chuyên gia nông nghiệp thắc mắc sao không tìm cách dụ rồi bắt chuột đồng bán để không phải tốn tiền ngân sách?
Cả ta và Tây đều khoái
Chưa có con số thống kê cụ thể nào từ cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương các tỉnh miền Tây là mỗi năm, từ nguồn lợi... chuột đồng, người dân thu về bao nhiêu tiền. Trong khi thực tế, đi qua nhiều tỉnh, thành miền Tây, nhất là những vùng có diện tích trồng lúa, mía, khóm (thơm), tràm rộng,... lớn như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, tới đâu, chúng tôi cũng thấy nhan nhãn quán rao bán “đặc sản” được chế biến từ chuột đồng. Và, trong đời sống thường nhật, món được chế biến từ chuột đồng (vùng Bến Tre, Trà Vinh còn có thêm chuột dừa, chuột bần), từ rất lâu rồi đã là món ăn quen thuộc trong bữa ăn, thậm chí khi nhà có tiệc tùng, khách khứa, món đặc sản này được bưng lên đầu tiệc.
Chuột đồng nướng là món khoái khẩu không chỉ với ta mà cả với khách Tây. Ảnh: ĐSA. |
Cách nay chưa lâu, tôi về Cờ Đỏ (Cần Thơ), gặp ông Huỳnh Văn Hoàng (quen gọi là Hoàng “bộ đội”). Nhà ông cạnh UBND thị trấn Cờ Đỏ. Không như vài lần trước với món sở trường mà ông chế biến ngon nhất (chuột muối sả chiên), lần này, ông đãi tôi món... khô chuột. Nhìn những con chuột đã được ông làm sạch, ướp gia vị, phơi trong 2-3 ngày nắng liên tiếp, chúng tôi đã thấy hấp dẫn. Đến khi ông đặt lên bếp than củi nóng hừng hực, rồi mùi thơm của thịt chuột tỏa ra cả xóm, chúng tôi chỉ trông mau tới lúc được ngồi vào bàn. Chủ nhà trực tiếp băm xoài sống, hái rau răm, rồi tự tay xé thịt chuột,...
Thực tế, với nhiều người dân miền Tây, chuột đồng có thể chế biến ra thành khá nhiều món ngon không thể so bì với bất cứ món gì khác. Lần về vùng biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp) đúng tháng tư âm lịch, chúng tôi mới biết thêm đó là thời điểm thịt chuột ngon nhất. Bà con giải thích là do chuẩn bị sang mùa mưa, thời tiết ấm áp, trong lành, cỏ cây đều xanh tốt và nhú nhiều chồi non...
Tận hưởng “lộc trời” nên chuột đồng mùa này đều mập, nướng tươi là mỡ chảy xuống than xèo xèo, thơm phức. Lần ấy, chúng tôi cũng ra sau giàn nước, trực tiếp tham gia công đoạn làm thịt chuột. Không như món khô, chuột nướng tươi chẳng cần phải tẩm ướp bất cứ gia vị nào ngoài một ít tỏi và ít nước mắm. Chuột được kẹp vào nhánh tre tươi chẻ ra làm đôi rồi đưa lên lửa than nướng. Chúng tôi đã ăn nhiều lần món chuột dừa, chuột bần nướng nhưng lần ấy, vẫn phải buột miệng chính vì vị ngọt, thơm trong từng thớ thịt chuột...
Điều đặc biệt là khi tôi hỏi nước chấm cho món ngon dân dã này, chủ nhà là lão nông hơn 80 tuổi chạy ra sau bếp, lát sau bưng lên dĩa nước mắm cá đồng nguyên chất. Vừa ăn, vợ chồng chủ nhà còn nhiệt tình chỉ tôi cách chế biến hàng loạt món ngon từ chuột đồng, nào là kho rau răm, luộc hèm (hèm rượu), luộc mẻ, xào lá cách, xào đầu hành, xào củ kiệu, khìa nước dừa, quay lu, nướng chao, nướng sa tế và cả món hấp cơm... Khi về tới TP Cao Lãnh, anh bạn đồng nghiệp còn cho tôi thưởng thức món “ngọc tý” (thuộc bộ phận sinh dục của chuột đực) xào củ kiệu và cho biết rằng đây thuộc món “ông ăn, bà khen”.
