Non sông một dải

Thứ Ba, 14/04/2015, 16:49
Khi thăm lại chiến trường Quảng Trị và đọc lá thư này, nhiều cựu chiến binh Mỹ bật khóc và thốt lên: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả”.

…Bạn nằm lại nơi đồng đất quê hương
Nơi chiến tuyến lằn ranh sông Bến Hải
Súng trong tay và đôi mắt rực lửa,
Trút hận xuống đầu thù rồi ngã xuống bình yên.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng.

(Tấc đất Thành cổ, Phạm Đình Lân)

Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương và Thành cổ Quảng Trị, những chứng tích lịch sử bi hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vệ quốc kéo dài hơn hai thập kỷ, cuộc chiến đấu kiên cường vì khát vọng cháy bỏng bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, Bắc Nam thống nhất, núi sông một dải.

Ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị còn lưu giữ “bức thư tiên tri” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người đã viết lá thư cuối cùng gửi những người thân trong gia đình và điều đặc biệt là trong lá thư đó, anh không chỉ dự cảm ngày hy sinh mà còn chỉ dẫn người thân tìm đúng nơi sẽ chôn cất mình: “Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm về “Nham Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.

Tác giả bức thư, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân nghèo ở quê lúa Thái Bình, có ông nội và cha đều bị thực dân Pháp sát hại. Đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tháng 5/1972, anh đi bộ đội và xung phong vào chiến trường, đúng thời điểm ở Quảng Trị đang diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất. Khi đó, trung bình mỗi đêm lại có thêm một đại đội (khoảng trên 100 người) vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ và hầu hết đều ngã xuống. 

Đầu tháng 9/1972, Lê Văn Huỳnh được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn và anh hiểu rằng, chuyến vượt sông đó là ngày cuối của cuộc đời mình. Điều đặc biệt là dẫu biết trước cái chết tất yếu sẽ đến nhưng người lính trước lúc vượt sông Thạch Hãn và chìm vào dòng nước vẫn bình thản đến lạ thường khi ngôn ngữ lá thư rất tự nhiên, thậm chí còn pha chút dí dỏm. Anh đã bình thản tự làm một tấm tôn thay bia mộ cho mình; trên đó có khắc đủ cả họ tên, quê quán, năm sinh rồi xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay, viết sẵn bức thư cho gia đình, dặn dò kỹ lưỡng từng người: với mẹ già, với người vợ trẻ, với anh chị và cả với đứa cháu trai bé bỏng...

Khi thăm lại chiến trường Quảng Trị và đọc lá thư này, nhiều cựu chiến binh Mỹ bật khóc và thốt lên: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả”.

Ngày 7/4/2015, khi gặp mặt những hội viên Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ xúc động: “Thời điểm đó, tôi đang chiến đấu ở Nam Bộ. Lúc đó người lính ở mọi mặt trận đều chờ nghe diễn biến ở mặt trận Quảng Trị, ở Thành cổ. Đó là một cuộc quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức lịch sử mà chiến thắng Quảng Trị đã cổ vũ những người lính trên tất cả các mặt trận”.

Bởi vậy, hơn ai hết, đất nước, dân tộc Việt Nam luôn hiểu về sự tàn bạo, mất mát, đau thương của chiến tranh, đồng thời luôn mong muốn, khát khao cháy bỏng về một nền hòa bình vững chắc cho Tổ quốc. Do vậy, cùng nhau chung sức, chung lòng phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Lễ thượng cờ sông Bến Hải chào mừng ngày hội thống nhất non sông.

