Những người bạn Nga thời lửa đạn
- Nga điều “rồng lửa” S-400 tạo “lá chắn thép” ở miền Tây
- Rồng lửa Việt Nam lần đầu bay lên trời đánh thắng không lực Hoa Kỳ
Đầu năm 1991, tôi vinh dự được Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô tặng huy chương “Vì củng cố sự hợp tác chiến đấu”. Vào những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười này, những ký ức cách đây trên 50 năm, vào cuối mùa xuân năm 1965, khi chúng tôi được đón đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc đào tạo bộ đội tên lửa phòng không lại hiện lên như mới hôm qua...
Trung tâm huấn luyện bộ đội tên lửa phòng không nằm trong khu rừng thuộc huyện Ba Vì, điều kiện sinh hoạt có nhiều khó khăn thiếu thốn so với các vùng nông thôn đồng bằng ở Việt Nam chứ chưa dám so sánh với Liên Xô lúc bấy giờ.
Vì thế, chúng tôi rất cảm kích trước nghĩa cử của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã không quản hy sinh, gian khổ, sẵn sàng chia tay những người thân trong gia đình, gác lại nỗi nhớ vợ con, đem theo tinh thần “chống đế quốc Mỹ xâm lược” sang Việt Nam giúp đỡ những người bạn, người đồng chí của mình nắm vững và sử dụng thành thạo một trong các loại vũ khí hiện đại do Liên Xô sản xuất và cung cấp cho Việt Nam.
Hàng ngày, các chuyên gia quân sự Liên Xô là những người thầy của chúng tôi đứng trên bục giảng từ 06h đến 12h và từ 16h đến 19h. Buổi tối, học viên tự học từ 20h đến 22h, và những người thầy Xôviết của chúng tôi vẫn có mặt ở buồng làm việc gần sát lớp học để vừa chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, đồng thời cũng kịp thời giải đáp những chỗ học viên chưa hiểu.
Theo chương trình đã được phê duyệt, thời gian học tập là 4 tháng. Song đứng trước tình hình không quân Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá miền Bắc Việt Nam, bọn chúng cần phải bị trừng phạt một cách đích đáng. Mặt khác, tại thời điểm đó, Liên Xô đang bị một nước trong phe XHCN bài xích về kỹ thuật tên lửa nhằm hạ thấp giá trị giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam.
Vì vậy, Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện đã thống nhất với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam rút ngắn thời gian huấn luyện xuống còn 2,5 tháng và gấp rút chuẩn bị 2 tiểu đoàn tên lửa ra quân chiến đấu.
Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi được những người bạn, người thầy Xôviết tâm sự: “Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, mà khó khăn chủ yếu là bộ khí tài tên lửa SA-75 sẽ đem đi chiến đấu lại là bộ khí tài đã dùng nhiều năm cho huấn luyện, nhiều thông số kỹ thuật đã khác xa với tiêu chuẩn quy định.
Nếu tiến hành những công việc kiểm tra và điều chỉnh tham số như thế này ở Liên Xô, thì đều phải tiến hành trong các xưởng chuyên dụng hoặc có sự hỗ trợ của nhà máy. Song ở Việt Nam, chưa có các điều kiện nói trên, hơn nữa số phụ tùng cần để thay thế cũng không đủ, việc chuyển khí tài và phụ tùng thay thế từ Liên Xô sang Việt Nam nhiều khi bị giữ chậm trên đường qua nước thứ 3”.
Tuy khó khăn như thế, song với tinh thần “quyết tâm đánh thắng trận đầu”, các chuyên gia quân sự Liên Xô cùng với các học viên của Trung tâm huấn luyện đã làm việc không kể ngày đêm, khắc phục muôn vàn khó khăn cả về kỹ thuật lẫn thời tiết khốc liệt mùa hè trong rừng nhiệt đới.
Nhờ đó nên chưa đầy một tuần lễ, bộ khí tài tên lửa SA-75 ở Trung tâm huấn luyện đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những ngày đầu hạ tuần tháng 7-1965, hai tiểu đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Việt Nam đã sẵn sàng hành quân ra trận địa.
Trong đội hình chiến đấu lần này, tất cả các vị trí chỉ huy và điều khiển đều bố trí theo kiểu “song trùng” có nghĩa là 1 thầy + 1 trò. Trung tá Boris Stepanovich Mozaev và Đại uý Nguyễn Văn Thân là đồng chỉ huy Tiểu đoàn thứ nhất, Trung tá Pheđor Pavlovich Ilinưkh và Đại uý Nguyễn Văn Ninh là đồng chỉ huy Tiểu đoàn thứ 2.
