Donald Trump được chọn là vị Tổng thống thứ 45:

Nước Mỹ chờ một trang mới

Thứ Năm, 10/11/2016, 16:42
Cuộc đua kịch tính vào Nhà Trắng đã chính thức kết thúc với chiến thắng phút chót thuộc về ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump – người đã đánh bại ứng viên Dân chủ Hillary Clinton để đưa đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump tự nhận mình là nhà lãnh đạo duy nhất có thể bảo vệ nước Mỹ và chấn chỉnh nền kinh tế héo hắt trong tương lai. Giờ đây, khi chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump sẽ phải thực hiện lời hứa của mình, đưa nước Mỹ sẽ bước vào con đường đột phá với hàng loạt chính sách “ngoạn mục” vô tiền khoáng hậu cực kỳ khác biệt.

Ngày 20-1-2017, Tổng thống Donald Trump sẽ kế thừa di sản của ông Barack Obama. Tuy nhiên, vị tổng thống thứ 45 sẽ lãnh đạo một nước Mỹ đang đầy hoài nghi dưới các chính sách của người tiền nhiệm Obama. Bên cạnh đó, tân Tổng thống sẽ phải bắt đầu bằng việc quyết định liệu Mỹ có nên tiếp tục duy trì một trật tự đã có 70 năm tuổi hay không.

Những thách thức mới

Ngày 9-11-2016 (giờ Hà Nội), ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, tiếp quản chiếc ghế quyền lực nhất tại Nhà Trắng. Đây được coi là chiến thắng lịch sử bởi lần đầu tiên trên chính trường Mỹ, một tỷ phú chưa từng làm chính trị đã đánh bại một cựu Ngoại trưởng dày dạn kinh nghiệm và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cử tri.

Chiến thắng sít sao đã đưa Donald Trump lên đỉnh cao. Rất nhanh chóng, Tổng thống Donald Trump sẽ cân nhắc lựa chọn những “người bạn đồng hành” vốn rất thân thiết vào chính quyền của mình, đơn cử như cựu Giám đốc của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Michael Flynn - một cố vấn có tiếng luôn hộ tống ông Trump tới các buổi họp báo phục vụ cho tranh cử. 

Ngoài ra, còn có các cựu quan chức thuộc đảng Cộng hòa, những người từng ngồi trên băng ghế dự bị đang là hy vọng định hình tư duy của Tổng thống Trump.

Trên thực tế, tính cách của ông Trump có thể là yếu tố dự báo tốt nhất cho chính sách đối ngoại, theo kiểu “mọi thứ đều có thể thương lượng”. 

Nhà Trắng đã có chủ nhân mới - tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông luôn đưa ra nhiều tuyên bố cực đoan gây sốc và sau đó ứng biến. Donald Trump khẳng định rằng, Mỹ đã dành quá nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng giải quyết các vấn đề của thế giới; vì vậy, ông sẽ bằng lòng “nhường” lại các vấn đề lộn xộn cho những người khác.

Trước chiến thắng của ông Donald Trump, nhiều người tuyên bố sẽ rời bỏ quê hương. Với họ, vị tân tổng thống không phải chính trị gia thật sự mà “chỉ là sản phẩm của truyền hình thực tế và sự ngây thơ của người Mỹ”.

Việc mà 40 triệu người Mỹ ngưỡng mộ ông Trump là vì họ phân biệt chủng tộc (ghét Obama), thiếu kiến thức (thiếu giáo dục và Trump thu hút những người thiếu giáo dục này) và cảm thấy bị loại ra bên lề về mặt kinh tế. Một số ý kiến chế giễu Donald Trump như một nhân vật trong bi kịch của Shakespeare bởi cái tôi khổng lồ. Theo đó, chế độ dưới thời Tổng thống Trump sẽ thất bại, và tạo nên bi kịch lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Trong bối cảnh này, nhiệm vụ số một của ông là đối phó với “nỗi sợ hãi”. Ông phải bác bỏ những nghi ngờ của cử tri bằng việc cho thấy ông không phải là người dẫn dắt Mỹ vào những cuộc chiến tranh vô lý ở nước ngoài, và rằng ông ấy có một chương trình nghị sự đặt lợi ích của người Mỹ lên trên hết. 

Donald Trump cần thể hiện phẩm chất lạc quan, cùng nỗ lực mong muốn khắc phục các vấn đề quốc gia và khả năng xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ chính quyền.

Những tuyên bố coi thường của ông Trump về các nhà lãnh đạo quân sự và các quân nhân cùng gia đình của họ, cũng như quan điểm liều lĩnh về vũ khí hạt nhân và các quy tắc của chiến tranh là đáng báo động, nhưng những người ủng hộ tin rằng ông sẽ có sự điều chỉnh lại sau khi trở thành tổng thống.

Donald Trump cần hiểu rằng Tổng thống Mỹ nên thận trọng với phát ngôn của mình. Ngoài ra, tân Tổng thống cũng sẽ cần phải đưa ra các quyết định về chính sách quốc phòng và các nguồn lực. Chính sách hạt nhân và hiện đại hóa đang có sự mập mờ. Chính sách về vũ trụ, an ninh mạng và các hệ thống không người lái, đặc biệt là ở dưới nước, cần được đầu tư.

Nước Mỹ cần gì?

