Nước Nga, mùa xuân 1918

Thứ Tư, 03/03/2021, 15:13
Có lẽ không có gì là quá lời nếu gọi việc chính quyền Bolshevik do lãnh tụ Lenin lãnh đạo bảo vệ được sự tồn vong của chính mình, ngay sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, là một kỳ tích.

Từ mùa xuân đến mùa hè năm 1918, những người Bolshevik đã bị đẩy lùi đến sát tận bờ vực thẳm. Song, bằng tất cả những gì có thể, họ đã trụ vững, và đã phản công thắng lợi, bảo toàn được những thành quả mong manh vừa giành được sau "mười ngày rung chuyển thế giới".

Bốn phía là kẻ thù

Đó là một giai đoạn lịch sử ít còn được nhắc đến. Tuy nhiên, chỉ cần lướt qua vài dòng sơ lược, bất cứ ai cũng có thể hình dung được tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" mà chính quyền Xôviết phải đối diện trong những ngày đầu năm 1918 ấy.

Nói một cách ngắn gọn, đến mùa hè năm ấy, ba phần tư lãnh thổ nước Nga Xôviết non trẻ đã rơi vào tay các lực lượng thù địch, bao gồm cả các trung tâm nguyên liệu, nhiên liệu và vùng cung cấp lương thực chính. Giao thông đình trệ, nhân dân đói rét, bệnh tật và loạn lạc xảy ra khắp nơi. Đến ngày 30-8-1918, thậm chí các thành phần chống đối còn tổ chức được một vụ ám sát Lenin, nhưng thất bại.

Kể từ đầu năm 1918 ấy, hay đúng hơn là ngay sau Cách mạng Tháng 10 năm 1917, những tàn dư của chế độ cũ vừa bị lật đổ vẫn còn vô cùng hùng mạnh đã kịp tung ra những đòn đánh tối tăm mặt mũi vào chính quyền non trẻ, khi họ còn chưa đủ điều kiện cũng như thời gian kiểm soát lãnh thổ bao la của nước Nga.

Ngày 15-1-1918, Hồng quân Công nông, với tên gọi ban đầu là Cận vệ đỏ, được thành lập. Hai tuần sau, ngày 29-1-1918, Hải quân Công nông mới được thành lập. Thành lập, nhưng trong tay hầu như chẳng có gì, khi hầu hết các đơn vị quân đội cũ của nước Nga Sa hoàng vẫn nằm dưới quyền khống chế của các tướng lĩnh Bạch vệ.

Lực lượng này bao gồm các nhóm quý tộc cũ, và cả các sĩ quan cao cấp - những người bị Cách mạng Tháng Mười tước bỏ hết mọi đặc quyền giai cấp, từ địa vị tới điền trang thái ấp. Ủng hộ họ hết mình là Giáo hội Chính thống giáo Nga, bởi Cách mạng Tháng Mười cũng hạn chế rất nhiều đặc quyền đặc lợi của tầng lớp tăng lữ. Bên cạnh họ là những đảng phái khác nữa, bao gồm cả "những người anh em thù hận" Menshevik - vốn thoát thai từ cùng một cơ sở lý luận, cùng hướng đến những đối tượng tương đồng, cùng có những cơ sở quần chúng tương tự trong giai cấp vô sản, nhưng xung đột về quan điểm và phương thức đấu tranh.

Bằng một sự kiên cường kỳ diệu, Hồng quân Công nông đã đứng vững.

Một bộ phận nông dân Nga mộ đạo, và cả các dân tộc thiểu số du mục muốn độc lập sau khi Đế quốc Nga Sa hoàng sụp đổ, hoặc có quyền lợi gắn liền với chế độ Nga Sa hoàng - tiêu biểu như người Cossack - cũng chống đối Cách mạng Tháng Mười.

