Nước lớn, nước nhỏ và trật tự thế giới mới

Thứ Tư, 10/10/2018, 15:25
Thế giới luôn vận hành và một trật tự thế giới mới ra đời thay thế cho cái cũ kỹ, lạc hậu là đương nhiên. Nhưng trật tự ấy cần dựa trên các quy tắc, luật lệ. Chưa bao giờ tại một kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, các nguyên thủ lại nhắc tới điều này nhiều như thế.


“Những cam kết đổi mới hướng tới trật tự thế giới cần phải dựa trên các quy tắc”, đây là điều được chính Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định.

1. Phải chăng thế giới đã đến lúc cần có một trật tự mới? Hay những biến động vừa qua chỉ là nhất thời? Theo mô tả của tờ Les Echos, chúng ta đang sống trong “một thế giới lạ thường”. Les Echos khẳng định không có giải pháp đơn giản cho một tình thế phức tạp.

Có phải bây giờ là thời của sức mạnh chứ không còn là thời của ngoại giao, khi mà vũ lực thô bạo được ưu tiên sử dụng? Theo nhận định của Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, sự cân bằng về sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế... đang có những biến đổi. Các nước phương Tây, mà Mỹ với vai trò dẫn đầu đang biến đổi mạnh mẽ, khiến thế giới cùng thay đổi theo.

Những đánh giá ban đầu được giới chuyên gia đưa ra cho thấy, hành động đơn phương quyết định phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới hay cách Mỹ cấm vận những đối thủ của mình khắp thế giới và một cuộc chiến kinh tế, thương mại... đang diễn ra để chống lại các cường quốc đang nổi, nhằm giành lại ngôi vị bá chủ, đang khiến thế giới đảo lộn.

Tổng thống Mỹ phát biểu tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73.

2. Tư duy về cách sử dụng “quyền lực kiểu mới” cho dù thế nào cũng sẽ cực kỳ nguy hiểm cho nhân loại, khiến thế giới bước vào thời kỳ nguy hiểm. 

Theo các chuyên gia, những cường quốc trên thế giới ngày nay thay vì đối đầu, nên tập trung vào việc tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế thông qua đối thoại; mở lại các kênh giao tiếp giữa các lực lượng quân đội; xây dựng một hệ thống quốc tế cân bằng hơn, trong đó các cường quốc sẽ ngăn cản nhau nhưng vẫn hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Còn các nước nhỏ hơn sẽ được tự do phát triển tùy thuộc vào chính trị, văn hóa và kinh tế mang đặc sắc của riêng họ. Trật tự hợp lý nhất, một hệ thống mới hợp lý nhất là một trật tự được các bên cùng nhau xây dựng.

Nhìn vào thực tế thấy rõ, không có nước lớn thì sẽ không có trật tự khu vực và trật tự quốc tế mạnh mẽ. Một nước được gọi là nước lớn, không chỉ vì thực lực của quốc gia này trong tất cả các lĩnh vực (bao gồm kinh tế, quân sự...), mà còn bởi ý nguyện mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực và thế giới.

Bản thân trật tự khu vực và quốc tế chính là nhân tố tích cực và các nước lớn đương nhiên là đóng góp nhân tố tích cực này nhiều hơn so với các nước nhỏ. Và với logic như vậy, một nước lớn nếu không hành xử chuẩn mực sẽ là sự đe dọa với nước nhỏ.

3. Trong vòng 2 năm qua, cách hành xử của một số nước lớn muốn thực thi bảo hộ mậu dịch hay cố xúy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang đi ngược lại xu thế chung của toàn thế giới xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, các nguyên tắc. 

Tư tưởng bảo hộ đang từng bước thắng thế rõ ràng khiến các nước nhỏ có lý do để lo lắng. Các nước nhỏ sẽ không thể tồn tại trong một thế giới không có trật tự dựa trên luật lệ.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73 rằng: Cần có sự hiệp lực của tất cả. Việc tất cả các nước tuân thủ những luật lệ đã được nhất trí không chỉ đóng vai trò thiết yếu đối với sự ổn định và quản trị trên toàn cầu, mà còn đặc biệt quan trọng đối với các nước nhỏ.

“Nguyên tắc các thỏa thuận được tôn trọng và thực thi là nền tảng cho sự tồn tại của chúng ta. Không có pháp trị, kẻ mạnh làm những gì họ muốn và kẻ yếu phải chịu đựng. Các nước nhỏ như Singapore sẽ không thể tồn tại trong một thế giới như vậy”, ông Balakrishnan nhấn mạnh.

Những lời “gan ruột” của Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cũng là quan điểm chung của nhiều nước nhỏ, nhất là khi tình trạng chủ nghĩa đa phương đang suy yếu.

“Chủ nghĩa đa phương đang ở giao điểm. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng lòng tin đối với khái niệm chủ nghĩa đa phương và các thể chế của nó. Dù trong thương mại, an ninh hay giải quyết tranh chấp, đều nảy sinh những nghi ngờ liệu hệ thống đa phương có thể tiếp tục mang lại những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề của chúng ta hay không”, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan nói.