Bản chất cuộc chiến tranh xâm lược ở bất kỳ đâu và thời kỳ nào đều là phi nghĩa và ngược lại, tính chính nghĩa tất yếu thuộc cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương, lãnh thổ, bảo vệ đất nước của dân tộc đó. Chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, vì khát vọng thống nhất non sông, Bắc Nam một dải, đó là chân lý hiển nhiên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tuy nhiên, những thế lực xâm lược thường tìm cách đánh lận hiện tượng để gây hiểu lầm về bản chất cuộc chiến. Mỹ muốn biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược. Sau kháng chiến chống Pháp, hiệp định Genève về Đông Dương cũng chỉ công nhận giới tuyến quân sự tạm thời trong 2 năm để chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, tạm chia làm 2 vùng tập trung quân sự cho quân đội hai phía Việt - Pháp tập kết chứ không nói gì đến vấn đề thay đổi lãnh thổ.

Theo hiệp định này, vĩ tuyến 17 không có ý nghĩa về lãnh thổ hay chính trị. Bản thân hiệp định Genève 1954 không phải là hiệp định chia cắt đất nước như một số người thiếu thông tin đã nhầm lẫn mà là hiệp định lập lại hòa bình, độc lập và thống nhất của 3 nước Đông Dương, Pháp rút quân trong 2 năm và tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam năm 1956. Chính sự can thiệp và xâm lược miền Nam Việt Nam của Mỹ đã dẫn tới sự chia đôi đất nước.

Việt Nam đã giành độc lập vào năm 1945 nên cuộc chiến tranh này (cũng như cuộc chiến chống Pháp từ năm 1945 đến 1954) không phải là cuộc chiến giành độc lập mà là cuộc chiến giữ gìn độc lập và bảo vệ Tổ quốc, chống sự xâm lược và chiếm đóng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giành lại hoàn toàn độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Rõ ràng, việc tiến hành cuộc chiến của Mỹ trái với các thông lệ quốc tế, đi ngược lại các quy định của hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền dân tộc tự quyết, về sự tôn trọng độc lập chủ quyền và thống nhất của các quốc gia, cũng như các quy định liên quan đến tội ác chiến tranh và quyền con người.

Do đó, các hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam không được sự ủng hộ, đồng ý của Liên Hiệp Quốc và thậm chí không được sự đồng tình của các đồng minh lâu năm, trong đó có các đồng minh cùng phe trong khối SEATO và NATO.

Richard A. Falk, một giáo sư danh tiếng về môn Luật pháp Quốc tế của Đại học Princeton (Mỹ), người đã có hơn 40 tác phẩm hàn lâm về môn học này, đã phải thừa nhận: “Nếu Chính phủ Hoa Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế, thì trải nghiệm khủng khiếp từ cuộc chiến tranh Việt Nam đã không xảy ra”. Chính vì những lẽ nêu trên mà phong trào ủng hộ Việt Nam trên thế giới diễn ra sôi nổi và rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử phong trào quần chúng tự phát trên thế giới.

Còn nhớ, tháng 11/2000, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tiếp Tổng thống Hoa Kỳ W.J. Clinton khi ông thăm chính thức Việt Nam. Tại buổi tiếp này, nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Tổng thống W.J. Clinton cho hay, nhiều người ở Hoa Kỳ đã hiểu sai, lầm tưởng rằng họ sang chiến đấu để “giúp người Việt Nam được tự do và tự quyết”.

Liên quan điều này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Về quá khứ, tôi đồng ý với ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành. Căn nguyên cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là từ đâu? Sâu xa là từ khi chủ nghĩa đế quốc đi đánh chiếm thuộc địa. Nước Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam? Kết quả của cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là chúng tôi đã giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội”…

Chính nghĩa hay phi nghĩa không phụ thuộc ở sự thắng, thua. Trong lịch sử thế giới có nhiều kẻ thắng không thành chính nghĩa, người thua nhưng không ai coi là giặc, trái lại được coi là anh hùng, như phương ngôn “không thể lấy thành - bại luận anh hùng”. Cho nên, ý nghĩa lớn nhất, cao cả nhất trong chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ chính là chiến thắng của chính nghĩa, của lẽ phải, của cuộc chiến vệ quốc, bảo vệ nền độc lập, thu non sông về một dải, đó là cốt lõi và là điểm tựa của nhân loại.

An Nhi
.
.