Những chuyện lạ trong lòng ổ dịch

Thứ Ba, 25/02/2020, 08:46
Tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc những ngày này ráo riết chạy đua với sự lây lan nhanh tới không tưởng của chủng virus Corona mới. Mỗi ngày, con số nạn nhân lây nhiễm và tử vong vì viêm đường hô hấp cấp giữa lòng ổ dịch Hồ Bắc lại tiếp tục tăng lên. Mỗi ngày, những nỗ lực đẩy lùi đại dịch của chính quyền và người dân địa phương lại càng được triển khai mạnh mẽ.


Và mỗi ngày, trên chính mảnh đất đang gồng mình đẩy lùi bạo bệnh ấy, những câu chuyện về tình người, về sự chân thành giữa vòng xoáy virus cũng không ngừng được mọi người chia sẻ.

Cảm động clip người về từ cõi chết

Li Zhendong, 37 tuổi, là một trong số những công dân Trung Quốc đầu tiên được phát hiện dương tính với chủng virus Corona. Anh nhập viện trong tâm thế lo lắng tột cùng, bởi “nghe người ta nói rằng, chưa ai tìm ra thuốc đẩy lùi Corona cả”.

Thế nhưng, sau 16 ngày kiên trì chữa trị, với sự hỗ trợ tận tình của y bác sĩ và nỗ lực của bản thân, Li đã hoàn toàn khỏi bệnh! “Tôi là bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Corona tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc. Ngày hôm nay, tôi đã khỏi bệnh và được ra viện. Tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm này với chính bạn”, anh nói, trong đoạn clip đăng tải bởi Sixth Tone.

Xuất hiện trong đoạn clip, người đàn ông cao ráo, nước da trắng hồng dường như đã lấy lại được niềm tin sau chuỗi ngày hơn 2 tuần điều trị. Li bị cách ly khỏi người thân và được theo dõi nghiêm ngặt từng ngày một.

“Bạn thậm chí phải tự ép mình ăn, nếu không, khả năng đề kháng và miễn dịch của bạn sẽ biến mất”, Li nói. Sau đó, giai đoạn thứ 2 có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày với tình trạng sốt 38 độ C thường xuyên xảy ra, thậm chí thân nhiệt có thể lên tới 40 độ C vào buổi đêm. “Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho điều này và hãy luôn tự tin. Vì sau giai đoạn này, cơ thể bạn sẽ trở nên khỏe mạnh hơn, sẵn sàng chiến đấu chống lại virus”, Li tiếp tục chia sẻ.

Đoạn clip chia sẻ về giai đoạn thứ 3 của người đàn ông vừa “trở về từ cõi chết” được ghi hình ngay trong bệnh viện, với ống thở và các dây cắm truyền vẫn được gắn trên người. Bằng tiếng thở dồn nhẹ có phần uể oải của một người vừa trải qua phút sinh tử, Li nhận ra rằng, sau những cơn sốt li bì của giai đoạn thứ 2, giai đoạn thứ 3 có thể coi là giai đoạn hồi phục bước đầu.

Anh Li Zhendong hồi phục sau 16 ngày điều trị. Ảnh: Sixth Tone.

Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ cung cấp cho bệnh nhân những loại thuốc điều trị phù hợp với thể trạng và khả năng hồi phục hiện tại. Nhiệm vụ của bệnh nhân lúc này, theo Li, là “tuân thủ tuyệt đối các khuyến nghị của bác sĩ”, bởi bất cứ sơ suất nào cũng có thể khiến mọi nỗ lực điều trị quay về vạch xuất phát.

Chính sự nghiêm túc và hợp tác trong điều trị đã giúp người đàn ông 37 tuổi vững tin bước vào giai đoạn điều trị cuối cùng mà anh Li gọi là giai đoạn hồi phục tích cực.

“Bạn sẽ được giữ lại bệnh viện trong khoảng vài ngày để trải qua một vài xét nghiệm khác. Nếu kết quả là âm tính, bạn có thể về nhà!”, anh nói. Đoạn clip của Li đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, như một cách để trấn an và cổ vũ những bệnh nhân không may mắn bị lây nhiễm loại virus này.

“Tôi đã thành công trong việc chiến đấu chống lại virus Corona. Và tôi tin bạn cũng vậy! Hãy luôn nhớ phải hi vọng và nỗ lực chiến đấu cho đến cuối chặng đường”, Li nở miệng cười trong phần cuối clip, tiếp thêm sức lực cho những bệnh nhân vẫn đang tích cực điều trị ngoài kia.

Đoàn viên giữa “tâm chấn” nhờ công nghệ

Celia Chen là một nữ phóng viên công nghệ làm việc tại Trung Quốc, cô đến từ Vũ Hán - ổ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra. Trong suốt 10 ngày kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa do virus Corona lây lan, mẹ của Celia chỉ ra ngoài đúng một lần duy nhất nhưng không phải là để đón cô trở về, cũng không phải để đi chợ nấu những món ăn ngon đón tết gần kề mà để khử trùng vệ sinh và vứt bỏ rác thải để phòng chống lây nhiễm.

Celia đã không thể trở về nhà ăn tết cùng gia đình do các chuyến bay đều bị hủy và bố cô cũng vậy. Ông làm việc tại một công ty gas phía bên kia thành phố và chẳng thể về nhà vì giao thông tại Vũ Hán đã đình trệ. Tết này, mẹ của Celia đón giao thừa một mình. Lệnh phong tỏa thành phố, ban hành hôm 23-1, chỉ 2 ngày trước khi kỳ nghỉ tết Nguyên đán bắt đầu, đã biến mọi cuộc đoàn viên trở thành bất khả.

