Những lời nói chân thật và gương mặt quốc gia

Thứ Ba, 25/07/2017, 08:07
Không có gì cao quý và đẹp đẽ hơn là việc nói thật, mà đặc biệt, tri thức và khoa học chỉ được xây dựng nên từ những nền móng của sự chân thành.

Đất nước có phát triển và văn minh hay không, chắc chắn rằng, mọi công dân của quốc gia đó phải là những công dân trung thực. Ngay cả và trước hết là với chính mình, rồi sau đó mới đến Tổ quốc (*).

Tài sản quan trọng nhất của quốc gia là con người

Giáo dục chính là vấn đề cốt lõi và chính yếu quyết định đến sự suy thịnh của một quốc gia. Như danh sĩ Thân Nhân Trung đã dặn dò hậu thế: "hiền tài là nguyên khí quốc gia", mà hiền tài chỉ có thể được sinh ra từ một nền giáo dục văn minh và đúng đắn. Một nền giáo dục tốt mới có thể có khả năng tạo ra những con người tài năng để mà cống hiến và xây dựng đất nước phát triển được hay không.

Và tất nhiên rằng, giáo dục như luật sư Nelson Mandela từng khẳng định, chính là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Vì lẽ đó, mọi sự tốt đẹp hay thịnh vượng đều nằm ở việc giáo dục mà ra. 

Và ở đây, với triết lý giáo dục xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, lấy sự khai phóng làm kết quả và lấy tự do làm mục đích để tạo dựng phương cách, nên, với nhận thức đó, giáo dục chắc chắn sẽ không bao giờ là một cuộc chạy đua hay với tư duy hơn thua bởi cách phân định thắng bại trong việc xếp hạng thông qua các cuộc thi hoặc để vượt qua một ai khác. Điều đó thực sự phản giáo dục.

Tài sản quan trọng và cốt yếu nhất của quốc gia chính là con người.

Con người làm ra của cải và kiến tạo xã hội, thay đổi hoàn cảnh.

Con người thiết lập nên thể chế, làm ra luật pháp và cũng là chủ nhân của lịch sử, của đất nước.

Những quốc gia như Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc là những nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng với họ tài nguyên thực sự có quá quan trọng không? 

Thiết nghĩ, khi đặt quốc gia với tinh thần tự tôn dân tộc và tính độc lập tự cường lên hàng đầu, thì quốc gia đó sẽ phát huy được tối đa tố chất con người của mình mà lập quốc. Con người lại được rèn giũa qua môi trường giáo dục và lao động cũng như thực hành. 

Từ đó mà tạo ra được nguồn tài nguyên quý giá để phát triển quốc gia. Những quốc gia khác làm được, tại sao chúng ta lại cho rằng chúng ta thì không thể, mà lại còn ngày càng làm cho tụt hậu nhận thức con người của chúng ta đi.

Điều gì đã dẫn đến sự bạc nhược và trì trệ này?

Tất cả vẫn nằm ở cái gốc, cái "lõi" là giáo dục. Ngay cả khi luật pháp có đầy đủ và văn minh đến đâu đi chăng nữa, dù được ban hành ra mà tâm lý và nhận thức đa phần người dân của quốc gia đó chưa đủ thấu đáo và thông suốt thì sẽ khó lòng nào áp dụng cho đúng đắn, đầy đủ và toàn diện vào đời sống xã hội được. Nó vẫn bị phản đối và rầy la bởi những đám đông vô thức lắm đòi hỏi nhưng lại rất hạn chế về những lý lẽ và sự khách quan của mình.

Những người dân trên quê hương, đã và đang muốn làm rất nhiều việc để có thể khởi tạo nên điều gì đó có ích cho xã hội này. Lặng thầm quan sát mỗi ngày những sự kiện diễn ra trên quê hương và đất nước mình, cất những tiếng nói phản biện xã hội thông qua sự thật, mặc dù nó được gióng lên bằng những sự xấu xí không hề giả tạo và cũng bằng cái nhìn trực diện không hề né tránh, với mong muốn thôi thúc những con người và lương tri trong đất nước này nhận ra một vài điều gì đó đang thực sự là đáng báo động mà cần kíp phải được sửa đổi và cải cách một cách thực tâm cũng như triệt để nhất, mà đi lên cho dần kịp với thế giới văn minh dường như đang mỗi ngày một rời xa chúng ta.