Truyền thông nhận định, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa chấm dứt thể hiện sự thiếu văn minh và khác biệt quá lớn: một doanh nhân Cộng hòa đi ngược lại các nguyên tắc truyền thống của xã hội, và một chính trị gia Dân chủ “kiểu mẫu”. Nó phản ánh những vết nứt sâu trong lòng xã hội Mỹ, khiến hình ảnh của cường quốc này bị lu mờ dần.

“Xứ cờ hoa” sau cuộc bầu cử sẽ trở thành một quốc gia bị chia rẽ, chính phủ bị phân liệt giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Không đảng nào được bên kia ủng hộ để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra.

Trong nội bộ mỗi đảng, sự chia rẽ cũng vô cùng phức tạp và sâu sắc. Những bè phái lớn và cực đoan áp đặt ý chí mạnh mẽ lên phần còn lại. Đây mới chính là nhân tố đẩy hai đảng sang hai thái cực đối lập nhau: đảng Dân chủ về cực tả còn đảng Cộng hòa về cực hữu. Điều này khiến cho những người chủ trương ôn hòa ở cả hai đảng khó lòng đạt được bất cứ thỏa hiệp nào.

Chiến thắng của ông Donald Trump sẽ tiếp tục đẩy mâu thuẫn trong chính trị nội bộ Mỹ lên cao hơn nữa. Hầu hết đảng viên Dân chủ, những người vừa “phục hồi” sau cú sốc bà Clinton bại trận, sẽ coi ưu tiên số một là ngăn chặn ông Trump chạy đua tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Khi ấy, tỷ phú New York chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc điều hành chính phủ, trong bối cảnh các kế hoạch của ông vốn bị những người hoạch định chính sách chỉ trích gay gắt.

Có một thực tế rằng, tân Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với những thực tế ảm đạm ở giai đoạn hậu bầu cử. Ông phải chấp nhận áp lực từ việc hòa giải dân tộc, hàn gắn một cường quốc đang hỗn loạn với tầm nhìn “một nước Mỹ mà ở đó ai cũng có chỗ thích hợp”. 

Vị tỷ phú khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của mình, cử tri sẽ vượt lên sự ồn ào và lộn xộn của nền chính trị bị gãy vỡ, để nắm lấy đức tin tuyệt vời và sự lạc quan - vốn là yếu tố trung tâm của tính cách Mỹ.

Bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi khi EU bị chia rẽ và Trung Quốc ngày càng bành trướng sức mạnh.

Cử tri Mỹ thực sự muốn chính quyền mới phải đem lại cho họ niềm tin. 57% người Mỹ tin rằng Mỹ nên “giải quyết những vấn đề riêng của mình” và “để các quốc gia khác tự giải quyết những vấn đề riêng bằng khả năng tốt nhất của họ”. Hơn thế nữa, phần đông người Mỹ còn cho rằng Mỹ không nên “đi theo cách riêng của mình trong các vấn đề quốc tế”.

Họ chờ đợi chính phủ kế nhiệm ít nhất có thể ban hành luật pháp hỗ trợ việc hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng lạc hậu, tiến hành cải cách hệ thống thuế, đặc biệt là giảm thuế cho các doanh nghiệp và tăng thuế đối với người giàu. Họ yêu cầu ông Trump cần quan tâm đến cải cách nhập cư cũng như thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Tân Tổng thống phản đối TPP mặc dù thỏa thuận này có lợi cho kinh tế và vị thế lâu dài của Mỹ trên trường quốc tế. Khó khăn càng gia tăng trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên do chính phủ không cắt giảm chi tiêu.

Trên phạm vi quốc tế, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho tân Tổng thống Donald Trump. Trật tự an ninh và kinh tế mà Mỹ đã thiết lập nên sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị bẻ gãy dưới nhiều áp lực. 

Một châu Âu dân chủ, hòa bình và hội nhập kinh tế - đang đứng bên bờ vực của sự không đoàn kết. Các cuộc di cư lớn từ các nước láng giềng tuyệt vọng đang gây ra căng thẳng chính trị. 

Khi EU bị chia rẽ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ lại đường biên giới ở Ukraine và Gruzia, đe dọa vùng Baltic, điều khiển chính trị châu Âu và Mỹ, và nhắc nhở thế giới về các đặc quyền của mình.

Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington đang loay hoay trước tham vọng tìm kiếm quyền bá chủ khu vực, thậm chí âm mưu điều chỉnh lại trật tự thế giới của Bắc Kinh. 

Trong khi đó, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang định hình lại vị trí của bản thân và mối quan hệ của họ với Mỹ. Và Donald Trump cũng sẽ phải đau đầu đi tìm chính sách “kiên nhẫn chiến lược” trước các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa dưới sự kiểm soát của Triều Tiên.

Rất khó đoán định chính sách đối ngoại dưới thời Trump vì ông không phải là một chính trị gia. Những phát ngôn, tuyên bố của vị tỷ phú về chính sách đối ngoại bị chỉ trích là “mập mờ”, “thiếu hiểu biết” và không khác gì một mớ hỗn độn. 

Một số ý kiến cho rằng, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump nhiều khả năng sẽ lánh xa những đồng minh truyền thống ở châu Âu, châu Á và tách biệt khỏi Trung Đông. Bên cạnh đó, ông Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết với Iran, có thể sẽ đẩy khu vực Trung Đông tới nguy cơ khủng hoảng…

Doãn Anh
.
.