Bố của Celia nói với cô rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của ông lúc này là phải ở lại trực. Và rằng đây là một giai đoạn nhạy cảm, ông phải đảm bảo một nguồn cung cấp khí đốt an toàn và đáng tin cậy cho tất cả cư dân trong thành phố, hầu hết trong số họ đã bị cô lập trong nhà của mình.

Nhưng may mắn sao, tết này, dù ở những địa điểm khác nhau, họ vẫn có thể cùng đón tết qua một ứng dụng điện thoại phổ biến tại Trung Quốc. “Là một phóng viên công nghệ, tôi cứ nghĩ mình sẽ là người cập nhật cho bố mẹ những thông tin mới nhất về diễn biến của virus. Nhưng ngạc nhiên làm sao, bố mẹ tôi, những người mà hiểu biết về mạng xã hội và Internet còn quá mới mẻ, lại là người gửi thông tin mới về dịch bệnh đến tôi mỗi ngày trước cả khi tôi nắm được thông tin đó”, cô viết.

Dịch bệnh do virus Corona gây ra khiến Celia cùng biết bao người dân Trung Quốc khác không thể trở về nhà ăn tết. Ảnh: Getty.

Mạng xã hội đã biến mọi khoảng cách trở nên nhỏ bé và giúp bố mẹ Celia không chỉ kết nối với cô nhanh chóng mà còn tự mình tìm hiểu được thông tin về dịch bệnh. Nhưng, chính những điều đó lại khiến Celia lo lắng, rằng bố mẹ cô sẽ bị bủa vây bởi những luồng “tin độc”, không chính thống, tin rác lan tràn trên mạng xã hội về dịch bệnh. Như một biện pháp bài trừ nguồn tin độc đó, cô đã rủ mẹ mình chơi mạt chược trên mạng.

“Mẹ tôi tỏ ra là một người dùng khá chuyên nghiệp. Bà gửi lời giới thiệu chơi mạt chược trên nhóm chat của gia đình và mời tôi cùng bố tham gia một phòng chơi ảo, nhờ đó mà chúng tôi vẫn có thể chơi mạt chược cùng nhau, như cách chúng tôi vẫn làm dịp tết suốt bao năm qua, trước khi virus Corona gõ cửa”.

Cô còn không quên trích nhận những chia sẻ của mẹ mình, người vẫn đang sống bình yên ngay giữa lòng ổ dịch: “Mẹ nghĩ tất cả những gì mình có thể làm ngay lúc này là giữ gìn sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Chỉ có vậy, mẹ mới không trở thành một gánh nặng tiếp theo cho các bác sĩ”. “Sẽ là nói dối nếu mẹ bảo rằng mẹ không sợ nhưng mẹ phải tìm cách giữ gìn sức khỏe và giải trí cho đến khi lệnh phong tỏa kết thúc”, mẹ của Celia chia sẻ.

Tìm thấy con trai thất lạc nhờ Corona

Việc virus Corona lan rộng là điều không ai mong muốn. Nhưng có lẽ trường hợp hy hữu xảy ra tại Trung Quốc hồi cuối tuần qua “nhờ” virus Corona lại khiến chúng ta mỉm cười. Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống virus Corona lây lan, các địa phương tại Trung Quốc đã mở nhiều điểm kiểm dịch, kiểm tra kỹ lưỡng thân nhiệt cũng như thể trạng sức khỏe của người dân.

Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam cũng là một trong những địa phương áp dụng triệt để phương pháp này. Thế nhưng, vào ngày 1-2 vừa qua, theo tin tức mà East Day ghi nhận, cảnh sát thành phố Trịnh Châu trong quá trình kiểm tra nhiệt độ cho người dân đã phát hiện một người đàn ông dường như có vấn đề về thần kinh.

Gia đình may mắn tìm thấy người con thất lạc 8 năm trong đại dịch virus Corona. Ảnh: East Day.

Cụ thể, khi được phía cảnh sát yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, người đàn ông trong khoảng gần 30 tuổi này không hề nhớ rõ tên, tuổi và cả quê quán của mình. Không những thế, người này cũng thể hiện trạng thái tinh thần hoảng loạn, thiếu kiểm soát. Lo ngại tình trạng sức khỏe và tinh thần của công dân, chốt cảnh sát tại điểm kiểm dịch đã giữ người đàn ông này lại, trấn an tinh thần và cung cấp đồ ăn, thức uống nóng cho anh ta, giúp anh ta bình tĩnh trở lại.

Đồng thời, cảnh sát địa phương lập tức tiến hành truy cứu dữ liệu, phát hiện đây là một thanh niên từng đi lạc 8 năm trước. Gia đình anh đã nhiều lần trình báo nhưng vẫn chưa thể tìm thấy người con. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà nhân văn, lực lượng cảnh sát đã ngay lập tức thông báo tới gia đình về việc tìm thấy người con thất lạc, sau đó đưa người đàn ông này tới điểm y tế gần nhất để đoàn tụ với gia đình. Thời khắc gặp lại con trai, người mẹ của chàng thanh niên thất lạc suốt 8 năm qua đã không kìm được nước mắt.

Bà xúc động nói: “Tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ có thể gặp lại được con trai mình nữa. Thật không ngờ lại có thể hội ngộ trong hoàn cảnh này”. Gia đình cũng không quên gửi lời cảm ơn lực lượng cảnh sát đã giúp họ tìm thấy con trai sau gần một thập kỷ lưu lạc. Câu chuyện do East Day chia sẻ như một “liều thuốc an thần” đối với người dân trong ổ dịch Hồ Bắc nói riêng và người dân Trung Quốc nói chung, rằng giữa lòng ổ bệnh thì điều kỳ diệu vẫn có thể xảy ra.

An Nhiên (Tổng hợp)
.
.