Hungary xử lý hệ lụy từ vụ vỡ hồ bùn đỏ ở vùng Ajka:

Nỗi lo Danube thôi trong xanh

Thứ Tư, 20/10/2010, 15:10
Đó là một thảm họa thiên tai nhưng mang nặng tính nhân tạo. Các chất độc trào ra do vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Ajka, cách thủ đô Budapest của Hungary khoảng 160 km về phía Tây Nam đã tràn vào sông Markal và rốt cuộc chỉ sau vài ngày đã tới cả sông Danube (Đanuýp), con sông lớn thứ hai ở châu Âu. Một điều rất đáng lo ngại là sông Danube đổ vào Hắc Hải. Rời khỏi miền Nam Hungary, sông Danube chảy qua Croatia, Serbia, Bulgaria, Rumania, Moldova và Ukraina.

Thế nào là bùn đỏ?

Đại đa số các nhà máy luyện nhôm đều thải ra một hợp chất bao gồm oxid sắt, nhôm, titan và nhiều kim loại hữu ích khác. Tất cả những chất thải ấy được gọi chung là bùn đỏ (red mud), có chứa những vụn chất hữu ích mà nếu được xử lý lại thì sẽ được sử dụng tốt. Bùn đỏ được hình thành khi xử lý quặng bô xít (nguyên liệu chính để luyện nhôm). Bùn đỏ đã bị loại oxit nhôm bị kiềm hóa và vì thế có hại cho môi trường và con người.

Để có được một tấn oxit alumin, phải thải ra khoảng từ 360 tới 800 kg bùn đỏ. Nhiều chuyên gia không coi bùn đỏ là chất thải vì về mặt nguyên tắc nó vẫn có thể trở thành nguyên liệu hữu ích trong quá trình sản xuất tiếp theo.

Tuy nhiên, với trình độ công nghệ hiện nay trên thế giới, xử lý hữu ích bùn đỏ vẫn chưa phải là một giải pháp mang tính thực tế nên bùn đỏ thường được "quàn" lại trên những khu vực khép kín "nội bất xuất, ngoại bất nhập" - các hồ chứa đặc biệt.  Những hồ này được thiết kế sao cho chất kiềm không thể lọt ra ngoài và thấm vào lòng đất được. Tới khi các hồ đó đã "hoàn thành" chỉ tiêu, chúng có thể được lấp cát hoặc tro lên rồi trồng lên đó các loại cây, cỏ. Để khôi phục lại hoàn toàn những khu vực cần tới nhiều năm nhưng cuối cùng thì chúng cũng vẫn có thể trở lại trạng thái ban đầu.

Hiện nay trên thế giới khối lượng bùn đỏ đang được tích trữ đã lên tới hàng trăm triệu tấn. Chỉ cần một nhà máy luyện quặng bô xít nhôm hoạt động là mỗi năm có thể thải ra tới 800 nghìn tấn bùn đỏ. Và như vậy là mỗi năm có tới hàng triệu phân tử của chất độc này bị tung vào không trung.

Thảm họa Hungary

Sự cố ở nhà máy Ajka Timfoldgyar thuộc Công ty Luyện nhôm Magyar Aluminium tại thành phố Ajka bùng phát đêm mùng 4 rạng ngày 5/10/2010. Do những nguyên cớ chưa được xác định rõ, hồ chứa bùn đỏ, sản phẩm phụ trong quá trình xử lý oxit alumin (dùng để luyện nhôm) đã bị vỡ. Bùn đỏ chứa trong mình nhiều kim loại nặng và tạo ra nguy cơ lớn đối với môi trường và con người - nó có thể hủy hoại da, tạo nên những vết bỏng nặng.

Thoạt tiên có tin là khoảng 600-700 nghìn mét khối bùn đỏ bị trào ra từ hồ chứa ở Ajka. Tuy nhiên, theo thống kê có thể là chưa đầy đủ từ Bộ Môi trường Hungary, đã trào ra khoảng hơn một triệu mét khối chất độc. Những dòng chảy bùn đỏ đã lan tràn trên một diện tích lên tới trên 40 cây số vuông, nhấn chìm vào trong mình những phố phường làng mạc đông dân ở xung quanh nhà máy.

Chỉ trong vài ngày đầu đã có tới 4 người,  trong đó có một đứa trẻ ba tháng tuổi, bị chết chìm trong những con "sông bùn đỏ". Ba người khác bị coi như mất tích… Con số những người bị thương tật vì thảm họa này đã lên tới trên dưới 120 người. Hàng chục người được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch… Theo đánh giá của chính quyền Hungary, có khoảng gần 7 nghìn người bị ảnh hưởng tiêu cực vì thảm họa ở nhà máy Ajka.

Từ ngày 5/10/2010 tại ba tỉnh miền Tây Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp. 6 đội cứu hộ đã tích cực đưa cư dân trong những khu vực có thể bị bùn đỏ tràn tới đi về những nơi an toàn hơn.

