Ô nhiễm không khí từ khẩu trang đến lòng người

Thứ Ba, 22/10/2019, 18:42
Nhiều đô thị lớn tại Việt Nam đang trong tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Thứ bụi này có những mảnh kim loại nhỏ hơn đường kính sợi tóc vài chục lần, có thể ngấm trực tiếp qua mao mạch mũi, qua phổi vào máu. Theo máu, bụi PM2.5 đi khắp cơ thể, nó mắc vào đâu đủ lượng thì sẽ phát bệnh hiểm nghèo nơi ấy.

Khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 đang là thứ hàng khan hiếm trên thị trường, khách có điều kiện tuyên bố giá nào cũng mua. Nhưng có lẽ cái giá phải trả cho ô nhiễm bắt đầu từ việc "mua" những thói quen vô trách nhiệm.

Hãy nói về hai chữ công bằng

Hà Nội, TP HCM đợt này nhiều bụi mịn PM2.5 đến mức đám đông phải kêu lên trên mạng xã hội. Kêu cũng phải thôi, các bảng xếp hạng ô nhiễm không khí đã xác định mức ô nhiễm tiến nhanh từ mức gây ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm đến mức nguy hiểm cho sức khoẻ, mức nguy hại và mức rất nguy hại.

Bụi mịn đã tiến quân thần tốc vào mỗi ngõ ngách của đô thị, ở mọi mốc thời gian trong ngày. Hôm nào có mưa thì bụi mịn sẽ theo mưa rơi xuống đất, không khí sẽ an toàn trở lại một thời gian ngắn, trước khi không khí lại đặc quánh vì bụi. Nhưng theo mưa, bụi mịn biến tất cả những giọt nước rơi xuống thành mưa axit. Nơi nào mưa axit "chạm" được vào thì tuổi thọ đồ đạc, nhà cửa, xe cộ sẽ giảm xuống rất nhanh.

Mưa qua, nắng lên. Những vũng nước khô đi và giao thông sẽ khiến bụi mịn cũ bay lên, bụi mịn mới sinh ra. Còn những bụi mịn đã theo mưa ngấm vào đất, vào nước ngầm sẽ tiếp tục "nhiệm vụ" của chúng. Cây cối sẽ nhiễm kim loại bụi mịn khi rễ cây hút nước. Động vật cũng bị nhiễm bụi mịn như con người qua đường ăn, uống và hít thở. Con người sử dụng rau củ, thịt cá nhiễm bụi mịn cũng tiếp tục bị nhiễm bụi mịn dạng phơi nhiễm.

Bệnh tật từ đó mà ra!

Có người đã nói các đô thị lớn ô nhiễm là kết quả "công bằng" nếu biết rằng những cư dân bị ô nhiễm ở Vĩnh Tân (Bình Thuận), Kinh Môn (Hải Dương), Duyên Hải (Trà Vinh) lâu nay cũng bị ô nhiễm. Người viết lại thấy không chút công bằng khi chính quyền Hà Nội công bố lý do bụi mịn xuất hiện là do mỗi ngày đốt 528 tấn than. Vậy thì 520 tấn than/ngày của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vừa khánh thành gần gấp 24 lần thì có ý nghĩa như thế nào đối với các cư dân quanh nhiệt điện này? Và tại Vĩnh Tân có các nhà máy nhiệt điện 1, 2, 3 bên cạnh nhiệt điện Vĩnh Tân 4 theo quy hoạch.

Rất nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, nhà máy xi-măng, nhà máy luyện kim dùng công nghệ đốt lò với mức sử dụng than đốt ngang ngửa và thậm chí nhiều hơn Hà Nội tồn tại. Các cư dân quanh nhà máy ấy sống mòn trong nỗi đau ô nhiễm. Họ đã từng lần nào được ứng xử công bằng vì sự phát triển chung? Hay nỗi chịu đựng của các cư dân đô thị hiểu nôm na là nhà giàu đứt tay đang được truyền thông quan tâm ngang với nỗi đau "ăn mày đổ ruột" của các cư dân quanh nhà máy dùng đốt than?

Hãy nhớ lại một cột mốc đáng nhớ về môi trường tại Việt Nam: Vedan 2008. Đây là vụ xả thải lớn  bị bắt quả tang đầu tiên của Việt Nam khiến dư luận cả nước chấn động. Trước đó, Vedan đã vào Việt Nam đầu tư chính thức từ khi chưa có Luật môi trường 1993. Xử lý họ rất khó bởi pháp luật ở thời điểm phát hiện Vedan xả thải cũng cho thấy các kẽ hở để doanh nghiệp không phải đối diện với mức phạt tương xứng với hành vi họ gây ra. 270 tỉ tiền Việt đền bù chỉ là khoản tiền bé xíu so với 270 triệu đô mà Vedan thu được.

Những tưởng hậu Vedan là một cơ hội lớn để hệ thống công quyền nhìn lại và tránh một cuộc "thảm sát môi trường" không chỉ cho các dòng sông bị bức tử tương tự sông Thị Vải nói riêng và môi trường nói chung. Nhưng đến nay, những thép Formosa, nhiệt điện Vĩnh Tân, phá rừng quy mô lớn trên cả nước,... vẫn gây ra ô nhiễm không chỉ nước, đất mà cả không khí. Nghĩa là luật vẫn chưa đủ răn đe những kẻ kiếm tiền bất chấp môi trường sống quốc gia đi xuống? Tôi không cho nguyên nhân chỉ là vậy! Đã rất nhiều vụ xả thải được nhân dân làm đơn lên chính quyền địa phương nhưng chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu.

