Những dấu chân ở Budapest

Thứ Hai, 11/08/2014, 13:00

Khi tôi nhận được lời đề nghị từ một người bạn là nhà báo, “H. viết gì đó về Budapest đi”. Tự nhiên, tôi thảng thốt, cái cảm giác lạ lùng vô kể. Bởi, chưa bao giờ tôi nghĩ đến một ngày nào đó, tôi lại viết về Budapest. Nhiều năm tôi sống ở nơi này, tôi làm việc ở nơi này, những đứa trẻ của tôi, người đàn ông của tôi ở nơi này, mọi thứ yêu quý nhất của tôi đều ở nơi này. Budapest đã thân thuộc với tôi như cái nắm tay quen, như mặt trời buổi sáng, như sao đêm… Thế nhưng, tôi chưa bao giờ có ý niệm mình sẽ viết về Budapest. Có phải, đôi lúc ta lại không có thói quen nghĩ về những điều thân thuộc?.

Tôi không phải là người viết chuyên nghiệp. Thế nên, vụng về trong câu chữ mong mọi người lượng thứ cho. Bài viết dành cho chính tôi, cho người bạn mà tôi trân trọng, cho cả Budapest - nơi tôi vẫn chạm vào mỗi sáng tinh sương.

Hiếm hoi, tôi có viết một đoạn về Budapest trên facebook cá nhân, dành riêng cho con gái tôi, “Sớm tháng Sáu trời bỗng nhiên trở lạnh. Lại áo gió nhẹ nhàng, tóc ngang vai dịu dàng đi trong ban mai. Con thì thầm: “Ông mặt trời ngủ quên Mẹ nhỉ”. Giật mình, tháng Sáu đã sắp trôi qua. Thời gian trôi nhanh quá! Mới hôm nao hân hoan chào năm mới. Giờ đã hết nửa rồi. Ừ. Thì các con đã nghỉ hè rồi mà. Bao nhiêu háo hức, bao nhiêu chờ đón cho những ngày hè bổ ích và lý thú. Lili lên chương trình, “Con sẽ đi trại hè với các chị và các bạn ở khu biển hồ Balaton 10 ngày, sau đó là những ngày với mẹ và em Bảo. Mình sẽ đi du thuyền trên sông Duna, sẽ tắm nắng trong đảo Margit, sẽ đi Roma cho Mẹ nhớ một người”. Mẹ cười. Nhất định rồi, mẹ con mình sẽ đến những nơi đó như bao lần đã đến.

Budapest đẹp lắm, trong mắt của Mẹ và bao người yêu mến thành phố xinh đẹp bên dòng sông Danuyp. Yên bình lắm và thơ mộng lắm. Và đẹp hơn cả, bởi nơi đâu cũng đầy kỷ niệm, với cả khung trời yêu. Nơi nào cũng có đôi dấu chân ít nhất một lần đã đến. Chẳng thế, dù lòng có muốn tránh vẫn vô tình giẫm lại vết chân xưa. Budapest những ngày mưa. Buồn mà không ảm đạm. Nhìn những hàng mưa như bức mành đan bằng nỗi nhớ lại thấy đất trời lay trong chơi vơi. Budapest mùa hè tràn ngập muôn hoa khoe sắc. Đến cỏ dại cũng nở những bông hoa li ti thật đẹp. Những lúc cùng con chơi đùa trên thảm cỏ mềm như nhung, Mẹ lại say mê nhìn hai chị em ngắt bông hoa cỏ màu trắng hình cầu rồi phồng má thổi cánh bay vào gió. Mẹ chạy theo níu lại trong tay mình. Mẹ không bao giờ phải bận lòng rằng không cho con được những gì thực tế. Tiền bạc mẹ dành cho người, chỉ cho con những ước mơ bé bỏng.

Với Mẹ thế mới là tất cả. Để con sẽ như Mẹ, nhìn cuộc đời trong đôi mắt trong vắt, đầy lạc quan. Để nhìn vạn vật dưới cái nhìn cổ tích. Hoa lá cũng như người, cũng biết cười, biết khóc. Mẹ mong con chăm học, để những hiểu biết của con là vốn sống cho đời. Bao giờ cũng vậy, những gì viết về ruột thịt, viết cho con và cho những yêu thương luôn là những lời đẹp nhất. Viết để nhớ và để giữ lại mãi những buồn vui của một kiếp người. Giống như thời khắc tháng 6, mẹ cũng đã đi hết nửa đời người, chưa một lần tiếc nuối những gì đã qua. Bởi Mẹ luôn nghĩ, việc gì đến sẽ đến và đến rồi thì sẽ qua, chỉ dư âm để lại”.