Bùn đỏ tràn ngập nhiều nơi ở miền Tây Hunggary

 

Khoảng 500 người của lực lượng cảnh sát và quân đội đã được đưa vào cuộc để giải quyết hệ lụy của thảm họa sinh thái này: đổ axít và đất sét vào các hồ chứa nước để đồng hóa chất kiềm và không cho bùn đỏ lan tràn tiếp tục. Cảnh sát đã khởi tố vụ án. Cảnh sát đã vào khám xét văn phòng của nhà máy Ajka Timfoldgyar và tịch thu những tài liệu mà nhờ đó, có thể hy vọng tìm ra nguyên nhân thực sự gây nên thảm họa môi trường này.

Theo những tính toán sơ bộ, việc xử lý hậu quả của thảm họa này cần không dưới 12 tháng. Theo lời của Thư ký Bộ Môi trường Hungary, Zoltan Illes, đây là thảm họa nghiêm trọng nhất trong công nghiệp hóa học trong suốt lịch sử quốc gia này. Tuy nhiên, chính quyền Hungary vẫn hy vọng là họ có thể tự xử lý được những hệ lụy của vụ việc này bằng những nguồn lực của mình

Những thảm họa sinh thái xảy ra ở Đông Âu trong những năm gần đây (Tài liệu của RIA Novosti)

 

Trong tháng 7 và 8 năm 2008 tại Rumania đã liên tiếp xảy ra những trận lụt lội làm 4 người chết, buộc gần 12 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ngày 28/7/2008, nước lụt đã nhấn chìm một số làng mạc ở miền Bắc Rumania. Vì nước lớn nên một con đập ở hồ bảo quản chất thải đã bị thủng và những kim loại nặng có thể đã trào vào con hồ bên cạnh, tạo ra nguy cơ tiềm tàng cho cả khu vực.

 

Tháng 12/2007 tại Ba Lan do bục đường ống dẫn dầu Druzhba nằm dưới đáy sông Wisla nên đã tạo ra một vết dầu loang rộng 300m và dài tới vài km. Vụ việc này xảy ra ở vùng đông dân Nieszawa thuộc tỉnh Kujawsko-Pomorskie, gần nhà máy chế biến dầu mỏ ở thành phố Ploska.

 

Tháng 6/2004, tại nhà máy điện nguyên tử ở Temelin của CH Czech, nằm cách biên giới với Áo 60 km, do nổ đường ống trong hệ thống làm lạnh của một tổ máy nên 3000 lít nước nhiễm xạ đã bị lọt ra ngoài.

Tháng 8/2002, tại khu vực miền Tây Nam Rumania, những cơn mưa rào đã làm bục bể chứa chất thải tại một trong những nhà máy khai thác quặng và hàng nghìn tấn chất thải đã tràn xuống đường phố Lupen.

 

Nhờ những nỗ lực vượt bậc của các đơn vị quân đội và lực lượng cứu hỏa mới ngăn chặn được một thảm họa sinh thái khổng lồ: theo số liệu của lực lượng dân phòng Rumania, chỉ có ba gia đình cư trú tại khu vực ngoại ô thành phố mỏ này phải chịu thiệt hại vì sự cố này.

 

Tháng 2/2000 ở Hungary do lỗi của một công ty nhỏ chuyên khai thác vàng  Esmeralda Exploration của Australia đã xảy ra vụ rò rỉ chất độc xyanua, vẫn được sử dụng khi khai thác vàng và bạc.  Công ty Esmeralda Exploration là đối tác trong dự án chung về khai thác vàng ở miền Bắc Rumania. Xí nghiệp liên doanh khai thác vàng Rumania - Australia nằm ở gần sông Tiza, chảy sang cả lãnh thổ Hungary - chính bằng "con đường vòng" đó mà chất độc xyanua đã lọt được vào sông Danube.

 

Hậu quả là gần 2 triệu người đã bị mất nguồn nước sinh hoạt. Môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều loài chim muông cũng như các động vật hoang dã đã bị chết. Hàng nghìn tấn xác cá đã nổi lềnh phềnh trên mặt sông Danube.

 

Đêm 30 rạng ngày 31/1/2000 tại Baya - Mar (Rumania) đã xảy ra một vụ rò rỉ 100 tấn chất thải công nghiệp, trong đó có chất độc xyanua và nhiều kim loại nặng khác, ở nhà máy khai thác vàng Aurul. Hậu quả là trên các con sông Samosh và Tiza - nhánh sông phụ lớn nhất chảy vào Danube - tỉ lệ xyanua đã vượt quá mức cho phép tới 800 lần. Dòng chảy của con nước bị nhiễm độc trên lãnh thổ Hungary đã làm chết tới 85-90% số động vật và thực vật.

Cũng trong tháng 2/2000, dòng nước nhiễm độc đã chảy tới Nam Tư. Nguồn nước sinh hoạt của người dân Nam Tư, Hungary và Serbia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, một hậu quả nghiêm trọng như thế đối với môi trường sinh thái châu Âu còn lớn hơn cả những gì vụ tai nạn ở nhà máy nguyên tử Chernobyl gây ra trước đây.

Nguyễn Hữu Huy
.
.