Như vậy, trách nhiệm Nhà nước đang bị một số cán bộ thể hiện đầy tính thiếu trách nhiệm. Mặt khác, có rất nhiều cảnh báo ô nhiễm đã được gửi đến nhân dân song nhân dân vẫn có khá đông thành phần vẫn mang suy nghĩ "sống chết có số", "trời kêu ai nấy dạ". Đến khi biết rõ bệnh tật nhiều khả năng do ô nhiễm sau những vụ việc lớn như cháy thuỷ ngân nhà máy Rạng Đông thì mới cuống cuồng tìm cách đối phó muộn màng.

Nên tôi gọi tình trạng đến thở cũng khó khăn vì ô nhiễm hiện nay chính là một kết quả "công bằng" cho tất cả!

Nghĩ về lòng người

Khẩu trang chống bụi mịn đang được bán rất chạy. Những người đoán trước được xu hướng rất vui vì đơn hàng nào về cũng được tiêu thụ hết. Các đơn hàng cứ lớn dần lên sau mỗi đợt báo chí viết về ô nhiễm bụi mịn đang "tìm cách" lập những đỉnh độc hại mới hơn với chỉ số cao hơn.

Số tiền mua khẩu trang chống bụi mịn ấy sẽ giúp ích gì cho xã hội hay chính các khẩu trang ấy sau sử dụng sẽ tăng thêm lượng rác thải nhựa(?!) (Khẩu trang chống bụi mịn tuyệt đại đa số làm từ vải không dệt và thành phần vải không dệt 100% là nhựa.) Và niềm vui của người bán hàng khẩu trang chống bụi mịn bắt đầu từ nỗi lo lắng, sợ hãi bệnh tật của người mua thể hiện điều gì của xã hội ngoài nỗi bất an?

Tôi thì thấy những khó khăn mới cho an sinh xã hội với việc phải bỏ ra chi phí trang bị thêm khẩu trang chống bụi mịn cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Bụi mịn ngày càng nhiều thì chỉ có các bác sĩ, y tá nhiều việc hơn trong khi hễ nhiều người bệnh hơn thì việc làm và thặng dư xã hội giảm đi. 

Những cái khẩu trang ngày càng che chắn đi khuôn mặt, những đợt gió mang bụi mịn làm con người tiết kiệm hơn lời nói. Giao tiếp xã hội có hình hài sặc sỡ hơn của khẩu trang song lại kiệm lời hơn trong khói bụi há chẳng phải việc quá đáng buồn sao?

Những ngày này khói bụi che kín mặt còn cảm nhận được. Bỗng nghĩ về những công trình nhiều nghìn tỉ nợ lỗ, những công trình gây ô nhiễm đều đồng dạng trả lời của các cấp thẩm quyền: "Đúng quy trình!".

 Lại nghĩ nếu đúng quy trình mà vẫn ô nhiễm, vẫn nợ lỗ gây thiệt hại cho nhân dân thì quy trình ấy có vấn đề gì chăng? Nó tương tự những quy trình khiến cho rừng bị phá, sông ngòi nhận các họng thải và không khí chứa đủ thứ nguồn bụi trong hiện thực cuộc sống; cuối cùng cũng chỉ là "đóng cửa bảo nhau" và nhân dân chịu trận.

Hệ thống chính trị bất kỳ quốc gia nào cũng cần chú ý cảm xúc và an sinh của nhân dân. Thì hệ thống chính trị tại nước ta cũng không thể ngoại lệ. Muốn biết cảm xúc nhân dân thì ngoài chờ các báo cáo cấp dưới thì các chính trị gia nên tìm hiểu trực tiếp từ nhân dân nhiều hơn những cuộc tiếp xúc cử tri hiện hữu. 

Muốn biết cũng dễ thôi mà. Hãy hỏi nhân dân xem nhân dân tự trang bị khẩu trang có phải vì lo lắng cho sức khoẻ của mình hay không? Và hỏi thêm nhân dân có lo lắng về việc đất nước cứ ngày càng ô nhiễm "đúng quy trình!" thì liệu cái quy trình ấy có đúng với pháp luật và lòng dân chưa? Và những ai đó đang ra sức phủ nhận ô nhiễm trong khi máy đo chuẩn Châu Âu lẫn thực tế ô nhiễm mỗi ngày đều cho thấy mức nguy hiểm cao, khiến trong tôi tồn đọng rất nhiều băn khoăn mà không lẽ cứ cãi nhau hoài vậy.

Khẩu trang che mặt là một giải pháp tình thế. Các giải pháp tình thế chỉ mang tính chịu đựng, tính "chữa cháy" mà không có tính dự đoán, dự phòng. Muốn vậy, Quốc hội và Chính phủ phải "siết" những luật hiện hữu về bảo vệ môi trường bằng cách tăng mức phạt gây ô nhiễm lên cao và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hình thái hoạt động bảo vệ môi trường. Trong quá trình ấy, vẫn sẽ có những "bóng dáng sân sau" thao túng dòng tiền quốc khố dành cho môi trường song đó vẫn là một bước đi đúng xu thế.

Đúng xu thế mới có thể tồn tại! Đó là nguyên lý chung của cuộc sống nói chung hay chế độ cai trị và cá nhân cầm quyền nói riêng, trong hoàn cảnh ô nhiễm dày đặc tại nước ta hiện nay. Lần nữa xin góp ý thẳng thắn và chân thành: Hãy hỏi trực tiếp nhân dân về mong muốn và giải pháp môi trường. Tôi tin nhân dân sẽ nói được đầy đủ về hiện thực ô nhiễm và cách giải quyết căn cơ.

Khẩu trang chống bụi mịn có thể che khuôn mặt nhân dân song khẩu trang làm sao che được lòng người? 

Mai Quốc Ấn
.
.