Những ngọn đuốc sống vì Việt Nam

Thứ Hai, 06/03/2017, 17:03
Có lẽ còn có một số ngọn đuốc sống khác, nhưng không được dư luận rộng rãi biết đến. Dù được biết đến hay không, họ vẫn là những vị anh hùng. Đối với nhân dân Việt Nam, họ luôn là những ân nhân.

Êmily, con...

Êmily, con đi cùng cha
Sau khôn lớn con thuộc đường khỏi lạc…
- Đi đâu cha?
- Ra bờ sông Pô-tô-mác
- Xem gì cha?
- Không con ơi, chỉ có lầu Ngũ Giác.
Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe
Ôi con tôi, mái tóc vàng hoe
Đừng có hỏi cha nhiều con nhé
Cha bế con đi, tối con về với mẹ...

Oa-sinh-tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn, mất
Hãy cháy lên, cháy lên sự thật/

Những vần thơ trong bài thơ Êmily, con... của Tố Hữu vang lên trong lòng tôi khi tôi nghĩ đến triển lãm của họa sĩ Mỹ David Settino Scott mang tên A Pure Working - lấy cảm hứng từ một câu văn của Taulers trong Following of Christ (Theo gương Chúa), xin tạm dịch là "Hành động thuần khiết" - diễn ra tại viện bảo tàng nghệ thuật Fresno, California. Đó là khoảng đầu những năm 2000, khi Hoa Kỳ vừa khởi động cuộc chiến ở Iraq.

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963.

Giới thiệu triển lãm, David Scott viết: "Tháng 6 năm 1963, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn. Sự hy sinh của ông đã buộc thế giới quan tâm đến tình cảnh của các tín đồ Phật giáo tại miền Nam Việt Nam, khiến Nhà Trắng bối rối trong việc hậu thuẫn chế độ Ngô Đình Diệm. Trong những năm chiến tranh, rất nhiều sư sãi đã tự thiêu như thế. Và tại Hoa Kỳ, 8 người Mỹ đã tự thiêu để phản đối chiến tranh...

Hiện nay, Hoa Kỳ lại gây ra một cuộc chiến tranh khác, và nhiều người đang chịu đựng đau khổ và bị giết hại. Chúng ta hãy tự hỏi, tình yêu nào, tình thương nào đã khiến một người tự hy sinh bằng ngọn lửa, chỉ để kêu gọi sự quan tâm đến những nỗi khổ đau và chết chóc. Đó là một ý niệm siêu phàm. Một sự hy sinh hoàn hảo. Một hành động thuần khiết".

Trong số 8 người Mỹ mà David Scott nhắc đến nổi tiếng nhất là Norman Morrison được Tố Hữu ca ngợi trong bài thơ Êmily, con… mà hàng triệu người Việt Nam vẫn còn thuộc lòng. Nhưng Morrison không phải là người Mỹ đầu tiên có hành động cao cả đó. Người đầu tiên là Alice Herz, một phụ nữ theo giáo đồ Quaker, 82 tuổi, tự thiêu ở Detroit, ngày 16-3-1965.

Theo tờ New York Times (ngày 17-3-1965), những người qua đường đã dập tắt được ngọn lửa. Trong di chúc được bạn bè công bố, Alice Herz lên án Lyndon B. Johnson và các Tổng thống Mỹ khác như Harry S. Truman, Dwight D. Eisenhower, J.F. Kennedy đã lừa dối nhân dân, gieo rắc thù oán và sợ hãi, ném hàng tỷ đô la vào những cuộc chiến tranh.

Khi được đưa đến bệnh viện, bà nói với viên trung úy cứu hỏa: "Tôi làm việc này để phản đối chạy đua vũ trang trên thế giới. Tôi muốn tự thiêu như các nhà sư Việt Nam đã làm". Bà muốn nói đến hành động của hòa thượng Thích Quảng Đức. Trong bức thư cảnh sát tìm được, Alice Herz phản đối việc Tổng thống Johnson "sử dụng quyền lực cao nhất để hủy diệt các nước nhỏ".

Norman Morrison, ngọn đuốc sống thứ hai, được báo chí nói đến nhiều hơn cả. Sinh ngày 23-12-1933 tại Pennsylvania, Norman cũng là một tín đồ Quaker. Anh đã nghiền ngẫm nhiều ngày trước khi tiến hành hành động cuối cùng của mình.

Một số cảnh sắp đặt.

Ngày 2-11-1965, lúc ấy 32 tuổi, trong khi vợ đến trường đón hai đứa con lớn, Norman chở đứa con gái út 1 tuổi, Emily, đến trước Lầu Ngũ Giác. Anne Morrison Welsh, người vợ góa của Morrison, về sau nhớ lại: "Cháu (Emily) là một biểu tượng mạnh mẽ về lũ trẻ mà chúng ta (người Mỹ) đang giết hại bằng bom đạn và napalm - lũ trẻ không có cha mẹ để được bế bồng".

Hành động tự thiêu của Morrison diễn ra chỉ cách văn phòng của Robert McNamara vài chục thước. Trong hồi ký của mình, In Retrospect (1995), nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ viết: "Cái chết của Morrison là một bi kịch không chỉ cho gia đình anh, mà cả cho tôi và nước Mỹ... Phản ứng của tôi trước hành động khủng khiếp ấy là cố kìm nén tình cảm và tránh không đề cập đến với bất kỳ ai, ngay cả với gia đình. Marg và ba đứa con của chúng tôi chia sẻ nhiều tâm trạng của Morrison về cuộc chiến... tôi tin rằng tôi hiểu và chia sẻ một số suy nghĩ của anh".

