Những bài học London

Thứ Bảy, 14/05/2016, 15:59
Khi biết tôi định đi xin visa vào Anh, một người bạn dặn: "Người Anh họ làm việc kỳ lắm! Cậu phải đi sớm vào".


Tôi sống ở quận 13 của Paris, sát Thư viện Quốc gia, nên để tới sứ quán Anh tiện nhất là dùng métro số 14. Tôi xuống ga Madelaine, đi bộ thêm vài phút, tới nơi mới có 8 giờ sáng, nghĩa là khá sớm theo cách sinh hoạt ở Paris. Vậy mà trước cổng sứ quán Anh dòng người xếp hàng đã tới dăm chục mét, chen chúc, xô đẩy, chẳng khác gì cảnh xếp hàng mua gạo ở ta thời bao cấp. 

Chỉ nhoáng cái, dòng người phía sau tôi đã dài dằng dặc. Một bà to béo đứng trước tôi kêu ca rằng, bà đến từ 6 giờ sáng, khi mới có dăm chục người, vậy mà giờ có tới cả trăm người trước mặt. Nhiều người kêu gọi không cho ai chen ngang. Một người da đen phân bua rằng anh ta không chen ngang mà đại diện cho cả đoàn... Càng gần trưa, cảnh chen lấn càng sôi sục. 

Nhân viên sứ quán cảnh cáo rằng nếu không giữ trật tự, người ta sẽ ngừng tiếp khách. Đúng 12 giờ trưa, khi tôi đã tới cách chiếc cổng chừng hai chục mét, bỗng mọi người đều ồ lên. Đóng cửa rồi. Thế là công cốc! Mọi người ra về để ngày hôm sau xếp hàng lại từ đầu. Lúc đó tôi mới hiểu lời khuyên của anh bạn.

Hôm sau tôi đi sớm hơn, cùng một người bạn. Anh ta đứng trước, tôi đứng sau. Anh bạn vừa bước qua chiếc cổng thì nó đóng lại, ngay trước mũi tôi. Đang chưng hửng và tuyệt vọng, đột nhiên tôi nghe phía sau có tiếng khóc thảm thiết. Một người đàn bà to béo, có vẻ người Trung Đông, lăn lộn như muốn ngất đi. 

Bà ta kể lể rằng hôm đó là hạn cuối cùng để bà ta xin visa vào Anh, ngày hôm sau, giấy tờ không còn giá trị nữa, thế là cuộc đời bà ta chấm dứt. Vừa lúng túng vì hai đứa tan đàn xẻ nghé, vừa ái ngại cho người đàn bà, anh bạn tôi tần ngần đề nghị được nhường cho bà ta. Người nhân viên sứ quán ngần ngừ một chút rồi đồng ý. Sau đó ông ta nói, bạn tôi có thể đến làm visa vào bất kỳ lúc nào ngày hôm sau mà không cần phải xếp hàng.

Dĩ nhiên, hôm sau chúng tôi làm thủ tục trót lọt. Và tự an ủi rằng một khi đã lọt qua cổng thì thủ tục khá nhanh chóng. Buổi chiều, trước 4 giờ, chúng tôi đã có visa trong tay.

Dù rất hồi hộp, tôi đã chẳng thể cảm nhận được gì khi con tàu Eurostar chạy qua hầm La Manche nổi tiếng. Tới ga Waterloo, trời đã tối. Mùa đông, tối sớm. Hải quan Anh xét hỏi rất kỹ càng chứ không như cảnh sát Italia hay Đức. Tuy nhiên, tôi không có đủ thời gian để phán xét bởi đã trông thấy Danny, bạn tôi, một nghệ sĩ kịch câm và đạo diễn điện ảnh. 

Tôi nhớ, khi Danny cùng vợ là Sarah sang Việt Nam biểu diễn cùng với David Glass Ensemble, tôi đã dành cho họ một kỷ niệm không bao giờ quên được: một bữa thịt chó mà cả hai tấm tắc khen ngon ba ngày liền trước khi biết rằng đó không phải là thịt dê. 

“Your dog eating english friends” - trong một bức thư gửi tôi, Danny dùng những lời này thay cho chữ ký và phàn nàn rằng hai vợ chồng không sao tiếng Anh chuẩn như xưa được nữa, mặc dù cũng vui vì từ nay có thể trò chuyện dễ dàng với những con vật đáng yêu.