Hiện nay đồng chí Nguyễn Văn Thân là Đại tá, nguyên Sư trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Ninh là Thiếu tướng, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân. Suốt đêm 22, ngày 23 và đêm 23-7-1965, những người thầy Xôviết luôn luôn sát cánh cùng chúng tôi trong hành quân ra trận địa.
Rạng sáng ngày 24-7, đơn vị chúng tôi đã chiếm lĩnh được trận địa trên một địa hình bán sơn địa thuộc huyện Ba Vì ở phía tây Hà Nội. Tiểu đoàn thứ 2 triển khai cách trận địa tiểu đoàn thứ 1 khoảng 10-15 km…
Buổi sáng 24-7, không dưới 3 lần, đơn vị được lệnh vào chiến đấu và chúng tôi phát hiện được mục tiêu địch, nhưng điều kiện bắn đều không thuận lợi, và một buổi sáng đã qua đi rất nhanh. Đại tá Xưgankov từ chỉ huy sở Trung đoàn đến trận địa thăm đơn vị. Ông hỏi thăm tình hình hoạt động của khí tài tên lửa, động viên cán bộ chiến sĩ của quân đội 2 nước phải cùng nhau quyết tâm “đã bắn là phải trúng”.
14h20 có lệnh mở máy, và chỉ sau vài phút, kíp chiến đấu đã phát hiện một chấm lớn gồm 2 vạch nhỏ. Sau trận đánh, những người thày Xôviết mới giải thích cho chúng tôi biết mỗi vạch nhỏ là 2 máy bay F-4C “con ma” của Mỹ bay sát nhau từng đôi một, chẳng khác nào đi diễu hành trong cuộc duyệt binh. Không còn nghi ngờ khi nó lặp lại ở các giây tiếp theo.
Lúc 14h25, Thượng úy sĩ quan điều khiển Konstantinov ấn nút “phóng” 2 quả cách nhau 15 giây. Tên lửa thứ nhất trúng mục tiêu đi đầu. Tốp mục tiêu bắt đầu tách ra. Trắc thủ góc tà Yuri Papushov báo cáo mục tiêu đang giảm góc tà. Thực tế quả đạn thứ 2 đã bắn trúng mục tiêu thứ 2.
Tiểu đoàn thứ 2 cũng đã phóng tên lửa và hạ gục chiếc F-4C (con ma) thứ 3 của địch. Như vậy, kíp chiến đấu của 2 tiểu đoàn đã hạ gục 3 trong tốp 4 máy bay “con ma” bay vào vùng trời phía tây Hà Nội, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Hai phi công Mỹ bị bắt sống và chúng trở thành bằng chứng phạm tội của Hoa Kỳ.
Các chuyên gia Liên Xô thuộc tiểu đoàn thứ 1 trước giờ hành quân ngày 21-7-1965. Người đứng giữa, không đội mũ là Trung tá Tiểu đoàn trưởng Mozaev. |
Sau chiến thắng trận đầu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lần lượt đến thăm và động viên cán bộ chiến sĩ của 2 tiểu đoàn đã lập nên chiến công xuất sắc ngày 26-8, Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta đã đến thăm Tiểu đoàn 61 Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 tại trận địa Phùng ngoại thành Hà Nội.
Chủ tịch Hồ chí Minh chỉ thị lấy ngày 24-7 là Ngày truyền thống của bộ đội tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi được biết, tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam giúp Quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, Chính phủ Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị.
Những năm gần đây, hàng năm Bộ Quốc phòng đều mời 1 hoặc 2 đoàn cựu chiến binh Xôviết đã công tác ở Việt Nam sang thăm lại chiến trường xưa. Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh những người con Xôviết không mặc áo lính.
Họ cũng như các chuyên gia quân sự Liên Xô đã không quản hy sinh, gian khổ, sẵn sàng chia tay những người thân trong gia đình, gác lại nỗi nhớ vợ con, đem theo tinh thần “chống đế quốc Mỹ xâm lược” sang Việt Nam giúp đỡ những người bạn, người đồng chí của mình nắm vững và sử dụng thành thạo các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại do Liên Xô sản xuất và cung cấp cho Việt Nam. Một trong những người đã để lại cho tôi nhiều hình ảnh không bao giờ quên là đồng chí Tổng công trình sư Vlađimir Ivanovich Salaviov.