Vì có thể chế biến thành nhiều món ngon như thế nên từ lâu, người ta đã... “tôn vinh” thịt chuột ngang với thịt sóc. Nhiều người gọi vui đây là “sóc đồng” cũng vì thế. Tại Phụng Hiệp (Hậu Giang) và Thạnh Hóa (Long An), mỗi ngày có hàng tấn chuột đồng được đưa lên xe tải, chuyển lên TP Hồ Chí Minh.
Có một điều rất đặc biệt đó là khách Tây cũng rất thích thịt chuột. Rất nhiều lần tôi tận mất chứng kiến “khách ngoại” xé chuột đồng nướng, ăn ngon lành chẳng khác đang xé con gà ta nướng. Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang kể, hồi đến An Giang khảo sát vào đầu năm ngoái, ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu (INTA), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị giữa Nghị viện châu Âu (EP) và Việt Nam, đã khiến ông và rất nhiều thành viên trong đoàn bất ngờ với nhã ý được dùng bữa trưa với món thịt “sóc đồng”.
Đề xuất được đáp ứng ngay. Hôm đó, bên cạnh các món đặc sản như mắm cá mè vinh, cá bông lau nấu canh chua - kho tộ, cá kết một nắng chiên giòn,... bàn ăn còn được bổ sung thêm 3 món từ chuột đồng, là món chuột quay lu, chuột nướng tươi và chuột xào lá cách. Và hôm đó, vị khách Tây này chỉ ăn những món từ chuột. Ông kể nhiều lần đến Việt Nam, ăn rất nhiều món ngon nhưng chưa có điều kiện để thưởng thức món chuột đồng. Nhiều người bạn của ông, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIII Nguyễn Văn Giàu bảo “nếu đến miền Tây, phải thử một lần cho biết”. Xong buổi cơm hôm đó, ông Jan Zahradil cứ xuýt xoa và cho biết “rất hạp khẩu”.
Kế sách đạt được hai mục tiêu
Trở lại câu chuyện dự chi tiền tỷ để chống chuột, sau khi báo chí lên tiếng phản ánh, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ giải thích đấy là câu chuyện liên quan đến việc thực hiện một chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dựa trên thực tế, Cần Thơ xây dựng kế hoạch phòng, chống chuột phá hoại trên cây trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tính riêng cây lúa từ 2016 đến 2020, đã có 19.415 ha lúa bị chuột phá hại. Kế hoạch của Cần Thơ là... nếu chuột phá hại 5% diện tích sản xuất thì trong 5 năm tới đây, tổng số tiền dự kiến phải chi để hỗ trợ người dân ứng phó với dịch là hơn 29,6 tỷ đồng. Và nếu thiệt hại thực tế như thế, vốn đề xuất ngân sách địa phương hơn 22,5 tỷ đồng, hơn 7 tỷ đồng còn lại, người dân “gánh”.
Thương lái đến huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cân chuột đưa lên xe tải chở về TP Hồ Chí Minh. |
Với số tiền này, Cần Thơ dự kiến sẽ tổ chức hơn 1.500 cuộc tập huấn, hỗ trợ 112.500 bẫy cho nông dân để phòng trừ chuột và 5.625 kg thuốc sinh học. “Thực tế sẽ tùy tình hình từng năm. Nếu năm nay phòng, chống chuột tốt thì năm sau chắc chắn nạn chuột phá hại sẽ giảm. Kế hoạch dự toán chi tiết được thẩm định, trình cấp thẩm quyền bố trí thực hiện theo quy định chứ Cần Thơ không phải có sẵn gần 30 tỷ đồng đem đi phòng chống, chuột”, theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, người ký ban hành kế hoạch trên.
