Những anh “nhà giàu mới nổi” trong điện ảnh

Thứ Sáu, 28/12/2007, 14:30
Không ngẫu nhiên mà nhiều người lạc quan rằng, điện ảnh Việt Nam đang khởi sắc, với những dự án phim liên tiếp được đưa vào sản xuất (hoặc tuyên bố trên báo là sẽ sản xuất). Đó chính là nhờ những "ông chủ mới" của điện ảnh, những hãng phim tư nhân. Người trong nghề gọi đó là những "tay nhà giàu mới phất".

Phải làm phim thương mại để kéo khán giả tới rạp. Vậy rồi khán giả vẫn không tới. Phải tung nhiều chiêu, nhiều trò, phải "vãi" sao từ vai chính đến vai phụ vào phim. Khán giả vẫn ngần ngại. Họ ngần ngại không phải họ sợ mình bị coi là "rẻ tiền" khi đi xem những phim bình dân, mà bởi, họ không có được những bộ phim giải trí tử tế để... giải trí!

Bắt đầu từ tiền...

Đạo diễn Ngô Quang Hải, người được Nhà nước cấp tiền để làm bộ phim "Chuyện của Pao" đã không ngần ngại nhận định rằng, chẳng ở đâu xin kinh phí làm phim lại dễ như ở Việt Nam... Thật vậy, bất cứ nhà sản xuất phim nào cũng đều băn khoăn trước việc tìm kiếm kinh phí cho một dự án mới.

Không nơi nào hào hiệp cho các nghệ sỹ thử nghiệm. Chỉ có ở Việt Nam, Nhà nước vẫn còn một cánh cửa cho các nhà làm phim bấu víu (dù đến thời điểm hiện tại nó đã hẹp đi rất nhiều).

Nhà phê bình Ngô Phương Lan, Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Điện ảnh Việt Nam cũng thừa nhận, trong mấy năm qua, dường như Hội đồng duyệt phim quốc gia luôn trong tình trạng tìm kiếm những kịch bản tốt đưa vào danh sách duyệt để Nhà nước tài trợ kinh phí làm phim.

Nhưng tìm được một kịch bản tốt là không hề đơn giản. Nghĩa là Nhà nước sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để hi vọng có được một bộ phim hay phục vụ hơn 80 triệu dân. Tuy nhiên, con đường đi đến với cái viễn cảnh đó chẳng dễ dàng, nếu như không muốn nói là vô cùng gian khó. Nguyên nhân thì có nhiều. Và người ta sẽ đi tìm nhiều cách để đổ lỗi cho một bộ phim dở.

Câu chuyện bộ phim "Khi nắng thu về" là một ví dụ. Những người làm phim đã không đi được tới cái đích của chính mình, đó là làm một bộ phim về giới trẻ dành cho những người trẻ hôm nay xem. Một bộ phim tiêu tốn khá nhiều tiền của Nhà nước nhưng số lượng vé bán ra lại có thể đếm được.

Câu chuyện này đã từng xảy ra với một bộ phim lịch sử mười mấy tỷ trước đó. Và câu chuyện Nhà nước tài trợ tiền tỷ để làm "phim cúng cụ" mãi là một nỗi ám ảnh với những khán giả còn tâm huyết với điện ảnh Việt Nam.

Hãy ví dụ rằng, bộ phim đó làm ra chỉ để chiếu vào các dịp lễ và ngày kỷ niệm cũng không sao. Nhưng ai sẽ là người xem những bộ phim ấy? Và nếu họ được xem bộ phim ấy chỉ đơn giản vì họ không mất tiền thuê một cái đĩa phim Hàn Quốc về xem thì liệu có được coi là một bộ phim thành công không?

Và rồi, hết ngày lễ, họ vẫn không hề quan tâm gì đến phim ảnh Việt Nam, vẫn bỏ tiền thuê phim Mỹ, phim Hàn và tiếp tục hành trình giải trí "không bằng hình ảnh Việt" của mình. Vậy thì, nếu một đạo diễn có lương tri và tự trọng chắc chắn sẽ phải tự vấn về những gì mình làm chứ không thể vội vàng đi bao biện. Vì đó là một số tiền không nhỏ, nếu tính trên thu nhập đầu người tại Việt Nam thì số tiền đó có thể làm nhiều người choáng váng.

Và hãy ví dụ tiếp, bộ phim đó là một bộ phim cao cấp, mục đích là làm để đi dự các liên hoan phim và hi vọng vẽ tên Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới. Cũng rất tốt.

