Những chuyện khó quên ở Guinea Xích Đạo

Chủ Nhật, 16/08/2020, 06:10
Tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn một số thành viên của đội công trình thuộc Công ty Cổ phần Lilama 10 ngày khi họ từ Cộng hoà Guinea Xích Đạo về nước.

Dù đã về đến đất mẹ thân yêu, được theo dõi và điều trị sát sao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nhưng những khoảnh khắc đáng nhớ tại quốc gia Trung Phi giữa thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và trên chuyến bay đặc biệt về Việt Nam vẫn in hằn trong tâm trí họ…

Nhiễm hay không nhiễm virus SARS-CoV-2?

Đó là câu hỏi phổ biến, thường trực trong đầu của tất cả các thành viên của đội công trình trong suốt nhiều ngày ở đất nước Guinea Xích Đạo. Hỏi thì hỏi thế, nhưng đi tìm câu trả lời chính xác thì không hề đơn giản ở đất nước còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực y tế này. 

Từ khi Guinea Xích Đạo ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 14-3, những người Việt Nam đang tham gia thi công dự án nhà máy thuỷ điện Sendje đã bắt đầu lo lắng rằng rất có thể dịch sẽ tan tới công trường.

Anh H.M.T (sinh năm 1985) - kĩ sư thuộc đội công trình thuộc Công ty Cổ phần (CTCP) Lilama 10 có lẽ là một trong những người mắc virus SARS-CoV-2 sớm nhất tại công trường. Anh chia sẻ với tôi rằng, từ ngày 26-5 anh đã bắt đầu có cảm giác mất mùi và triệu chứng này kéo dài đến tận 12 ngày sau. Tuy nhiên anh lại không có biểu hiện sốt và đau họng nên chỉ uống thuốc kháng sinh và vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. 

Lác đác một vài anh em trong đội cũng xuất hiện triệu chứng tương tự, họ bắt đầu cảm thấy lo lắng trước những bất thường về sức khoẻ. Đến ngày 11-6, một người trong đội có biểu hiện tức ngực, ho và ngày 12-6 được cho đi bệnh viện khám. Anh đó được điều trị khoảng 3 ngày ở bệnh viện và được chuyển đi cách ly gần 1 tháng. Mọi người ở công trường chỉ nhận được thông tin anh đó bị viêm phổi cấp và phải ở lại điều trị.

Đến ngày 13-6, nhiều anh em có triệu chứng sốt, người mỏi mệt, mất mùi, đau đầu, đau họng, tức ngực, khó thở. Mặc dù theo các nhân viên y tế thì đấy có thể chỉ là những biểu hiện ốm sốt thông thường do virus nhưng nỗi lo về dịch bệnh COVID-19 vẫn luôn thường trực và choán hết tâm trí của cả đội. Ban ngày làm việc ngoài công trường, tối về, tất cả anh em đều trao đổi và thông báo tình hình sức khoẻ qua nhóm zalo.

Anh Nguyễn Văn Phẳng - Chỉ huy trưởng đại diện của CTCP Lilama 10 tại Guinea Xích Đạo kể rằng ngày 26-6 sau giờ làm việc buổi chiều, anh được phía tổng thầu Ukraine thông báo phải đi cách ly. Lý do vì anh là 1 trong 4 người tuổi cao nhất ở công trường nên có nguy cơ nhiễm bệnh mặc dù anh chưa được xét nghiệm xem có bị nhiễm COVID-19 hay không. 

Ngày 28-6, phía Bộ Y tế Guinea Xích Đạo có thông báo đầu tiên về 1 thành viên của đội công trình Lilama 10 nhiễm COVID và hiện đang được cách li điều trị. Từ lúc ấy, người lao động Việt Nam mới chính thức biết rằng dịch bệnh đã lan tới công trường. Những lo lắng, hoài nghi bấy lâu nay vỡ bung ra.

Từ 29-6 đến 3-7, toàn bộ số người còn lại trong đội mới được nhân viên y tế nước sở tại đến lấy mẫu dịch họng để xét nghiệm. Mặc dù chưa có kết quả thông báo chính thức nhưng ngày chiều 3-7 có 5 trường hợp đi cách ly. Đến ngày 10-7 có kết quả chính thức thì có thêm 10 người nữa được đi cách ly. 

Lúc cao điểm, toàn đội Lilama 10 có đến 16/49 người đang dương tính với SARS-CoV-2 khiến cho anh em ở công trường rất hoang mang, sốt ruột vì đã không có những biện pháp khoanh vùng, cách ly ngay từ đầu. Cho đến tận thời điểm ra sân bay quốc tế ở thành phố Bata về nước, anh em vẫn không biết chắc chắn rằng trong số hơn 219 người trong đoàn bay thì thực sự bao nhiêu người đang nhiễm bệnh.

