Những dòng nhật ký lên đường của nhà thơ Lưu Quang Vũ

Thứ Năm, 11/09/2008, 14:15
Năm 1965, chiến tranh chống đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc. Anh Lưu Quang Vũ khi đó mới 17 tuổi, đang là học sinh lớp 10H (hệ 10 năm) viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Lúc đầu anh bị từ chối vì chưa đủ 18 tuổi. Sau thấy anh quyết tâm quá, chú ruột tôi là nhà thơ Lưu Trùng Dương đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải trực tiếp đến nơi tuyển quân xin mãi mới được chấp nhận.

Theo quy chế thời chiến, anh được đặc cách xét tốt nghiệp phổ thông. Những ngày trước khi anh lên đường, nhà tôi lúc nào cũng có khách. Bà con họ hàng, các cô bác trong khu tập thể, bạn bè của bố mẹ tôi, bạn bè anh đến chia tay rất đông. Tôi thấy vui lắm, chỉ đến khi nhìn thấy mẹ tôi vừa sắp xếp balô cho anh vừa khóc, tôi mới cảm thấy có điều gì đó thật khác thường.

Khuya hôm đó, trước khi đi ngủ, tôi còn thấy anh ngồi ghi chép gì đó trên chiếc bàn học của mình. Sau này tôi mới biết là anh viết thư dặn dò các em và làm thơ tặng mẹ trước lúc lên đường: Từ giã những tà áo tuổi thơ, từ giã mẹ/ Con khoác trên mình áo bộ đội xanh/ Màu xứ sở ru con từ thuở nhỏ/ Nay cùng con đi giữ đất quê mình…

Ngày 8/12/1964

Chiều học nhóm với các bạn ở tổ. Tối, hỏng điện nên đi ngủ sớm. Nằm mà khó ngủ. Không hiểu sao lại nghĩ tới cái chết. Ừ, rất có thể sẽ có một điều vô lý gì đây tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết - Ta không sợ nó, nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá. Chưa làm được cái gì cả, ăn hại 17 năm, thế rồi chết ư! Thần chết ơi!

Ta chẳng cần hưởng cuộc đời, rồi mỗi lần tăng thêm tuổi thọ lại ăn mừng như người xưa đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi ta đã có thể coi là hoàn thành sự nghiệp đời ta, thì ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt.

Đấy, chỉ tiêu của ta có ngắn ngủi không? 20 năm thôi mà. Con người đã lo nghĩ nhiều về cái chết. Người ta muốn thọ lâu tăng thêm 5 năm, hay 10 năm tuổi thọ là mừng lắm. Nhưng mà, dù có 100 tuổi đi chăng nữa thì 100 năm ấy so với THỜI GIAN vô tận của những thế kỷ đã qua và sẽ tới thì cũng không thấm vào đâu.

Vậy cho nên, cuộc sống ngắn ngủi lắm, con người trôi qua một cuộc đời, rất ngắn, 10 năm sống thêm không phải là vấn đề chính. Vấn đề là trong cái cuộc đời nhỏ bé của anh, anh đã để lại cái gì? Sự nghiệp của anh sẽ là cái dây nối anh với thời gian, nếu không cuộc sống sẽ chỉ là một trò hề ngắn ngủi. Cho nên: "Ý nghĩa của cuộc đời không phải là sống nhiều năm mà là làm nhiều việc".

Trong nhật ký của mình Lưu Quang Vũ đã ghi lại khá đầy đủ tâm trạng và suy nghĩ của anh trong những ngày sôi động ấy và đặc biệt đã ghi lại thật chi tiết ngày anh vào bộ đội. Qua đó chúng ta sẽ biết thêm phần nào tâm hồn thi sĩ nhạy cảm và ý thức công dân được xác định từ rất sớm của anh, đồng thời cũng hình dung được một thế hệ tuổi trẻ trong những năm tháng đất nước có chiến tranh.

