Những mảnh đời hậu chiến của một cựu tù binh Mỹ

Thứ Sáu, 01/05/2020, 17:10
Tôi gặp Thomas Eugene Wilber tại Hà Nội cách đây 3 năm, vào đúng ngày sinh của cha ông - Walter Eugene Wilber, Trung tá Hải quân Hoa Kỳ, cựu tù binh phi công Mỹ Nhà tù Hỏa Lò. Thomas Eugene Wilber đã chọn ngày này để làm một việc có ý nghĩa, đó là trao tặng lại những kỷ vật của cha ông trong thời gian bị giam giữ ở đây cho Ban quản lý khu di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Vào năm 1968, khi cha ông tham chiến tại Việt Nam và trở thành một trong nhiều “phi công mặc áo ngủ” ở “Khách sạn Vỡ tim” (những cụm từ trong ngoặc kép là cách gọi hài hước của các tù nhân phi công Mỹ về mình và Nhà tù Hỏa Lò - NV) thì Thomas Eugene Wilber mới là một thiếu niên ở Mỹ, hầu như không biết gì về cuộc chiến ngoài nỗi nhớ thương cha dằng dặc. Gần 5 năm sau, vào năm 1973, cha ông là một trong số những tù binh phi công Mỹ được Chính phủ Việt Nam trao trả chuyến đầu tiên.

Ông Thomas Eugene Wilber trao tặng đại diện Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò một số vật dụng mà cha ông đã sử dụng trong thời gian ở Trại tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò.

1.Khi gặp Thomas Eugene Wilber, tôi không ngờ ông lại là nhân vật có liên quan tới bức hình từng gây ấn tượng mạnh cho tôi trong Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò. 

“Tôi đã sững người và gần như bật khóc khi nhìn thấy trong khu trưng bày bức hình cha tôi đang nhận bưu phẩm từ Mỹ gửi sang” - Thomas Eugene Wilber kể - “Gói bưu phẩm ấy là của mấy mẹ con tôi gửi cho cha từ Mỹ gồm một ít kẹo cao su, một bộ quần áo chống lạnh và mấy tấm hình gia đình”. 

Tôi nói, đó không chỉ là gói bưu phẩm, nó là gói yêu thương, đủ cả biểu trưng vật chất và tinh thần”, Thomas Eugene Wilber rưng rưng cười, giải thích, sở dĩ, mấy mẹ con ông quyết định gửi bộ quần áo ấy cho cha vì “nghe đâu mùa đông Hà Nội rất lạnh”. 

Thomas Eugene Wilber lúc ấy mới ở tuổi thiếu niên, ông gần như không hiểu gì về sự dấn thân cho nước Mỹ của cha. Một đứa con trai của một quân nhân Hoa Kỳ như ông khi ấy chỉ biết nhớ cha dằng dặc và gửi trọn yêu thương trong gói bưu phẩm đó. 

Vậy thôi, và chả bao giờ biết rằng, khoảnh khắc cha ông trong nhà tù Hỏa Lò lần giở gói bưu phẩm yêu thương ấy của vợ con từ quê nhà lại được ống kính của các phóng viên Việt Nam ghi lại và trở thành một bức ảnh có tính lịch sử.

Vậy thôi, và cũng chả bao giờ ngờ rằng, tờ giấy gói bưu phẩm đó đã được cha ông gìn giữ mang theo trong suốt hành trình đầy biến động của đời người trong cuộc chiến từ Việt Nam về Mỹ, để rồi gần 50 năm sau chính ông lại nâng niu nó trở lại Việt Nam trao cho Khu di tích Hỏa Lò tại Hà Nội.

Cũng như không bao giờ hình dung được rằng, ký ức chiến tranh lại ám ảnh cha ông nhiều đến thế. Để rồi, chính những day dứt và ước nguyện của cha là động lực thôi thúc ông quay trở lại dải đất hình chữ S, nơi cha ông từng mang bom đạn dội xuống, nhiều lần đến thế và lần nào quay về Mỹ, hành trang cũng là những món quà đầy ắp yêu thương của những người đã một thời ở “bên kia chiến tuyến” với cha ông.