Người lao động Việt Nam chờ máy bay nạp nhiên liệu tại sân bay quốc tế Bata, Guinea Xích Đạo chiều ngày 28-7 trước khi bay về nước. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)

Những khác biệt

Anh Nguyễn Văn Phẳng kể với tôi rằng, công trường thi công dự án nhà máy thuỷ điện Sendje ở Guinea Xích Đạo do tổng thầu là Công ty Duglas Alliance của Ukraine thực hiện tập trung rất nhiều kỹ sư, công nhân đến từ các nước thuộc châu Âu, châu Mỹ Latin, châu Phi, châu Á. 

Và chính trong những ngày dịch bệnh COVID-19 quét qua công trường mới thấy giữa người nước mình và các nước bạn có nhiều khác biệt. Điều rõ ràng nhất là cách đánh giá về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Nhiều người nước bạn cho rằng dịch COVID-19 cũng giống như bất cứ một dịch bệnh theo mùa thông thường nào khác, nên chẳng có lí do gì phải quan trọng hoá vấn đề. 

Do đó họ đã không thực hiện các biện pháp phòng dịch thông thường. Bởi vậy, giữa một công trường không thực sự an toàn, các đội công trình của Việt Nam thuộc 3 nhà thầu (CTCP Lilama 10, CTCP CMVietnam và Công ty Tân Đại Lợi) đều hiểu khả năng lây nhiễm là rất cao. Anh em bảo nhau thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm soát thân nhiệt và luyện tập thể thao nâng cao sức khoẻ.

Thực hiện giãn cách trên công trường rất khó. Do tiến độ thi công trên công trường vẫn phải đảm bảo, các tổ, đội thi công vẫn phải tiếp xúc gần nhau để trao đổi công việc. Khi về khu ở vẫn ăn chung bếp, ở chung phòng. Bởi vậy, anh em đội công trường thường tếu táo đùa nhau là đang sống ở nơi "âm dương lẫn lộn".

Việc đeo khẩu trang cũng là một sự khác biệt lớn. Ngay khi dịch bệnh lan tới Guinea Xích Đạo, CTCP Lilama10 đã gửi sang công trường một số lượng khẩu trang để anh em sử dụng. Việc đeo khẩu trang ra công trường được cả đội thực hiện nghiêm. Trong khi các đội công trình nước khác tỏ ra khó chịu, thậm chí kỳ thị việc đeo khẩu trang của người Việt Nam.

Anh H.M.T. bảo với tôi, ngoài nỗi lo COVID-19 thì ám ảnh bị sốt rét luôn thường trực. Khí hậu ở Guinea Xích Đạo rất nóng, độ ẩm cao và là "thiên đường" của muỗi. Ở "thiên đường" này chỉ chẳng có gì khó hiểu khi bệnh sốt rét lây truyền qua đường muỗi đốt là "đặc sản". 

Để chống muỗi, phòng ở luôn phải được đóng kín, luôn phải bật điều hoà từ 22-25 độ C. Từ 6h tối đến 8h sáng hôm sau ai có việc ra ngoài đều phải mặc quần áo dài có mũ trùm đầu, đi tất chân, xức dầu lên người để chống muỗi. Cẩn thận là thế nhưng anh em vẫn bị muỗi đốt, tình trạng người bị sốt rét xảy ra như cơm bữa.

Anh Mai Văn Ngọc - cán bộ tổ chức của đội công trình thuộc CTCP Lilama 10 là người thường xuyên phải liên hệ với nhân viên y tế ở nước sở tại khi anh em trong đội có vấn đề về sức khoẻ. 

Người bệnh đi khám phải có người phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga cho người của tổng thầu Ukraine hiểu. Sau đó, cần một người nữa phiên dịch từ tiếng Nga sang tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ chính của người Guinea Xích Đạo) để bác sĩ người bản địa có thể nắm bắt được tình trạng bệnh nhân. 

Sự trao đổi thông tin qua 3 ngôn ngữ khiến việc khám và điều trị bị phụ thuộc và chậm trễ. Nhiều tình huống khám bệnh dở khóc dở cười và khi đó ngôn ngữ cơ thể có cơ hội phát huy tác dụng. Vì thế, khi có thêm dịch bệnh COVID-19, trong điều kiện đảm bảo sức khoẻ vô cùng mong manh, tất cả thành viên của các đội công trình Việt Nam tại Guinea Xích Đạo đều mong mỏi được về nước an toàn.