Sau lưng những lực lượng ấy, từ bên ngoài, các cường quốc phương Tây -  Anh, Pháp, Mỹ và thêm cả Nhật Bản - không công nhận chính quyền Xôviết. Ngay từ cuối tháng 11-1917, do lo sợ những ảnh hưởng rộng lớn của Cách mạng Tháng Mười, cũng như muốn xâu xé lãnh thổ Nga, họ đã họp tại Paris để bàn thảo kế hoạch hỗ trợ quân Bạch vệ,  đồng thời sẵn sàng đích thân tham chiến.

Một cuộc "Thập tự chinh chống cộng" đã bắt đầu như thế. Tháng 3-1918, quân Anh - Pháp - Mỹ đổ bộ lên cảng Murmansk, rồi tiến về Archalgels, hướng thẳng tới Moskva cũng như "thủ đô cách mạng" Petrograd. Tháng 4-1918, miền cực đông nước Nga rung chuyển khi quân Nhật chiếm cảng Vladivostock.

Cùng lúc đó, hàng loạt tướng tá Đế quốc Nga cũ cũng tấn công mạnh mẽ. Kolchak, Kornilov, Yudenich, Denikin, Wrangel, Krasnov… mỗi người một cánh quân, tiến đánh từ cả bốn hướng, lật đổ các chính quyền Xôviết địa phương, lấy lại những tài sản đã bị Cách Mạng tháng Mười tịch thu và chia cho giai cấp công nông. So với Hồng quân Công nông, quân Bạch vệ kém hơn về số lượng, nhưng hoàn toàn vượt trội về vũ khí, kỹ năng chiến đấu và giá trị tác chiến.

Tổ quốc trên hết

Vậy thì, trong vòng vây tưởng chừng không lối thoát đó, đâu là yếu tố then chốt giúp Hồng quân Công nông trụ vững, và giúp chính quyền Xôviết tạo nên phép màu, để chỉ chưa đầy 30 năm sau, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô) đã thực sự trở thành một cực, lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới?

Lần lượt, theo giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, nước Nga Xô viết thoát khỏi tình trạng "sinh tử" bởi rất nhiều yếu tố. Đầu tiên và không gì khác, đó là sự kiên định về lập trường của các nhà lãnh đạo, dẫn đầu là Lenin. Nhờ sự kiên định ấy, kể cả trong bối cảnh vô cùng ngặt nghèo, những người Bolshevik vẫn không ngã lòng, mà tiếp tục chiến đấu cũng như tiếp tục tìm kiếm được những phương thức "hồi sinh". Áp dụng các biện pháp thời chiến khắc nghiệt đến thậm chí là sắt máu, chính quyền Xôviết củng cố được đội ngũ, và Hồng quân Công nông của họ cũng nhanh chóng lớn mạnh, với hơn 1 triệu binh sĩ.

Yếu tố chính trị là điểm quyết định, bởi khi Hồng quân Công nông chiến đấu vì những lợi ích thiết thân của mình, tiêu biểu là để bảo vệ ruộng đất mà họ được trao bởi Cách mạng tháng Mười, thì những người lính xuất thân bần hàn bên phía Bạch vệ lại cũng dao động vì chính điều đó. Khác với quý tộc hay sĩ quan, họ không có nhiều quyền lợi bị tước đoạt, và chính sĩ quan hay quý tộc lại cũng không thể hứa hẹn trao cho họ những gì mà Hồng quân Công nông được hưởng. Họ chiến đấu vì những lý tưởng không hề rõ ràng, và bởi vậy, tinh thần chiến đấu cũng không đạt được mức cao như những người Nga anh em bên kia chiến tuyến.

Thêm vào đó, chính các tướng lĩnh đầu não của Bạch vệ, dù chung một màu cờ (màu trắng hoàng gia Nga Sa hoàng), lại xung khắc lẫn nhau về quan điểm, chưa kể đến sự phức tạp nói chung trong tất cả những lực lượng chống đối. Người muốn khôi phục nền quân chủ chuyên chế, như nước Nga cũ. Kẻ muốn thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, theo kiểu Anh hay Nhật Bản. Có nhóm muốn cát cứ ly khai. Có nhóm lại chỉ xung trận vì niềm tin tôn giáo hay quyền lợi hạn hẹp của bộ tộc. Có nhóm muốn xây dựng nước Nga theo hướng Cộng hòa nghị viện, theo kiểu Pháp. Có cả những nhóm du mục thiểu số chỉ muốn nhân loạn mà cướp bóc.

