Thế giới trước ngưỡng cửa năm 2016

Những mảng màu tối - sáng

Thứ Hai, 11/01/2016, 09:06
Năm 2015 đã khép lại. Bức tranh thế giới 12 tháng vừa qua nổi bật hơn cả bởi sự lây lan khắp toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư vào châu Âu, cùng những căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trong bức tranh ấy vẫn xuất hiện những gam màu sáng hiếm hoi, mở ra hy vọng cho năm mới 2016. Đó là những nỗ lực được thể hiện thông qua các bản thỏa thuận, nêu cao tinh thần hợp tác và hội nhập, cũng như mong muốn tìm kiếm hòa bình và ổn định. 


Rõ ràng trong bối cảnh nhiều rối ren hiện nay, những vấn đề nổi cộm của khu vực và toàn cầu không thể được giải quyết bởi bất kỳ một quốc gia nào, mà cần phải có sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong cả cộng đồng quốc tế.

Khủng bố hoành hành

Năm 2015 chứng kiến sự bành trướng mạnh mẽ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như những kẻ lấy cảm hứng hoặc hành động theo chỉ dẫn của các nhóm khủng bố. Hàng loạt vụ tấn công trên thế giới năm qua, từ Tunisia, Beirut, Copenhagen, San Bernardino, tới vụ khủng bố chiếc máy bay trên bầu trời Sina (Ai Cập) đều không phải hoàn toàn do IS thực hiện, mà giật dây những kẻ bị cực đoan hóa bởi chính sách tuyên truyền của IS tại những quốc gia bản địa. IS tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ở khắp mọi nơi, với tuyên bố các vụ tấn công sẽ đẩy xã hội vào cảnh nội chiến kéo dài.

IS đang biến châu Âu thành chiến trường hứng chịu nhiều sóng gió. Riêng Paris (Pháp) đã hai lần gánh chịu thảm cảnh khủng bố đẫm máu. Các vụ tấn công tháng 1 và 11 năm 2015 đều có yếu tố nhập cư khi các nghi phạm hoặc là gốc gác nhập cư, hoặc là thành viên IS mới xâm nhập vào châu Âu qua tuyến đường Balkan. 

Với mục đích trả thù, những phần tử IS muốn răn đe các quốc gia đang tấn công lực lượng này ở Syria và Iraq. Pháp vốn là một đồng minh tích cực tham gia các cuộc không kích chống IS do Mỹ dẫn đầu, nên thủ đô Paris - trái tim của châu Âu - đã được chọn là mục tiêu.

Mỗi tháng, có hàng trăm người châu Âu dễ dàng gia nhập IS tại Syria và Iraq, và sau đó quay trở về nước. Điều này tạo ra cuộc tranh luận gay gắt tại phương Tây về tư tưởng cực đoan của người Hồi giáo châu Âu trẻ tuổi, sự lây lan toàn cầu của hệ tư tưởng thánh chiến, đòi hỏi tăng cường an ninh và giám sát quyền lực nhà nước, cũng như mong muốn không can thiệp quân sự hoặc không triển khai lực lượng trên bộ trong cuộc chiến chống khủng bố. Từ đây, nhận thức về tình hình an ninh tại châu Âu đã thay đổi sâu sắc. Châu Âu giờ đây không còn an toàn nữa bởi IS có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Di cư ồ ạt

Không chỉ đối mặt với IS, châu Âu đang bế tắc trước một cuộc di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng di cư này là do cuộc nội chiến tại Syria, cũng như tình trạng bất ổn chính trị, kinh tế suy thoái và biến đổi khí hậu ở Trung Đông, Nam Á và châu Phi. Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng vượt khỏi tầm kiểm soát là do một số lực lượng chính trị và tôn giáo tại Trung Đông muốn đẩy sự hỗn loạn sang châu Âu và Mỹ như một sự trả đũa cho sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông những năm qua.

Cuộc khủng hoảng di cư khiến các chính phủ và người dân châu Âu tỏ ra lo ngại. Không thể loại trừ khả năng chính IS đứng đằng sau nhiều đường dây buôn người đưa các thành viên trà trộn vào châu Âu. Việc dòng người tị nạn ồ ạt kéo tới đã và đang đe dọa tới sự ổn định, thậm chí mang tới nguy cơ phá vỡ Liên minh châu Âu (EU). 

Nỗi sợ về suy thoái kinh tế, sự lai tạp văn hóa và nguy cơ khủng bố từ dòng người di cư, khiến bất đồng trong giải quyết vấn đề này giữa các thành viên EU ngày càng sâu sắc. Muốn giải quyết gốc rễ của vấn đề, đòi hỏi các nước phải điều chỉnh chính sách đối với khu vực Trung Đông trên tinh thần xây dựng, có chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm nền hòa bình, ổn định cho cuộc sống của người dân.