Ngày 20/12/1964

Sáng đi xem phim Điện Biên Phủ mình lại giàn giụa nước mắt giữa khi xem... Có phải Vũ đây yếu đuối không? Chẳng phải đâu, Vũ dễ xúc động trước những điều thương mến của cuộc đời, một chút gì đó thôi cũng dễ làm Vũ khóc. Nhưng, trước tất cả những gai góc, phong ba trước đau đớn, và trước cả cái chết, dù có kẻ nào chĩa súng vào ngực Vũ đây. Kẻ đó cũng chớ hòng tìm ở đôi mắt nâu của Lưu Vũ một chút nước mắt hèn yếu.

Tới bữa cơm, bố nhắc một câu chuyện ngày kháng chiến ở Việt Bắc. Bỗng nhớ Việt Bắc lạ lùng, nhớ những ngày thơ ấu gian khổ mà đói, rét, đạn bom đã làm nên con người ta. Nhớ những đêm bộ đội hành quân qua nhà, lá ngụy trang kín trên súng đạn, nhớ những ngày chiến thắng vẻ vang.

Tù binh Pháp, hàng đoàn nườm nượp đi qua, nhớ lần máy bay địch thả bom, nhớ hôm chiến thắng. Đình chiến ở Đông Dương. Hôm đó, xóm thôn náo nức, mình chạy như bay lên đồi chỗ nhà bà ở để báo tin.

Rồi, ngày về Hà Nội đi trên bè xuôi về sông Hồng, trời hòa bình xanh ngắt, hai bên bờ sông, bộ đội về tiếp quản đông hàng đoàn, mình hò reo vẫy chào các anh bộ đội, bè đỗ ở Sơn Tây, lần đầu tiên trong đời mình trông thấy ôtô, rồi lại đi ôtô về Hà Nội nữa, nói sao nỗi tự hào, mừng vui khi mình hiểu rằng mình là người kháng chiến ở chiến khu nay chiến thắng trở về "giải phóng Thủ đô"...

Rồi lần đầu tiên nhìn thấy Hà Nội. Xe đỗ ở Ngõ Gạch, mẹ khóc khi nhìn thấy gian nhà sau 9 năm xa cách...

Muốn viết một hồi ký dài về những ngày thơ ấu ấy quá.

Ngày 23/3/1965

Hôm nay Hiệp đã xuống Hà Nam. Thầy Lộc báo: Bài văn của mình được nhất toàn thành. Tối nghe đài báo: Bản tuyên bố của Mặt trận DTGP, kêu gọi những người con miền Nam tập kết trở về chiến đấu!

Lòng mình rạo rực biết bao, cùng Giang đi xem phim MacđơlenRipphô và phim về Quảng Bình của Quân đội. Nhân dân ta anh hùng quá, đất nước ta kỳ diệu quá, mình khóc không biết bao nhiêu lần khi xem phim. Quyết định ngày mai sẽ đi nộp đơn xin nhập ngũ.

Thứ năm 3/6, Ngày nhập ngũ.

(…) Gặp lại bọn ở lớp lần cuối cùng. Chụp ảnh với lớp tổ. Muộn quá, nhà chắc lại đợi cơm. Hiển đến đón mình về. Bữa cơm có dì Ngọc, cậu Bé và Châu Hiển, bữa cơm cuối cùng ở nhà đây. không khí buồn. Bố bảo: "Bố đã quen với chia ly rồi", nhưng Hiển, Châu và mẹ, các em đều buồn cả. Thôi, còn vài tiếng nữa là xa tất cả, xa không biết bao giờ gặp lại nữa...

Các bạn, mẹ, cậu Bé, dì Ngọc ngồi sắp xếp đồ đạc cho mình. Mẹ ngồi vào một góc, quay mặt vào trong và khóc. 17 năm! 17 năm ta đã sống, đã lớn lên. Tâm hồn và ý chí đã trở thành một con người xứng đáng. Ta sớm bước vào đời, lại là đời chiến sĩ. 17 tuổi. Ôi hạnh phúc nào hơn hạnh phúc 17 tuổi đời cầm súng giữ quê hương.

