Nói tiếng mẹ đẻ cũng không dễ

Chủ Nhật, 10/01/2010, 08:52
Theo nhận xét của ông Victor Sukhodrev, người từng nhiều năm làm phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Liên Xô và Nga, cách trò chuyện của các chính trị gia không chỉ phụ thuộc vào các truyền thống ngôn ngữ của từng nước mà chủ yếu phụ thuộc vào tính cách và tầm cỡ của từng nhân vật cụ thể. Dẫu vậy, nếu chú ý quan sát vẫn có thể rút ra được một số quy luật nhất định.

Thí dụ, các nhà lãnh đạo Nga khi trò chuyện đời thường thì hay trích dẫn những câu thoại sinh động và hóm hỉnh của các nhân vật trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng, còn trong các giao tiếp chính thức mang tính lễ nghi thì lại hay trích dẫn các danh ngôn của các triết gia, các nhà sử học hay các nhà tư tưởng vĩ đại.

Các chính trị gia Mỹ thì lại thích sử dụng các mô típ bình dân. Chính vì thế nên khi phải soạn thảo các bài diễn văn hằng năm của Tổng thống Mỹ trước hai viện của Quốc hội, những người thư ký chắp bút (speechwriter) thường tìm tới những người dân thường bình dị nhất để chứng minh hay minh họa luận điểm này hay luận điểm khác bằng tình huống cụ thể của những người dân đó. Thí dụ, nếu phải nói tới các chiến sự ở Iraq, thì họ sẽ lấy trường hợp của một quân nhân. Người Mỹ cho rằng, làm như thế thì diễn văn dễ được người dân Mỹ thấm thía hơn. Đó cũng là một cách làm tốt, nhưng không phải lúc nào cũng đắc dụng.

Trường hợp với người thợ ống nước Joe (Joe the Plumber) chẳng hạn. Tên thật của Joe the Plumber là Samuel Joseph Wurzelbacher. Ông này đã được sử dụng như một đại diện của tầng lớp trung lưu ở Mỹ trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2008. Joe the Plumber bắt đầu trở nên nổi tiếng ngày 12/10/2008, khi ông ta có được cơ hội trực tiếp trò chuyện với Thượng nghị sĩ Barack Obama, khi đó mới chỉ là ứng cử viên Tổng thống.

Lúc đó, ứng cử viên Obama đang thực hiện một chuyến đi để vận động bầu cử ở bang Ohio và dừng chân tại một đô thị nhỏ có tên là Holland. Joe the Plumber khi được trực tiếp gặp Thượng nghị sĩ Obama đã nói rằng, ông ta muốn mua một công ty nhỏ nhưng dự án cải cách thuế mà ông Obama dự định tiến hành nếu đắc cử sẽ khiến cho công việc làm ăn của ông ta trở nên bất lợi và không cho ông ta có điều kiện biến cái gọi là "giấc mơ Mỹ" thành hiện thực. Theo ý tưởng của ứng cử viên Obama, thuế đánh vào những công ty có thu nhập cao hơn 250 nghìn USD sẽ bị tăng từ 36% lên 39%, còn những nhà kinh doanh nhỏ sẽ được giảm bớt sức ép…

Cuộc trò chuyện giữa Thượng nghị sĩ Obama và Joe the Plumber đã được lan truyền rộng rãi và ngay lập tức được đối thủ chính của ông là Thượng nghị sĩ John McCain tận dụng. Trong vòng ba tranh luận trên truyền hình, ngày 15/10/2008, ông McCain đã nhấn mạnh: "Này, ông Joe, nếu ông không cho các nhân viên của mình bảo hiểm y tế thì ông Obama sẽ còn phạt ông đấy, mà số tiền phạt là bao nhiêu thì bây giờ vẫn chưa rõ…". Và ông Obama đáp luôn: "Ông Joe à, tôi sẽ nói cho ông số tiền phạt là bao nhiêu ngay: không xu nào cả!".

Trong các lần tranh luận, hai ứng cử viên Tổng thống Obama và McCain đã nhắc tới cái tên Joe the Plumber tới 26 lần! Thế là từ một tình huống cực kỳ bình thường, câu chuyện này đã trở thành một vụ tai tiếng có lúc tưởng như có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới diễn tiến của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008…

Các nhà lãnh đạo của Liên Xô và Mỹ cùng phiên dịch viên Victor Sukhodrev (người đứng giữa).

