Những cái chết mãi thành bất tử

Thứ Năm, 18/10/2018, 16:06
Mỗi tấc đất giấu trong mình cả một kí ức về lịch sử khốc liệt của chiến tranh mà bao đời ông cha đã kiên cường giữ lấy. Đất đã đón các anh trở về, để các anh được nằm yên nghe tiếng gió, được ngắm bầu trời xanh vời vợi…

Sáng ngày các sư thầy của Thiền Tôn Phật Quang cúng cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, trời mưa gió sụt sùi; bài điếu văn tưởng niệm khiến cho ai nấy rưng rưng; mây trên đầu vần vũ: "Lịch sử mấy nghìn năm giữ nước, trải qua bao lần khói lửa đao binh, giờ đây đất nước độc lập thanh bình, ân huệ ấy do công lao của biết bao thế hệ quên thân mình, anh dũng hi sinh. Hồn tử sĩ dệt thành hùng thiêng sông núi. Các liệt sĩ đã chấp nhận hi sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc. 

Sự hi sinh vì nước, vì dân thì không bao giờ chết được: "Những cái chết mãi thành bất tử/ Chiến công này lịch sử còn ghi/ Khí non sông chung đúc diệu kỳ/ Toả rạng để vang lừng bốn biển"… 

Đất nước độc lập, thanh bình, đã biết bao nhiêu thế hệ quên thân mình, anh dũng hi sinh và còn biết bao nhiêu những bà mẹ như một tượng đài lừng lững và kì vĩ bao trùm khắp núi sông. Những người mẹ đã hi sinh chồng và con cho cuộc chiến giành thắng lợi của dân tộc Việt Nam".

Tôi biết đến gia đình ông trong một đàn lễ cầu siêu 27-7 cho anh hùng liệt sĩ ở Bốt Hàng Đậu, ông bảo tôi: "Chiều nay cháu đến nhà ông ăn giỗ nhé. Cha, anh và em của ông đi bộ đội mất trong cuộc chiến tranh, mẹ của ông được nhà nước truy phong ngay đợt đầu tiên là mẹ Việt Nam Anh hùng, nên gia đình lấy ngày này là ngày giỗ chung cho tất cả mọi người". 

Chiều đó tôi không qua được nhưng tôi đến nhà ông vào một dịp khác. Ngay tại phòng khách, trên ban thờ là ảnh của mẹ ông -  mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lan. Cụ Lan qua lời kể của người con trai út, ông Vũ Lễ, năm nay vào tuổi hơn chín mươi vẫn rất minh mẫn, nhắc đến mẹ mình ông không khỏi ngậm ngùi, xót xa.

Đại tá Vũ Lễ bên quyển sách mẹ ông được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh  hùng.

Cụ Lan sinh năm 1902, trong một gia đình thuần nông, quê ở Thủ Lệ, ngôi làng nghèo ven nội đô. Ngay từ nhỏ bà Lan đã phải đi ở cho những gia đình nhà giàu. Đến tuổi lập gia đình, bà được cha mẹ gả cho một cậu thanh niên tên Vũ Niệm gần trong làng, sau đó lần lượt sinh ra được con gái đầu lòng và ba cậu con trai. 

Ba người con trai Vũ Lam sinh năm 1926, Vũ Lễ sinh năm 1928, Vũ Miên sinh năm 1933. Cuộc sống đói khổ, cơ hàn của người dân lúc ấy vào những năm chiến tranh khi phát xít Nhật bắt dân ta bỏ lúa trồng đay, người Pháp thì dự trữ lương thực, cộng với mất mùa, lũ lụt đã gây ra cái chết của 2 triệu đồng bào ta trong nạn đói năm 1945. 

Xác chết đầy đường, những hố chôn người tập thể, sưu cao thuế nặng đè lên người dân nghèo khắp miền Bắc. 

Chính trong sự phẫn uất ấy, đã có biết bao nhiêu người dân tham gia Việt Minh và Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công rực rỡ như một lẽ tất yếu. Chồng của bà, ông Vũ Niệm đi theo cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến. 

Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một trang sử mới của dân tộc, người lính cách mạng Vũ Niệm về nhà kể cho các con nghe về tinh thần bất khuất và lòng yêu nước, chính trong câu chuyện kể của cha mà chàng thanh niên Vũ Lam 19 tuổi đã đăng ký nhập ngũ vào ngày mốc son của lịch sử 19-8-1945. 

Hai tháng sau, noi gương cha và anh mình, tháng 10 năm 1945, người em trai Vũ Lễ 17 tuổi nhập ngũ ở đại đội 501, tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô.

Chồng và hai con trai vào bộ đội tham gia kháng chiến, người phụ nữ ở nhà tần tảo chăm mẹ già và cậu con trai út khi ấy mới 12 tuổi. Chiến tranh loạn lạc, không liên lạc được với chồng và cậu con trai cả, duy chỉ có cậu con trai thứ hai là Vũ Lễ công tác tại Trung đoàn Thủ đô nên thỉnh thoảng ghé về nhà thăm mẹ và chơi với em. 

Em trai Vũ Miên năm 17 tuổi gia nhập quân ngũ lên đường đánh giặc. Con gái đầu đến tuổi đi lấy chồng ở xa, cha mẹ già đã mất, bà Lan sống cùng người chị dâu có chồng đi quân ngũ. 

Trong ngôi nhà lá đơn sơ ở làng Thủ Lệ, hai người đàn bà nương tựa vào nhau, ngày đi làm thuê cuốc mướn, tối đến dưới ánh đèn dầu leo lét, hai người đàn bà rì rầm trò chuyện cho vơi đi nỗi nhớ chồng mong con. 

Có lần không kìm nổi nỗi thương nhớ, bà Lan tìm đến Trung đoàn Thủ đô để thăm Vũ Lễ, vì chí ít bà biết con công tác tại đơn vị đang đóng quân trong nội thành Hà Nội, còn chồng và hai người con trai khác giờ đang hành quân chiến đấu ở đâu bà không sao biết được. Bà chuẩn bị cho con mấy đồng bạc trắng và gói ruốc. 

Ở trong quân ngũ Vũ Lễ chẳng tiêu gì đến tiền, bà lại mang đồng bạc trắng ấy về đánh thành dây chuyền đeo cổ cho con. Giờ đây ông Vũ Lễ vẫn đeo trên cổ sợi dây chuyền bằng bạc mà mẹ đánh cho từ ngày ấy.

Năm 1954, trận chiến trên đồi Độc Lập, cậu con trai Vũ Lễ trúng đạn đum đum bắn bị thương vào đầu. Ngày đó, phương tiện khoa học kỹ thuật thô sơ, vết thương phải mổ đi mổ lại đến ba lần. 

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lan.

Nằm điều trị ở Bệnh viện 108, vết thương mưng mủ chảy ra hôi thối, bà Lan sấp ngửa, tất tả vào thăm con, bà bảo: "Mày còn sống lâu con ạ". Vũ Lễ hỏi mẹ: "Sao mẹ lại nói con thế?". Người mẹ ôn tồn nói: "Con bị trúng đạn vào đầu mà không chết thì còn sống lâu". 

Kể đến đây, ông dừng lời, trầm ngâm: "Ông nghĩ lời mẹ nói đúng thật, ngày đó trúng đạn vào đầu mà không chết, giờ ông đã ngoài 90 tuổi, bạn bè cùng đơn vị hồi đó gần như đã mất hết cả rồi. Mấy chục năm nay ông không phải uống một viên thuốc nào, không bệnh tật gì, có lẽ những người đi trước đã phù hộ cho mình".

10 tháng 10 năm 1954, ngày Giải phóng Thủ đô, với những người nông dân như mẹ ông là một hạnh phúc vô bờ. Đã từ lâu, từ năm 1947 mẹ không nhận được tin tức gì của chồng và con của mẹ lên đường nhập ngũ, ngày đấy con trai cả 19 tuổi còn con út sau này mới 17 cũng tham gia kháng chiến rồi mất liên lạc. Mẹ mong ngóng lắm. Mẹ hi vọng giải phóng thủ đô xong sẽ giải phóng các tỉnh thành khác, chồng và các con của mẹ sẽ về đoàn viên với mẹ. 