1. Budapest (Hungari) 15 năm tôi sống. Những đại lộ đã quen tên, những hàng cây đã nhớ bóng. Ngày lại ngày, tôi đi về trên những con đường ấy. Nơi con gái tôi đợi mẹ mỗi chiều. Nơi bạn bè tôi chào nhau mỗi sáng. Nếu bạn hỏi: Budapest lạ hay quen? Trả lời sao khi chính tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, trong sâu thẳm tim mình, có một Budapest của riêng tôi. Rất lạ, rất quen và thân thương quá đỗi.

Thành phố với lối kiến trúc cổ, với nhiều toà nhà đã phơi mình qua hàng thế kỷ, Budapest dễ tạo cho bạn (hay tôi) một không gian trầm mặc, nơi thời gian chỉ là một thứ khái niệm mà ít người để ý đến. Vì sao lại là Budapest, tôi sẽ nói cho bạn nghe về điều này. Đó là bởi 9 cây cầu như những kiệt tác bắc ngang dòng sông êm đềm nối hai bờ là hai phần của thành phố Buda và Pest.

Budapest, ngày nối ngày, đêm nối đêm, luôn chìm đắm trong tiếng rì rào của dòng Danuyp xanh như màu ngọc. Ai đã từng nghe bản The blue Danube hẳn sẽ một lần ước ao được tận mắt nhìn thấy dòng sông xanh ấy. Tôi không đủ ngôn từ để diễn tả cho bạn về dòng Danuyp đẹp như thế nào, bởi tôi thường bất lực trước những cảm xúc ùa về nhanh quá đỗi khi đứng trước dòng Danuyp. Dọc hai bên bờ sông từng đoàn xe nối đuôi nhau bên cạnh những chiếc tàu du lịch thong thả trôi. Cầu Xích (Lánc-híd), là cây cầu đẹp nhất trong 9 cây cầu nối hai bờ Buda và Pest với bốn con sư tử dũng mãnh ngự ở hai đầu cầu, nhìn thẳng vào đường hầm với hàng ngàn bóng đèn sáng suốt ngày đêm.

Tác giả bài viết trên đường phố Budapest.

Lại theo đường dốc lên thăm khu thành những người đánh cá nổi tiếng với những di tích lịch sử còn ghi dấu. Ở đó có nhà thờ Matthias nổi tiếng ghi nhận chiến công oanh liệt và đức hy sinh quên mình của các ngư dân trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Khung cảnh ở đây thật lý tưởng cho những cặp đôi đi dạo và chụp hình ngày cưới với những chóp thành xinh đẹp.

Xa xa là Parliament lộng lẫy nổi bật trên dải sông xanh ngắt. Đây là toà nhà Quốc hội nổi tiếng thứ hai thế giới với 691 phòng và được dát vàng tuyệt đẹp. Hưởng những làn gió sông trong mát, nhìn ngắm khung cảnh hai bên để băng qua cầu Margit đến khu ốc đảo xinh đẹp với khu bể bơi hiện đại nhất cùng các bồn nước ở nhiều nhiệt độ khác nhau, bạn sẽ được nhảy trên những ngọn sóng nhân tạo và trượt trong lòng máng với những vòng xoáy từ đơn giản đến phức tạp. Kế đến, lại thư giãn cùng gió trời và thiên nhiên bao la trên những chiếc xe đạp hoặc mô tô có động cơ hay những chiếc xe ngựa với những chú ngựa nòi dũng mãnh.

Rồi lại men theo triền dốc lên khu thành cổ, trò chuyện với hững người đánh cá, lắng tai nghe lảnh lót tiếng chuông trên nóc nhà thờ Matthias. Nơi đây ghi dấu chiến công của những ngư dân đã quên mình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bàn chân lại như lạc đi với những bước sải dọc theo đại lộ Andrássy-út 135 năm tuổi dài hun hút như một ánh nhìn của miền cũ xưa nào đó, hai bên đại lộ san sát những cửa hàng sầm uất bày bán những thương hiệu nổi tiếng nhất. Đi hết đại lộ là Quảng trường Những người Anh hùng sừng sững. Nơi đây hàng năm là trường đua của những chú ngựa nòi và diễn ra những cuộc biểu tình đòi quyền lợi. Đêm, trong ánh đèn màu lung linh, thành phố như viên ngọc đủ màu sắc đẹp như chốn thiên đường. Trước khi đến cầu Szabadság, bạn có thể sẽ ghé khu chợ to nhất Budapest với đủ các loại rau quả tươi và thịt thú rừng của khắp mọi miền trên đất nước. Tầng trên của khu chợ là những sản phẩm lưu niệm với những món đồ truyền thống của người dân Hungari.

