"Nhóm 7 chị em" và chuyện quyền lực của dầu

Thứ Sáu, 18/09/2015, 11:20
Theo nhiều phân tích trên tờ The DailyMail (Anh), từ trước đến nay luôn có một nghịch lý đang diễn ra ở khu vực Trung Đông. Đó là việc công dân của các nước có ít hoặc không có dầu mỏ (như Ai Cập, Gordan, Lebanon, Marocco và Tunisia) lại thường có nhiều tự do hơn công dân của những nước có nhiều dầu mỏ (như Bahrain, Iraq, Kuwait, Libya và Saudi Arabia). 

Giới học giả đã gọi điều này là lời nguyền của dầu, họ lập luận rằng sự giàu có từ dầu mỏ dẫn tới sự cửa quyền, bất ổn kinh tế, tham nhũng và xung đột bạo lực.

Cho đến đầu những năm 1970, các nước sản xuất dầu mỏ cũng có dân chủ như bất cứ quốc gia nào khác. Trớ trêu là bởi cho tới thời điểm đó, cái gọi là “Nhóm bảy chị em” (The Seven Sisters - tập hợp các công ty dầu lửa khổng lồ của phương Tây), đang thống trị ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu và thu hầu hết lợi nhuận vào túi của họ. Điều đó có nghĩa là, so với các chính phủ của những nước không có dầu mỏ, chính phủ của các nước có nhiều dầu mỏ không có thêm tiền và cũng chẳng có thêm quyền đối với các công dân của họ.

Âm mưu thống trị thế giới

Ngày 28/8/1928, ba nhân vật quan trọng đến từ Hà Lan, Mỹ và Anh đã có cuộc gặp tại lâu đài Achnacarry ở Scotland. Đó cũng là khởi đầu cho câu chuyện bí ẩn liên quan đến dầu mỏ. Người Hà Lan đó là Henry Deterding, có biệt danh “Hoàng đế dầu mỏ Napoleon”, khi ấy đang có dự án khai thác ở mỏ mới phát hiện tại Sumatra (Indonesia). Chính ông này sau cùng với 2 ông chủ khác đã lập ra hãng dầu mỏ Royal Dutch Shell. Người đến từ Mỹ là Walter Teagle, đại diện cho công ty Standard Oil (tiền thân của Exxon Mobil sau này) - hãng dầu mỏ đảm nhận mọi công việc từ chế giàn khoan, vận chuyển cho tới lọc dầu và phân phối. Vị khách người Anh còn lại John Cadman - giám đốc công ty dầu mỏ Anglo-Persian mà sau này chuyển thành BP.

Ngành công nghiệp chế tạo ô tô non trẻ bấy giờ đang ở trong giai đoạn bùng nổ. Thế giới đang khát dầu và các công ty dầu mỏ bước vào cuộc ganh đua không có điểm dừng. Nhưng chính cạnh tranh đã làm cho thị trường rơi vào bất ổn. Chính buổi tối tháng 8 đó, ba nhân vật kia đi tới thống nhất dừng cạnh tranh lẫn nhau, bắt tay chia sẻ nguồn dầu mỏ của thế giới. 

Theo tầm nhìn của nhóm bộ ba này, mọi khu vực sản xuất, giá vận chuyển, giá bán và mọi thứ khác liên quan đến dầu sẽ được giải quyết bằng đồng thuận, chia sẻ lợi ích. Đó là khởi điểm của một liên minh cỡ lớn mà mục đích cuối cùng là thống trị thế giới, thông qua kiểm soát dầu mỏ. Sau này, có thêm bốn công ty nữa tham gia, và nhóm này được gọi với cái tên “Nhóm bảy chị em” (The Seven Sisters) - những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Kể từ cuộc gặp gỡ tại lâu đài Achnacarry, nhóm bộ ba và sau này là “Nhóm bảy chị em” không ngừng âm mưu, lập kế hoạch kèm theo nhiều toan tính. Trung Đông là đích nhắm hiển nhiên. Trong suốt tiến trình lịch sử hiện đại ở khu vực này, “Nhóm bảy chị em” luôn tìm cách kiểm soát cán cân quyền lực kể từ thời điểm phát hiện ra trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở Trung Đông.

