Nobel Văn chương hay cuộc chơi chính trị?

Thứ Năm, 07/11/2019, 14:10
“Giải Nobel Văn chương 2018 bị hoãn vì scandal nhưng sự lựa chọn của năm nay càng gây nhiều tranh cãi”, có lẽ dòng tít của tạp chí Slate đã tóm lược một cách tinh gọn, chuẩn xác nhất và không khí hậu trao giải Nobel Văn chương vừa diễn ra.

Được một năm yên ấm với Kazuo Ishiguro, một kiểu nhà văn khiến từ giới hàn lâm hợm hĩnh tới giới làm phim phù phiếm, tới cả tầng lớp khán giả tầm thường ai cũng phải vỗ tay nhiệt liệt, đến nay, giải Nobel Văn chương lại gây sóng gió. Nhưng, sóng gió gì kia chứ?

Cả hai chủ nhân giải thưởng Nobel Văn chương vừa được xướng tên, Olga Tokarczuk (giải thưởng năm 2018) và Peter Handke (giải thưởng năm 2019), họ đâu phải nhạc sĩ như Bob Dylan, họ cũng chẳng phải là tên tuổi “vô danh” chẳng ai thèm biết như Helen Muller, họ lại là những bậc thầy hư cấu chứ không thành danh nhờ dòng phi hư cấu như Svetlana Alexievich, thế mà, nếu như Tokarczuk được trên dưới tán thành và nhận được sự đồng thuận của đông đảo dư luận thì Handke, ở chiều ngược lại, trở thành tâm điểm của những luồng chỉ trích.

Còn nhớ hồi năm 2004, khi người đồng hương của Handke là bà Elfriede Jelinek nhận giải, bà đã một mực cho rằng người xứng đáng không phải là bà, người xứng phải là Peter Handke mới đúng. Giới mộ điệu cũng gật gù, theo họ, nếu Viện Hàn lâm mà trao giải cho Jelinek vì “nhiệt huyết ngôn ngữ phi thường, phát lộ sự phi lý trong những sáo rỗng xã hội và quyền năng thuần hóa của chúng” thì tốt hơn họ nên trao giải cho Handke, tổ nghề sáng tạo trong ngôn ngữ tiếng Đức kể từ sau Gunter Grass.

Hồi ấy, Jelinek cũng bị phản đổi vô cùng dữ dội. Có cựu thành viên của Viện Hàn lâm còn đòi... biểu tình vì hội đồng đã trao giải cho người mà theo ông chỉ là “một đống chữ nghĩa được gá lại với nhau mà chẳng có cấu trúc nghệ thuật gì”. Trên thời báo Svenska Dagbladet, ông này còn tức tối đến mức cho rằng quyết định trao giải này là “một sự hủy hoại không thể sửa chữa đối với tất cả lực lượng tiến bộ”, đồng thời từ bỏ luôn cả tư cách một cựu thành viên của Viện Hàn lâm. “Tôi coi mình là người ngoài”, ông thẳng thừng.

Nhà văn người Áo Peter Handke đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi nhận giải Nobel 2019.

Ấy vậy mà, khi Peter Handke - một cây bút thực sự cấp tiến - được trao giải, người ta lại ngay lập tức có một lí do khác để phản đối. Không phải vì Handke ngông, dù ông ngông thật nhưng nếu như ông chỉ ngông trong lĩnh vực của ông, nếu như chỉ có mỗi vụ ông, năm đó mới chỉ là một thanh niên trẻ, đứng lên phát biểu tại Đại học Princeton giữa một dàn những nhà văn lẫy lừng và khảng khái chê bai nền văn chương tiếng Đức thời bấy giờ rặt là “một sự bất lực trong miêu tả”, nếu chỉ có thế thì chắc không ai phản đối ông hết.