Chúng tôi không về nhà ngay mà đi bộ qua cầu Waterloo. Mặc dù đã từng đến rất nhiều thành phố ở châu Âu, tôi vẫn không khỏi rùng mình xúc động khi đón nhận cơn gió đầu tiên mang hơi ẩm của dòng sông Thames. Không phải vì lạnh. Không hiểu sao tôi chợt nghĩ đến một người phụ nữ London, đúng hơn là một bà cụ, mà một dạo báo chí Pháp đưa tin ầm ĩ. Người phụ nữ này làm điệp viên cho Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng không vì tiền. Không vì bất kỳ một lý do vật chất nào. Bà chỉ bị phát hiện mấy chục năm sau khi về hưu. Bà đã cùng chồng sang thăm Liên Xô. 

Khi Cơ quan tình báo Liên Xô đề nghị trả công cho bà một khoản tiền lớn, bà đã từ chối. Chồng mất, bà sống độc thân trong ngôi nhà đơn sơ ở ngoại thành London với một niềm tin sâu sắc vào chính nghĩa và lý tưởng của mình. Hàng xóm không ai có thể ngờ rằng bà già hiền lành tốt bụng ấy lại nắm giữ những bí mật ghê gớm như thế. Còn bà, trong khi chờ ra hầu tòa, ngày ngày vẫn đến nghĩa trang đặt hoa lên mộ Karl Marx.

Hai vợ chồng Danny đã chuẩn bị cho tôi một chương trình thú vị. Ngay tối đầu tiên, tối Thứ sáu, họ muốn cho tôi tham dự một buổi khiêu vũ đặc trưng của London và sẽ giới thiệu tôi với một số người bạn văn nghệ sĩ. Hôm đó Sarah có công chuyện ở Oxford nên tôi và Danny sẽ đến dạ hội trước, nhân tiện Danny giới thiệu cho tôi một số công trình nổi tiếng của thành phố.

Chúng tôi tới dạ hội bằng xe buýt để có thể dễ dàng ngắm phố phường. Những chiếc xe buýt hai tầng sơn đỏ và những cabin điện thoại cũng sơn màu đỏ rất đặc biệt của London bao giờ cũng khiến du khách thích thú. Dưới thời Thatcher, nước Anh tư nhân hóa ồ ạt rất nhiều ngành, trong đó có ngành giao thông công cộng. 

Vì lợi nhuận, người ta tăng giá vé và khai thác triệt để mọi năng lực của phương tiện. Một số hãng vận chuyển hành khách không còn trung thành với màu đỏ truyền thống nữa. Tuy vậy, màu đỏ vẫn còn chói chang ở mọi góc phố London.

Trái với định kiến về cái gọi là tính cách "phớt Ăng-lê", người Anh rất hiếu khách và xởi lởi. Trong xe buýt hoặc trên đường phố, chỉ cần trông thấy bạn đang băn khoăn tìm kiếm hay ngơ ngác là có những người lại gần hỏi han, giúp đỡ. Và giúp đỡ rất tận tình chứ không qua quýt cho xong phép xã giao. 

Nhân tiện, cũng phải nói rằng trong những ngày tôi ở London, dù đang giữa mùa đông, khá lạnh, nhưng không hề có sương mù. Tôi đã thử hỏi người dân London, họ cho biết thực ra London cũng chẳng mấy khi có sương mù. Không hiểu sao London lại được mệnh danh là thành phố sương mù nhỉ?

London rất rộng, rộng hơn Paris nhiều, nhưng không lộng lẫy như thủ đô của nước Pháp. Tôi nhận xét rằng đường phố ở London thường vòng vèo chứ không thẳng băng như ở Paris hay ở Moskva. Danny đồng ý và giải thích rằng đó là hậu quả việc quy hoạch tồi trong quá trình phát triển. 

Mấy hôm sau tôi lại có thêm bằng chứng về điều đó. Một người bạn hẹn gặp tôi tại quán cà phê số 2 phố Woodstock, một phố rất ngắn ở trung tâm thành phố, cắt ngang phố Oxford. Tôi phải mất rất nhiều công sức nhưng không sao tìm thấy nhà số 2. Số nhà đánh rất lộn xộn và chẵn lẻ lẫn lộn. 