Budapest còn nổi tiếng với những món ăn dân tộc độc đáo. Nếu có dịp đến Budapest, bạn đừng quên dùng thử món súp cá đặc biệt được nấu ngoài trời và trên lửa củi tươi. Nguyên liệu là thịt cá chép hoặc cá trê. Nước súp là thịt của hàng trăm con cá nhỏ xay nhuyễn đậm đà trong mùi thơm ngọt của ớt đỏ - một trong những đặc sản của Hungari. Dùng xong món súp cá, hãy thử thêm món gan ngỗng thật mềm quyện trong mùi bơ ngầy ngậy ăn đến đâu ngọt đến đấy và uống cạn một ly Tokaj hảo hạng trong tiếng nhạc dân tộc ngọt ngào.

Có quá nhiều chuyện để kể về Budapest. Nhưng có lẽ, hãy cho tôi dành một ít dung lượng của bài viết này để nói về nỗi nhớ quê nhà.

2. Đêm qua tôi không ngủ được vì nhớ mẹ, nhớ cái tinh mơ lang thang trên con đường vắng ở quê. Budapest, ban mai trong lành và yên tĩnh quá. Tôi nhớ cái ồn ào, lao xao của phố phường Hà Nội phút chào ngày mới. Nhớ những tiếng rao.

Ngày ấy, lần đầu tiên tôi đưa con gái về thăm ngoại. Ba mẹ thương con còn lệch múi giờ, nói cả nhà lên tầng 5 cho yên tĩnh, ngủ được lâu. Tít trên cao chỉ nghe nồng nàn mùi hương hoa sữa, bảng lảng bay. Và dứt day những âm thanh quen thuộc lúc đêm khuya hay rạng sáng. Vậy là cứ dỏng tai nghe rồi đoán. Giờ là cô bán sắn và ngô luộc. Rồi đến em bé bán bánh mì. Lại thấy người rao bánh khúc. Lili, con gái tôi lúc đó mới hơn hai tuổi. Mặc váy đầm đẹp, đi đôi hài xinh. Lấy cái khăn mặt của ngoại vo lại đội lên đầu. Một tay giữ lấy, tay kia chống nạnh. Vừa đi vừa nói: “Ai bánh mì nóng giòn hông?”.”Ai bánh khúc, bánh giò hông?”. Cả nhà ai cũng cười, yêu thật là yêu. Ngoại bảo: “Lớn lên không học giỏi về Việt Nam bán bánh mì”. Mẹ cười, như nghe thấy mùi bánh thật là thơm.

Ban ngày, ngồi với ba trong phòng khách. Cách âm mà vẫn vọng vào tiếng rao mời mài dao kéo, hay tiếng mấy bà đồng nát. Tôi thưa, “Lili sẽ thuộc hết cho xem”. Mẹ nói, “Như cái đồng hồ. Giờ nào món ấy. Không nghe thấy là thiêu thiếu. Nghe tiếng rao mà đoán được độ tuổi và sức khoẻ của từng người”. Tôi nghe mắt cay cay. Hồi đó, mẹ hay để dành những vỏ lon nước ngọt cho bà đồng nát cũng chừng tuổi Mẹ. Tôi hỏi, “Mẹ bán chỗ này được bao nhiêu?”. Mẹ cười, “Bán gì con, mẹ cho bác ấy thôi. Cũng già rồi mà vẫn ngày ngày đi bộ mấy chục cây số”. Mẹ vẫn vậy, thương cảm những mảnh đời vất vả. Lúc giao thời, mẹ cũng có quán hàng nho nhỏ, rồi mẹ đi bỏ mối, đèo tôi bé tí xíu ngồi đằng sau miệng nhai kẹo tóp tép nhìn những phố phường chầm chậm trôi qua.

Dấu chân tôi ở Budapet, dấu chân các con tôi ở Budapest, nhưng chưa bao giờ tôi thôi nghĩ về những dấu chân năm xưa, trên những ngõ quen – Hà Nội

Nguyễn Ngọc Hà
.
.