Nước Mỹ chờ đón điều gì trong năm 2015?

Thứ Tư, 21/01/2015, 16:41
Theo một cuộc khảo sát gần đây, nước Mỹ trong năm 2015 sẽ phải đối mặt với những mối nguy hại lớn đe dọa an ninh và ổn định quốc gia. Đây là thách thức không nhỏ với Tổng thống Barack Obama, nhất là trong bối cảnh đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát Lưỡng viện trong hai năm tới.

Năm 2015 cũng nhiều khả năng sẽ chứng kiến “cuộc tái đấu” giữa hai triều đại Bush – Clinton. Trong suốt 20 năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, nước Mỹ nằm dưới sự thống trị thay phiên nhau của hai gia đình Bush và Clinton.

Giờ đây, lịch sử có thể sẽ lặp lại nếu bà Hillary Clinton và Jeb Bush, em trai cựu Tổng thống George W. Bush cùng tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hai chính khách này đã âm thầm chuẩn bị và sẵn sàng cho các chiến dịch vận động sẽ khiến chính trường Mỹ trở nên cực kỳ sôi động.

Những mục tiêu của Tổng thống

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hành động ngăn ngừa thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CPA) ở Washington, 10 ưu tiên ngăn ngừa hàng đầu của Mỹ trong năm 2015 bao gồm: (1) Xung đột ở Iraq do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy; (2) Tấn công khủng bố quy mô lớn ở Mỹ và các nước đồng minh; (3) Tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng; (4) Khủng hoảng tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; (5) Đe dọa mới từ các cuộc không kích quân sự của Israel chống Iran; (6) Leo thang nội chiến tại Syria; (7) Đối đầu vũ trang trên Biển Đông; (8) Bạo lực và bất ổn gia tăng tại Afghanistan; (9) Cuộc chiến ở miền Đông Ukraine; và (10) Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Palestine.

Các chuyên gia ghi nhận trong năm 2015, xung đột ở Iraq liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng có nguy cơ xảy ra cao và gây hậu quả lớn. Những vụ tấn công đẫm máu nhắm vào người Mỹ đã khiến IS từ một nguy cơ được đánh giá là trung bình hồi năm ngoái, trở nên đáng báo động.

Tổng thống Barack Obama dường như đã quyết định tận dụng hai năm cuối nhiệm kỳ để thúc đẩy một số kế hoạch mà ông thực sự có niềm tin.

So với khảo sát năm 2013, khảo sát năm nay đưa ra hai ưu tiên ngăn chặn mới liên quan tới tình hình Nga-Ukraine và căng thẳng leo thang Israel-Palestine. Hai khủng hoảng này có nguy cơ xảy ra rất cao nhưng gây ảnh hưởng vừa phải đối với lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng hạ cấp độ xung đột tại Pakistan và Jordan từ cao xuống trung bình, và loại khỏi top 10, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.

Những nguy cơ trên đây đòi hỏi chính quyền Obama phải đưa ra nhiều đối sách “thông minh và mềm dẻo” để giải quyết triệt để. Quan trọng hơn, Tổng thống muốn tạo điểm tựa, lấy lại quyền lực từ đảng Cộng hòa và giảm thiểu những lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị được dự báo sẽ tăng thêm vào năm 2015.

Trái với tin đồn Tổng thống “mất hứng” làm việc, những động thái gần đây cho thấy ông Obama đã quyết định sẽ tận dụng hai năm cuối nhiệm kỳ để thúc đẩy một số kế hoạch thuộc những lĩnh vực ông có quyền hành động và không cần tới sự phê chuẩn của Quốc hội. Nhà lãnh đạo này đã cho thấy rằng ông có thể làm được nhiều việc để tạo nên “kỷ nguyên Obama” trong năm mới.

Chỉ hai tuần sau khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc, ông Obama đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là ra sắc lệnh nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hàng triệu người nhập cư trái phép có thể hợp pháp hóa thân thế của mình và tiếp tục ở lại Mỹ. Giờ đây, ông lại quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài hàng chục năm nay đối với Cuba và bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước bằng những cuộc đàm phán trong tháng 1/2015.

