Những vòng xoáy leo thang đáng tiếc

Thứ Tư, 12/07/2017, 16:19
Thế giới đã đi được một nửa chặng đường của năm 2017; tuy nhiên, "bóng ma" xung đột tồn tại từ nhiều năm cũ vẫn còn ám ảnh.

Những diễn biến trong thời gian gần đây, từ chiến trường Syria hỗn loạn, căng thẳng Nga - NATO rồi đến bế tắc trên bán đảo Triều Tiên và nguy cơ tấn công mạng đã làm gia tăng nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh mới. 

Trang mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới Google cho biết, lượng người dùng lên Google để tìm kiếm từ khóa "chiến tranh thế giới thứ 3" đang tăng cao hơn bao giờ hết. 

Sự kết hợp của một loạt yếu tố quan trọng đã tạo ra một tình thế mới - nơi mà những cường quốc lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc phải đối mặt với sự bất ổn lớn hơn bất kỳ một thời điểm nào khác trong thời gian gần đây. Sự bất ổn đó sẽ buộc các nhà lãnh đạo phải "lèo lái" để ngăn những điểm nóng nguy hiểm khỏi... bốc cháy, sau đó leo thang thành xung đột.

Bế tắc trên bán đảo Triều Tiên

Giới quan sát nhận định, vẫn hiện hữu nguy cơ cao của một cuộc đụng độ quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Nếu chiến tranh nổ ra, nó có thể kéo theo Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Nhật Bản vào vòng xoáy xung đột. 

Điều này xuất phát chủ yếu từ việc Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân, chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa, bất chấp khó khăn về kinh tế và bị cấm vận. Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân, trong đó đáng chú ý vụ thử hạt nhân lần thứ 5 đúng ngày kỷ niệm 68 năm quốc khánh Triều Tiên được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ về tình hình Syria chưa bao giờ hạ nhiệt

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn dĩ đã luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nay lại càng trở nên khó lường khi chính trường Hàn Quốc đang "rối như mớ bòng bong" sau những bê bối chính trị.

Xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra theo bất kỳ cách nào. Có thể Mỹ quyết định ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bằng một cuộc tấn công phòng ngừa, hay Triều Tiên hiểu sai tín hiệu của Mỹ và quyết định đánh chặn trước, hoặc do sự hỗn loạn chính trị trên bán đảo Triều Tiên. 

Trên thực tế, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên sẽ là một trong những thách thức nguy hiểm đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Bởi vì những nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc nâng cao năng lực tên lửa và hạt nhân, đường lối tiếp cận cứng rắn ở Washington (gồm cả việc cân nhắc tấn công phủ đầu Triều Tiên) có thể bất ngờ dẫn tới một cuộc chiến lớn, đặc biệt là trong trường hợp Triều Tiên bị hiểu nhầm là tấn công trước. 

Nếu ông Trump tiếp tục thúc đẩy triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của người tiền nhiệm Barack Obama ở Hàn Quốc, căng thẳng khu vực có thể bị đẩy cao lên đỉnh điểm.

Thay đổi cục diện chiến trường Syria

Trận địa Aleppo đã trở thành tâm điểm của một vụ cá cược chính trị. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ về tình hình Syria đã tăng lên cấp độ mới. Sau hàng loạt vụ chạm trán máy bay nguy hiểm, Nga đã triển khai các hệ thống phòng không S-400 và S-300 tại Syria. 

Đây được xem là một thông điệp rõ ràng gửi đến Mỹ, rằng bất kỳ cuộc can thiệp quân sự hoặc tấn công nào nhằm vào quân đội Syria sẽ bị trả đũa. Cục diện cuộc đấu ở Syria đang đến hồi quyết liệt nhất giữa chính quyền Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn và các tổ chức khủng bố, phiến quân đối lập được Mỹ cùng đồng minh ủng hộ và nuôi dưỡng.

Chiến thắng của quân đội Syria ở thành phố chiến lược phía Bắc Aleppo đã báo hiệu kết cục đang dần nghiêng về phe Nga, và Syria đã mở đường để chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa cuộc nội chiến sang một giai đoạn mới.

Trước sự áp đảo của quân đội Syria, Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục phải tăng cường hỗ trợ vũ khí mạnh cho phiến quân và trực tiếp tiến hành các vụ không kích. Trong thời gian tới, lực lượng không quân Mỹ và Nga vẫn tiếp tục hoạt động gần nhau với mật độ tăng thêm. 

Có thể nói, NATO và Nga đã bước vào cuộc đối đầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Do đó, không thể loại trừ khả năng bùng phát đụng độ giữa các lực lượng vũ trang Nga và Mỹ, có thể do sai sót trong những đòn không kích "nhầm" hoặc Mỹ công khai cung cấp vũ khí phòng không cho phiến quân để chúng bắn rơi máy bay Nga. 

Đợt không kích "nhầm" của Mỹ vào Deir Ezzor đã khiến 62 binh sĩ Syria thiệt mạng, làm chệch hướng triển vọng hợp tác Mỹ - Nga tại Syria. Ngoài ra, sự hiện diện của những "kẻ phá bĩnh" (các nhóm khủng bố và hàng loạt các bên liên quan khác) cũng khiến tình hình thêm phức tạp và gia tăng nguy cơ xuất hiện những tính toán sai lầm.