4. George Friedman, một chuyên gia địa chính trị nổi tiếng của Mỹ nhận định rằng khi phương Tây bị chia rẽ vì chính sách bảo hộ mậu dịch và tư tưởng dân tộc cực đoan, dân túy,... tất yếu trật tự thế giới mới sẽ “ló dạng”.

Trật tự thế giới mới lấy chủ nghĩa đa phương là giải pháp khả thi duy nhất cho những thách thức mà nhân loại đang phải đối diện và chỉ có sự đoàn kết giữa các quốc gia mới có thể đem lại một thế giới hòa bình hơn, công bằng hơn và phát triển bền vững. Đây cũng chính là thông điệp xuyên suốt các phiên họp, các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ và bên lề kỳ họp cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp với những xu hướng mới đan xen cả thuận lợi lẫn thách thức khó lường và phức tạp, cùng những mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan, ly khai, dân túy hay tác động của những hành động đơn phương, của sự mâu thuẫn và chia rẽ, thông điệp trên tại kỳ họp này trở nên đặc biệt có ý nghĩa.

Nhiều phát biểu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đều có chung nội dung nhận định rằng tương lai của thế giới nằm ở sự đoàn kết giữa các quốc gia.

Thông điệp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: “Tôi không chấp nhận sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và không chấp nhận lịch sử của chúng ta bị chia tách”. 

Sáng kiến đơn phương sẽ không giải quyết được các cuộc xung đột. Nếu không có hợp tác đa phương, các cuộc chiến tranh trên toàn cầu sẽ lại xảy ra và “chủ nghĩa dân tộc chỉ dẫn đến thất bại”.

Tổng thống Pháp hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới phản đối “luật của kẻ mạnh”, cho rằng điều này “không bảo vệ được bất cứ ai”. “Chỉ có chung tay, chúng ta mới có thể đảm bảo chủ quyền và bình đẳng cho những người dân mà chúng ta đại diện”.

Còn người đứng đầu Chính phủ Anh, một cường quốc tuy đang chuẩn bị rời khỏi ngôi nhà chung Liên minh châu Âu, nhưng Thủ tướng Theresa May cũng vẫn hiểu giá trị của sự hợp tác khi bà khẳng định: Chăm lo cho công dân của nước mình không thể đồng nghĩa với việc từ bỏ hợp tác toàn cầu cùng những giá trị, quy định và lý tưởng làm nên điều này.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutter thì nhấn mạnh không hề có sự xung đột giữa chủ nghĩa đa phương và lợi ích quốc gia, đồng thời, ông bày tỏ sự tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương mang tính xây dựng.

Nhóm nhạc nổi tiếng BTS (Hàn Quốc), được mời đến với tư cách đại sứ thiện chí của UNICEF, phát biểu tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73.

5. Tất cả những phát biểu trên là ví dụ sống động cho thấy, không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay. 

Cần có sự nỗ lực và chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh, tới vai trò quan trọng hàng đầu của Liên Hiệp Quốc mới có thể giải quyết các vấn đề chung. Thể hiện trách nhiệm toàn cầu cũng chính là cách để mỗi quốc gia khẳng định vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế.

Mối quan tâm và trách nhiệm của các nước đối với những thách thức chung toàn cầu đang cho thấy một sự chuyển biến lớn: trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, mối tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng ngày càng chặt chẽ, chia sẻ nhiều lợi ích chung, đồng thời, phải đối mặt với những mối đe dọa giống nhau, chính vì thế, đi ngược xu thế này, không cùng phối hợp hành động, tất yếu sẽ thất bại.

Các nhà lãnh đạo cho rằng, phải thúc đẩy toàn cầu hóa. Đây là cách thức vận hành của một thế giới hướng tới sự phát triển cân bằng, bình đẳng và có lợi cho tất cả các bên; trong đó bảo vệ chủ nghĩa hợp tác đa phương và hệ thống quốc tế lấy Liên Hiệp Quốc làm trung tâm như hiện nay; xây dựng một hình thái mới các mối quan hệ quốc tế đề cao sự tôn trọng, công bằng, luật pháp, việc hợp tác và lợi ích của mỗi bên.

6. Những hành động như sử dụng trừng phạt, áp đặt thuế quan làm công cụ chính trị đều bị phản đối. Những diễn biến, dấu hiệu về thay đổi nhanh chóng của trật tự quốc tế đang hình thành theo hướng tiêu cực. 

Nếu không ngăn chặn những hành động tương tự, chúng ta đang ở vào đêm trước cuộc biến động của thế giới. Và nếu biến động xảy ra, trật tự thế giới và tính chất mối quan hệ quốc tế trong những năm còn lại của thế kỷ 21 sẽ biến đổi khôn lường.

Phúc Vinh
.
.