Cũng theo nhận xét của ông Victor Sukhodrev, diễn văn chính thức của các chính trị gia Mỹ gần gụi với khẩu ngữ đời thường hơn so với diễn văn của các nhà lãnh đạo Nga. Các thư ký chắp bút luôn cố gắng làm sao để các bài diễn văn không buồn tẻ mà có nhiều hình ảnh và cảm xúc sinh động.

Tại Liên Xô cũ, phần lớn các bài diễn văn đã được viết sẵn thường nghiêm trang, ngay ngắn. Thế nhưng, khi một nhà lãnh đạo Xôviết nào thoát khỏi văn bản đã có và bộc lộ cảm xúc cá nhân của mình thì thường mọi sự trở nên cực kỳ ấn tượng.

Thí dụ như cách nói của nhà lãnh đạo Xôviết Nikita Khrusov trong chuyến đi lịch sử sang Mỹ tháng 9/1959, kéo dài tới 12 ngày (từ 15 tới 27/9/1959) chẳng hạn. Ít có chuyến công du ngoại quốc nào của các nhà lãnh đạo quốc gia lại kéo dài đến vậy. Ông Khrusov khi đó nghĩ rằng, một khi ông là nguyên thủ Xôviết đầu tiên sang Mỹ thì ông sẽ cần phải nhìn thấy mọi sự ở đó. Và cũng nói ra mọi điều cần thiết. Và ông đã nói rất nhiều câu ấn tượng chứa đầy những thành ngữ, tục ngữ rất đặc thù Nga, thậm chí đôi khi cả bằng tiếng Ucraina nữa. Phiên dịch viên của phái đoàn Xôviết đã phải cực kỳ cố gắng thì mới dịch được tương đối chuẩn xác những điều mà nhà lãnh đạo Xôviết này muốn nói.

Cho tới hôm nay ở Nga vẫn còn lưu truyền một giai thoại: Ngày 24/6/1959, khi cùng Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới thăm triển lãm Mỹ ở Sokolniki (Moskva), ông Khrusov đã nói với vị khách cao cấp Mỹ đang ở thăm Liên Xô: "Trong tay chúng tôi đang có cả những phương tiện có thể gây nên hậu quả nặng nề đối với các ngài…".

Và tiếp theo ông đã sử dụng một hình ảnh dân gian Nga: "Và chúng tôi sẽ còn cho các ngài thấy "mẹ của bọ rầy" (kuzkina mat)"!. Trong tiếng Nga, hình ảnh này để chỉ một cái gì đó rất ghê rợn, khủng khiếp, hiện đang còn ẩn sâu dưới đất, thể hiện một thái độ đe nẹt thuần tuý. Thế nhưng, phiên dịch viên hôm ấy đã dịch nghĩa đen của hình ảnh này ra tiếng Anh "Kuzma's mother", khiến cho các vị khách Mỹ không thể hiểu ý ông Khrusov định nói tới cái gì và cứ tưởng rằng người Nga đang có một thứ vũ khí bí mật gì đó mới, còn ghê sợ hơn cả vũ khí hạt nhân, có tên là "mẹ của Kuzma" (!).

Cũng như nhà lãnh đạo Xôviết Nikita Khrusov, vị Tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight Eisenhower không thích những họa sĩ sáng tạo theo trường phái ấn tượng. Nhưng hai người này lại rất khác nhau về phong cách nói. Eisenhower vốn là một ông tướng và cũng như nhiều vị tướng khác, không có nhiều năng khiếu diễn thuyết, ngay cả khi đã vào ngồi trong Nhà Trắng. Tổng thống Eisenhower đã có rất nhiều lỗi khẩu ngữ. Gần như trong bất cứ cuộc họp báo nào ở Nhà Trắng, thư ký báo chí của Tổng thống cũng phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho giới báo chí biết cụ thể ông Eisenhower muốn nói gì qua những điều ông đã nói (?!). Và lắm khi chân lý lại ở rất xa điều mà ông Eisenhower vừa nói…

Theo nhận xét của ông Victor  Sukhodrev, có một sự thật là, do nhiều lý do, không phải một nhà chính trị xuất sắc nào cũng có đủ khả năng "khéo ăn khéo nói". Nguyên thủ quốc gia Nga có khả năng trình bày các ý tưởng của mình rành rẽ và đầy sức thuyết phục nhất là ông Vladimir Putin, nguyên Tổng thống và hiện nay là Thủ tướng Nga. Ông Putin mặc dù cũng rất hay sử dụng các từ lóng đời thường một cách bình dân (điều mà các lãnh tụ Xôviết trước kia không bao giờ làm!) nhưng cách ông diễn đạt cho thấy đó là một người có trình độ văn hóa cao và từng được đào tạo rất chu đáo.