Liên minh này đã đứng sau hỗ trợ các chính quyền quân chủ tại Iran hay Saudi Arabia, phản đối việc hình thành tổ chức “Các nước xuất khẩu dầu mỏ” (OPEC), thu lợi từ cuộc chiến tranh Iran - Iraq và đưa tới sự cáo chung của chính quyền Saddam Hussein. Trên thực tế, không thể nắm được quyền lực thực sự của “Nhóm bảy chị em”, khi liên minh này luôn có mặt và luôn đi ở tốp đầu trong mọi vấn đề liên quan tới dầu mỏ.

Đến cuối thập niên 1960, “Nhóm bảy chị em” kiểm soát tới 85% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Những cuộc chinh phạt, tìm kiếm dầu mỏ tiếp tục được mở rộng. Do nhu cầu bùng nổ, lần này “Nhóm bảy chị em” hướng về châu Phi. Khi dầu đạt mức đỉnh về giá và sản lượng, chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông, châu Phi là trận tuyến mới của các công ty dầu lửa.

Để khống chế châu lục, nhiều thông tin cho rằng “Nhóm bảy chị em” đã lập lên một nhà vua ở Libya cùng một nhà độc tài ở Gabon. Đây là tham vọng chống lại xu thế quốc hữu hóa dầu mỏ ở Algeria, buộc Nigeria phải quy hàng qua các đòn tấn công về hối lộ, chiến sự, đồng thời bảo đảm dầu vẫn chảy về các công ty dầu mỏ.

Tại Trung Á và Caucasus, cạnh tranh về kiểm soát dầu mỏ hiếm khi nào ngừng nghỉ. Ngay sau Thế chiến II, nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Nikita Krushchev từng nói rằng sẽ xây dựng đế chế Xô viết và Hồng quân từ nguồn lợi dầu mỏ có được. 

Một thập niên sau, chính dầu mỏ đã đưa “đế chế” kia đến chỗ sụp đổ, khi Mỹ và Saudi Arabia bắt tay “mở van” dầu, đánh ngập thị trường, đưa dầu trở về mức giá 13 USD/thùng. Ngày nay, cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang hướng tầm mắt tới các mỏ dầu nằm trong lãnh thổ Liên Xô trước đây, nhất là ở Caucasus (Kavkaz) và Biển Caspi, cùng với đó là các tuyến đường vận chuyển.

Quyền lực từ dầu mỏ

Theo thời gian, các quốc gia sản xuất dầu mỏ đã cảm thấy không thể tiếp tục chịu đựng được tình cảnh bị “Nhóm bảy chị em” khống chế nguồn lợi “vàng đen”. Từ những năm 1960 và đầu những năm 1970, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Đầu tiên, “Nhóm bảy chị em” đã mất quyền kiểm soát đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu do sự nổi lên của các công ty dầu độc lập. 

Trong khi đó, các nước sản xuất dầu đã cùng nhau thành lập được OPEC, giúp tăng cường ảnh hưởng của họ đối với các công ty dầu mỏ mới và cũ. Những diễn biến này, cùng với lệnh cấm vận dầu lửa của khối Arab sau cuộc chiến tranh Israel – Arab năm 1973, đã khiến giá dầu lửa tăng từ 2,5 USD/thùng vào năm 1972 lên 12 USD thùng vào năm 1974. Háo hức nhằm giành lấy những của trời cho, hầu hết các nước đang phát triển đều sung công các công ty dầu mỏ nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ của họ và thành lập các công ty dầu quốc gia để quản lý.

Tiến trình quốc hữu hóa ngành sản xuất dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu đã đưa tới sự xuất hiện của một thế hệ những gương mặt mới, cùng ganh đua miếng bánh thị phần. Họ được gọi là “Nhóm bảy chị em mới”, bao gồm: Saudi Aramco (Saudi Arabia), Gazprom (Nga), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn dầu mỏ Nhà nước Iran, Tập đoàn dầu mỏ PDVSA (Venezuela), Tập đoàn Petrobras (Brazil) và Tập đoàn Petronas (Malaysia). 