Những người lính xuất thân từ giai cấp nông nô.

Với các lực lượng nước ngoài tham chiến, những giá trị lại càng trở nên mơ hồ. Vừa trải qua Đệ nhất Thế chiến, quân Anh - Pháp - Mỹ và cả những quốc gia vệ tinh như Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania… đều đã khá mệt mỏi. Họ cũng không thể hình dung được là chính quyền Nga Xôviết lại kiên cường đến mức "lì lợm" đến vậy.

Tổng thể, dù kiểm soát đến ba phần tư lãnh thổ, những kẻ thù của Hồng quân Công nông vẫn chỉ là một bó đũa rời rạc, không có sự điều phối chung, không có sức mạnh gắn kết, cũng không đủ động lực để duy trì sức chiến đấu trong một thời gian dài.

Và trên hết, sự xuất hiện của các lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ Nga đã trở thành một thứ "tử huyệt". Nó hoàn toàn giống sự xâm lược, và nó biến các đoàn quân Bạch vệ thành những kẻ phản quốc, trong mắt đông đảo quần chúng. Nhân dân Nga sẵn lòng tòng quân, sẵn lòng đáp ứng kỷ luật thời chiến, sẵn lòng đáp lại lời kêu gọi của những người Bolshevik, để đánh đuổi các lực lượng ngoại bang ấy.

Vậy nên, chỉ sau một năm, mọi chuyện đã khác. Đến năm 1919, Hồng quân bẻ gãy từng hướng tấn công của Bạch vệ, tiêu diệt từng cánh quân, bắt Kolchak ở phía đông, đánh bại Yudenich ở phía tây, đuổi Denikin ở phía nam, chặn đứng và đẩy lùi mọi lực lượng ngoại bang trên các hướng.

Cả Bạch vệ lẫn các đội quân nước ngoài không bao giờ còn đủ sức phản kích nữa sau năm 1919 bản lề đó. Năm 1920, Nội chiến Nga kết thúc, với thắng lợi rực rỡ thuộc về Hồng quân - điều không mấy ai có thể hình dung, trong vòng vây quân thù hai năm trước đó…

* Sắc lệnh về ruộng đất được chính quyền Xôviết ban hành có những đoạn: "Nay hủy bỏ ngay lập tức và không có bồi thường quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ", và "Các điền trang của địa chủ cũng như những ruộng đất của các thái ấp, của các nhà tu và giáo hội với toàn bộ gia súc và nông cụ, tất cả những kiến trúc và nhà cửa phụ thuộc đều giao cho các ủy ban ruộng đất của tổng và các Xôviết đại biểu nông dân huyện xử lý...". Đó chính là yếu tố cốt lõi để duy trì, củng cố và phát huy tinh thần chiến đấu của Hồng quân Công nông - những đứa con của tầng lớp vô sản đông đảo nhất nhưng cũng ít quyền lợi nhất dưới thời Nga Sa hoàng.

* Khi thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự với mục tiêu 3 triệu binh sĩ cho Hồng quân Công nông, những người Bolshevik có một ưu thế: họ kiểm soát được những vùng đông dân nhất nước. Vì thế, quân số tăng nhanh chóng: từ 50 vạn (trước mùa hè 1918), đến tháng 9-1919 đã là 3,5 triệu, "vượt chỉ tiêu". Cuối năm 1920 còn đông hơn: 5,3 triệu. Đoàn quân này được chỉ huy bởi không ít sĩ quan dày dạn kinh nghiệm của quân đội Nga Sa hoàng, như các Voroshilov, Budionyi hay Frunze…

Đông Quân
.
.