Cuối cùng, thấy phố này có lẽ chỉ dài hơn ngõ Hàng Hương (Hà Nội) đôi chút, tôi quyết định lần lượt đứng trước cửa từng số nhà, hy vọng anh bạn từ trong nhìn ra sẽ thấy tôi. Một phương pháp hiệu nghiệm. Chỉ mấy phút sau, tôi đã tìm thấy quán cà phê đó, nhưng không phải 2 mà là số... 2/3.

Ảnh: LG.

Khi chúng tôi đến nơi, dạ hội đã vô cùng náo nhiệt. Trong tiếng nhạc khá chát chúa của một steel band, chơi loại nhạc cụ làm bằng các thùng dầu rỗng, chúng tôi uống một loại rượu tuyệt ngon nhưng nóng bỏng môi mà tôi không còn nhớ tên là gì. Các bạn tôi giải thích rằng đó là một thứ ruợu mạnh được đun sôi với hoa quả và một vài thứ hương liệu đặc biệt. Tôi nhìn lên trần nhà, một vòm trần được trang trí hết sức cầu kỳ, và ngập ngừng nhận xét rằng nó giống như mái vòm nhà thờ. 

- Đúng vậy, chúng ta đang ở trong một nhà thờ.

- Nhà thờ? Tôi không còn tin vào tai mình nữa.

Danny cho tôi biết rằng ở nước Anh, việc nhà thờ bị biến thành nơi vui chơi giải trí hoặc nhà ở đã từ lâu không còn khiến ngạc nhiên nữa. "Chỉ quanh khu mà chúng ta đang ở cũng có tới hàng chục nhà thờ bị biến thành nhà ở". Lý do là vai trò của nhà thờ ngày càng giảm đi, nhiều nhà thờ bỏ không, trong khi lại thiếu tiền. Danny bảo, nếu tôi thích, ngày hôm sau chúng tôi có thể đến thăm một khu nhà như thế.

Dĩ nhiên là tôi thích. Và thế là hôm sau, Thứ bảy, chúng tôi lại đến dự tiệc rượu khác trong một nhà thờ khác. Đó là một nhà thờ không lớn nhưng tuyệt đẹp, nằm giữa khu phố yên tĩnh rợp bóng cây, nhưng đã bị bán cho một nhà kinh doanh bất động sản. 

Bên trong, người ta dùng thép và gỗ cải tạo thành một khu nhà ở bốn tầng. Chúng tôi theo một chiếc cầu thang gỗ vòng vèo, leo lên tầng ba, qua những căn hộ khá nhếch nhác, ồn ào tiếng trẻ khóc và tiếng nhạc. Chủ nhà là một đôi vợ chồng, mặc dù tôi không biết gọi như vậy có đúng không bởi vì đó là hai phụ nữ trẻ, khá đẹp và cả hai có vẻ rất "nữ tính". 

Khách khứa không đông, phần lớn là văn nghệ sỹ. Chúng tôi nói đủ chuyện, thơ ca, âm nhạc và chính trị. Chúng tôi hát rất nhiều bài hát của The Beatles, các bài chúng tôi đã hát suốt những năm học tập ở Liên Xô. Tôi nói với họ rằng tôi vô cùng hạnh phúc được đến nước Anh, đất nước đối với tôi gần như là thần thoại. 

Tôi đã nói rất thật lòng. Tôi cũng nói rất thật lòng rằng, trái với những suy nghĩ trước đây, và mặc dù Việt Nam còn rất nghèo so với nước Anh, tôi thấy nước Anh thật là gần gũi. Nhưng điều quan trọng nhất lại xuất phát từ một chuyện nhỏ: sang đường. 

Hồi cậu con trai của tôi lên bốn, tôi vẫn dạy nó rằng mỗi khi qua đường thì phải nhìn về bên trái trước, vì đó là phía xe cộ lao tới. Tôi luôn luôn khẳng định rằng đó là một nguyên tắc, tuy không thuyết phục được con, bởi nó đã gặp vô khối người lớn không làm như thế. Ở London, tôi đã mấy phen chết hụt vì nguyên tắc của mình. Ở Anh, người ta đi bên trái đường nên khi tôi nhìn sang bên trái theo thói quen, xe cộ lại lao tới từ bên phải.

Hóa ra thói quen nào, định kiến nào cũng có mặt trái của nó. Đối với tôi, đó là một bài học. Bài học London.

Ngô Tự Lập
.
.