Thông thường, Tổng thống Obama có nhiều cơ hội để hành động độc lập hơn với chính sách đối ngoại. Một trong những cam kết gần đây nhất của ông Obama là đóng cửa nhà tù Guantanamo dành riêng cho các nghi can khủng bố. Cam kết này vẫn chưa được thực hiện vì nhiều lí do khác nhau, trong đó có sự phản đối của Quốc hội và chưa tìm được quốc gia đồng ý tiếp nhận những tù nhân hiện nay. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn chưa có dấu hiệu sẽ từ bỏ kế hoạch này.

Liên quan đến quan hệ Israel-Palestine, chắc chắn ông Obama cũng muốn làm điều gì đó nhằm để lại dấu ấn. Mặc dù quan hệ giữa chính quyền Obama và Chính phủ Netanyahu có vẻ lạnh nhạt trong thời gian gần đây, nhưng Mỹ vẫn quyết tâm dùng quyền phủ quyết của mình ở Liên Hiệp Quốc để bảo vệ Israel trước những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được đưa ra nhằm công nhận Nhà nước Palestine, lên án Israel vì vấn đề ở Dải Gaza hay chương trình tái định cư. Tuy nhiên, đối với những nghị quyết trong tương lai của Hội đồng Bảo an, Mỹ nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu trắng, tạo điều kiện cho việc thông qua một số vấn đề mà Israel phản đối.

Sự trỗi dậy của tổ chức IS là một trong những nguy cơ lớn mà Mỹ cần ưu tiên ngăn chặn trong năm tới.

Nước Mỹ chờ cuộc tái đấu nảy lửa

Trên trang Twitter cá nhân, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush đã chính thức tuyên bố nguyện vọng tranh cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016, sau khi nhiệm kì của người đương nhiệm Barack Obama kết thúc.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, Jeb Bush hiện là ứng viên được ủng hộ nhiều thứ hai của đảng Cộng hòa, sau Mitt Romney – “bại tướng” của Obama trong cuộc bầu cử năm 2012. Nếu thắng cử, ông sẽ là thành viên thứ ba của dòng họ Bush ngồi vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, sau cha là George H.W. Bush (nhiệm kì 1989-1993) và người anh trai George W. Bush (nhiệm kì 2000-2008).

Nhưng để đạt được điều đó, ông dự kiến sẽ phải đối diện với nhóm bảo thủ ngày càng chiếm số đông trong hàng ngũ nghị sĩ đảng Cộng hòa, cùng với đó là dàn ứng viên “nặng kí” cho vị trí đại diện đảng này tranh cử Tổng thống năm 2016.

Quan điểm ôn hòa của Jeb Bush chủ yếu về cải cách giáo dục và nhập cư có thể sẽ nhận nhiều phản đối từ những người bảo thủ. Tuy nhiên, trong các phiên họp của đảng Cộng hòa, Jeb Bush đang nhận được sự ủng hộ và khích lệ để trở thành người đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016. Ông đã dành rất nhiều thời gian sau khi làm thống đốc để tập trung vào cải cách giáo dục thông qua một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận mà ông làm chủ tịch.

Trước mắt, Jeb Bush sẽ thành lập một ủy ban hành động chính trị vào tháng 1/2015 để đẩy mạnh các cuộc đối thoại với người dân trên khắp nước Mỹ. Ông muốn xây dựng cầu nối đưa ông đến với những người ủng hộ cũng như các nhà tài trợ tiềm năng.

Ngoài ra, ông cũng sẽ đích thân đến nói chuyện với cử tri ở một số bang quan trọng chưa có đảng nào giành được sự ủng hộ rõ rệt như Colorado, Iowa, Nevada, North Carolina, Ohio, Pennsylvania, Wisconsin và Florida về những thách thức lớn nhất đối với Mỹ, các chính sách, tư tưởng cũng như đường lối lãnh đạo nhằm cải thiện đời sống cho tất cả người dân Mỹ.

