Nông thôn Việt Nam và cuộc cách mạng ruộng đất lần thứ ba

Thứ Năm, 26/01/2017, 11:44
Theo tôi, có hai cuộc cách mạng vô cùng hệ trọng đối với người nông dân. Cuộc cách mạng thứ nhất: người nông dân được chia ruộng sau bao nhiêu đời cày thuê cấy mướn. Cuộc cách mạng này đã thay đổi kiếp người lần thứ nhất cho những người nông dân.

Trước năm 1954, những người nông dân làm thuê cho các chủ đất mà chúng ta gọi là địa chủ. Sau khi miền Bắc được giải phóng mang theo cuộc cách mạng ruộng đất lớn. Đất đai không thuộc về những chủ đất trước đó nữa. Nhưng bản chất sâu xa thì người nông dân vẫn chưa thực sự trở thành người chủ sở hữu đất đai của họ. Hợp tác xã được thành lập. Trước kia, đất đai thuộc sở hữu của một cá nhân thì sau này thuộc sở hữu của một tập thể những cá nhân.

Những người nông dân vẫn chỉ là người làm công ăn điểm. Họ không được toàn quyền quyết định hình thức và nội dung sản xuất của họ. Chỉ đến khi khoán quản ra đời thì vai trò tự chủ của người nông dân đối với mảnh đất của họ mới được xác lập một phần. Nhưng việc sở hữu đất đai vẫn chưa thuộc về họ. Và rồi cuộc cách mạng thứ hai đã đến. Người nông dân được toàn quyền quyết định việc canh tác trên thửa ruộng của mình. Giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này còn gọi bằng một cái tên khác: khoán quản.

Hai cuộc cách mạng nói trên là hai cuộc cách mạng về quyền con người. Nhưng bây giờ, họ cần cuộc cách mạng thứ ba. Đó là cuộc cách mạng của tư duy và công nghệ đối với mảnh ruộng của họ. Nếu không có cuộc cách mạng này thì cuộc sống của người nông dân khó có khả năng có những thay đổi lớn lao như một bước ngoặt lịch sử. Và mãi mãi họ cũng chỉ là người “cấy cây lúa nào ăn cây lúa ấy” mà thôi.

Trước kia, cây lúa là sự sống còn của người nông dân. Bởi lúc đó, người nông dân chỉ cần một thứ duy nhất là lương thực. Ngày đó, công thức quan trọng nhất cho bất cứ gia đình nào ở nông thôn Việt Nam là: Gạo + muối + vải = ấm no. Có được công thức đó thì tất cả những người nông dân có thể yên tâm sống.

Nhưng bây giờ, xã hội đã phát triển và nhu cầu cho cuộc sống của một gia đình nông dân của thế kỷ XXI có thể nói là gấp 100 lần nhu cầu cho cuộc cống của họ cách đây nửa thế kỷ. Nhưng thực tế, mảnh ruộng và cây lúa – cây đũa thần trước kia của người nông dân đã bớt đi rất nhiều sức mạnh nếu không muốn nói nó đang trở nên bất lực.

Nếu chỉ trồng lúa với sản lượng như bây giờ thì người nông dân có chịu khó đến đâu, có mưa thuận gió hoà đến đâu, có không phải đóng bất cứ thứ thuế gì thì cũng không thể đổi đời họ được.

Theo khảo sát tạm thời của tôi hiện nay thì mỗi một khẩu ở nông thôn trung bình có 1, 2 sào ruộng để canh tác. Mỗi năm họ cấy hai vụ lúa với sản lượng trung bình là hai tạ/một sào. Mỗi tạ thóc bây giờ có giá là 250.000 đồng. Tuy rằng trong thời gian này, giá thóc đang rất cao. Nhưng giá thóc chỉ cao trong một thời gian không đáng kể. Đến mùa tới, đương nhiên là giá thóc sẽ cân bằng trở lại.

Minh họa: Lê Phương.

Như vậy, mỗi năm bằng trồng lúa, một khẩu sẽ  thu nhập là một triệu đồng. Xen vào hai vụ lúa là một vụ màu (ví dụ là ngô). Sản lượng ngô/1, 2 sào lúc này tính ra tiền xấp xỉ lúa. Như vậy, tổng doanh thu của một người nông dân trong một năm từ lúa và hoa màu trên mảnh ruộng của họ là khoảng 1.400.000 đồng.

Trong khi đó, chi phí cho tất cả các dịch vụ từ cày cấy, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến… chiếm ít nhất 60% tổng doanh thu. Thực thu còn lại của một người nông dân từ việc canh tác trên mảnh ruộng của họ mỗi năm là khoảng 500.000 đồng. Nếu chia ra 12 tháng thì mỗi người nông dân chỉ có khoảng 45.000 đồng cho toàn bộ chi tiêu trong một tháng. Việc cấy lúa trồng ngô của người nông dân hiện nay chỉ là việc lấy công làm lãi mà thôi. Họ đã tìm nhiều cách để thay đổi “bi kịch” này. Nhưng họ đều nhận thất bại về mình.

Con số 45.000 đồng/ người/ tháng là con số làm choáng váng tất cả những người không là nông dân. Chúng ta, những người đang sống ở các đô thị, hãy lặng lẽ về nhà tính thử một ngày tổng chi phí của mỗi chúng ta sẽ bằng bao nhiêu tháng chi phí của một người nông dân. 

