Nhường nhau để giữ nghiệp

Thứ Sáu, 22/01/2010, 14:46
10 năm sau khi ông Boris Yeltsin, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời "hậu Xôviết" từ chức  và lựa chọn ông Vladimir Putin, khi đó còn là một quan chức ít người biết tới và mới được đặt vào vị trí Thủ tướng chưa lâu, vào ngôi kế vị, đại đa số những người Nga được hỏi ý kiến đều cho rằng, đấy là một sự lựa chọn đúng đắn. Chỉ có 2%  cho rằng đó là việc làm sai lầm.

Quả thực, trong 10 năm qua, dù ở trên cương vị Tổng thống hay Thủ tướng, ông Putin đã không phụ niềm tin của người dân Nga và đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho Moskva dần lấy lại phong độ xứng đáng của mình trên trường quốc tế.

Cần phải thấy rằng, việc ông Yeltsin  từ chức vào ngày cuối cùng của năm 1999 hoàn toàn không phải là trong tâm thế vui vẻ mà là một sự cực chẳng đã. Trước đó đã xuất hiện rất nhiều tin đồn về việc này. Theo sách "Vladimir Putin: Sự lựa chọn của nước Nga", trong nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông Yeltsin ngày càng bị suy giảm uy tín trong con mắt cả nhân dân lẫn các phương tiện thông tin đại chúng. Thông thường, chỉ số tín nhiệm ông trong các cuộc thăm dò dư luận chỉ ở mức 1 - 2%.

Tờ Báo Độc Lập trong một bài viết từ cuối năm 1998 đã đưa ra kết luận rằng Boris Yeltsin "phá hoại nhiều hơn xây dựng". Báo này còn xếp ông chủ Điện Kremli lúc đó vào đội ngũ "những Tổng thống hăng hái theo hướng tiêu cực" như các Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Richard Nixon... Suốt mấy năm liền, trên các phương tiện thông đại chúng ở Nga đã liên tục đăng tải những lời kêu gọi ông Yeltsin "ra đi không ngoảnh lại đầu".

Bình luận viên chính trị Yevgeni Kiselev trên kênh truyền hình NTV đối lập còn bạo mồm bạo miệng giở lại bài học cũ của lịch sử chưa xa: "Chính vì Brezhnev không biết chuyển giao quyền lực cho những người trẻ hơn mà Liên Xô đã bị xoá sổ. Chẳng phải là nước Nga có nguy cơ chịu chung số phận do sự ngoan cố của Tổng thống đó sao?".

Cho tới tháng 9/1999, khi ông Putin xuất hiện trên cương vị Thủ tướng, những tin đồn về việc từ chức đã gần của vị Tổng thống tuy mới 68 tuổi nhưng đã quá suy sụp sức khoẻ lại càng vang lên mạnh mẽ và dồn dập. Thậm chí một đại biểu Duma quốc gia Nga, ông Aleksandr Shokhin trong một bài báo đăng ngày 20/9/1999 trên tờ Hôm nay đã dám cả quyết "Yeltsin sẽ ra đi vào ngày 19/10/1999".

Trước đó, tờ báo Anh The Gardian còn dựng lên cả một kịch bản đề cập tới việc ngày 7/11/1999. Đúng hôm đó, vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và về sau, trong thời "hậu Xôviết", được đổi thành Ngày hòa giải dân tộc, khi tỉnh dậy, người dân Nga sẽ phải chứng kiến cảnh Boris Yeltsin lên truyền hình thông báo tin từ chức và bàn giao quyền lực cho Vladimir Putin với lời tuyên bố: "Bây giờ đã đến lúc chúng ta trao lại đường đua cho thế hệ mới".

Mọi sự về sau cũng diễn y như thế nhưng không phải vào các thời hạn đã được đưa ra trước.

Theo chính lời của ông Yeltsin, ý định từ chức đã chín muồi từ lâu. Sau cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga, diễn ra ngày 19/12/1999, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời "hậu Xôviết" hiểu rằng, cùng với thế thượng phong của binh lính Nga tại Chesnia, được tuyên truyền rầm rộ trên những phương tiện truyền thông do "Gia đình" quản lý, ông Putin với những năng lực cá nhân rất đáng kể của mình đã củng cố được vị trí xứng đáng trong lòng xã hội Nga. Chẳng gì thì việc liên minh Thống nhất, được thành lập vội vã từ những lực lượng không hẳn đã đồng nhất nhưng do được Thủ tướng Putin công khai tuyên bố ủng hộ nên vẫn giành số phiếu cao đã chứng minh điều này. Thậm chí một số phương tiện thông tin đại chúng còn rậm rịch bầu ông Putin là "nhân vật nổi bật nhất năm 1999".