Hồi hộp đường về

Anh Nguyễn Văn Phẳng bảo với tôi, khi biết sẽ có chuyến bay từ Việt Nam sang cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo, cả công trường khấp khởi mừng, tinh thần của anh em phấn chấn hẳn lên. Nghĩ đến thời điểm được trở về Tổ quốc mà hằng đêm nhiều người không thể nào chợp mắt. 

Những anh em đang mắc bệnh thì mong mỏi được về Việt Nam chữa trị. Còn những anh em chưa có biểu hiện cũng trông ngóng được về nước để được xét nghiệm và theo dõi sức khoẻ. Ngay khi nhận được kế hoạch tạm dừng thi công và về nước, cả đội đã chia thành các nhóm để gấp rút bàn giao công việc tại công trường. Tối về, anh em thu xếp hành lý để sẵn sàng lên đường về nước.

Ngày 28-7, ai cũng dậy từ sớm để thu dọn hành lý và mong đến giờ ra sân bay, bữa sáng vì thế cũng trở nên vội vàng. 11 giờ, xe của tổng thầu đến đón công nhân tại nơi ở đến sân bay. Tất cả anh em thuộc nhóm âm tính được hướng dẫn đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và đến sân bay trước để làm thủ tục xuất cảnh. Còn nhóm dương tính được chở đến từ bệnh viện, cơ sở y tế đến sau và đứng ở khu vực riêng.

Khi nhìn thấy chiếc máy bay Vietnam Airline xuất hiện tại sân bay, ai cũng xúc động và thấy thân thuộc vô cùng. Dù thời gian cất cánh bị chậm lại vài tiếng để đợi máy bay tiếp nhiên liệu nhưng dường như không ai trong đoàn cảm thấy sốt ruột. Bởi sự chờ đợi này có thấm tháp gì so với thời gian chờ đợi trước đó. 

Trong cơn mưa cuối ngày ào ạt trút xuống, trên sân bay loang loáng nước, chiếc xe tiếp dầu vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ. Trong lúc chờ đợi, một nhân viên của CTCP CMVietnam lên cơn sốt rét. Rất may là sau khi có sự hỗ trợ y tế thì nhân viên này cũng ổn định dần và theo kịp cả đoàn.

19h30 phút, cả đoàn được lên máy bay. Anh H.M.T. cùng nhóm dương tính đi cầu thang riêng và ngồi ở khoang cuối cùng, nhóm âm tính ngồi ở khoang trên. Cảm giác về quê hương đã đến thật gần. Ở mỗi vị trí ghế ngồi đều bọc nilon, có sẵn túi lương thực đặc biệt gồm bánh, sữa và đồ ăn khô. Lúc này, cả đoàn mới cảm nhận được cái đói do bị cách quãng bữa ăn trưa và ăn tối. Tuy vậy, mọi người vẫn thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 2 người ngồi cạnh nhau không nên ăn cùng lúc.

13 giờ bay liên tục với những căng thẳng nín thở khi có rất nhiều người đang bị nhiễm bệnh, một số trường hợp bị khó thở, tiêu chảy cần sự hỗ trợ y tế. Ai cũng cảm nhận được sự tận tình, chu đáo của đội ngũ y bác sĩ và đoàn tiếp viên trên chuyến bay VN06. Tiếng loa vang lên thông báo chuẩn bị về đến đất mẹ khiến ai cũng có thêm động lực. 

Đúng 15 giờ ngày 29-7, khi máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc một hành trình bay an toàn, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ngay cả những người đang nhiễm bệnh cũng thấy khoẻ và yên tâm hơn. Những ngày tháng gắn bó với đất nước Guinea Xích Đạo đã tạm lùi xa với nhiều kỉ niệm ghi dấu. Sau gần 2 năm xa gia đình, bất ngờ họ được trở về đất mẹ sớm hơn kế hoạch dự kiến trong một chuyến bay đặc biệt trong đời.

Khi đang viết những dòng này, tôi nhận được tin nhắn của anh H.M.T. từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Anh T. và toàn đội muốn được gửi lời cảm ơn tới Đảng, Chính phủ, đội ngũ y tế, Công ty Lilama 10 và hãng hàng không đã có những chính sách kịp thời để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng cho người lao động. Tôi thầm chúc cho họ sớm ổn định sức khoẻ để được về với gia đình sau bao ngày mong ngóng. 
Huyền Châm
.
.