Nông nghiệp công nghệ cao: Con đường phát triển của thương lai

Thứ Bảy, 16/04/2016, 03:25
Gió lốc và đợt rét kéo dài đã làm năng suất 2 ha dưa hấu của ông Nguyễn Phú Hiệp, ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai giảm 50% so với vụ trước. 300 triệu đồng - vốn liếng mà vợ chồng ông Hiệp đã còng lưng tích luỹ quá nửa đời người dồn hết vào dưa. Thế mà, hai vụ dưa đã qua là hai mùa âu lo đằng đẵng khi thương lái Trung Quốc giảm mua, giá tụt thê thảm chỉ còn 1.000 đồng/kg. Mồ hôi chưa ráo đã hết tiền.

Mấy bữa trước, nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng thẫn thờ nhìn mía chết vì xâm nhập mặn, vì ruộng đồng khô hạn kéo dài, đất phù sa màu mỡ năm nào giờ chỉ một màu trắng cằn khô. 

Năm ngoái, năm kia, dân trồng mía phải đốt bỏ vì mất giá. Những mùa dưa hấu, thanh long đổ cho bò ăn, những mùa mía đắng, những mùa hành tím, cà chua phải trông chờ vào sự giải cứu của lòng trắc ẩn, trái với nguyên tắc của kinh tế thị trường... cứ nối tiếp mãi. Hàng triệu nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn, đói nghèo tăm tối.

Cuối năm ngoái, tôi gặp nhiều doanh nhân đang nhen nhóm những ý tưởng làm nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Họ cũng tha thiết và tâm huyết, tin rằng nền nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc cách mạng. Khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì hạn mặn, Tây Nguyên khát nước... thì câu hỏi "Nông nghiệp Việt Nam - Thay đổi hay là chết?" mà họ đã từng đặt ra, càng cấp thiết hơn.

Vừa mới đây, sau 10 năm ròng rã ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi báo cáo tại Quốc hội, ông Cao Đức Phát đã khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc cách mạng, phải thực hiện ngay bây giờ.

Trong năm 2015, tôi đi và chứng kiến nhiều nơi đã rục rịch cho một hướng đi mới, từ nông dân, đến nhà khoa học và cả doanh nghiệp đều tin rằng, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là con đường của tương lai. Một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, từ nền sản xuất thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, vào lao động tay chân, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, chuyển sang sản xuất quy mô lớn, tập trung, ứng dụng khoa học kĩ thuật... đã le lói những tín hiệu đầu tiên.

Trồng cà chua theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, FPT đang nhận chuyển giao vào Việt Nam.

Khi tôi đến khu nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM, ông Hoàng Đắc Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cây trồng, tự hào dẫn đi khắp các nhà màng. Trong đó, ấn tượng đặc biệt là khu trồng cà chua bi. Mỗi nhà màng có diện tích 1.000m² cho năng suất 8 tấn mỗi vụ. 

Ông Việt tự hào khẳng định, đây là mức năng suất cao gấp 2-2,5 lần so với cách trồng cà chua truyền thống. Không những thế, giá bán luôn cao gấp đôi, mua ngay tại vườn. Lý do là khi trồng trong nhà màng, cà chua được đảm bảo sạch bởi sâu bệnh gần như không có nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình dưa lưới tại đây cũng tương tự. Năng suất cao gấp 3 lần dưa lưới mà nông dân miền Tây đã trồng. Tính ra mỗi nhà màng như vậy, một năm thu lãi trên 100 triệu đồng là bình thường.

Chính những người nông dân kiểu mới, những người đã xây dựng nhà màng, trồng dưa ở khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM, như Công ty Vuông Tròn, cũng đang tìm thêm các khu đất mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu để làm theo mô hình tương tự.

Nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu lan toả. "Cán bộ của khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM đến hướng dẫn từ khi xây dựng nhà màng, gieo hạt, chăm sóc, tỉa nhánh... rất chi tiết cho đến khi thu hoạch xong vụ đầu tiên. Các vụ sau thì tui cứ vậy mà làm theo", ông Võ Thành Trung, nông dân ở huyện Củ Chi kể cho tôi nghe những ngày đầu làm nông nghiệp công nghệ cao. 

Ông Trung nói không phải khuya sớm chân lấm tay bùn nữa. Chỉ cần hai người chăm sóc thăm nom là có thể phụ trách được khu trồng rau, trồng dưa cả 4.000m². Khi đã xây dựng được hệ thống nhà màng, tưới tự động thì việc chăm sóc cây trồng lại hết sức đơn giản. Công việc chỉ nhiều lên vào dịp thu hoạch. Còn lại mỗi ngày chỉ phải làm vài tiếng đồng hồ.

Ông Trung là một trong số rất nhiều nông dân Củ Chi đã mạnh dạn bỏ vốn làm nông nghiệp công nghệ cao. Với 146ha diện tích trồng rau, cây ăn trái ngắn ngày... theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai, đã chứng tỏ nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp, mà nó là xu thế của nông nghiệp và cơ hội cho người nông dân trong tương lai. 

Nông dân hoàn toàn đủ khả năng nhập cuộc, nếu họ được vay vốn với mức lãi suất khuyến khích cho ngành nông nghiệp mà các ngân hàng vốn đã có sẵn, chỉ đang quá khắt khe điều kiện cho vay.

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, TP HCM, sau 10 năm mò mẫm, giờ đã thành hình hài rõ nét. Khu đất rộng 88ha trước đây bỏ hoang cho cỏ mọc giờ là tập hợp các khu nhà màng trồng dưa lưới, trồng cà chua bi, nấm, hoa lan...