Nếu một bộ phim được cả thế giới thừa nhận, thì có lẽ bất cứ người dân Việt Nam nào cũng sẽ tự hào. Và trong thâm tâm họ, ai cũng ao ước một lần trong đời được xem. Tuy nhiên, bộ phim ấy thậm chí còn không được gửi đi dự một liên hoan phim vừa và nhỏ.

Và bộ phim đã không một tiếng vang về mặt nghệ thuật và doanh thu, ngoại trừ những cuộc cãi vã chừng như bất tận của vị đạo diễn lắm lý luận với những người phản ứng việc tiêu tiền của Nhà nước một cách quá trớn của ông. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào "ông Nhà nước" thì có lẽ hiện tại mỗi năm điện ảnh Việt Nam chỉ... sản xuất được 3 phim.

Không ngẫu nhiên mà nhiều người lạc quan rằng, điện ảnh Việt Nam đang khởi sắc, với những dự án phim liên tiếp được đưa vào sản xuất (hoặc tuyên bố trên báo là sẽ sản xuất). Đó chính là nhờ những "ông chủ mới" của điện ảnh, những hãng phim tư nhân. Người trong nghề gọi đó là những "tay nhà giàu mới phất", những kẻ sẵn sàng chi thật nhiều tiền không phải để bộ phim hay hơn, mà chỉ đơn giản là phim nhiều chiêu lạ hơn hãng phim đối thủ và có thể tạo nên yếu tố ăn khách nơi rạp chiếu.

Điển hình là hãng Phước Sang. Dường như dự án phim năm sau kinh phí công bố đều cao hơn năm trước và con số đó cứ... ngất ngưởng mãi. Nhưng chất lượng phim không tăng lên.

Nếu xem "Võ lâm truyền kỳ" sẽ thấy tưng bừng các ngôi sao từ sân khấu, điện ảnh, ca nhạc xuất hiện từ vai chính cho đến vai phụ. Có lẽ chỉ có hãng Phước Sang mới làm những poster phim giống như những poster quảng cáo show ca nhạc tạp kỹ với một dàn sao hoa mắt. Ấy vậy mà vẫn nhạt.

Phim của Phước Sang được định hình rõ ràng là dành cho khán giả bình dân và chiếu trong dịp Tết. Thế nên, những chiêu chọc cười đôi khi hơi ngớ ngẩn (như những pha va cột điện của Phương Thanh trong "Đẻ mướn") vẫn được đưa vào như một chiêu tấu hài lấy những tiếng cười dễ dãi.

Các hãng phim đã chi ra những khoản tiền lớn chỉ để làm những bộ phim thực sự bình thường và khán giả sẽ ngạc nhiên vì tại sao với những thứ mà họ được chứng kiến, người ta đã phải chi nhiều tiền đến vậy. Mà phim sau lại đuối hơn phim trước, vì đề tài đã cũ kiệt. Đó chính là vấn đề của những "anh nhà giàu mới phất".--PageBreak--

Và câu chuyện "nhà giàu mới phất"

Hãy cứ để dòng phim nghệ thuật (tạm tính như "Chuyện của Pao", "Áo lụa Hà Đông"...) sang một bên, chúng ta chỉ bàn về phim thương mại, cái làm nên những xôn xao của dư luận về điện ảnh trong thời gian gần đây.

Thế nhưng, phim thương mại thì không có nghĩa người ta muốn làm gì thì làm, muốn nhét bất cứ thứ gì vào phim cũng xong. Hãy thử xem khán giả đã được các nhà làm phim đối xử như thế nào.

Thử xem "39 độ yêu", các nhà làm phim sẵn sàng cắt từ phim truyền hình thành một bộ phim đầu Ngô mình Sở, quá vô lý, nhưng được PR rầm rộ tới mức cảm giác khán giả bị lừa tới 2 lần. Lần thứ nhất là phải mua báo đọc tin nhảm nhí. Lần thứ hai là đi xem một bộ phim trớt quớt.

Và xem "Đẻ mướn" đôi khi người ta không hiểu những "mê hồn trận" sắp đặt của những pha tình ái rốt cuộc để làm gì? Tại sao không phải là một lần duy nhất mà lại cứ lặp đi lặp lại như... khiêu khích khán giả như thế?

Hay mới đây, bộ phim "Vũ điệu tử thần", rất nhiều người không hiểu những pha sexy quá đà của nhân vật Hằng Nga để làm gì nếu không là để câu khách?