Còn vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (Bush con) thì hầu như không có bài phát biểu nào của ông, nếu ông không sử dụng máy Tele Promp Ter (màn hình in chữ để nhìn), lại không có những câu nói hớ. Ông Bush con bị đánh giá là kém năng lực trong việc diễn giải rành rẽ các ý tưởng của mình và các bài phát biểu "vo" của ông thường có rất nhiều những rối lẫn về ngôn ngữ.

Có ý kiến cho rằng, có thể chính ông Bush đã cố tình chọn phong cách nói như thế để tỏ ra mình cũng là một người Mỹ bình dân như đại đa số dân Mỹ.

Thực ra, theo nhận xét của ông Victor Sukhodrev, mặc dù đã tốt nghiệp Đại học Yale lừng danh nhưng ông Bush con vẫn không được dạy dỗ chu đáo về tiếng Anh. Thế nhưng, có một sự thật là, quả thực là đại đa số dân Mỹ lại thích những câu nói hớ của ông Bush con.

Nói chung, ở nhiều quốc gia, dân chúng thích khi các nguyên thủ quốc gia sử dụng những ngôn ngữ đời thường gần gụi với họ chứ không chỉ nói toàn những câu "cao đàm khoát luận". Cũng vì lý do thế mà nhà lãnh đạo Xôviết Nikita Khrusov năm 1959 đã được dân Mỹ có cảm tình khi ông có thể rút tờ diễn văn đã được viết sẵn ra, đọc vài dòng đầu tiên rồi nói: "Thôi, việc gì tôi lại phải đọc cho quý vị nghe. Tốt hơn cả là tôi tự nói về những ấn tượng của mình!".

Người Mỹ bình dân thích xem các chính trị gia tham dự vào các hoạt động "quốc gia đại sự" như những hoạt cảnh. Và nhà lãnh đạo Xôviết Khrusov đã có thể làm như thế một cách xuất sắc. Cho đến gần cuối chuyến công du của ông Khrusov ở Mỹ năm 1959, một tờ báo Mỹ đã đăng bài, trong đó viết đại ý rằng, nếu bây giờ ông Khrusov ra tranh cử ở bất cứ cấp nào tại Mỹ, không biết chừng ông sẽ giành được chiến thắng!

Nhận xét về phong cách nói của đương kim Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, ông Victor Sukhodrev cho rằng, từ khi ngồi vào làm chủ Điện Kremli, ông Medvedev đã có những thay đổi liên tục và rõ rệt. Sự tự tin trong giọng điệu và trong chính các phát biểu của ông gia tăng hàng ngày. Cách nói cũng trở nên ngày một kiên quyết hơn so với khi ông chỉ là Phó Thủ tướng thứ nhất. Những sắc thái cứng rắn đầy đe dọa xuất hiện nhiều hơn theo đà ông phải bước sâu vào xử lý những vấn đề trọng yếu như tệ nạn tham nhũng chẳng hạn. Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế cũng đã đổ thêm dầu vào lửa buộc các chính trị gia ở các nước phải bộc lộ một cách cứng rắn và mạnh bạo hơn. Tổng thống Medvedev cũng không là ngoại lệ. Ông bây giờ hay sử dụng những từ như "gây cảnh hãi hùng" hay "thói vô trách nhiệm"… Thậm chí khi nói tới những đối thủ chính trị ở nước ngoài, ông Medvedev còn sử dụng những từ rất nặng như "Những kẻ tật nguyền"…

Theo nhận xét của ông Victor Sukhodrev, cặp lý tưởng trong sự "hợp cạ" khi đối thoại cùng nhau giữa những nhà lãnh đạo Xôviết, Nga với Mỹ là Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama. Hai chính trị gia này, tuổi tác "xêm xêm" nhau, dường như làm việc cùng trên một tần số, nói cùng bằng một thứ ngôn ngữ. Họ giao tiếp với nhau khá dễ dàng dẫu rằng quan điểm của họ còn lâu mới là trùng khít với nhau. Thuật ngữ "cài đặt lại các mối quan hệ" đã được cả hai người đưa ra đúng lúc…

Ông Victor Sukhodrev cho rằng, Tổng thống Nga Medvedev có một trình độ tiếng Nga tốt và Tổng thống Mỹ Obama cũng là chính trị gia biết cách diễn giải bằng tiếng Anh xuất sắc. Khi ông Obama nói, ông thường khiến cho người nghe nhớ tới hình ảnh của vị Tổng thống Mỹ thứ 35 John Kennedy. Có lẽ về bản chất, ông Obama cũng muốn cố gắng được như thế

Nguyễn Trung Tín
.
.