Đồng chí Salaviov được Bộ Bưu điện Liên Xô, Ủy ban Liên lạc kinh tế đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô cử sang Việt Nam làm Trưởng đoàn chuyên gia giúp đỡ Bộ Công an xây dựng một trung tâm thông tin liên lạc gọi là Công trình “Phương Đông”.
Công trình được xây dựng vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước - đó là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam.
Nhiệm vụ của đoàn chuyên gia là hướng dẫn các cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam xây dựng, lắp đặt, khai thác sử dụng một tổ hợp thiết bị thông tin vào loại hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Một tình huống đã xảy ra gây không ít khó khăn cho việc thực hiện tiến độ thi công của công trình. Đó là thiếu thiết bị đồng bộ.
Theo vận đơn gửi hàng, thì loại thiết bị đang bị thiếu đồng bộ trên công trình đã được Liên Xô gửi từ cảng Vladivastok trên một chuyến tàu đã cập cảng Hải Phòng cách đó gần 3 tháng. Song do việc tiếp nhận, sắp xếp tại cảng Hải Phòng trong thời chiến còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Cán bộ vật tư của Ban Kiến thiết công trình “Phương Đông” đã ở cảng Hải Phòng nhiều tuần lễ nhưng không tìm thấy số thiết bị nói trên. Trong khi đó, tại công trình đang rất cần loại thiết bị này, vì nó có tính quyết định tới tiến độ lắp đặt các thiết bị tiếp theo.
Trước tình hình đó, đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia Salaviov đã chủ động đề nghị được cùng Lãnh đạo Ban Kiến thiết công trình xuống cảng Hải Phòng thực hiện việc tra cứu danh mục thiết bị đã được gửi từ Liên Xô tới Việt Nam. Vì đồng chí Salaviov chủ động và tích cực đề nghị được đi xuống Hải Phòng để tra cứu vận đơn gửi thiết bị, nên đồng chí Trưởng Ban Kiến thiết Công trình “Phương Đông” đã báo cáo lên lãnh đạo cấp trên xin phép tổ chức cho đồng chí Salaviov đi Hải Phòng.
Thế là trong một đêm mùa đông không trăng và ít sao, chúng tôi đã cùng với đồng chí Salaviov trên đầu đội mũ sắt, ngồi trên xe Uoat vượt qua nhiều cây cầu nguy hiểm trên tuyến lửa đường 5 xuống cảng Hải Phòng.
Xuống đến Hải Phòng, đồng chí Salaviov không cần nghỉ ngơi, đã cùng chúng tôi đến làm việc với Cảng vụ Hải Phòng, xin phép đến từng kho, từng bãi để tra cứu hồ sơ các tàu hàng Liên Xô đã cập cảng Hải Phòng. Kết quả là chúng tôi đã tìm thấy số hàng mà tại công trình đang rất cần.
Với tinh thần làm việc “tất cả vì miền Nam ruột thịt” của toàn thể cán bộ, công nhân viên trên công trình, nhờ có sự giúp đỡ rất tận tình của các đồng chí chuyên gia Liên Xô, mùa xuân năm 1974, công trình “Phương Đông” đã chính thức được đưa vào sử dụng. Các đồng chí trong đoàn chuyên gia Liên Xô đều được Bộ Công an Việt Nam tặng huy hiệu “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đồng chí trưởng đoàn và các đồng chí trong đoàn được Chính phủ Việt Nam tặng “Huy chương hữu nghị”.
Trong buổi lễ đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” hồi tháng 8-1985, đồng chí Nguyễn Như Trác - Cục trưởng đơn vị quản lý và khai thác Công trình “Phương Đông”, đã thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Đảng Cộng sản, Chính phủ và Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, Bộ Bưu điện Liên Xô, Ủy ban Liên lạc kinh tế đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã dành cho chúng tôi sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả.
Đồng chí Cục trưởng nhấn mạnh: “Danh hiệu cao quý mà đơn vị chúng tôi vừa được Đảng và Nhà nước trao tặng không thể tách rời sự giúp đỡ tích cực và có hiệu quả mà nhân dân Liên Xô đã dành cho nhân dân Việt Nam”.