Nhưng, ông đã dây vào một chuyện không nên dây chút nào, đó là xuất hiện tại đám tang của Slobodan Milosevic, vị chính trị gia khét tiếng người Nam Tư cũ từng bị gọi là “tên đồ tể Balkans”, mà Handke không chỉ xuất hiện, ông còn nhận lời bênh vực cho những chính sách của người mà ông gọi là “vị anh hùng bi kịch”.

Những người giận dữ với giải thưởng trao cho Handke giải thích rằng, ừ thì xét về mặt văn chương, Handke là một cây đại thụ với những tác phẩm tìm ra hướng đi mới cho ngôn từ nhưng giải Nobel Văn chương không bao giờ chỉ là văn chương, nó còn thuộc về phạm vi đạo đức, bởi người đặt ra giải thưởng ấy, nhà bác học Alfred Nobel là một con người nhân đạo và là một tâm hồn vĩ đại. Cho nên, lẽ tự nhiên, khi mang tên của ông thì giải thưởng ấy, dù không phải giải Nobel Hòa bình, cũng không thể trao cho một người có lý tưởng chống lại con người.

Có lẽ họ đã phần nào nói đúng, bởi tự thân mình, hậu tang lễ Slobodan Milosevic, Peter Handke cũng đã thừa nhận mình đã từ bỏ giấc mộng Nobel. Ông tin rằng với hành động ủng hộ một nhà độc tài, ông đã tự cắt bỏ cơ hội cho chính mình.

Nhưng giờ đây, khi mà giải đằng nào cũng đã được trao và không có cơ may nào rút lại, một cách công bằng hết sức có thể, chúng ta thử nhìn lại mối quan hệ giữa giải Nobel Văn chương với những vấn đề chính trị và rằng liệu có nên xét đến chính trị khi trao một giải thưởng có sức ảnh hưởng như Nobel, hay hãy cứ đê văn chương là văn chương thuần túy?

Thực ra, những giải thưởng lớn nhất trong các lĩnh vực nghệ thuật, không giải thường nào không mang màu sắc chính trị. Điện ảnh có Oscar, âm nhạc có Grammy, nói cho cùng đều nhuốm màu chính trị cả. Khi một bộ phim tầm trung như Green Book mà cũng được trao giải Phim xuất sắc tại Oscar vào năm ngoái thì còn có lí do nào khác ngoài việc Oscar đang muốn thể hiện thông điệp hòa giải những mâu thuẫn giữa dân da đen và dân da trắng, điều đang gây nhức nhối trên khắp đất Hoa Kỳ?

Vậy thì cũng chẳng có gì lạ khi trong tất cả các hạng mục giải thưởng Nobel, nếu không kể giải thưởng Nobel Hòa bình rõ ràng là không thể không xét tới tình hình chính trị, không có giải thường nào lại mắc mớ tới chính trị nhiều như giải Nobel Văn học. “Nhờ ơn” những mối dây dưa với chính trị, giải thưởng này có cả một lịch sử bất đồng và tai tiếng.

Nhà văn từng đoạt giải Gunter Grass (bên phải) trong một bài viết thú nhận mình từng tham gia chiến đấu cho quân đội Đức Quốc xã.

Tai tiếng thì có đủ kiểu, khi thì như Peter Handke, dù tác phẩm không có vấn đề gì nhưng lý lịch riêng tư thì có vết, hay như Marion Vargas Losa, một văn sĩ kiêm chính trị gia thuộc tư tưởng hữu khuynh, mà đến cả Orhan Pamuk, Harold Pinter, Dorian Lessings cũng bị nghi là được trao giải bởi những lí do phi văn học. Khi thì như Hellen Muller, dù chẳng làm gì sai nhưng vì danh tiếng không vang xa ngoài châu Âu nên giải năm đó bị chỉ trích là mang tinh thần trọng Âu, nói cho cùng cũng là tranh cãi về quan điểm chính trị.

Có trường hợp ngược lại, không được trao giải vì xu hướng chính trị, như các đại văn hào Jorge Luis Borge hay Karel Capek và thế là giải Nobel cũng mất ít nhiều uy tín. Sự ghẻ lạnh có tính lịch sử giữa Thụy Điển và Nga cũng được cho là nguyên nhân khiến những ngọn núi như Lev Tolstoi và Anton Chekhov không được xướng tên.