Hơn nữa, tới cuối năm 1999, sức khỏe của vị "trưởng lão" lại tiếp tục suy giảm. Ba bốn lần ông phải vào bệnh viện cấp cứu. Mỗi ngày, ôngYeltsin chỉ làm việc chính thức có khoảng 1 - 2 tiếng. Họa vô đơn chí, "Gia đình" trong mùa thu 1999 còn gặp thêm chuyện rắc rối to vì những thông tin đăng tải rộng rãi khắp thế giới về việc tẩy rửa đồng tiền Nga tại các ngân hàng của Hoa Kỳ.

Trong danh sách những kẻ bị cáo buộc liên can lại vẫn có hai con gái Tổng thống và Pavel Borodin, cánh tay phải của ông Yeltsin, một thành viên quan trọng vào loại bậc nhất trong "Gia đình". Qui mô của vụ tai tiếng mới lớn đến mức báo chí đã dùng từ Yeltsingate để chỉ nó, liên hệ với vụ Watergate từng buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải về vườn trước kia. Tất nhiên vì vị Thủ tướng đương nhiệm đang là ông Putin nên trong nội bộ nước Nga, không có một cuộc điều tra nghiêm túc nào về vụ này được tiến hành nhưng uy tín của Điện Kremli hiển nhiên là càng bị suy giảm không gì cứu vãn nổi…

Quả thực là đã tới lúc vị "trưởng lão" cần bàn giao quyền lực để người kế nhiệm có cơ thuận lợi hơn mà thăng tiến. Sức ép xã hội đối với việc này càng ngày càng gia tăng. Trong một chương trình truyền hình được phát sóng rộng rãi, trước câu hỏi "Phải chăng đã tới lúc Boris Yeltsin phải chuyển giao tạm thời quyền lực cho Vladimir Putin?", 14.356 trong số 15.000 người được hỏi đã trả lời là đúng.

Tuy nhiên, với bản thân ông Yeltsin, từ chức hiển nhiên sẽ là một quyết định không dễ dàng. Vị "trưởng lão" vốn nổi tiếng về tính máu mê quyền lực. Theo lời của chính ông Yeltsin viết trong hồi ký, khi vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời, vị Tổng thống tương lai đầu tiên của nước Nga thời "hậu Xôviết" đã được một thầy tế nát rượu rửa tội và dìm đứa trẻ đỏ hỏn vào chậu nước rồi cứ để nguyên như thế mặc nó vùng vẫy. Khi cha mẹ đứa nhỏ, những người nông dân sùng tín, rụt rè nhắc ông thầy đã "quắc cung mây" này nhấc đứa bé lên kẻo nó bị ngạt, thì ông ta liền nhanh trí biện lý: "Đấy là do đứa trẻ này có tính cách một chiến sĩ (trong tiếng Nga, Borets) nên mới quậy như vậy đó. Thôi thì ta đặt cho nó cái tên Boris!". Nhân bảo như thần bảo, suốt đời ông Yeltsin phải chiến đấu không ngừng nghỉ để giành lấy những vị trí xứng đáng cho mình…

Từ thành phố Sverdlovsk (tức Ekaterinburg hiện nay) trong vùng Ural xa xôi lên Moskva năm 1985 qua sự tiến cử của một Ủy viên Bộ Chính trị rất có uy tín là ông Yegor Ligachev, được ông Mikhail Gorbachev, lúc đó là Tổng Bí thư, đưa vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Yeltsin đã lập tức bộc lộ tính không thích "đứng trong bóng râm" của mình. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Moskva, ông Yeltsin đã làm nhiều chuyện bất thường trong con mắt chính thống thời đó, lớn tiếng phê phán các đồng sự trong Bộ Chính trị có quan điểm về cải tổ thận trọng hơn mình. Ông không ngại làm bất cứ việc gì có thể giúp mình tạo chỗ đứng nổi trội nhất trong công luận mặc dầu bề ngoài, ông vẫn nói: "Chúng tôi không thể làm mọi việc, tức là có thể làm mọi việc, nhưng mà lương tâm không cho phép".

