Nuôi chim, chơi chim và thi chim

Thứ Hai, 03/03/2008, 10:00
Có một nơi nuôi chim, chơi chim và thi chim ở ngay Bắc Ninh. Đó là thôn Trác Bút (thị trấn Chờ, Yên Phong). Thật là thú vị được đến đó để gặp và tận mắt chứng kiến nghề chơi đầy khó khăn và lý thú này...

Làm ruộng, nuôi lợn, đi xây và… phóng điểu

Những ngày cuối năm, thôn Trác Bút vẫn yên lặng, thanh bình không có vẻ gì sôi động. Những người mê quan họ đang "sửa giọng" để sang xuân vào hội, tham gia được vui vẻ, thành công hơn. Hỏi người nuôi chim giỏi nhất thôn, ai cũng sẽ chỉ đến nhà ông Mẫn Bá Duy.

Lúc tôi đến, ông Duy đang chăm cho mấy chú lợn để Tết đến xuất chuồng. Biết tôi đến hỏi chuyện về chim bồ câu, ông Duy xăng xái hỏi: "Chú định học nuôi chim hay là mua?". Tôi nói muốn hỏi về Câu lạc bộ Phóng điểu của thôn, ông Duy à lên, cười thân thiện. Vừa pha nước mời khách, ông vừa nói về những chú chim của mình: "Đó, giờ tôi chỉ có 30 con, nếu ấp trứng ra thì hơn nhiều. Phải nuôi từ bây giờ cho đến tháng 4 mới có dự thi".

Ông Duy có dáng người nhỏ thó, rất thân thiện, dù tôi đã nói mình còn ít tuổi nhưng ông vẫn một điều bác, hai điều bác. Hỏi ở cổng thôn, nơi người dân vẫn họp chợ, chỉ để mua và bán mấy thứ lặt vặt trong sinh hoạt hằng ngày, người dân khẳng định rằng, ông Duy là người nuôi chim giỏi nhất thôn, và năm nào thi ông cũng ẵm giải về. Bằng khen, giấy chứng nhận của ông treo đỏ chót cả một gian nhà, đó là chưa kể đến những chiếc từ lâu đã được ông cất đi.

Phải đến khi được "tận mục sở thị" góc nhà ông treo bằng khen, thì tôi thực sự ngỡ ngàng. Ông Duy năm nay 71 tuổi, đã 15 năm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng điểu. Những người tham gia chủ yếu là các ông già, muốn tìm cho mình một thú chơi bổ ích lúc tuổi già.

Đã từ lâu, người dân Trác Bút có truyền thống nuôi chim phục vụ cho những cuộc thi. Những người già khẳng định rằng truyền thống này có từ thời Lý, ban đầu nuôi chim là nhiệm vụ mà người dân nhận được để phục vụ cho việc đưa thư. Sau đó, những người nuôi chim mới phát triển thành thú chơi để so tài huấn luyện: Thi thả cả đàn, đàn nào bay cao, bay đẹp thì ăn giải, nhận giải thưởng, bay thấp thì thua, chẳng nhận được cái gì, đành để mùa thi sau "phục thù".

Người dân quy ước mỗi năm thi vào hai đợt, đó là tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Tháng 4 thì thi đàn 10 con, tháng 8 thi đàn 8 con. Khi tôi hỏi tại sao các cụ không tổ chức thi vào mùa xuân, vào lúc các lễ hội đang rộn ràng, cũng là lúc an nhàn, ông Duy nói rằng: "Vào mùa xuân chim cắt phục kích ở các thôn quê nhiều lắm. Chúng to như chim câu mà hung dữ hơn. Chúng xông vào, đánh tan tác đàn chim câu, thế là hỏng cả. Tháng 4, chim cắt vào rừng thay lông, bầu trời được bình yên, là lúc có thể tổ chức thi bay được".

Thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đối với tốc độ bay và khả năng bay cao của đàn chim. Nếu mà gặp mưa hoặc gió thì không ổn. Gặp trời nắng quá cũng không được, chim nhanh mệt, khát nước, tất nhiên nó phải ngừng bay. Cho nên việc ấn định ngày thi cũng cực kỳ quan trọng cho các "phi đội bay".

Hỏi về việc chấm thi, ông Mẫn Bá Duy cười khà khà: "Chọn những người nhanh mắt, nhìn được cao. Con chim bay lên, trông chúng chỉ như những cái chén nhỏ. Trong các cuộc chơi thì thi chim là khó nhất. Anh nào nóng tính cũng không điều khiển nổi lũ chim khi ra hội đâu. Lại nữa, người trong ban giám khảo cũng phải là người công bằng, không thiên vị".

Người có đàn chim "tuyệt tác" nữa là ông Lê Văn Tiến, quyền Phó trưởng phường chơi chim ở thôn Trác Bút. Một người có nước da hồng hào, tươi tắn và dáng đi nhanh nhẹn. Ông là người rất công phu khi làm "bãi đáp" cho những chú chim của mình, đó là để cho chúng được ở trong những chiếc chuồng xinh xắn. Theo ông, để đàn chim khỏe mạnh, bay cao và giật được giải cao thì trước hết, người nuôi phải chăm chút chúng, coi trọng chúng.