Thế nhưng, khi liệt kê (mà vẫn là liệt kê chưa đủ) những trường hợp tranh cãi, ta mới nhận ra là hình như chẳng có năm nào mà không có tranh cãi, không ít thì nhiều, về giải Nobel Văn chương. Tranh cãi nhiều đến mức năm nào không tranh cãi mới là sự lạ. Và nếu như chỉ tranh cãi một đôi lần thì ta có thể tạm hiểu là sơ suất nhưng nếu tranh cãi quá nhiều thì ta phải đặt ra một câu hỏi khác, phải chăng, văn chương nói chung và các nhà văn, các nhà thẩm định văn chương nói riêng không thể nào mà không dính tới chính trị?

Trong một bài phát biểu của nữ văn sĩ Olive Senior tại Hội thảo Văn chương quốc tế Edinburgh, sau này được đăng lại trên tạp chí Guardian, bà có nói thế này: “Tất cả chúng ta đều bị mê hoặc bởi chính trị vì tất cả chúng ta đều là công dân của một nơi nào đó - ngay cả các nhà văn - chúng ta không thể thoát khỏi việc bị định hình bởi các quyết định chính trị, dù lớn hay nhỏ”.

Nếu so với những nghiên cứu mà Yuval Noah Harari đã chỉ ra trong cuốn sách phi hư cấu với tuổi đời không dài nhưng đã sớm được coi là một trước tác, rằng sự phát triển lớn rộng của cộng đồng người là nhờ vào khả năng tưởng tượng và xây đắp niềm tin chung và những điều không có thật. Trong số những điều không có thật ấy, có vấn đề về lãnh thổ, quốc gia, chủ quyền và chúng, chẳng gì khác hơn, chính là tiền đề của chính trị.

Và bởi vì con người là một động vật chính trị (nhờ thế nó mới thành công hơn các loài vật khác) nên nếu như văn chương mang tính chính trị thì đó là chuyện hiển nhiên. Ngay cả những nhà văn kiêm triết gia hiện sinh cảm thấy buồn nôn với thế giới và thấy cuộc đời là một sự phi lý không tưởng, như Jean-Paul Sartre là một điển hình, cũng không thoát khỏi mối quan tâm chính trị. Và rà lại những tác phẩm kinh điển mà bạn đã đọc, bạn hãy nói xem, có tác phẩm nào không có màu sắc chính trị không, từ Anna Karenina đến cả Jane Eyre, từ Cuốn theo chiều gió đến những tiểu thuyết đương đại như Kafka bên bờ biển.

Cùng đích của văn chương, hẳn nhiên, không bao giờ là chính trị. Nhưng nói như George Orwell: “Ý kiến cho rằng nghệ thuật không nên can hệ gì với chính trị thì bản thân ý kiến ấy cũng là một thái độ chính trị”. Và nếu đã chắc chắn rằng một khi còn lang thang trong địa giới văn chương, ta sẽ không bao giờ thoát khỏi lưới giăng chính trị thì chúng ta sẽ chỉ có thể thông cảm cho nhau, rằng một nhà văn cũng có thể có quan điểm chính trị, Viện Hàn lâm cũng có thể có quan điểm chính trị và họ cũng có thể lẩn tránh chính trị dù sự lẩn tránh ấy cũng là một kiểu bày tỏ xu hướng chính trị.

Đây không còn là vấn đề tranh luận nữa mà là một vấn đề người ta phải chấp nhận. Bởi văn chương thuần túy ư? Ngay đến những tuyệt phẩm đầu tiên trong lịch sử như Illiad, Odyssey hay Mahabharata cũng đã không thuần túy, nói gì những phát triển sau này. Có lẽ trong văn chương tử tế thì nghịch lý thay, rất khó để tìm văn chương thuần túy ở nghĩa nguyên bản nhất.

Hiền Trang
.
.