"Nỗi buồn tốc ký" và nỗi niềm thi sĩ

Chủ Nhật, 01/12/2013, 14:49

Hà Nội, Nhà hát Lớn, một đêm tháng 10 âm lịch. Chưa kịp cười, trời đã sầm sập tối. Bên trong Nhà hát Lớn, tràn hoa. Những đóa hoa loa kèn, những cành hoa lan… trắng muốt và thơm ngát. Đêm ấy, nhà thơ Hồng Thanh Quang hồn nhiên với nỗi vui của người một đời ràng buộc với thơ. Anh ra mắt bộ sách thơ “Nỗi buồn tốc ký” và có thêm nhiều bạn hữu là nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện những ca khúc phổ thơ Hồng Thanh Quang, lẫn những ca khúc được Hồng Thanh Quang phổ thơ của bè bạn.

1. Tôi, ngẫu nhiên mà nhiều anh em văn nghệ sĩ cũng quý mến, đã vinh hạnh được tham dự nhiều buổi ra mắt thơ. Nhưng, chưa bao giờ có nhiều cảm xúc như vậy trong đêm thơ ấy. Khán phòng chật khán giả, sân khấu đẹp lung linh, nghệ sĩ trình diễn bằng tâm tình… Thơ, được tôn trọng như những năm xưa. Những thời khắc mà nhà thơ còn được tôn kính bằng cách những biểu hiện thái quá luôn biến thành giai thoại.

Họ lặng im nghe thơ Hồng Thanh Quang, như có sự tương lân, những tràng pháo tay vang lên nhịp nhàng, những xúc cảm được nối với nhau qua ánh mắt nhìn, lặng im. Khi ấy, thơ thật sự sống lại, thơ lan truyền như những ánh lửa sưới ấm lòng người, thơ trải sự yêu thương, thơ thấm đẫm nỗi niềm. Thơ, đã có đất để làm đúng nhiệm vụ của mình. Bởi, thơ không khiến người ta thương nhau hơn, tử tế với nhau hơn, trải lòng với nhau hơn, nhẹ nhàng với nhau hơn, thì thơ chưa thật là thơ và người làm thơ chưa thật là thi sĩ.

Thi sĩ Hồng Thanh Quang đêm ấy, vui nỗi vui hồn nhiên như của một đứa trẻ được bố mẹ tổ chức cho lần sinh nhật đầu tiên. Anh đã ở độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, một người thông minh như anh thừa sức biết về mọi thứ đã là đủ đầy, cố cũng không cố được nữa, thêm cũng không thêm được nữa. Nên đêm thơ vừa diễn ra đó, là đêm để mọi người cùng tìm đến sự an vui. Chắc chắn ngoài chuyện đó, không còn gì khác.

Ở Hồng Thanh Quang, có đủ tố chất để hình thành nên một thi sĩ đích thực. Anh tài hoa, nhẫn nhịn, chân thành và dễ xúc động. Thiên hạ ném vào anh những điều không phải, anh đón nhận. Thiên hạ ném vào anh vinh hoa, anh cười xòa. Tất cả những gì đã qua, anh chắt chiu câu chữ để ra thơ. Viết chắt chiu, là một thủ pháp nhấn mạnh. Thơ của Hồng Thanh Quang, tự nhiên như thể văn u mặc mà nho sinh xưa thường hướng đến.

Hồng Thanh Quang chạm vào đâu cũng ra thơ. Anh làm thơ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Một đêm trong khách sạn, một hôm dọc triền đê, một lần ngồi với bạn… Anh làm thơ ứng khẩu cực nhanh. Rất nhiều lần, tôi đã chứng kiến cảnh anh làm thơ ứng khẩu. Chữ cứ như sẵn trong tư duy, thích xài lúc nào, tung tẩy lúc đó.

2. Thi sĩ, là một giống đa tình và Hồng Thanh Quang không là một ngoại lệ. Cũng rất khó là một ngoại lệ, bởi có ai tài hoa mà không đa tình đâu. Tránh sao được chữ tình. Không gieo vẫn gặt được, không tán vẫn nhào vào… Thế nên, không có gì là khó hiểu khi đa phần thơ của Hồng Thanh Quang tràn ngập sắc màu của tình ái. Những ngày yêu vụng dại, những mùa yêu nông nổi, những hôm yêu bất thần, những khi yêu ngẫu hứng… Thế nhưng, chủ đạo trong thơ tình của Hồng Thanh Quang, chính là nỗi dằn vặt: “Liệu, anh có làm cho em hạnh phúc hay không?”. Bao giờ, anh cũng sợ người mình yêu (hay người yêu mình) bị thiệt thòi, bị tủi phận. Anh mải miết, loay hoay trong cả một trời thương nhớ xa xăm, yêu đương hoa mộng bây giờ.