Chim câu định hướng rất giỏi, chúng có thể bay đi bay về trong vòng 15 cây số. Nhiều khi, cũng bị mất trên đường bay do nắng hoặc gặp mưa bất ngờ. Thi thoảng cũng có con tìm về nhà được. Ông Duy là người đã tìm lại được con chim đã thất lạc hai năm. Nó già xơ xác do thiếu bàn tay chăm sóc của ông, nhưng ánh mắt nó, đôi chân nó ông nhận ra ngay đúng là của mình.

Trác Bút là một thôn có kinh tế khá. Ngoài đồng ruộng thì họ có những cơ sở ở xung quanh để làm thuê như đi làm mộc, xây dựng, may mặc… Việc nuôi và chăm sóc đàn chim không làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình họ, bởi họ biết cách bố trí thời gian. Làm xong nhiệm vụ của gia đình rồi mới chơi chim.

Chỉ trừ số ít người đêm ngày bỏ bễ, chỉ sa vào việc mua bán, huấn luyện nên làm vợ con khó chịu. Như anh Nên có lần đang đi tìm chim để đem về huấn luyện thì bị vợ "kéo tai" vì đã bỏ nhà đi đến hai hôm. Còn các bà vợ phải sai con đi gọi chồng vì bỏ cơm nhà cũng… tương đối nhiều. Bản thân ông Mẫn Bá Duy hiện nay vẫn duy trì cái thói quen nuôi lợn, vì giờ ở nhà, ông chỉ chăm sóc lợn, đàn chim và vài sào ruộng cùng với bà xã.--PageBreak--

Công phu một nghề chơi

Nghề chơi nào cũng khiến người chơi phải lao tâm khổ tứ. Có một nhà báo từ Hà Nội về, hỏi han chuyện nuôi chim và thi chim bồ câu, ông Lê Văn Tiến thực sự rất vui mừng. Những điều tôi hỏi ông nói cho hết, nhưng ông bắt tôi phải hứa là chuyện nào ông bảo bí mật thì phải giữ.

Ông Tiến nói rằng chơi chim là để khẳng định tinh thần đoàn kết, vì mối quan hệ, tình nghĩa chứ không phải vì tiền. Các cụ trong câu lạc bộ cũng khẳng định vậy. Nhưng không ít người đã tỏ thái độ ghen tị khi mình thua còn người khác thắng. Những chuyện tiêu cực này vẫn thường xảy ra.

Tôi hỏi: "Đây đúng là thú chơi rất vương giả?". Ông Tiến lắc đầu nói: "Vương giả gì đâu, là người ta thích, người ta tặng cho như thế. Chúng tôi là những người nông dân, thú thực chỉ muốn có một sân chơi lành mạnh, vừa rèn trí vừa rèn lại cái chữ Nhẫn khi mà đất nước ta đã độc lập và đang phát triển".

Truyền thống nuôi chim ở Trác Bút bị đứt đoạn trong chiến tranh chống Mỹ. Đến năm 1974 thì được khôi phục lại. Các ông Mẫn Bá Duy, ông Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Doanh và nhiều cụ trong thôn muốn ôn lại truyền thống này. Thoát khỏi đói nghèo, các ông có thời gian để chăm lo cho đàn chim và tổ chức thi lại.

Nhìn không quen thì chú chim nào cũng có vẻ giống nhau, người mắt tinh và sành mới thấy điểm khác. Nuôi chim thịt khác, nuôi chim để thi khác. Bí quyết được các ông giữ bí mật, không truyền ra ngoài. Những bí quyết đó cũng là do kinh nghiệm nhiều năm mà có được, các cụ đi trước chỉ truyền lại cho con cháu trong nhà.

Chọn giống chim nuôi đi thi phải đảm bảo những yếu tố rất khe khắt. Chim đi thi không được quá béo. Chúng có thân nhỏ, ngực không đổ ra phía trước, cánh dài, mũi khép, cầm nó trên tay chân quặp lại, đuôi cụp xuống, chắc chắn là chịu bay. Còn con nào ngực đổ, mũi hở, mỏ thẳng, trán dô là kém bay. Chúng được cho ăn bằng gạo tẻ hoặc gạo nếp. Những ngày chuẩn bị thi đấu thì luôn được chén gạo nếp.

Trong đàn, sẽ có hai con đứng đầu để dẫn dắt cả phi đội. Người nuôi luyện cho chúng bay trên nóc nhà, dùng sào xua chúng lên mái. Khi quen rồi sẽ xua chúng lên cao dần. Cả đàn lúc nào cũng phải bay cùng nhau thành một khối không tách rời. Người luyện chim còn luyện cách làm sao cho khi lao ra ngoài, hai con đầu đàn bay ra trước, những con còn lại sẽ bay theo, lao vút lên trời.

Dáng bay của cả đàn phải đều nhau, tạo được cái đẹp ngay từ đầu. Nếu lúc đầu đã bay rời rạc, người giám khảo sẽ chẳng thèm quan sát nữa, đánh thua ngay tức khắc.