Hình ảnh của Morisson có sức lay động mạnh mẽ đối với nhân dân Mỹ. Vì thế, con tem mang hình Morisson do Việt Nam phát hành bị chính quyền Mỹ cấm mua bán và lưu giữ.

7 ngày sau đó, tức ngày 9-11, một chàng trai khác, Roger Allen Laporte, cũng thực hiện một hành động hy sinh tương tự tại New York, trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Khi đó anh mới 22 tuổi.

Theo tờ New York Times, ngày 10-11, cảnh sát và những người bảo vệ trụ sở Liên Hiệp Quốc dập tắt được ngọn lửa và đưa Laporte đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ hỏi anh có muốn sống không, anh gật đầu. Anh muốn sống, nhưng anh đã dám hy sinh cuộc sống của mình.

Con tem mang hình Morisson do Việt Nam phát hành.

Laporte giải thích: "Tôi là một thành viên Công nhân Công giáo. Tôi chống chiến tranh, mọi cuộc chiến tranh. Tôi làm việc này như một hành động tôn giáo". Bị bỏng 95%, Laporte từ trần 33 giờ sau đó. Phát biểu tại lễ truy điệu Laporte, cha Berrigan tuyên bố rằng Laporte đã "hiến dâng đời mình cho những người khác được sống" ("gave his life so that others might live").

3 ngày sau đó, cha Berrigan bị trục xuất đi Nam Mỹ. Người Mỹ thứ ba tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong năm 1965 là Celene Jankowski (South Bend, Indiana, ngày 9-11-1965). Khi đó chị 24 tuổi. Chị tự thiêu trước nhà mình. 

Những ngọn đuốc sống khác là Hiroko Hayasaki (tự thiêu ngày 12-10-1967, San Diego, California, 36 tuổi), Florence Beaumont (ngày 15-10-1967, La Puente, California, 55 tuổi), Erik Thoen (ngày 4-12-1967, Sunnyvale, California, 27 tuổi), Ronald Brazee (ngày 19-3-1968, Auburn, New York, 16 tuổi), George Winne, (ngày 12-5-1970, San Diego, California, 23 tuổi).

Thật đáng tiếc là mặc dù tôi đã cố gắng hết sức, những tài liệu tìm được về họ vẫn thật là ít ỏi. Tôi chỉ biết rằng Hiroko Hayaski là một người Mỹ gốc Nhật, Erik Thoen là một môn sinh Phật giáo Thiền tông (Zen Buddhism) và George Winne khi đó là sinh viên University of California ở San Diego - anh tự thiêu ngay trong sân trường và để lại bức thư: "Vì Chúa, hãy chấm dứt chiến tranh" ("For God's sake, stop the war").

Về trường hợp Florence Beaumont, tờ Chicago tribune số ra ngày 15-10-1967 chỉ viết ngắn gọn: "Một phụ nữ 55 tuổi hôm nay đã tự thiêu tại đây để phản đối cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Việc tự tử dữ dội này diễn ra ngay trước cuộc diễu hành toàn liên bang chống chiến tranh và chế độ quân dịch dự kiến diễn ra tuần này. Bà Florence Beaumont sống ở ngoại ô La Puente, mẹ của hai con nhỏ, đã đổ xăng lên quần áo và châm lửa trước tòa nhà liên bang ở trung tâm Los Angeles. Chồng bà, ông George, nói rằng bà là "một người dấn thân vì hòa bình" và rằng bà hành động như vậy để chống chiến tranh. "Vợ tôi không thể tiếp tục sống trong tình cảnh này", ông nói, "Bà ấy cảm thấy phải hành động, phải hành động".

Họa sĩ David Settino Scott (chân dung tự họa).

Xúc động nhất là trường hợp của Ronald Brazee. Cậu học sinh trung học xuất sắc 16 tuổi đã vượt 20 dặm từ nhà ở Auburn đến Syrscuse. Em đến trước nhà thờ, tưới xăng lên quần áo và châm lửa.

Ronald Brazee để lại bức thư với những dòng xúc động: "Nếu việc em hiến dâng đời mình sẽ giúp bớt đi dù chỉ một ngày chiến tranh thì cũng không uổng phí" ("If giving my life will shorten the war by even one day, it will not have been in vain."). Ronald Brazee mất ngày 27-4-1968. 

Tình trạng thiếu tài liệu một phần là do chính quyền Mỹ lúc đó cố tình bưng bít, giống như họ đã bưng bít sự thật về cuộc chiến, phần khác do người dân Mỹ cố quên đi cuộc chiến tranh bi thảm. 

Có lẽ còn có một số ngọn đuốc sống khác, nhưng không được dư luận rộng rãi biết đến. Dù được biết đến hay không, họ vẫn là những vị anh hùng. Đối với nhân dân Việt Nam, họ luôn là những ân nhân. Họ là những ngọn đuốc sống sống mãi trong sự nghiệp của thế giới yêu chuộng hòa bình.

Năm 1999, Anne Morrison Welsh, vợ góa của Morrison, cùng hai con gái là Emily và Christina sang thăm Việt Nam. Họ đã trồng cây trong công viên để tưởng nhớ anh như một biểu tượng hòa bình.

Ngô Tự Lập
.
.