Anh không thể không có em được nữa/ Bởi đã yêu, đã giận ở trong đời/ Không có em, cách gì anh hiểu được/ Sống làm sao để khỏi thẹn danh người” (Không có em anh thở như không thở). Lại nữa, “Em cứ làm Thị Kính của anh thôi/ Giấu xuân sắc vô vọng vào tục lụy/ Mặc Thị Màu vẫn khuê vi giữ nết/ Chán Nô rồi, thấy thanh mảnh mà si…” (Em cứ làm Thị Kính của anh thôi). Lại thêm, “Hành trang có mấy câu thơ/ Ta mang sĩ khí qua bờ sông Tương/ Hữu duyên hạnh ngộ ngang đường/ Người truyền mai đạo, ta thương phận đào” (Ngược đường về với ngày xưa). Lại có, “Rồi em chúc cho tôi nhiều hạnh phước/ Bù hộ em những duyên nợ không thành/ Rồi em khóc mà tôi không thể dỗ/ Bởi chính tôi cũng rối loạn giăng mành” (Lần cuối cùng gặp em tôi sẽ nói). Những tình ấy, là bởi anh tự một mình tạo cả một mùa yêu, “Và ta sống không bao giờ nguôi được/ Những đam mê đắc nghiệp đã di truyền/ Xin em chớ nhìn ta thương cảm thế/ Ta vẫn là tiếng hát của mùa duyên(Và một ngày bắt đầu như thường nhật).

Ra Hà Nội chia vui với anh ở Nhà hát Lớn, về lại Thành phố Hồ Chí Minh, đọc chậm Nỗi buồn tốc ký, mới chợt nhận ra rằng, Hồng Thanh Quang không chỉ có thơ tình. Còn một mảng thơ khác rất đậm nét trong thơ anh.

Nhìn mặt nạ, nhận ra nhau/ Miệng cười mủm mỉm, mà đau quá chừng...” (Nhìn mặt nạ nhận ra nhau). Đó là bài thơ ngắn nhất trong bộ thơ Nỗi buồn tốc ký. Mười bốn chữ, chỉ đúng mười bốn chữ, mà bao nhiêu phù phiếm nghĩa nhân đều dồn vào đó cả, đều ẩn chứa trong đó cả.

Hồng Thanh Quang có chán chường sau khi nhìn mặt nạ mà nhận ra không. Hẳn nhiên là không, ai đã ngồi với Hồng Thanh Quang một lần, luôn muốn được ngồi với anh thêm lần nữa. Từ sự chứng kiến của mình, tôi đoan chắc, anh không phải là típ người bỏ rơi bạn hữu trong bất cứ tình huống ngặt nghèo nào.

Bạn anh là quan chức, gặp chuyện không may, công danh bấy lâu trôi như hoa rụng dưới chân cầu, mặc nước cuốn trôi. Bạn buồn, anh cũng buồn. Giữa cái không khí bàng bạc của sự ngoảnh mặt ấy, anh vẫn ngồi với bạn, và thổn thức: “Trong những lúc trắng đen còn lẫn lộn/ Bạn vẫy vùng mấy biển cũng đành thôi/ Nhưng tôi vẫn đớn đau vì thành bại/ Bạn vẫn là bạn quý của đời tôi” (Thơ tặng bạn).

Và anh lại viết thêm, “… Thế gian già nhẽ non tình/ Riêng ta ngỏ cửa lòng mình cho nhau/ Mai kia tóc bạc đầu đau/ Chén sầu dốc cạn, đọc câu thơ buồn” (Rượu say lại nhớ bạn hiền). Hay “Đều hơn năm chục tuổi rồi/ Bây giờ gặp lại thả lời ấu thơ/ Tình xưa chỉ giống giấc mơ/ Thế mà tóc bạc ngẩn ngơ gió đùa” (Bạn cũ). Cái tứ “Thế mà tóc bạc ngẩn ngơ gió đùa”, an nhiên đến lạ lùng, an nhiên như thể “Ngồi buồn gốc sân/ Hững hờ trăng khuyết/ Được mất phân vân/ Không còn không hết” (Đồng dao).

Tôi đọc, Tử Bất Ngữ của Viên Mai, Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh hay Dạ Đàm Tùy Lục của Hòa Bang Ngạch, đều thấy phảng phất quan điểm “Đời như giấc ảo mộng, trăm năm hữu hạn hay ngàn năm về sau chỉ là thoáng qua, xá gì cơn mơ hóa bướm trắng”... Vậy nên trộm nghĩ, kiếm được một người bạn đúng nghĩa trong cuộc đời, cứ như là nhóm được lên ngọn lửa hồng để sưởi ấm lòng nhau.