Ta ra đi, hành lý không có gì ngoài tấm lòng bát ngát yêu thương, ngoài một trái tim dào dạt ước mơ và dũng cảm. 17 năm, bao ơn huệ với cuộc đời nay đã đến giờ đền đáp. Đã đến lúc ta đem tất cả sức lực của ta hiến dâng đời, hiến dâng đất nước khổ đau và dũng khí sáng ngời, hiến dâng cho nhân dân rộng lớn, cần cù, bình dị và tuyệt vời anh hùng "chúng mình phải rời tổ vì chúng mình đã lớn"...

Có nghe chăng? Lòng ta ơi! Đất nước đã gọi ta lên đường! Và ước mơ của ta nữa, lao vào cuộc sống, ngoài trách nhiệm cầm súng ta còn một duyên nợ với cuộc đời nữa là cầm bút... Thôi, hôm nay lên đường đây(…) Ôi Hà Nội trưa nay đầu tháng 6, trời vẫn xanh trong vô cùng, nắng vàng mơ úa, Hà Nội ơi! Anh sắp đi rồi Hà Nội ạ!

Ta yêu những con đường 10 năm ta đi học Yêu hoa phượng đỏ bừng như khăn đỏ tuổi thơ Yêu từng chuyến xe đi, từng khúc nhạc Yêu Tháp Rùa xưa và cần trục xây nhà. Ta đi, bao công việc còn dang dở, thôi, giã từ những bài thơ của ta, giã từ những tấm tranh của ta, giã từ những trang kỷ niệm của ta, ta đi, và sẽ viết tiếp NGÀY MAI những trang nhiều nắng mới (…) Tháng năm dài còn lại một trưa nay.

Các bạn hãy ngồi lại bên mình một chút. Sắp tới lúc đi rồi, mẹ ơi, đừng khóc nữa, đừng buồn mẹ nhé, để con đi, bao giờ tan hết giặc con về... --PageBreak--

Hai giờ rồi! Lên đường! Mình đi ra sau cùng - thôi, chào gian phòng của ta nhé! Thôi, ta đi nào. Xe đạp của bạn bè, của các em, đi tiễn mình thành một dãy dài trên phố. Khu đội Hai Bà đã chật những người tiễn và những người đi. Ngồi bên nhau một lát cuối cùng nào tất cả những người thương mến của Vũ ơi! Thủy bắt tay mình rồi đi, hai tiếng sau mình nữa, Thủy cũng lên đường.

Ôi, có gì kiêu hãnh, mến thương, buồn luyến tiếc và dạt dào niềm vui như người chiến sĩ lên đường cầm súng. Mình xúc động nhiều, nhưng không khóc, trong cái giờ phút cách xa không biết ngày về này, có một cái gì thiêng liêng và cao rộng. Mình ngắm lại từng khuôn mặt thân yêu của những người đi tiễn: Bố, mẹ, Hiệp, Điền, Thơ, Châu, Hiển, Quang, Dũng, Được Quảng, Thanh, Chiêu, Dùng, dì Ngọc, Tuyết, Quang... Chung quanh nhiều người khóc. Nhưng nhìn những khuôn mặt người ra đi vẫn đẹp làm sao.

Mình hiểu mình ra đi không phải là một mình mà có bao đồng chí, bao những người cùng đội ngũ. Nghe đồng chí đại diện khu đội lên động viên, nhắc nhở rồi loa báo tin: 10 phút nữa mời gia đình về để Khu đội chuẩn bị làm việc.

Có ít phút nữa thôi. Biết nói gì đây: Mẹ ơi! Tạ lỗi mẹ, con của mẹ 17 năm mẹ nuôi nấng, nay vừa lớn, đã lại ra đi! Tạ lỗi mẹ nhiều, mẹ nhé! Bố yêu! Người đồng chí của con, bố đã xin cho con nhập ngũ, suốt sáng nay bố lại hì hục ngồi cắt mấy tờ báo có bài của đồng chí Song Hào để con mang đi! Con có đến ngồi cạnh bố, mẹ, bố lại bảo con ra chơi với các bạn. Châu chẳng nói gì, vẫn ít nói như xưa - Châu ghi vào lưu niệm cho mình: “Xa nhau, ta sẽ sống như thế nào?”.