Nguy cơ đối đầu NATO - Nga

Có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất năm 2017 tập trung ở khu vực Baltic, xuất phát từ việc Tổng thống Donald Trump đang xem xét lại chính sách của Mỹ với các đồng minh NATO ở châu Âu, trong khi có những cáo buộc Nga bí mật giúp đỡ vị tỷ phú này đắc cử. Ông Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự cần thiết phải bảo vệ những thành viên châu Âu của NATO bởi họ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với tổ chức này. 

Việc ông Trump đe dọa sẽ rút một phần hoặc toàn bộ quân đội Mỹ ở châu Âu về nước, cũng như không tăng cường an ninh cho khối NATO, có thể khiến các nước châu Âu buộc phải tự mình tăng cường ngân sách quốc phòng trước "mối đe dọa" từ Nga. Mặt khác, nó có thể còn giúp cải thiện nhận thức cho rằng Mỹ đang tiếp tục mở rộng can thiệp quân sự tràn lan.

Tuy nhiên, động thái này cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Trong ngắn hạn, nó làm gia tăng những tính toán sai lầm khi Moscow có thể đánh giá thấp những cam kết của Mỹ đối với những cơ sở an ninh ở Baltic và thực hiện những bước đi khiến Mỹ bị kích động. 

Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ đặt cam kết quốc phòng cốt lõi của Mỹ trước thử thách và tất cả có thể dẫn đến xung đột nghiêm trọng. 

Chưa hết, NATO sẵn sàng triển khai lực lượng hàng nghìn binh sĩ cũng như khí giới để bảo vệ các nước thành viên trước cái họ gọi là "sự hung hăng của Nga" trong khi Nga cũng "ăn miếng trả miếng" mạnh mẽ trước những động thái điều quân của NATO tại vùng Baltic. Có thể nói, NATO và Nga đã bước vào cuộc đối đầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Chiến tranh mạng

Giới quan sát cho rằng, nguy cơ bùng nổ chiến tranh hoàn toàn có thể xuất phát từ những cuộc tấn công mạng. Đây là "cuộc chiến" quy mô giữa các cường quốc thế giới, bùng lên trong bối cảnh Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ hay Trung Quốc đã nhiều lần bị cáo buộc và điều tra về việc đánh cắp bí mật quân sự, sở hữu trí tuệ và công nghệ từ các công ty của Mỹ. 

Cụ thể, vụ Mỹ cáo buộc tin tặc Nga tấn công bầu cử Tổng thống Mỹ (cáo buộc mà Moscow lẫn Tổng thống Donald Trump đều phủ nhận) cho thấy giới lãnh đạo Mỹ sẽ cảm thấy sức ép phải đáp trả những hành động mà họ cho là khiêu khích từ phía Trung Quốc và Nga. Dù cuộc chiến trên mạng chưa đe dọa dẫn tới đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc, song nó có thể làm căng thẳng chung tăng ở bất kỳ đâu.

Hiện nay, Mỹ, Nga hay Trung Quốc đều không ở trong tình trạng "chiến tranh" mạng. Tuy nhiên, không phải không có khả năng các cường quốc bị lôi kéo vào một cuộc chiến ảo mặc dù việc Mỹ có thể đáp trả "hành động gây hấn" của Nga và Trung Quốc trong môi trường không gian mạng vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Vụ bê bối chưa có hồi kết gắn với "sự can thiệp" của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những cáo buộc Moscow nhúng tay vào vụ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) cho thấy rằng những đụng độ trên không gian mạng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Thực tế, nhiều chuyên gia không đồng ý với nhận định: sự leo thang nghiêm trọng các hoạt động thuộc không gian mạng sẽ tạo thành một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, không thể loại trừ việc Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể rơi vào "vòng xoáy leo thang đáng tiếc" khởi đầu từ không gian mạng bởi Washington đương nhiên sẽ không để Bắc Kinh và Moscow tự do… muốn làm gì thì làm. 

Rõ ràng, Washingtion đã và đang cảm nhận rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong không gian mạng nên cố gắng gia tăng những biện pháp phòng ngừa để sẵn sàng đối phó với những "hành động khiêu khích và bắt nạt" từ Bắc Kinh hay Moscow.

Tóm lại, nguy cơ xung đột giữa các cường quốc là có thật. Tuy nhiên, khi đánh giá hậu quả, các "ông lớn" như Nga, Mỹ hay Trung Quốc đều muốn né tránh những hàng động có thể dẫn đến xung đột quân sự với đối thủ bởi không muốn viễn cảnh diệt vong. 

Giới quan sát cho rằng, nhận thức sai lầm, sự không chắc chắn và bất đồng luôn có nguy cơ gây ra xung đột. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, các "ông lớn" sẽ phải tính toán cẩn thận và đưa ra những sách lược khôn khéo để tránh những cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong sáu tháng còn lại của năm 2017...

Lâm Anh
.
.