Những bài thơ cuối cùng của Đồng Đức Bốn

Thứ Hai, 25/06/2007, 15:15
Đầu năm 2005, Đồng Đức Bốn phát hiện bị ung thư ở giai đoạn cuối. Sau đó là mấy chục bài báo viết về thơ anh. Nhưng chính trong năm 2005, vừa chống chọi với bệnh tật, Đồng Đức Bốn vừa làm những câu thơ, những bài thơ “gan ruột” nhất.

Tôi quen Đồng Đức Bốn hơi muộn. Trước khi gặp anh tôi đã nghe nhiều người ca ngợi thơ anh, và cũng nghe không ít người nói về anh chuyện này chuyện nọ.

Tôi không nhớ rõ ngày tháng gặp anh lần đầu, chừng như vào giữa năm 2003, sau đôi lần điện thoại. Gần ba năm quen biết nhau, tôi luôn giữ những kỷ niệm tốt đẹp về anh. Anh có tặng tôi mấy tập thơ của anh và nói rằng: anh thích nhất là tập “Trở về với mẹ ta thôi”. Đây là một tập hoàn toàn thơ lục bát.

Đến nay, nhắc đến Đồng Đức Bốn, ai cũng biết đấy là một hồn thơ lục bát. Phải thừa nhận rằng: thơ lục bát của Đồng Đức Bốn có một vị trí riêng trong thơ Việt Nam hai thập kỷ nay.

Đầu năm 2005, Đồng Đức Bốn phát hiện bị ung thư ở giai đoạn cuối. Sau đó là mấy chục bài báo viết về thơ anh. Nhưng chính trong năm 2005, vừa chống chọi với bệnh tật, Đồng Đức Bốn vừa làm những câu thơ, những bài thơ “gan ruột” nhất.

Khoảng giữa năm 2005, tôi đến thăm anh khi anh đang nằm ngoại trú ở khách sạn Hoa Hồng (đường Đào Duy Anh, Hà Nội) để trị bệnh. Anh tặng tôi hơn hai chục bài thơ đánh máy tính anh sáng tác từ đầu năm. Tôi mang về đọc và thầm thán phục nghị lực phi thường của anh.

Anh vừa chống chọi với căn bệnh quái ác, căn bệnh mà người ta luôn luôn nhìn thấy lưỡi hái của thần chết ở trên đầu, vừa rút ruột nhả những sợi tơ thơ tâm huyết cho đời. Quả thật, đây là những bài thơ, những câu thơ không bình thường, đã đạt đến độ chín về tư tưởng và nghệ thuật. Đấy là những bài thơ vượt trội cuối đời của Đồng Đức Bốn.

Trong những bài thơ cuối đời của Đồng Đức Bốn, tôi ấn tượng với hai chùm thơ, mỗi chùm có ba bài. Chùm thơ thứ nhất là những bài anh nói đến cái chết của mình, gồm các bài: “Mẹ ơi”, “Tôi không thể chết được đâu”, “Xin trời một trận mưa rào đón tôi”.

Chùm thứ hai là những bài thơ anh viết về bè bạn, gồm các bài: “Kính gửi anh Điềm”, “Đã đành ngang dọc sơn hà”, “Thưa lại với người”. Hầu hết những bài này sau đã được tuyển chọn vào tập thơ “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” xuất bản trước khi Đồng Đức Bốn mất vài tháng.

Chủ đề “Mẹ” thật sâu đậm trong thơ Đồng Đức Bốn. Bài thơ “Trở về với mẹ ta thôi” được lấy đặt tên cho cả tập thơ mà anh tâm đắc nhất, trong đó hai câu kết được anh lấy làm đề từ cho cả tập:

Trở về với mẹ ta thôi

Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.

Phải chăng đấy là một lời báo ứng? Bởi khi anh đã mồ yên mả đẹp thì mẹ anh ngoài tám mươi tuổi vẫn còn sống khỏe mạnh. Bài thơ “Mẹ ơi” của anh viết tự nhiên và cảm động. Bài này không có trong tuyển tập “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” nên tôi xin chép lại toàn bài:

Bây giờ con chẳng có gì

Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời

 

Chỉ xin mẹ một tiếng cười

Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con

 

Chỉ mong trái đất vẫn tròn

Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày

 

Cõi người nhiều nỗi đắng cay

Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu

 

Cõi người còn lắm bể dâu

Con lấy lục bát bắc cầu đi qua

 

Tin rằng sông lắm phù sa

Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa

 

Bây giờ trời đổ cơn mưa

Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con.

Đó là một thái độ bình thản trước cái chết của một người con hiếu thảo. Cũng là một thái độ tự tin về những gì mình đã làm được, tin vào giá trị của thơ mình “Con lấy lục bát bắc cầu đi qua”.

Đặc biệt, câu cuối cùng là một câu thơ đẹp của một thái độ sống đẹp của người đã qua tuổi “tri thiên mệnh” vừa thanh thản vừa tự tin: “Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con”. Tuy “xa xa” đấy nhưng đã gần lắm rồi.

Sau mấy tháng điều trị, Đồng Đức Bốn lạc quan lắm khi anh vẫn khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn. Vào một ngày cuối thu 2005, tôi và anh Phạm Duy Thuấn – Trưởng Công an huyện Cát Bà (Hải Phòng) gặp nhau uống bia ở quán “Bò tùng xẻo” trên đường Thái Hà, Hà Nội có đón anh ra. Anh nói chuyện lạc quan, say sưa và đọc bài thơ “Tôi không thể chết được đâu” anh mới sáng tác, thật lạc quan:

Tôi không thể chết được đâu

Bởi tôi còn khúc sông sâu nợ đò.

……………………………….

Tôi còn nợ những người mong

Bài thơ lục bát viết trong cõi buồn.