Đa phần thuộc sở hữu nhà nước, “Nhóm bảy chị em mới” hiện kiểm soát 1/3 sản lượng khai thác và trữ lượng dầu mỏ, khí đốt toàn cầu. “Nhóm bảy chị em cũ” giờ chỉ còn sản xuất 10% sản lượng dầu, kiểm soát 3% trữ lượng dầu thế giới. Cán cân bây giờ đã có sự dịch chuyển.

Trên thực tế, việc quốc hữu hoá đã giúp chính phủ của các nước xuất khẩu dầu mỏ trở nên giàu hơn và hùng mạnh hơn bao giờ hết. Sự giàu có và quyền lực kinh tế một thời do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ lúc này đã được chuyển giao cho các nhà chính trị. Những người cầm quyền ở Trung Đông sử dụng một số tài sản có được từ dầu để tài trợ cho các chương trình xã hội nhằm cải thiện các dịch vụ công cộng và lấy lòng dân chúng. Điều đó đã giúp họ sống sót trong làn sóng dân chủ hoá khắp toàn cầu vào những năm 1980 và những năm 1990 vốn làm sụp đổ một loạt những nhà độc tài khác.

Kể từ đó, việc kiểm soát nguồn thu từ dầu mỏ đã giúp nhiều nhân vật chuyên quyền tiếp tục thâu tóm quyền lực theo ba cách chính. Thứ nhất, nó cho phép họ “mua” công dân của mình thông qua việc cung cấp nhiều lợi ích mà hầu như không phải chịu thuế. Quan hệ giữa thuế và sự đại diện luôn rất gần gũi: khi các nhà cầm quyền muốn tăng thuế, người dân đòi giải trình. 

Tại Trung Đông ngày nay, phản ứng đặc thù của các lãnh đạo được sự tài trợ của dầu trước những đòi hỏi đòi trách nhiệm nhiều hơn của người dân là cung cấp cho họ những khoản “bố thí” mới, hạ thấp thuế hoặc sử dụng cả hai và điều này thường có hiệu quả. Chẳng hạn, Algeria đã từng công bố các kế hoạch đầu tư 156 tỉ USD cho các chương trình cơ sở hạ tầng mới và cắt giảm thuế đường. Còn Saudi Arabia đã bỏ trực tiếp ra 136 tỉ USD để phục vụ cho việc tăng lương trong lĩnh vực công, hỗ trợ nhà cửa và trợ cấp thất nghiệp.

Thứ hai, giới chính trị thâu tóm hầu hết tiền từ các ngành dầu mỏ quốc gia cảm thấy dễ dàng hơn trong việc giữ bí mật về tài chính của đất nước. Người dân chỉ hài lòng với việc phải trả thuế thấp và những lợi ích hào phóng khi họ không nắm được có bao nhiêu tài sản của đất nước đã bị đánh cắp, bị tham nhũng và bị mất do quản lý kém.

Dưới thời của cố Tổng thống Saddam Hussein, hơn một nửa ngân sách quốc gia của Iraq do Công ty Dầu lửa Quốc gia Iraq cung cấp, nguồn tài chính này không bao giờ được tiết lộ. Các nhà độc tài có ít hoặc không có dầu mỏ tại Trung Đông như Ai Cập, Gordan và Morocco đã công khai một số thông tin về tình hình tài chính của họ. Ngược lại, những quốc gia độc tài nhiều dầu như Algeria hay Saudi Arabia không hề tiết lộ bất cứ điều gì liên quan tới tài chính.

Cuối cùng, nguồn thu từ dầu mỏ đã cho phép các nhà độc tài tài trợ một cách hào phóng và mua sự trung thành của các lực lượng vũ trang. Trên toàn cầu, các nhà độc tài không có nguồn thu từ dầu chi khoảng 2% GDP của đất nước cho quân đội của họ, trong khi ở đất nước của các nhà độc tài nhiều dầu mỏ, vốn đã có ngân sách lớn hơn nhiều, lại thường bỏ ra tới 3%. Ví dụ, đất nước ít dầu mỏ Tunisia đã từng chi 53USD trên một đầu người cho lực lượng vũ trang, trong khi ở nước láng giềng Algeria, đã chi tới 141 USD/đầu người cho lực lượng này và Algeria có ít cuộc biểu tình hơn nhiều so với Tunisia…

Việt Dũng
.
.