Về những khó khăn của việc huấn luyện, ông Lê Văn Tiến cho biết thêm: "Đàn chim bay đẹp cũng giống như người con gái đẹp. Nó bay khéo từ nhịp vỗ đến cự ly đồng đều, rất nhịp nhàng. Việc ghép cho chúng vào đàn là rất khó. Tuy cùng bố mẹ đẻ ra nhưng không phải con nào cũng bay hay. Chẳng may chọn phải con bay kém dẫn đầu, nó dắt cả đàn bay về nhà là hỏng cuộc thi. Nên khi ghép phải có khoa học. Loài chim cũng cần phải có tông có giống. Con nào cần cù chịu khó thì cho đi hội thi. Nếu là con nghịch ngợm, nó rất hay múa máy, người ta có cách chữa là rút cổ nó cho khớp kêu "cộc" một cái, thả vào lồng là được".

Vì cuộc thi rất khắt khe. Với số lượng mấy trăm đàn chỉ chọn ra 3 đàn là nhất, nhì, ba. Mỗi đàn phải chọi hơn một trăm. Nên không phải cứ muốn là thắng. Và đã có bao nhiêu ông chủ chim phải chưng hửng, buồn bã vì thua cuộc. Rất nhiều những cuộc thi đấu hoành tráng được tổ chức. Có những cuộc thi thu hút đến 500 lồng chim. Số lượng mỗi lồng lại nhân lên, đến mấy ngàn con. Lúc vào cuộc, chim câu sẽ bay che kín cả một khoảng trời.

Các phường chim chọn giải vào tháng 4 là giải lớn để đọ tài với nhau. Phường chim của Trác Bút đi thi trong tỉnh, ngoài tỉnh nhiều như Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tây… Người Trác Bút đã đi thi là sẽ giành nhiều giải thưởng. Người dân tự hào là mình có truyền thống lâu đời, có cách huấn luyện những chú chim.

Tuy nhiên, trong mỗi cuộc thi cũng cần phải nói đến yếu tố may rủi. Một lồng chim có thể đã được huấn luyện bài bản, nhưng không may lúc thi một chú chim nào đó bỗng dở chứng khó bảo, lách ra khỏi đàn, thế là thua. Hay một cơn gió bất ngờ ập tới, làm mất tốc độ và phương hướng của đàn chim, cũng dẫn đến thua cuộc.

Chú chim nào tốt, giật được giải sẽ lại được chăm sóc, để sản sinh ra thế hệ chim tiếp theo. Bởi vì chúng đại diện cho hoà bình. Thi chim là phải thi trong không khí vui vẻ, hoà bình. Người ta có thể gian lận này nọ, nhưng chẳng thể gian lận ở những cuộc thi chim. Bởi vì, những chú chim thắng cuộc phải là những chú khỏe, bay cao, đẹp.

Ước mơ của người nuôi và thi, còn cao hơn cả chiều cao mà chúng bay được. Đó là tâm nguyện. Ai đi thi cũng mong mình chiến thắng. Nuôi chim thời gian dài mà chỉ dùng trong chốc lát, bằng tất cả sự kỳ công, sự say mê. Biết được điều đó nên những người vợ ở Trác Bút cũng ủng hộ cho thú vui của chồng, con.

Mỗi cuộc thi đến, họ hồi hộp chờ đợi tin chiến thắng. Nếu chiến thắng thì họ giết gà ăn mừng. Bà Mẫn Thị Vân, vợ ông Mẫn Bá Duy là người phụ nữ cả đời chứng kiến niềm say mê của chồng, rồi đến của con. Giờ cũng đến tuổi bảy mươi, bà biết rằng vì đam mê mà có lúc ông nhà vất vả quá. Bà sốt ruột, nhưng chẳng thể cấm cản được ông. Bà đành phải chiều, rồi ngày nào đó ông Duy ở hội thi chim về, mang theo giải, bà rất đỗi vui mừng.

Có thi thì có thắng có thua. Có nuôi thì có mất mát. Mà con người thì luôn luôn xúc động trước những khó khăn của mình. Vì thế mà có cả nước mắt ở đây. Điều này xảy ra đối với những người vất vả mà chẳng bao giờ đoạt giải, chịu sự chê cười của người khác, sự chán nản của người thân.

Tôi có thể tưởng tượng được thời gian mà những vị lão thành ở Trác Bút bỏ ra để chọn, huấn luyện, nuôi cho những chú chim trưởng thành, giật được giải, mang vinh quang về cho dòng họ, cho chủ nhân. Bởi vì có những dòng họ đã tự tổ chức cả cuộc thi riêng của mình, rồi đem đàn chim xuất sắc nhất đi thi với những dòng họ khác, hội chim khác.

Đôi khi, đàn chim còn gánh vác trách nhiệm và cả sự vinh nhục của một dòng họ. Và những người như ông Duy, ông Tiến, sẽ còn phải mất ăn mất ngủ, gầy hốc hác vì huấn luyện chim để mãi mãi khẳng định thương hiệu của mình, cho xứng là những "đại gia" không bao giờ bị mất thương hiệu. Đường bay của cánh chim cũng thật lớn lao thay

Diên Khánh
.
.