Là một người có nhiều ý tưởng nhưng đó chỉ là những ý tưởng không có cơ sở lý luận vững chắc nên ông Yeltsin thường hành động chủ yếu dựa vào bản năng với mục đích sau xa là giành lấy quyền lực. Ông sử dụng ngay thủ pháp của ông Gorbachev trong việc các hành vi dân tuý: ông cũng đi sâu vào quần chúng nhưng theo cách riêng. Đó là giai đoạn mà ông Yeltsin, đang là Bí thư Thành ủy Moskva, hay lên tàu điện, xe buýt đi qua một vài ga để trò chuyện với dân thường rồi mới xuống ngồi vào xe hơi tới công sở. Ông trở nên nổi tiếng tức thì và tất nhiên là khiến những "đồng chí" ngồi ở ghế cao hơn khó chịu: "Chú làm gì mà lại chơi chòi như thế?".--PageBreak--

Năm 1988, ông Yeltsin đã phải rời khỏi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô với một sự bất mãn tột độ trong lòng: "Tại sao những người mạnh mẽ và thông minh như mình lại bị gạt ra rìa trong khi những kẻ "trí thức" yếu đuối và bé nhỏ như Gorbachev lại được quyền hoạch định các kế hoạch nhà nước?"(?!). Cảnh thất thế càng làm cho ông Yeltsin trở nên mạnh bạo và quyết liệt hơn trong các hoạt động chính trị. Năm 1989, ông được bầu vào Quốc hội Liên Xô. Năm 1990, ông Yeltsin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga, lúc này vẫn còn nằm trong thành phần Liên bang Xôviết. Một năm sau (1991), bằng các thủ đoạn mị dân và kiên quyết một cách "sát ván", ông Yeltsin đã xua xe tăng đi chinh phục thủ đô và đã đoạt được quyền lãnh đạo Moskva từ tay ông Gorbachev sau khi Liên Xô tan vỡ...

Từ  đó cho tới gần cuối thế kỷ XX, Boris Yeltsin ngày càng củng cố quyền lực của mình bằng mọi thủ đoạn, kể cả cách đôi khi giả vờ ốm yếu hơn thực sự là như thế để ru ngủ sự cảnh giác của các đối thủ, đẩy họ vào chỗ bị bất ngờ không kịp trở tay khi ông "phản pháo". Ông có khả năng kỳ lạ huy động sức mình và sức người trong những tình huống cùng đường và nhờ thế, đã không chỉ một lần lật ngược được các thế cờ tưởng chỉ là cửa tử. Có người đã nhận xét, một khi tình hình chính trị càng tồi tệ thì sức khỏe của "Sa hoàng Boris" càng trở nên khả quan...

Trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, ông Yeltsin đã sử dụng vũ lực để đàn áp các nghị sĩ cứng rắn dám chống lại ông và hạ lệnh cho binh lính bắn thẳng vào tòa nhà Quốc hội năm 1993, bất chấp trong đó đang có cả Thiếu tướng, Anh hùng phi công Aleksandr Rutskoi, người lúc đấy giữ cương vị Phó Tổng thống Liên bang Nga... Ông cũng không ngần ngại thẳng tay xử tệ với các đồng minh một khi ông cảm thấy họ không còn tác dụng với việc củng cố quyền lực của ông nữa…

Thực ra, mặc dầu bộc lộ ra bên ngoài rất nhiều nét tính cách tiêu cực nhưng cho tới phút cuối cùng trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, ông Yeltsin trong những thời điểm cần thiết và nguy kịch nhất vẫn giữ được nét tư duy sống động và khôn ngoan của một chiến binh lão luyện và không bao giờ để mất hết các con bài dự trữ chiến lược. Ông cũng không đến nỗi bất khả tri về các cơ hội và bế tắc trên chính trường. Tuy nhiên, sự hiểu biết tình thế của ông Yeltsin không làm đơn giản hóa được thói quen trị vì đã hình thành trong gần cả một thập niên ngồi trên vị trí cao nhất quốc gia: "Chúng ta đã luôn có một quyền lực tối cao rất mạnh, và tất cả mọi người đã quen thích nghi với điều đó" - ngay cả khi còn rất mệt mỏi, "dở sống dở chết" vì ca mổ tim cuối năm 1998, ông Yeltsin vẫn lên truyền hình và tuyên bố như vậy bằng cái giọng khàn đầy uy lực của mình. Chính vì thế nên ông đã cảm thấy rất nặng nề khi phải quyết định thực sự ra đi.