Đối đầu tiếp diễn

Năm 2015, cuộc chiến trừng phạt kinh tế giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có điểm dừng. Mỹ và châu Âu liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột ở Ukraine và gần đây là sự can thiệp của Điện Kremli vào tình hình Syria. 

Những đòn trừng phạt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào tình thế lao đao, có thể sẽ thiệt hại khoảng 9% GDP/năm trong trung hạn. Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Moscow và Kiev tiếp diễn khi hai nước có các biện pháp “ăn miếng trả miếng” liên quan tới các thỏa thuận năng lượng, thực phẩm và hàng không.

Căng thẳng đặc biệt gia tăng khi Nga mở chiến dịch quân sự chống IS tại Syria, khiến phương Tây “băn khoăn” về các tham vọng địa chính trị của Moscow. Điện Kremli tuyên bố, việc Nga can thiệp vào Syria bằng các đợt không kích là nhằm tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức IS. Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự của Nga là riêng rẽ, không phối hợp với liên quân do Mỹ đứng đầu. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng đối đầu giữa Nga và lực lượng liên quân.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc vi phạm không phận. Vụ việc như “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ giữa Ankara và Moscow. Từ đây, cuộc chiến chống IS toàn cầu càng trở nên khó khăn vì hiện có tới 3 mặt trận chống IS tại Iraq và Syria (Nga, liên minh do Mỹ đứng đầu, và liên minh quân sự gồm 34 quốc gia Ả rập và Hồi giáo do Ả rập Saudi đứng đầu). Mỗi mặt trận có một lợi ích riêng, cản trở một chiến thuật hợp tác quốc tế nhằm chống lại mối đe dọa chung.

Điểm sáng “hội nhập và hợp tác”

Bên cạnh những mảng tối, thế giới năm 2015 cũng đạt được một số thành tựu quan trọng. Sự hợp tác của các quốc gia thông qua các thỏa thuận được xem là một điểm sáng tiêu biểu.

Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran - một trong những hồ sơ phức tạp, gai góc và kéo dài nhất của thế giới đương đại. Rõ ràng, sẽ không thể đi đến thống nhất nếu các bên không nhân nhượng hoặc thỏa hiệp để tìm phương thức có tính lâu dài nhằm hóa giải những tranh cãi đối đầu giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây khác trong suốt 12 năm qua.

Năm 2015 cũng đánh dấu bước tiến sau cùng trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên trên thế giới, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP21 đã thông qua Thỏa thuận Paris lịch sử với sự đồng thuận của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều điều khoản cam kết mạnh mẽ, đầy tham vọng để hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất. Thỏa thuận này đã kết thúc những tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.

Ở phương diện kinh tế, Hy Lạp cuối cùng đã phải lựa chọn giải pháp nhượng bộ để tránh phá sản và nguy cơ rời khỏi EU. “Bão” nợ công khiến nước này trải qua giai đoạn khốn khó chưa từng có trong lịch sử khi hệ thống ngân hàng “đóng băng” vì không có tiền mặt. 

Giới lãnh đạo ở Brussels và Athens cuối cùng cũng đạt được đồng thuận về các gói giải cứu nhiều tỷ USD, khép lại tiến trình thương lượng kéo dài do những tranh cãi xung quanh các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà bộ ba chủ nợ đề ra cho Hy Lạp. Cuộc giải cứu Hy Lạp về cơ bản đã thành công khi chính phủ chịu thỏa hiệp, việc ký thỏa thuận về gói cứu trợ tài chính là đúng hướng, tạo cơ hội hồi phục và phát triển trong tương lai.  

Điểm sáng nổi bật hơn cả là việc 12 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau hơn 5 năm.

TPP bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước tham gia, tạo thêm nhiều việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân. Đây được xem như một dấu mốc quan trọng trong lịch sử, trở thành hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực những năm đầu của thế kỷ XXI, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do khác giữa các quốc gia và châu lục dần được hình thành.

Bên cạnh đó, việc Cộng đồng ASEAN ra đời (trên cơ sở ba trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa - xã hội) đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình liên kết và hội nhập. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015 có thể là mô hình cấu trúc tương lai của thế giới, tập hợp các quốc gia ở một khu vực năng động bậc nhất, hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn - Một bản sắc - Một cộng đồng”. 

Trên nền tảng đó, Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của các diễn đàn khu vực và quốc tế. Tất cả tạo nên một bức tranh khá sáng về hợp tác và liên kết kinh tế của thế giới trong năm 2015 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn…

Trần Quân
.
.