Minh họa: Lê Phương.

Làm sao để những người trí thức có thể thực sự cống hiến được cho đất nước, cho xã hội? Quốc gia hơn lúc nào hết đang rất cần những đạo luật văn minh và khoa học, xây dựng chính sách giáo dục khai phóng, cải cách thể chế và nền kinh tế đáng báo động của đất nước. Và cần phải thay đổi gì cho hệ thống tư pháp, để thiết lập nên một nền tranh tụng đúng nghĩa để đảm bảo công lý luôn được hiện diện.

Chúng ta phải ý thức về hai chữ "Quốc dân".

Chúng ta, đáng lẽ đã có thể thực hiện tư tưởng từ cả trăm năm trước của bậc chí sĩ dân tộc là cụ Phan Chu Trinh: "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". 

Chỉ có chín chữ ngắn gọn hết mức, nhưng quả thực lại là cả một chặng đường dài đầy gian nan và là công cuộc lớn lao của một quốc gia mà có thể phải mất hàng chục năm và qua vài thế hệ mới mong hiện thực hóa được nó vào trong tâm thức những con người và vào trong lòng một xã hội để khiến đất nước trở nên văn minh và nhân bản.

Chúng ta đang ở thế kỷ 21, thế kỷ bùng nổ của công nghệ, khoa học và thông tin vũ trụ, dựa trên nền kinh tế tri thức. Nhưng quả thực, chúng ta đang mắc kẹt với những tư tưởng lạc hậu, sự bảo thủ, sự suy thoái và tha hóa con người, và điều này thực ra đã từng được tìm thấy ở thời kỳ Minh Trị của đất nước Nhật Bản vào những năm cuối thế kỷ 19, mà thật may mắn khi đất nước xứ mặt trời mọc đã sản sinh ra một nhà ái quốc với tên Fukuzawa Yukichi đã lập nên nhóm "Khuyến học" và mở trường tư thục để dịch sách mang tính học thuật của Tây phương cũng như tự viết sách để truyền thụ tới nhân dân Nhật để từ đó biến mỗi "người Nhật" trở thành một "quốc dân Nhật Bản" yêu nước. 

Và nhờ đó, đúng là chẳng có gì cần phải bàn cãi về thành quả của nó, nước Nhật đã trở nên tự cường và hùng mạnh không những đứng đầu châu Á mà còn vươn tầm ra thế giới để các quốc gia khác phải khâm phục mà học hỏi họ, ở rất nhiều mặt và lĩnh vực.

Chúng ta đang ở thời đại toàn cầu không còn khoảng cách nhờ công nghệ vượt trội, chứ không còn phải gặp nhiều trở ngại như thời Minh Trị của ông Fukuzawa hay thời Pháp thuộc của cụ Phan Chu Trinh phải đối mặt. Xã hội ta thời điểm đó và xã hội Nhật lúc bấy giờ cũng bị chiến tranh, từ nội chiến tới ngoại bang, từ xung đột giữa cái cổ hủ với các giá trị mới. 

Cả hai đất nước là An Nam và Nhật Bản lúc đó đều bị tư tưởng Nho giáo trói buộc một cách nặng nề, chế độ phong kiến vẫn còn duy trì và thậm chí gây khó khăn cho đời sống xã hội vì kìm hãm tư tưởng con người bằng sự nô lệ và phục tùng. 

Nho giáo (hay Khổng giáo) đã làm tốt công việc của mình trong thời phong kiến khi tạo dựng nên những lệ tục và quan hệ luân lý, đạo đức giáo điều đến cổ hủ, phần nhiều là mang tính áp đặt, tù túng và kể cả cưỡng ép thân phận, tước bỏ phẩm giá và cả quyền con người, tạo ra sự bất bình đẳng, phân biệt địa vị giữa người với người. 