Liệu thế giới có lại một lần nữa chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai nhà Clinton và Bush?

Đảng Cộng hòa đã xác nhận khả năng, nếu Jeb Bush trở thành ứng cử viên của đảng ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 thì ông chắc chắn sẽ phải đối mặt với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - ứng viên của đảng Dân chủ. Khi ấy, nhiều khả năng thế giới sẽ được chứng kiến chương tiếp theo của cuộc đụng độ kinh điển giữa hai triều đại chính trị đình đám nhất nước Mỹ trong hơn 20 năm qua: Clinton và Bush. Tuy là kì phùng địch thủ trên chính trường, nhưng hai nhà Clinton-Bush có mối quan hệ rất thân mật.

Cựu Tổng thống George W. Bush luôn coi Bill Clinton như một người anh trai, và bà Hillary được coi là “chị dâu” của ông. Thế nhưng, cựu Tổng thống tin rằng Jeb Bush sẽ chiến thắng và triều đại nhà Bush sẽ bước sang một chương hoàn toàn mới.

Trong trận tái đấu Bush-Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được đông đảo giới phân tích đánh giá là ứng cử viên “khó có thể đánh bại”. Chính trị gia 67 tuổi này trước đây tuyên bố cần nghỉ ngơi sau bốn năm làm Ngoại trưởng. Tuy nhiên cuối tháng 10, bà Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Kay Hagan của đảng Dân chủ cùng tham gia chiến dịch vận động tại Charlotte (thuộc bang Carolina Bắc). Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng thực hiện “Hillary Tour” cùng chồng tại bang Louisiana, Carolina Bắc và Arkansas - quê nhà của ông Bill Clinton.

Khi nhắc đến cái tên Hillary Clinton, người ta liên tưởng tới hình ảnh một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống hôn nhân sau vụ bê bối tình dục Monica Lewinsky do chồng bà gây ra khi còn đương nhiệm. Bà đã chứng tỏ tài năng và sự khéo léo của mình không những quân bình được cuộc sống riêng tư mà còn vượt qua để xây dựng cho mình một sự nghiệp hết sức vẻ vang.

Ngoài ra, chiều rộng và chiều sâu kinh nghiệm chính trường của bà Hillary Clinton trong suốt những năm làm Thượng nghị sỹ bang New York hay Ngoại trưởng dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama trở thành rào cản lớn nhất với Jeb Bush.

Theo kết quả thăm dò dư luận tháng 11, bà Hillary Clinton đứng đầu trong các lựa chọn của đảng Dân chủ, chiếm 57% cho ứng cử viên Tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016. Tham vọng của bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chắc chắn sẽ được nhiều người Mỹ ủng hộ, đặc biệt là giới nữ cử tri. Bên cạnh đó, bà nhận được nhiều lời ca tụng từ các thành viên chính phủ cùng thời.

Cặp đôi Obama – Hillary từng làm việc rất ăn ý, và giờ đây Tổng thống đã công khai dành những lời ca tụng cho duy nhất thành viên đảng Dân chủ rằng bà sẽ là “ứng viên đáng gờm” và “một tổng thống tuyệt vời”.

Tuy vậy, trước khi có thể trở thành người đứng đầu Nhà Trắng thì bà Clinton còn phải vượt qua những ứng cử viên khác ngay trong đảng Dân chủ. Bà Clinton có thể sẽ phải thu phục được một số đảng viên Dân chủ cấp tiến bị lôi kéo về phía chủ nghĩa dân tuý kinh tế của “đối thủ đáng gờm” Elizabeth Warren - Thượng nghị sĩ bang Massachusetts.

Việc đảng Cộng hòa đang nắm quyền lập pháp bằng việc kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sẽ tạo ra một tình thế khó khăn, gia tăng mâu thuẫn hai đảng và gây ít nhiều ảnh hưởng nếu Hillary Clinton chính thức tuyên bố tham gia tranh cử…

Lê Nam – Anh Doãn
.
.