Theo tạp chí Itogi, điều có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới việc vị "trưởng lão" quyết định "nhường ngôi" là lời của một trợ lý tình cờ nói ra: "Ông hãy tin đi, nếu ông từ chức trước thời hạn, mọi người lập tức tha thứ cho ông tất cả...". Bởi lẽ, theo các quân sư trong Điện Kremli, trong lịch sử nước Nga từ cổ chí kim, chưa bao giờ có một ông vua nào lại tự nguyện rời ngôi báu.

Quả là như vậy, chính những giọt lệ chảy dài trên má "Sa hoàng Boris" khi ông đọc những lời cuối cùng trên cương vị Tổng thống  ngày 31/12/1999 đã khiến nhiều người Nga nguôi bớt những ác cảm đối với vị nguyên thủ đã dồn đời sống của họ tới bước đường cùng trong thời "hậu Xôviết". 

Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Ngọn lửa nhỏ tháng 10/2000, ông Yeltsin đã tiết lộ rằng, trong suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống của mình, ông đã luôn mơ ước tìm thấy một người "thừa kế" như ông Putin. Và khi đã tìm ra rồi thì ông đã coi việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho "Thế tử" là quan trọng hàng đầu.

Để đi tới quyết định cuối cùng, vị "trưởng lão" quyết định trực tiếp trao đổi ý kiến với "Thế tử". Ngày 22/12/1999, ông Yeltsin mời Thủ tướng Putin tới phòng làm việc của Tổng thống trong Điện Kremli. Tín hiệu đã được chuyển. Tất nhiên, ông Putin trong trạng thái xúc động đã thận trọng bày tỏ sự luyến tiếc đối với ông Yeltsin và nói rằng, có lẽ ông vẫn chưa sẵn sàng lắm để gánh nhận trọng trách. Ông Yeltsin cảm thấy hơi phật lòng: Ta đã "dọn cỗ" cho anh ăn, sao anh lại còn từ chối?

Thực ra thì với thói quen nghề nghiệp của một cựu điệp viên và do quá hiểu rõ tính cách của ông Yeltsin (người mà ai cũng biết là rất yêu quyền lực), ông Putin cảm thấy ông không thể vội vàng nhận ngay trọng trách từ lời đề nghị đầu tiên. Biết đâu đó chỉ là một cử chỉ thăm dò của "đại ca" đối với "tiểu đệ"? Hơn ai hết, ông Putin còn nhớ tới những tấm gương tầy liếp của những người tiền nhiệm: với tất cả họ, được ông Yeltsin đề cử vào chức vụ cao hơn cũng có nghĩa là phải đối mặt với nguy cơ bị dễ dàng dẹp bỏ, một khi họ "dám" sớm bộc lộ lực lượng và năng lực. Có phải vô cớ đâu mà khi hay tin ông Putin mới chỉ được đưa vào chức Thủ tướng thôi, Chủ tịch Duma quốc gia lúc đó là ông Guennadi Seleznhev đã tỏ ra xót xa mà nói với ông: "Sao họ lại nỡ làm vậy đối với anh? Thế là họ đã trồng thánh giá lên anh rồi còn gì!". Theo cách mà ông Seleznhev nghĩ, trở thành Thủ tướng tức là đã "vào bẫy", chẳng sớm thì muộn cũng phải kết thúc sự nghiệp chính trị của mình ở đấy. Mà ông Putin thì hãy còn trẻ!

"Bản năng gốc" của một điệp viên giúp cho ông Putin hiểu rằng, cần chờ đợi, suy nghĩ và thẩm tra thêm một chút nữa. Làm chính khách tức là phải biết xuất hiện đúng vào thời điểm có một không hai hữu lợi cho sự nghiệp của mình, không sớm hơn và cũng không muộn hơn. Sớm hơn thì dễ bị rơi vào cảnh "cầm đèn chạy trước ôtô" và bị ôtô cán. Còn muộn hơn thì sẽ bị "trâu chậm uống nước đục" hoặc chẳng còn được ai cần.