2. Cha ông - Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber - đã trở thành phi công như là sự sắp đặt tình cờ của số phận. Sinh ra trong một gia đình nông dân tại một ngôi làng nhỏ ở Mỹ, Walter Eugene Wilber lẽ ra cũng như những đứa trẻ nông thôn Mỹ khác nếu không gặp một người. Người ấy nhìn Walter Eugene Wilber và nói rằng, cậu bé này có khả năng lái máy bay. Không đủ lớn để biết câu nói ấy là thật hay đùa nhưng giấc mơ bay từ đó bắt đầu đậu xuống đời Walter Eugene Wilber. 

Để rồi, 18 tuổi, chàng trai Walter Eugene Wilber với đôi mắt sáng, gương mặt luôn bình thản, trầm tư trở thành phi công gia nhập lực lượng hải quân Mỹ. Sau này, ngay cả khi bị bắt và trở thành tù binh phi công Mỹ bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, Walter Eugene Wilber vẫn vậy. 

Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò kể với tôi rằng, sau gần 50 năm, khi Thomas Eugene Wilber tìm đến nhà thăm ông và đưa cho ông xem bức hình chụp cha mình trong trang phục của hải quân Mỹ, ông vẫn không quá khó để nhận ra đó là Walter Eugene Wilber - một cựu tù binh do ông quản lý. 

Trong đội hình khá đông những “phi công mặc áo ngủ” ở “Khách sạn Vỡ tim” ngày ấy, sở dĩ ông ấn tượng với Walter Eugene Wilber vì đó là một tù binh khá điềm đạm. 

Ngày ấy, Walter Eugene Wilber còn lên phòng dạy tiếng Anh cho Đại tá Duyệt và chính ông cùng những người đồng đội quản lý Trại Hỏa Lò còn từng đưa một tốp tù binh phi công Mỹ, trong đó có Walter Eugene Wilber, đi thăm chùa Một Cột và một số danh lam thắng cảnh ở Hà Nội ngay trong thời điểm “đất rung, ngói tan, gạch nát” bởi bom đạn Mỹ. 

Sau này khi chiến tranh chấm dứt, được trao trả về Mỹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại trường quay của Đài truyền hình CBS, Walter Eugene Wilber đã khẳng định, trong 4 năm 8 tháng  bị giam giữ tại Trại tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò (Hà Nội) ông không hề bị tra tấn, đánh đập như dư luận Hoa Kỳ đồn thổi lúc bấy giờ.

Bức ảnh cố Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber (người ngồi giữa) nhận thư nhà trong thời gian bị giam giữ tại Trại tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò.

Trở lại câu chuyện của cựu Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber.

Phục vụ trong lực lượng hải quân Hoa Kỳ, Walter Eugene Wilber thực hiện nhiệm vụ bay đến Việt Nam để ném bom và không bao giờ ngờ được chuyến bay ngày 16/6/1968 đã bị bắn hạ tại không phận Việt Nam, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. 

Chuyến bay ấy, trong buồng lái, không chỉ có một mình Walter Eugene Wilber mà còn có một người đồng ngũ - Benrad. Nhưng, chỉ một mình Walter Eugene Wilber kịp bung dù tiếp đất. Các ông Nguyễn Văn Thu và Bùi Bác Văn, hai trong số những dân quân tự vệ thuộc xã Thanh Tiên, những người đã tham gia dẫn giải  Walter Eugene Wilber về bàn giao cho chính quyền sau này kể lại, họ nghe thấy tiếng nổ vang trời và nhìn thấy một phi công Mỹ còn nguyên trong đống thiết bị nhảy dù trên cánh đồng Thanh Tiên.

Cũng chính họ đã nhìn thấy phi công kia (tức là ông Bernad) tử nạn ngay trên ghế máy bay và những dân thường ở ngôi làng bé nhỏ này, những người từng là mục tiêu hủy diệt của quân đội Mỹ, đã chôn cất Bernad theo phong tục địa phương, ngay trên những cánh đồng bạt ngàn từng bị bom Mỹ cày xới.

Còn Walter Eugene Wilber sau đó được đưa về Trại tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò.