Thậm chí, có không ít người chi phí một ngày cho riêng cá nhân họ sẽ bằng tổng chi phí từ 6 tháng đến 1 năm của một người nông dân. Tất nhiên, ngoài nguồn thu nhập từ canh tác trên mảnh ruộng của mình thì người nông dân phải tìm những nguồn thu nhập phụ khác như chăn nuôi, làm nghề phụ, làm thuê trong thời gian giáp hạt vv…

Nhưng những thu nhập phụ này không phải là nguồn thu nhập ổn định và cũng không đáng bao nhiêu. Chăn nuôi của hầu hết các gia đình nông dân cũng chỉ để cải thiện thêm đời sống của họ. Còn nghề phụ của hầu hết các làng nghề truyền thống đã và đang dần dần teo lại vì tính hiệu quả quá thấp.

Số ruộng tính trên một đầu người mà tôi đưa ra ở trên vẫn là một con số hơi lạc quan. Thực tế có những gia đình nông dân tính đầu người không quá một nửa sào ruộng và có nơi còn ít hơn thế. Vì tất cả những người sinh sau năm 1993 không còn được chia ruộng nữa và cũng không có ruộng để chia.

Vì vậy, một gia đình có 2 vợ chồng trẻ và 3 đứa con, tổng cộng là 5 người chỉ có 2,5 sào. Số gia đình như vậy ở nông thôn càng ngày càng nhiều. Nhiều người nói ruộng canh tác của nông dân càng ngày càng ít đi. Thực tế không hẳn là như thế. Nhưng vì dân số càng ngày càng tăng nên tất yếu số ruộng tính trên một đầu người càng ngày càng ít.

Trong khi đó những chi phí cho sinh hoạt của người nông dân càng ngày càng nhiều. Họ phải trả tiền điện, tiền đóng góp trường học và tiền giấy bút cho con cái, tiền chất đốt, tiền chữa bệnh, tiền ma chay cưới xin, tiền sắm sửa đồ dùng, tiền sửa sang hoặc xây nhà cửa, tiền đóng góp xây dựng đường sá, cống rãnh trong làng…

Tất cả những chi phí nói trên là  bắt buộc mà không một gia đình nông dân nào thoát khỏi. Họ thu nhập như thế và phải chi tiêu như thế. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng làm một phép tính cộng trừ đơn giản để thấy được đời sống thực sự của những người nông dân hiện nay như thế nào.

Nhưng từ đó đến nay, phương thức sản xuất nông nghiệp của những người nông dân vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Đầu những năm 1950 của thế kỷ trước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cơ giới và kỹ thuật nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp khá tốt.

Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. 

Ngay cả những người tuyên truyền về giấc mơ này cũng “ngủ” thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.

Có một điều kỳ lạ là bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn thấy trên các phương tiện truyền thông vẫn hồ hởi đưa tin những người nông dân sáng chế ra máy gặt lúa, tuốt lúa, máy gieo hạt… như một thành tựu khoa học.

Tôi xin hỏi những nhà sáng chế nhiều bằng cấp trong các viện sáng chế của nhà nước đang ở đâu và đang làm gì mà phải để cho mấy người nông dân có khi chỉ học hết lớp ba trường làng hì hục nghiên cứu ra một số phương tiện để bớt đi những vất vả của chính họ rồi truyền hình và một số báo chí lao vào ca ngợi như một sự phát hiện ?

Một hiện thực nữa là từ năm 1954, chúng ta đã bắt đầu đào tạo những kỹ sư nông nghiệp một cách có hệ thống. Theo tôi biết, mỗi năm ít nhất có khoảng vài trăm kỹ sư nông nghiệp ra trường. 

Nhưng suốt một nửa thế kỷ nay, ở rất nhiều vùng quê tôi biết thì không hề có lấy một ông (bà) kỹ sư nông nghiệp nào về sống, làm việc cùng nông dân và hướng dẫn họ. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì những người nông dân cả nước đang sống theo kiểu du canh. Nghĩa là, họ sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo bản năng và thói quen như tổ tiên họ trước kia.

Những người nông dân được hỏi đều buồn bã thừa nhận rằng không ai quan tâm đến họ. Nhiều người nông dân hài hước nói: Chúng tôi đang được quan tâm vì người ta muốn lấy ruộng để xây dự án. Họ được đền bù một số tiền mà họ chưa bao giờ có.

Nhưng những đồng tiền đền bù đó chính là những đồng tiền sẽ mua sự thất nghiệp và những thách thức khác cho chính họ mà họ không biết. Hoặc họ có biết nhưng họ làm sao cưỡng lại được. Chính sách mà họ thực sự cần là chính sách tạo công ăn việc làm cho họ và con cháu họ sau khi không còn đất để cấy trồng nữa ở những nơi mà ruộng đất ngàn đời của họ đã và đang bị chung cư hóa.

Khi được quyền sở hữu ruộng canh tác, không ít người nông dân đã bỏ lúa để trồng một thứ cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhưng họ vẫn không có được một chiến lược nông nghiệp và không có khả năng đột phá trong sản xuất. Hơn lúc nào hết, người nông dân lúc này cần có một cuộc cách mạng công nghệ để thay đổi nếp làm ăn cũ của họ và mang lại thu nhập cao hơn từ mảnh ruộng của họ.

Cuộc cách mạng này chỉ có được từ một chiến lược về nông nghiệp và nông thôn chứ bản thân người nông dân không thể làm được. Và chỉ có cuộc cách mạng lần thứ ba này mới thay đổi được một cách cơ bản đời sống của nông thôn Việt Nam và người nông dân.

Hạnh Nguyên
.
.