Nhà màng ở đây được thiết kế, ứng dụng công nghệ của Israel, quốc gia đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao. Nhà màng khép kín, có hệ thống điều chỉnh áng sáng, nhiệt độ tự động, theo từng độ tuổi của cây. Nền đất trải màng nilon kín. Cây trồng vào các bịch đất, có gắn hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng nhỏ giọt tự động, đảm bảo cây hấp thu được tối đa và đặc biệt tiết kiệm nước. Những yếu tố ấy giúp loại bỏ rủi ro thời tiết ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Ở Thanh Hoá, Công ty Mía đường Lam Sơn cũng đầu tư vào trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ở đây, người nông dân nào chưa đủ sức tự làm để cung ứng cho doanh nghiệp, thì có thể cho Lam Sơn thuê lại đất, đồng thời vẫn làm việc trên chính mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên, họ đã không còn phải ra đồng còng lưng cấy hái từ 3-4 giờ sáng và về nhà khi trăng đã lên cao. Họ làm ngày 8 tiếng đồng hồ và được trả lương, mức thu nhập khá ổn định. 

Trồng xà lách thuỷ canh, mô hình của Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản).

Với người dân đã từng trồng lúa, trồng rau mà cả vụ chỉ còn dư ra được số tiền vừa đủ mua một bát phở của người dân đô thị, thì 4-5 triệu đồng dành dụm được mỗi tháng đã là những tia hi vọng đầu tiên mà nông nghiệp công nghệ cao, trong những ngày còn chập chững, mang đến cho họ.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT gặp tôi vào dịp cận tết năm vừa rồi. Toàn bộ một tiếng đồng hồ phỏng vấn, ông Bình không nói gì về công nghệ - thứ mà ông đang là một trong những người dẫn đầu ở Việt Nam. Ông Bình chỉ nói về nông nghiệp công nghệ cao. Một dự án hợp tác với Tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản đang được FPT triển khai tại Gia Lâm đã cho những trái ngọt đầu tiên.

"Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như Sony chẳng hạn, họ cũng đã nhìn thấy sự thay đổi mà công nghệ có thể đem đến cho nông nghiệp và đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp. Internet hoá nông nghiệp, mang công nghệ số vào nông nghiệp, có thể giúp cho quá trình chăm sóc cây trồng được thực hiện hoàn toàn tự động. Tôi cũng muốn mang điều đó vào Việt Nam, chuyển giao cho những người muốn đầu tư vào nông nghiệp, muốn thay đổi diện mạo của ngành này. Tại sao nông dân mình lại không thể có được mức thu nhập xứng đáng với công sức lao động mà họ bỏ ra?", ông Bình tự trả lời câu hỏi ấy, rằng chỉ có nông nghiệp công nghệ cao mới thay đổi được đời sống cho nông dân. Sẽ không còn cảnh mất mùa vì thời tiết, rồi được mùa thì mất giá, nông sản đổ cho bò ăn...

Tại những quốc gia như Nhật Bản, nền nông nghiệp với những người nông dân già cỗi đã được chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao năng động. Một kilogam cà chua sạch có thể bán với giá hơn hai triệu đồng cũng không phải là quá hiếm hoi.

Tôi đã từng chứng kiến công nghệ trồng rau thuỷ canh của người Nhật, phải nói là chỉ có thể trầm trồ. Tất cả trồng trong nhà, điều khiển tự động. Công nhân vào bên trong phải đội mũ trùm đầu, đeo khẩu trang, đi bao tay, mặc đồ bảo hộ lao động. Rau trồng trên các kệ nhiều tầng. 

Không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng tất cả đều xanh mướt. Khu trồng rau xà lách của Tập đoàn Fujitsu được khẳng định cho năng suất gấp 4-5 lần cách trồng rau truyền thống của nông dân Việt. Còn cà chua, các thành phần dinh dưỡng cũng gấp 3-4 lần.

Một quốc gia khác là Israel, với hơn 50% diện tích là sa mạc, còn hơn cả hạn hán ở Tây Nguyên, Bình Thuận hay Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng họ lại tự cung ứng 95% nhu cầu nông sản, thực phẩm đang là một nước xuất khẩu nông sản. Tất cả là nhờ đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao. Nền nông nghiệp công nghệ cao ở Israel sử dụng 95% khoa học và chỉ 5% nhân lực.

Đã không ít doanh nghiệp Việt Nam sang Israel học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp. Đã có doanh nghiệp thu hoạch được hoa thơm trái ngọt. Tất cả họ đều tin, đây sẽ là hướng đi của tương lai. Thế nên mới có những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bất động sản, tài chính chứng khoán đổ hàng ngàn tỉ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao.

Chính phủ đã quy hoạch trên cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao, với vai trò tạo hạ tầng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, làm hạt giống lan toả mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân. Và ngay cả những người nông dân mà tôi đã gặp, cũng nhìn thấy con đường này, họ biết chỉ có thay đổi, nếu không sẽ "chết" trên mảnh ruộng của chính mình. 

Chỉ là, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào việc ông Cao Đức Phát biến cuộc cách mạng trong nông nghiệp từ lời nói thành hành động. Nếu không có cơ chế hỗ trợ về đất đai, về nguồn vốn, về chính sách thuế phí... thì nông dân vốn nghèo, doanh nghiệp vốn yếu lực, sẽ chỉ có thể tự dò dẫm, không biết bao giờ mới biến những đốm sáng trong bức tranh nông nghiệp vốn đã xám xịt nhiều năm qua, thành một trào lưu, thành một diện mạo mới.

Bạch Hoàn
.
.