Để dư luận hiểu rõ thêm về kế hoạch này, phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ giải thích, không như sâu bệnh, chỉ gây giảm năng suất, còn nếu bị chuột phá, lúa thường bị cắn đứt ngang gốc, thiệt hại gần như hoàn toàn. “Nếu dựa trên kịch bản 11.200 ha lúa bị thiệt hại mức độ 50% diện tích và 50% sản lượng do chuột thì ước tính sẽ có 5.600 ha lúa bị thiệt hại. Với diện tích này, nếu tính năng suất lúa 7 tấn/ha sẽ có 39.200 tấn lúa. Và nếu thiệt hại 50% năng suất tức sẽ mất 19.600 tấn lúa. Tính theo giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì con số thiệt hại lên đến trên 117 tỉ đồng”, cán bộ này đưa ra tính toán và còn cho biết yếu tố thời tiết thời gian qua rất thuận lợi để chuột sinh sôi. Một cặp chuột bố mẹ sau một năm có thể sinh sản được 2.064 con (?).
Cùng quan tâm đến chuyện chống “sóc đồng”, nhiều người, trong đó có các chuyên gia nông nghiệp lại có ý kiến khác. GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nói kế hoạch chi gần 30 tỷ đồng để diệt chuột là số tiền quá lớn. “Việc sử dụng thuốc sinh học để diệt chuột chưa chắc là loại thuốc này không độc và không ảnh hưởng đến môi trường. Khi rải xuống, thuốc sinh học đi theo đường nước, nhất là mùa mưa thì sẽ lan ra nhiều nơi. Còn bẫy chuột, Nhà nước bao cấp hết thì liệu người dân có bảo quản tốt không”, GS Võ Tòng Xuân nêu ý kiến. Việc diệt chuột theo kế hoạch nêu trên tiêu tốn ngân sách nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả cao, trong khi nông dân có rất nhiều sáng kiến, dụng cụ diệt chuột và trách nhiệm với chính đồng ruộng của mình.
“Mấy việc này, để nông dân họ lo. Người nông dân nào cũng có trách nhiệm, chuột cắn ruộng mình sao để Nhà nước lo”, GS Võ Tòng Xuân nói và dẫn chứng thời gian qua, sâu rầy, bệnh hại trên lúa, bà con nông dân cũng đã chủ động phun thuốc. Về bẫy chuột cộng đồng (còn gọi là bẫy cây trồng), GS Võ Tòng Xuân đồng tình với sự vào cuộc của cán bộ nhà nước. Tuy nhiên, cách làm này chỉ thực hiện khi chuột có mật độ cao, khả năng gây hại nhiều.
GS Võ Tòng Xuân cũng mô tả mô hình bẫy chuột cộng đồng, đó là trên một cánh đồng lúa, ngành chức năng có thuê khoảng 500m² ruộng lúa ở giữa đồng, dụ chuột vào rồi bắt, bán. Với cách làm này, một xã tại vùng trồng lúa trọng điểm của miền Tây có thể làm 2-3 bẫy chuột cộng đồng. Tiền bán chuột có thể bù lại tiền đã thuê ruộng lúa. GS Võ Tòng Xuân cho biết, ở xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, đã có một nông dân làm mô hình bẫy chuột cộng đồng và mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên lề một hội nghị mới đây tổ chức tại Cần Thơ, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng diệt chuột hay bất cứ đối tượng nào cũng dùng biện pháp tổng hợp, ngoài phương pháp thủ công (dùng bẫy, bả) thì biện pháp hữu hiệu nhất là làm bẫy cộng đồng do biện pháp này có thể diệt được chuột trên một diện tích lên đến 100ha. Theo GS Võ Tòng Xuân, trong giai đoạn đầu, địa phương có thể làm thí nghiệm mô hình bẫy chuột cộng đồng của Australia mà Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đã công bố. Từ đó xem cách dụ chuột vào bẫy có hiệu quả không, nếu thấy có kết quả thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên phổ biến rộng rãi. |