Phim thương mại Việt Nam trong mấy năm qua có những đề tài gì? Không khó. Đó là trai nhảy, gái nhảy, là các cô gái chân dài, thuốc lắc, là đẻ mướn, là đồng tính... mà nhiều người hay đùa là "trai bầu, gái cướp, trai gái cùng nhảy, đồng tính cảm thông...". Tất cả là một thứ váng mỡ trên những phương tiện truyền thông được đưa vào phim đôi khi trở nên sống sít và phản cảm.

Tất cả chỉ vì lý do duy nhất: hi vọng kiếm được lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận có kiếm được nhiều hay không thì phải xem lại. Vì phim sau đầu tư cao hơn phim trước mà khán giả phim sau hoàn toàn có thể giảm so với phim trước vì đã quá ngán với những "màn ảo thuật" của các nhà làm phim. Thế nên, rất có thể một bộ phim thương mại dở biến nhà sản xuất thành "ảo thuật gia", biến tiền dự án phim thành... những tờ poster vô nghĩa...

Quay trở lại trường hợp của "Vũ điệu tử thần". Đây là phim mới nhất được công chiếu tính cho đến thời điểm này và cũng có thể nói nó sẽ là phim "đóng sổ" danh sách phim dự Liên hoan phim Việt Nam vào tháng 11. Người ta thực sự kỳ vọng vào đạo diễn Bùi Tuấn Dũng sau bộ phim "Đường thư".

Người ta cũng rất cảm thông cho đoàn phim "Vũ điệu tử thần" khi kinh phí được Nhà nước cấp phải dành phân nửa để cho hãng phim trả lương nhân viên. Làm phim hành động mà kinh phí thấp, lại trong nền điện ảnh mọi thứ đều kiểu "con nhà nghèo" như Việt Nam thì khó trăm bề. Nhưng Bùi Tuấn Dũng đã quyết làm và anh hứa như đinh đóng cột trên báo, đó sẽ là một phim hấp dẫn. Và sự thật thì bộ phim đã hấp dẫn khán giả trong... 15 phút đầu phim.

Thế rồi, có cảm giác bộ phim đã chạy ra ngoài tầm kiểm soát của đạo diễn. Rất nhiều chi tiết bị bỏ lửng mà nhiều khán giả không lý giải được. Nếu so với mặt bằng chung của phim chiếu rạp thời điểm tháng 9, thì "Vũ điệu tử thần" không đủ sức cạnh tranh với những bộ phim ngoại nhập. Dù được báo chí ủng hộ, nhưng bộ phim đã không đạt được doanh thu như mong muốn. Và một số người làm nghề lại cho rằng, đây là một bộ phim mà Bùi Tuấn Dũng làm không tốt bằng bộ phim đầu tay "Đường thư".

Bài viết này không có ý phủ nhận nỗ lực của cả đoàn làm phim. Nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận một thực tế rằng, "Vũ điệu tử thần" là một phim thương mại nhưng đã không thành công về mặt thương mại như mong muốn. Rất nhiều phim đã công chiếu rồi rơi vào quên lãng, trong thời buổi thông tin như cơn lốc thì những bộ phim xem để chơi sẽ bị cuốn đi nhanh hơn bao giờ hết. Phim làm ra rồi đi vào lãng quên.

Đừng trách khán giả thờ ơ với phim thương mại, mà hãy trách các nhà làm phim, tại sao không làm ra những bộ phim thương mại đáng để họ xem. Bởi họ có quá nhiều sự lựa chọn, trong khi phim Việt mãi vẫn ì ạch trong vòng xoáy nghiệp dư.

Sự chuyên nghiệp của công nghệ có thể mua bằng tiền. Nhưng sự chuyên nghiệp của người làm phim thì lại phải tính bằng năm tháng khổ luyện, bằng tri thức và phông văn hoá.

Và tất nhiên, không phải học lại những gì mình đã học từ thời đại học rồi làm đề tài và được cấp một cái bằng thạc sỹ hay tiến sỹ. Cái quan trọng là học cách làm chủ công nghệ và học cách tư duy sản xuất điện ảnh theo phong cách hiện đại.

Nói đến chuyện chuyên nghiệp nghĩa là lại bắt đầu câu chuyện đi học. Học gì và học ở đâu, câu chuyện đó tiếc rằng, chưa được bàn bởi những người lãnh đạo điện ảnh Việt Nam...

.
.