Anh luôn nhớ vai trò của mình là một nhà thơ, và biết thơ mình có người mong đợi. Nghĩ cho cùng, thế là hạnh phúc. Anh tin lắm vào giá trị thơ lục bát của mình: “Đưa em qua trận bão người/ Bằng câu lục bát của trời cho anh”, “Bài thơ anh viết cho mình/ Mà cây trúc mọc sân đình tương tư”… Tôi chưa thấy mấy nhà thơ dám tự tin vào sức sống của thơ mình đến thế!--PageBreak--

Bài thơ “Xin trời một trận mưa rào đón tôi” như mọi người biết đã ứng nghiệm. Hôm đưa Đồng Đức Bốn về nơi an nghỉ cuối cùng, trời đang nắng thì cơn mưa ập đến và một trận mưa rào đã đón anh về với đất trời:

Trở về với suối với sông

Trở về với đất với không có gì

 

Hồn thơ lục bát ra đi

Xin người ở lại sống vì nhau hơn

………………………………..

Bây giờ về với trăng sao

Xin trời một trận mưa rào đón tôi.

Chùm thơ thứ hai, Đồng Đức Bốn viết tặng bạn bè. Tất nhiên, với mỗi người bạn anh có một nội dung tâm sự riêng và một cách viết riêng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, một ông “đại thần” vẫn mang tâm hồn thi sĩ, đã có bài “Bạn thơ” nổi tiếng tặng Đồng Đức Bốn.

Trong bài thơ này, thành công nhất của Nguyễn Khoa Điềm là thể hiện được chân thật tự nhiên tình bạn của mình, sự trân trọng của mình với người dân thường, với những bạn thơ bình thường.

Điều đó đã làm ông thật sự được bạn thơ và người đời tôn trọng. Trong cuộc đời, tình bạn giữa hai nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Đồng Đức Bốn khá thắm thiết.

Khi Đồng Đức Bốn mất, Nguyễn Khoa Điềm đã viết một bài thơ thực sự cảm động. Còn trong bài thơ “Kính gửi anh Điềm”, khi biết mình đã lâm bệnh trọng, Đồng Đức Bốn nói như tâm sự:

Cuối cùng nếu phải ra đi

Em xin gửi lại những gì cho anh

Và anh nhắc lại những kỷ niệm, những kỷ niệm làm con người lớn lên khi còn sống cũng như khi đã mất:

Anh dặn em bấy nhiêu lời

Khi mang xuống mộ cùng người tri âm

Anh tặng em quả chuông chùa

Khi ba tiếng mở thì mưa bỗng rào…

Trong bài “Thưa lại với người” đề tặng nhà văn Hữu Ước, Đồng Đức Bốn vẫn với những câu lục bát ngọt ngào để nói về sự gian nan, vất vả của cõi đời. Đó cũng là một cách gửi gắm tâm sự, và khá phù hợp khi anh tâm tình với bạn văn Hữu Ước:

Tôi xin thưa lại với người

Một đêm trăng sáng một trời sáng trăng

 

Không đâu có sự công bằng

Khi đời còn lắm mưa giăng ngút ngàn.

 

Lớn lên từ những gian nan

Anh giờ đã một tiếng đàn ban mai…

Bài thơ “Đã đành ngang dọc sơn hà” đề tặng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng thật đáng chú ý. Tình bạn giữa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Đồng Đức Bốn là tri âm tri kỷ.

Cho đến nay Nguyễn Huy Thiệp đã có đến dăm bảy bài viết về Đồng Đức Bốn và thơ Đồng Đức Bốn. Ông còn có cả một truyện ngắn “Đưa sáo sang sông”, lấy thơ Đồng Đức Bốn làm khung cảnh. Phải là những người yêu nhau lắm mới làm được như thế.

Và trong một bài viết Nguyễn Huy Thiệp đã gọi “Đồng Đức Bốn vị cứu tinh của thơ lục bát”. ở một bài viết khác, Nguyễn Huy Thiệp lại viết những dòng nồng nhiệt: “Đồng Đức Bốn xuất hiện trong làng thơ Việt Nam khoảng mười năm nay.

Viết chừng 500 bài thơ, trong đó có tới 90 bài thơ được khách sành văn chương xếp vào loại “Cực hay, tài tử vô địch!”. Có thể nói chưa ai đánh giá cao Đồng Đức Bốn như Nguyễn Huy Thiệp. Ngược lại, Đồng Đức Bốn cũng đánh giá rất cao sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp:

Yêu quê nước mắt đầm đìa

Câu văn bạn viết rực tia nắng vàng

 

Đã đành ngang dọc sơn hà

Cũng nên về chốn quê nhà ngắm trăng

Những bài thơ cuối cùng của Đồng Đức Bốn có một vị trí riêng trong cả sự nghiệp thơ của anh. Dẫu những bài thơ này chưa vượt trội hẳn lên, nhưng vẫn giữ được ở mặt bằng cao vững chắc so với những bài thơ trong tập “Trở về với mẹ ta thôi” mà sinh thời Đồng Đức Bốn tâm đắc nhất.

Trong mặt bằng cao ấy, tất nhiên vẫn có những câu dễ dãi, nhưng cũng có cả những câu lóe sáng. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi Đồng Đức Bốn trong khi hồn thơ anh đang thời kỳ sung sức.

Thật tiếc lắm thay! Nhưng cũng có thể khẳng định rằng Đồng Đức Bốn đã để lại một sự nghiệp thơ đáng trân trọng. Nếu chọn lấy 100 thi nhân, hoặc chọn 100 bài thơ hay của thế kỷ XX; riêng tôi, tôi đều bỏ phiếu cho Đồng Đức Bốn.

5/5/2007

.
.