3. Cố phi công Bernad, Thomas Eugene Wilber kể, luôn là nỗi day dứt khôn nguôi đối với cha ông sau khi cuộc chiến kết thúc. Cho đến tận lúc cuối đời, cha ông vẫn băn khoăn về số phận của người đồng đội - ông Bernad, cho dù, ngay từ năm 1999, dựa trên những dữ liệu đã thu thập được, người ta đã kết luận rằng, ông Bernad đã tử nạn trong chuyến bay định mệnh năm 1968. 

Tuy nhiên, người đồng ngũ Bernad vẫn luôn là một phần ký ức không thể hóa giải đối với cựu Trung tá Hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber. Nhưng, do lâm bệnh nặng, ông đã không còn đủ sức khỏe để trở lại Việt Nam. Và Thomas Eugene Wilber đã thay cha làm điều đó dù trong ông không hề có bất cứ thông tin gì về người đồng đội của cha ngoài việc “Bernad chơi bóng rổ rất giỏi”(!).

May thay, trên mảnh đất, nơi cha ông từng ném bom, ông nhận được sự trợ giúp rất tận tình của mọi người - từ dân thường đến chính quyền. 

Năm 2014, với những manh mối thông tin hết sức mờ nhạt, được sự giúp đỡ của Bảo tàng Quân khu 4 và chính quyền, nhân dân nhiều địa phương tại Nghệ An, Thomas Eugene Wilber đã đến được cánh đồng xã Thanh Chương, được hít hà mùi ngái nồng của bùn đất lẫn trong hương lúa ngạt ngào ở khoảnh ruộng nơi chiếc máy bay rơi, được tận mắt nhìn thấy quá khứ đau thương của cha qua lời kể của những người từng ở bên kia chiến tuyến”. 

Và, nắm đất thươm mùi lúa, đượm tình người ở cánh đồng Thanh Tiên đã được ông nâng niu cẩn thận, đem về Mỹ cho gia đình Berdnad, cho người cha thân yêu yên lòng vì người đồng đội cũ.

Nhưng, đó không phải là món quà yêu thương cuối cùng cho cha ông từ dải đất hình chữ S này. Thomas Eugene Wilber kể, trong một lần tới thăm nhà ông Bùi Bác Văn, một trong những dân quân tự vệ ở xã Thanh Tiên đã từng phát hiện thấy cha ông đầu tiên lúc bung dù tiếp đất ở cánh đồng, ông tình cờ được ông Văn chỉ cho thấy một bình hoa đặt trước nhà. Nó hoàn toàn không bình thường như ngàn vạn chiếc bình hoa khác tại Việt Nam, bởi, nó là một phần thân xác của chiếc máy bay rơi năm xưa. 

Một mảnh của máy bay do Trung tá Hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber cầm lái sau khi rơi xuống cánh đồng Thanh Tiên được ông Văn đem về chế thành chiếc bình hoa, ươm vào đó những mầm hoa, đặt trước hiên nhà. Thứ vũ khí hủy diệt trong chiến tranh đã được chuyển đổi thành nơi gieo mầm sự sống một cách rất đỗi giản dị và chiếc bình hoa ấy suốt gần 5 thập kỷ lúc nào cũng tưng bừng, xanh tốt bên hiên nhà ông Văn. 

Ông Văn nói - Thomas Eugene Wilber kể - nếu cha tôi cần nó, ông sẽ tặng. Thế là vượt qua nửa vòng trái đất, năm 2015, Thomas Eugene Wilber đã đem được chiếc bình hoa về cho cha. Lúc này, căn bệnh ung thư của cha ông có vẻ đã trở nặng nhưng, “khi được chạm tay vào nó, ông đã rất xúc động” - Thomas Eugene Wilber rưng rưng nhớ lại.

Rồi cha ông qua đời, chiếc bình hoa được gia đình đem theo huyệt mộ, đặt bên linh cữu thật lâu, trước khi đem về nhà. Bởi, nó là một phần của tuổi trẻ, của ký ức người quá cố.

Mẹ ông, sau đó đã cắm thật nhiều hoa tươi trong chiếc bình hoa ký ức ấy mỗi ngày, đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà, ngôi nhà mà cựu Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber đã nhớ thật nhiều trong những tháng năm bị giam giữ ở Trại Hỏa Lò với thân phận là một tù binh phi công Mỹ.

Đặng Huyền
.
.