Chỉ ở cuộc gặp thứ hai với vị "trưởng lão", diễn ra vào sáng 28/12/1999, ông mới thực sự bộc lộ thái độ của mình. Nhìn thẳng vào mắt vị "trưởng lão" với vẻ cảm kích, ông Putin chậm rãi nói: "Vâng, thưa Tổng thống, tôi có thể gánh vác được trách nhiệm!". Ván bài đã được lật ngửa!

Cho tới phút chót, ông Yeltsin đã giữ rất kín ý định từ chức trước thời hạn của mình. Cả những người thân thiết nhất trong gia đình lẫn các trợ lý gần gụi nhất đều không hay biết những chi tiết cụ thể trong cuộc nói chuyện ngày 28/12/1999 giữa ông với ông Putin… --PageBreak--

Theo lời kể mới đây của bà Tachiana Yumasheva (trước mang họ chồng cũ là Dyachenko), con gái của ông Yeltsin và cũng là người từng giữ chức cố vấn Tổng thống cho cha mình, mọi việc diễn ra như sau:

"Ngày 31/12/1999, các nhân viên văn phòng Tổng thống đã họp lại cùng nhau trong Điện Kremli vào lúc gần 9 giờ sáng. Đã không hề có một sự chuẩn bị nào cho sự kiện sắp diễn ra được tiến hành trước đó: chỉ có vài ba người được biết về việc sẽ xảy ra. Sáng sớm, lãnh đạo văn phòng Tổng thống Aleksandr Voloshin đã gọi Cục trưởng Tổng cục Tư pháp Quốc gia Larisa Brycheva và trợ lý Dmitri Zhuykov vào phòng làm việc của mình để chuẩn bị những văn bản chấn động đất nước sắp tới. Họ đã bình thản đi thực thi cái phận sự mà hóa ra đã làm mất khá nhiều thời gian vì máy in bị hỏng hóc. Giấy bị kẹt và họ mãi không làm sao in được những tài liệu mà văn phòng Tổng thống đã đặt…".

Cũng theo lời bà Tachiana kể, các phóng viên truyền hình được mời vào Điện Kremli sáng hôm đó thoạt tiên đã bị đánh lừa - họ nhận được thông báo rằng họ sẽ phải quay cảnh Tổng thống Yelstin đọc lời chúc mừng năm mới trước quốc dân Nga. Và khi văn bản lời phát biểu của Tổng thống được mang tới để ghi sẵn vào máy souffleur (máy nhắc vở), các phóng viên này đã không tin vào mắt mình nữa. Để thông tin không lọt ra ngoài Điện Kremli trước thời hạn, các nhân viên văn phòng Tổng thống đã tạm thời tịch thu tất cả các phương tiện liên lạc của các phóng viên truyền hình và mời họ vào ngồi trong một căn phòng rồi khoá cửa lại. Bà Tachiana cho biết, suýt nữa thì thông tin về việc ông Yeltsin sẽ từ chức đã bị lọt ra ngoài: ở ngoài hành lang Điện Kremli các nhân viên an ninh đã phát hiện ra một quan chức rất cao cấp trong văn phòng Tổng thống đang cầm máy di động định chuyển tin cho một hãng thông tấn trung ương…

Đúng thời gian đã định, ông Yeltsin đã tới trước máy ghi hình đọc hết văn bản rồi bảo mang rượu sâmpanh tới và chúc mừng năm mới mọi người rồi đi ra. Trong bài diễn văn từ chức, được đánh giá là "lâm li và thống thiết", ông Yeltsin đã xin lỗi người dân Nga vì "những mơ ước không trở thành sự thật" của họ trong thập niên đang qua, sau khi Liên bang Xôviết tan vỡ: "Những gì chúng ta nghĩ là dễ dàng hóa ra lại vô cùng khó khăn". Hiện thực xã hội mới không hề dễ chịu và ngọt ngào chút nào đối với quần chúng lao động ở Nga… Cũng dưới thời ông Yeltsin, Điện Kremli đã bộc lộ những điểm yếu của mình trong bối cảnh có nhiều thế lực thù địch trong và ngoài nước đang cố gắng tạo cả cớ giả lẫn thật chống lại nó….

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ghi hình, các phóng viên truyền hình lại bị nhốt lại thêm một lần nữa. Băng ghi hình đã được đích thân ông Valentin Yumashev (lúc ấy là Phó chánh văn phòng Tổng thống, nay là chồng bà Tachiana, tức là con rể của ông Yeltsin - TG)  mang tới đài truyền hình ở Ostankino vào lúc gần 12 giờ. Thời gian gấp gáp đến mức để kịp phát hình vào đúng lúc giữa trưa, họ đã phải gần như chạy thục mạng theo các hành lang ở Ostankino.