3. Có ba người phụ nữ giữ vị trí quan trọng trong thơ Hồng Thanh Quang, những người phụ nữ ấy chiếm dung lượng không nhiều trong tổng thể thơ anh, nhưng lại níu giữ toàn bộ những gì anh tư duy bằng thơ. Thứ nhất, mẹ. Thứ hai, vợ và cuối cùng là con gái.

Anh viết về mẹ, “Giờ tỉnh ngộ như thể còn mê lú/ Con âm thầm nhớ mẹ giữa phù hoa/ Con xót lắm nơi đồng không buốt giá/ Bao giờ con với mẹ được chung nhà” (Nhớ Mẹ). Vậy đó, trong bất cứ gã đàn ông nào, mạnh mẽ đến đâu, can trường đến đâu, khinh bạc đến đâu, ngạo nghễ đến đâu… thì bao giờ cũng cần đến vòng tay của mẹ. Bởi, “Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả nếu ta bao lần ngu dại/ Vì ai” (Mẹ). Lại nữa, “Thế là rượu, thế là thơ/ Không hay tóc mẹ đêm chờ khuất trăng” (Mẹ ơi).

Đêm Hà Nội vắng gió, trong không gian yên ắng của Nhà hát Lớn, nghe Đàm Vĩnh Hưng hát bài Mẹ (nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang), mới cảm nhận hết nỗi da diết của câu chữ, “Người đàn bà đầu tiên, người đàn bà sau cuối, không bao giờ phản bội”…

Chị nhà của nhà thơ Hồng Thanh Quang, là một người phụ nữ hiểu chồng. Có lẽ, rất ít người vợ nào lại hiểu chồng đến độ nhẫn nhịn như chị. Chưa khi nào chị nói ra, nhưng thể nào, làm vợ của một nhà thơ tài hoa nổi tiếng như Hồng Thanh Quang, chị luôn phải âm thầm chịu đựng những cơn bão lòng rất lớn. Chính vì vậy và viết về vợ, anh rất trân trọng, trân trọng đến mức… lễ phép. “Mấy thứ lăng nhăng đều vướng cả/ Lệ làng rất khó được dung tha/ Nhưng lòng em rộng như giời ấy/ Cuối cùng mọi sự vẫn nương ta/ Em lo con bé, thương chồng dại/ Thật thà mê đắm, lắm ngu ngơ/ Cho ta gửi nhé, muôn nghìn vái/ Vợ mà như mẹ của nhà thơ” (Bái vợ).

Và một dự cảm khác đầy sự lo toan yêu thương cho nỗi niềm lớn nhất cuộc đời anh, trong bài Viết cho con gái Linh Vân: “Như chiếc lá non/ mặt tròn giống cha/ Mũi to giống cha/ Ngón tay thon dài như mọi mỹ nữ nhà mình/ Con hiền hơn cha nhiều lắm/ Tiếng con khóc nhỏ như hơi thở của đám mây thiêng/ Như sự nuốt vào trong của thân phận đàn bà…/ Đời con sẽ đỡ mưa sa?”.

Lại có một Hồng Thanh Quang hai mảng màu đối lập, cực khác biệt. Một Hồng Thanh Quang với nỗi buồn thi sĩ của riêng mình, “Một mình sẽ một mình thôi/ Bao câu chữ cũ hát chơi một mình” (Sẽ một mình thôi). Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và tự trình diễn, được nghe, cứ thấy tuổi già đang vỡ vụn trong tâm tưởng.

Và một Hồng Thanh Quang đầy cao ngạo, cao ngạo đến bỡn cợt mọi thứ: “Lên chùa được gặp ông sư/ Chuyện tu thì ít, chuyện tư thì nhiều… Sư ông ơi, đã hay chưa/ Đa mang tuổi cũ có chừa được không” (Lên chùa được gặp ông sư). Thêm, “Phật có bao giờ mất ngủ chăng/ Và tâm liệu có vướng dây chằng?/ Ta không thể tĩnh nằm như thế/ Bởi kiếp ta là sao thiếu trăng” (Phật có bao giờ mất ngủ chăng).

Thẳm sâu trong nỗi cao ngạo đầy ưu tư ấy, là sự phân minh cá nhân rất rạch ròi, “Mặc đêm cứ việc là đêm/ Câu thơ chớ để lụy thêm kiếp này” (Không về cũng có sao đâu”. Mặc cho, “Rất gần nhưng vẫn là xa/ Khi cơn gió khát thổi qua Niết bàn” (Lắm khi ta chỉ một mình). Bởi nhẽ giản đơn, “Tính toán làm chi được mất/ Cuối cùng gió giữa đồng không” (Trở lại cùng tôi ký ức)

Ngô Kinh Luân
.
.