Vậy mà sau ngày Giải phóng Thủ đô một năm sau, trong vòng chưa đầy một tháng, mẹ nhận được ba giấy báo tử từ Cục Quân lực Bộ Quốc phòng gửi về.

Ông Lễ lặng lẽ nói: "Cháu tưởng tượng chỉ trong ít ngày mà nhận được tin chồng rồi hai người con hi sinh, những cái chết đến quá dồn dập, mẹ ông vững đấy chứ người khác không trụ nổi".

Đến giờ trong hộp đựng kỉ vật của ông Lễ vẫn còn giữ vẹn nguyên những tờ giấy báo tử của cha, anh trai và em trai. Mấy chục năm trời, những tờ giấy đã úa vàng, màu chữ cũng đã nhạt. Người cha Vũ Niệm hi sinh ở Bát Xát trong cuộc tiến công giải phóng Lào Cai vào ngày 26-7-1947. 

Anh trai Vũ Lam hi sinh ở Phố Lu vào ngày 20-8-1948. Người em út Vũ Miên hi sinh ở Nghĩa Lộ, chiến dịch Tây Bắc năm 1953. 

Ông Lễ kể người anh trai và em trai hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, Vũ Lam mới 22 tuổi, Vũ Miên tròn 20 tuổi, cả hai đều chưa từng có một mối tình nào, trong sáng như một giọt sương. Ông thương cha, nhớ em nhưng mẹ của ông, còn xót xa, thương nhớ gấp bội. Mẹ không ngờ ngày tiễn các con lên đường nhập ngũ là ngày cuối cùng nhìn thấy hình bóng của các con. 

Tấm bằng ghi nhận công lao của mẹ Nguyễn Thị Lan treo trang trọng ở phòng khách

Trong cuộc đời này đau khổ nhất là mất đi người thân, mà người thân ấy chính là con mình, chồng mình. Ông Lễ kể, chính buổi chiều em trai ông hi sinh ở Nghĩa Lộ thì buổi sáng hai anh em vô tình gặp nhau, vì ông hành quân chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc. Ông Lễ cũng không thể ngờ sau buổi sáng gặp em trai được ít phút thì chiều hôm ấy em mình mãi mãi ra đi.

Ông Lễ lấy vợ nhưng người chị dâu giữ mẹ ông lại không muốn cho bà đi. Hai người đàn bà trải qua bao mưa nắng của cuộc đời, già cả cô quạnh ở cùng nhau trong căn nhà nhỏ lợp lá ở làng Thủ Lệ. Bà chị dâu mất được ít lâu, năm 1964 mẹ ông cũng qua đời. Bà được chôn ở nghĩa trang trong làng. 

Sau này Nhà nước có chủ trương di dời nghĩa trang lên Bất Bạt, mộ của mẹ ông bị thất lạc từ đấy. Ngày chiến tranh loạn lạc, anh trai và em trai của ông cũng không tìm được hài cốt. Ông Lễ bảo có lẽ thân xác của anh và em ông đã hoà tan vào mảnh đất nơi các anh đã anh dũng hi sinh, hoặc đã được quy tập về ngôi mộ liệt sĩ vô danh nào đấy. 

Duy chỉ có mộ của cha ông là liệt sĩ Vũ Niệm được nằm trong khuôn viên nghĩa trang Duyên Hải, tỉnh Lào Cai. Từ ngày thống nhất đất nước cho đến tận giờ ông vẫn đều đặn hằng năm lên nghĩa trang thắp hương cho cha.

Ngày hôm nay, khi quê hương không còn tiếng súng, khi đất nước không còn bóng giặc ngoại xâm, cả cõi đất yên bình tĩnh lặng. Bởi giữa lòng đất của Tổ quốc đang ôm ấp các anh - những người con anh hùng của dân tộc. 

Mỗi tấc đất giấu trong mình cả một kí ức về lịch sử khốc liệt của chiến tranh mà bao đời ông cha đã kiên cường giữ lấy. Đất đã đón các anh trở về, để các anh được nằm yên nghe tiếng gió, được ngắm bầu trời xanh vời vợi… Còn mẹ - những người mẹ Việt Nam Anh hùng mãi mãi là một tượng đài kì vĩ và lồng lộng trong kí ức của các thế hệ con cháu mai sau.

Trần Mỹ Hiền
.
.