Hiển vẫn có vẻ dũng cảm, ngang tàng, Hiển cười nhưng nước mắt đọng ướt ở làn mi. Dũng bé nhỏ mắt đỏ hoe sau cặp kính trắng cận thị, Giang điềm tĩnh mà sao buồn vô hạn - Dung lại khóc rồi. Giây phút chia ly chỉ còn trong khoảnh khắc nữa thôi.

Và Quang, Quang với chiếc áo nâu, với đôi mắt buồn đẹp như có bao điều muốn nói. Mình và Q đứng với nhau một lát, Q cúi đầu, bối rối quay quay chiếc túi trên tay lời nói nghẹn ngào chẳng nên câu: - Vũ đi... Quang chẳng biết nói gì... Vũ hiểu cho... Nhớ viết thư về Vũ nhé! Sao lúc này, sao lúc sắp ra đi này ta mới nhìn lâu vào đôi mắt của Q, sao chỉ lúc này một tình cảm gì mới ấy, lại xáo động lòng ta... Ta cũng chẳng biết nói gì đâu, Q ạ... Mong rằng tất cả đều vui sướng và sáng tươi thôi.

Hiệp, Điền, hai đứa em giai bướng bỉnh, dũng cảm và tài hoa của ta. Ta biết hai em sau này sẽ trở thành những chàng trai có tầm vóc lớn đẹp giữa cuộc đời, ta biết hai em sẽ làm nên nhiều sự nghiệp, nhiều đội trời đạp đất. Bây giờ, hai đứa vẫn gan góc như thường, chỉ im lặng, không nói, không khóc, không cười.

Và K. Thơ bé bỏng của anh... Khánh Thơ xinh đẹp và ngoan ngoãn của anh, cả em nữa, anh Vũ biết rằng em sẽ lớn trên đời, mắt sẽ đen tròn, môi sẽ son, họ Lưu mình vốn tài hoa lắm. Thơ ạ, em đừng quên những năm tháng này, khi em còn bé bỏng, em đừng quên chiều hôm nay, Thơ nhé! Ở nhà phải ngoan nghe không! Thôi, trên loa đã mời tất cả ra rồi.

Thơ níu lấy mình nũng nịu mắt rưng rưng, Thơ gọi: Anh Vũ! Anh Vũ. Mình ôm Thơ lên, hôn vào mái tóc tơ mịn màng của em, tội nghiệp, bây giờ em đã hiểu thế nào là chia ly rồi. Ôm Giang, ôm Dũng, ôm Hiển, Châu, Được một lần cuối, cả người đi lẫn người ở đều không muốn buông ra nữa.

Mẹ lại khóc, mình đặt tay lên vai Hiệp, Điền như những người lớn mà bảo: Thôi, anh Vũ đi nhé! Bố cũng chỉ đặt tay lên vai mình, nói gọn gàng, ngắn ngủi: Thôi, đi đi! Từ giã Q nhé, nắm bàn tay Q trong thoáng chốc rồi lìa xa...

Tất cả đã xa rồi, mình đứng trên cửa Khu đội, nhìn theo những người thân ra cửa. Thơ đi cuối cùng, bé nhỏ làm sao. Nắng chiều đã nhạt, và lúc này, nước mắt mình mới rưng rưng thoáng chút! Ôi, nỗi đau chia ly mặn đắng lòng như xát muối! Nhưng ta không như những người khác chạy theo ra cửa với người thân, ta quay vào, không nhìn theo gì nữa "dẫu đưa nhau mãi vẫn là xa nhau" thôi...

Bao giờ ta trở lại? Quyển Chiến tranh và Hòa Bình tập ba ta đang đọc dở, hôm qua còn gấp lại đánh dấu trang cẩn thận, bao giờ ta trở lại đọc tiếp đây?... (Trích Di cảo Lưu Quang Vũ).

Tôi đã suy nghĩ đắn đo mãi khi quyết định công bố nhật ký của anh. Vì nhật ký là những điều riêng tư của mỗi người. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng đối với những người nghệ sĩ khi mà sự nghiệp và tài năng của họ đã thuộc về nhân dân thì những điều ấy cũng không nên chỉ là của riêng nữa!

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ
.
.