Đến giữa trưa, ông Yeltsin, các nhân viên văn phòng Tổng thống và đội bảo vệ cùng tụ lại tại căn hộ Tổng thống trong Điện Kremli - ở tầng ba. Trong phòng ăn, bàn ăn đã được bày biện sẵn. Đến gần những phút cuối, khi chỉ còn 5-10 phút trước giờ phát hình, mọi người mới nhớ ra là ở đó không có máy thu hình. Các nhân viên phải vội vàng mang máy thu hình từ phòng của con gái Tổng thống tới, sắp xếp chỗ đặt và mở  máy.

Mọi người xem bài phát biểu và ăn trưa rồi ông Yeltsin về nhà. Các nhân viên văn phòng tiếp tục làm việc trong một tốc độ sôi động vì họ phải chuẩn bị cho chuyến đi của Quyền Tổng thống Putin cùng phu nhân tới Chesnia (nơi lúc đó đang diễn ra chiến sự ác liệt chống các lực lượng ly khai) vào đúng đêm tất niên…

Theo lời kể của bà Naina Yeltsina trong bài trả lời phỏng vấn cuối năm 2009 với báo Komsomolskaya Pravda, góa phụ của vị Tổng thống đầu tiên ở nước Nga thời "hậu Xôviết", đêm trước ngày 31/12/1999, ông Yeltsin đã rất trăn trở và dậy rất sớm cho tới phút cuối cùng, ông Yeltsin đã giấu không nói trước với bà về quyết định sẽ từ chức của ông. Ông chỉ bảo với bà là sẽ tới Điện Kremli để ghi hình lời chúc mừng năm mới. Bà hơi ngạc nhiên vì ngày 28/12/1999 đã có một cuộc ghi hình rồi, sao lại phải ghi hình thêm một lần nữa? Ông bảo: Ghi lần đó chưa đạt, phải ghi lại…

Và chỉ lúc ra tới cửa rồi thì ông mới bảo là ông sẽ từ chức: "Tôi gần như là đứng ngây ra tại chỗ. Và khi tôi hiểu là ông quả thực đã quyết định ra đi, đã quyết định từ chức thì tôi thấy mừng khôn xiết… Tôi xô tới hôn ông, ôm lấy ông. Hình như trên mắt ông lúc ấy cũng ứa lệ. Nhưng chuyện này chỉ diễn ra trong tích tắc. "Thôi, tôi phải đi rồi",  - ông nói. Và ông bước nhanh ra ngồi vào xe... Khoảng 11 giờ, Tachiana gọi điện về cho mẹ và bảo: "Mẹ nhớ xem bài phát biểu của bố lúc 12 giờ". "Bố con sẽ nói?" - bà mẹ hỏi. "Đúng thế ạ" - cô con gái đáp rồi đặt máy xuống ngay. Khi nhìn chồng ở trên màn ảnh, bà Naina có cảm giác như ông rất xúc động: "Chính tôi cũng có cảm giác cực kỳ xúc động như ông. Ông nói rằng, ở đầu thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, ông  đã quyết định từ chức và từ nay lãnh đạo đất nước sẽ là một chính khách thế hệ mới. Tôi lại cảm thấy niềm vui như buổi sáng nhưng bỗng thấy có một nỗi buồn khôn tả. Có cái gì đó đang ra đi vĩnh viễn… Tôi đã khóc trong suốt cả buổi ông ấy đọc tuyên bố từ chức. Nhưng đó là những giọt lệ vui mừng trên mi mắt… Vì sao ư? Vì ông ấy đã trút bỏ được một gánh nặng khổng lồ trên vai. 8 năm làm Tổng thống - đó là một tình trạng triền miên stress hàng ngày…".

Ông Yeltsin, với việc từ chức trước thời hạn, đã làm một công đôi việc. Trước hết, ông đã tạo thêm thuận lợi cho người kế nhiệm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tương lai và tạo cho nước Nga một tình thế ổn định hơn. Thứ hai, ông cũng đã chuẩn bị cho mình những điều kiện để có thể sống yên ổn với tương lai

Nguyễn Trung Tín
.
.