Thời của ông Fukuzawa khó khăn gấp nhiều lần so với ta bây giờ. Bởi thời đó, ông Fukuzawa cũng phải chờ đến khi những con tàu chạy trên biển cả cập bến, những hàng hóa được giao thương và những phố của người Tây mọc lên giữa lòng Nhật Bản, hay ông ấy phải vượt biển để tới những đất nước như Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ để thấy được tận mắt sự phát triển của những đất nước này, và cũng từ đó ông mới có thể tiếp cận được các học thuyết về triết học, chính trị Tây phương (Rousseau, Montesquieu, Stuart Mill), những cuốn sách học thuật về dân quyền, nhân quyền, về giáo dục hay kinh tế (của Adam Smith). 

Từ đó ông nhất quyết từ bỏ tư tưởng lạc hậu Nho giáo, mà đặc biệt là Luận ngữ và cả những lời dạy của Chu Tử được tuyên truyền và áp đặt trên đất nước Nhật hàng trăm năm nhằm dễ bề cai trị chuyên quyền trong xã hội phong kiến, để đem về nước Nhật những giá trị văn minh cùng sự tiên tiến mà lần đầu tiên ông chứng kiến trong sự ngỡ ngàng và cả thán phục dành cho những con người xứ này.

Ngày xưa, khi ông Fukuzawa viết về phương Tây để nói về ưu điểm của nó và muốn dân Nhật học được những giá trị tiến bộ của các quốc gia phát triển và văn minh, thì nay tới gần một thế kỷ rưỡi sau, chúng ta hãy nhìn về nước Nhật như một tấm gương tự cường dân tộc để đất nước mình học hỏi. 

Không cần phải bàn luận đâu xa hay bằng những triết lý học thuật hàn lâm, khó hiểu và mơ hồ, tấm gương một nước Nhật được như ngày nay là nhờ họ biết tự cường và tiếp cận học thuật văn minh của thế giới, mà xuất phát từ Tây phương và nước Mỹ.

Học để lên tiếng chứ không phải để im lặng

Học, trước hết là để được tự do và khai sáng chính mình.

Học, tiếp theo là để đóng góp trí tuệ của mình mà phục vụ cho xã hội và quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm lợi ích để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.

Học, là để kiến tạo và nói lên điều trung thực.

Một quốc gia mà khi người nói lên sự thật và điều đúng đắn thì lại được phần đông con người trong xã hội coi là dũng cảm và bản lĩnh, thế thì hóa ra chẳng phải là người dân của quốc gia đó từ trước cho đến nay được giáo dục bằng dối trá và sự ươn hèn cho bao thế hệ đã qua hay sao?

Vậy thì quốc gia ấy sẽ thế nào, một khi hầu hết các công dân của mình đều sợ hãi và thinh lặng trước các vấn đề của xã hội, của đất nước, mặc dù nó có trở nên nguy cấp, suy thoái đến thế nào đi chăng nữa? Tổ quốc ấy sẽ trông cậy gì vào những con người mà chỉ thủ thỉ và nói thầm cho nhau nghe ở một góc nào đó mà chẳng ai biết đến, và người cần được nghe thì lại không được tiếp nhận những tiếng nói đó từ công dân của mình?

Vậy thì giáo dục trong xã hội ấy đã nhắm tới đích gì? Có phải là biến con người ta từ một con người với tư duy và nhận thức độc lập trở thành những cái máy chỉ biết vâng lời, hoặc sẵn sàng a dua, xu nịnh hay không? 

Nếu vậy thì đất nước ấy làm sao mà có thể gây dựng nên những giá trị văn minh, tạo ra con người nhân bản với phẩm giá cho được. Vì phẩm chất cao quý và quan trọng nhất của một quốc gia là phẩm chất trung thực và tinh thần học hỏi cầu thị, biết phê phán.

Nên nếu không thể trung thực để trao đổi, phản hồi và kể cả là chỉ trích những thói hư tật xấu hay quan điểm của nhau, của con người và xã hội, thì quốc gia đó không bao giờ tìm được chân lý hay chuẩn mực nào để gây dựng nên một đất nước đàng hoàng và tử tế được cả, nếu tất cả chỉ còn lại sự e dè, sợ hãi và né tránh được phép tồn tại trong lòng một xã hội.

(*) Theo sách Một người quốc dân.

Lê Luân
.
.