Nhớ về một ngày xa, rất xa…

Thứ Bảy, 17/10/2015, 12:27
Mưa phùn cứ kéo dài dầm dề ẩm ướt, tôi càng thấm thía nỗi cô đơn của tháng mưa ngâu ở Hà Nội! Tình cờ, tôi rút từ giá sách một cuốn đầy bụi bặm, trên bìa ghi là Ký ức Quân Tiên phong, của một nhóm cán bộ, chiến sĩ ở TP Hồ Chí Minh in năm 1999 gửi tặng anh Phạm Hồng Sơn, lúc anh chưa mất. Dưới có ký tên N.H.Phúc, “Cựu chủ nhiệm Fáo binh e36 - f308”.

Có thể, xa đất Bắc, họ đã gửi gắm hết niềm thương nhớ của họ vào một thời trai trẻ, vào những năm cùng sống trong một gia đình lớn: đó là Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời trong kháng chiến chống Pháp, giữa mùa xuân chuẩn bị tổng phản công (28/8/1949). Dẫu năm 1999, đều đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những kỷ niệm trong cuốn sách vẫn tươi rói như hoa mùa xuân. Thế mới biết, xuân không phải là sự trở lại của chu kỳ thời gian, mà nằm ở lòng người.

Dẫu trong cuốn sách có tới 25 người cùng cất tiếng nhưng ta vẫn nghe thấy một môtíp chung: Tình đồng đội trong cuộc trường chinh. Khởi đầu từ những ngày trước cách mạng, các câu chuyện tập trung vào chủ đề: Cuộc đồng hành đi tới Điện Biên Phủ. Nếu kể cả Phạm Hồng Sơn, người mà họ hay nhắc đến như một chỉ huy của Trung đoàn Bắc Bắc (sau là e36) rồi trở thành Sư trưởng f308 (Sư đoàn Quân Tiên phong) thì cuộc trường chinh đã khởi đầu từ những ngày Nam Bộ kháng chiến (tháng 9/1945) tới trận Cầu Lồ (sau Điện Biên Phủ) rồi tới cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi bỗng thấy sự thực trong sách còn hay hơn văn chương dẫu tôi chỉ gặt hái vài ba câu chuyện.

Người nhập ngũ trẻ nhất kể lại chuyện xưa, do tính tò mò hiếu động nên cậu bé chăn trâu đã ép được vị thủ trưởng đơn vị quân đội đóng ở pháo đài Xuân Tảo (Hà Nội) phải nhận cậu - vốn là liên lạc viên của Tự vệ xã - chưa đủ tuổi, vẫn trở thành Vệ quốc quân. Để rồi cuối cùng, trở thành chiến sĩ Quân Tiên phong và “sau này, khi chuyển bất kỳ đơn vị nào, dù ở cương vị nào, những kỷ niệm và truyền thống Quân Tiên phong vẫn không phai mờ trong tâm khảm tôi”… Cậu được vào Vệ quốc quân ấy là nhờ từ thời trước Cách mạng, lính Pháp đã đóng ở đồn Xuân Tảo. Cậu bé cứ nhòm ngó cái đồn Tây: ham của cấm vốn là bản tính của loài người. Lính Pháp lại thích chơi với trẻ. 

Bác Hồ đi thăm bộ đội Sư đoàn Quân Tiên phong và cùng nông dân chống hạn.

Nhưng tới thời lính Nhật, chúng dữ dằn, thấy người đến gần là lập tức “lắp lê, lên đạn rồi xi lô xi la một tràng dài”… Nhưng cậu bé lại bị thu hút bởi bầy ngựa chiến hùng dũng. Cậu lập mưu, quảy đôi thùng đi thẳng vào chỗ lính gác, bị chúng chĩa ngang súng ngăn lại. Cậu “nói bằng tay”, thế là chúng cho cậu vào lấy nước trong ao. Mắt cứ dán vào chuồng ngựa, mong được cưỡi ngựa, nhưng không dám chết! Cách mạng thành công, bọn Nhật chuẩn bị rút, cậu vẫn quanh quẩn ở đó và tình cờ thấy lính Nhật tháo hết tất cả phụ tùng ném xuống ao, chỉ còn trơ nòng pháo trên cái ụ đất…

Thay thế cho bọn Nhật là bọn Tàu đói khát, phù thũng được lùa sang Việt Nam, vì thế chúng chuyên cướp bóc thức ăn của dân làng, bắt chó làm thịt, rồi la hét, nhậu nhẹt vứt súng tứ tung, lăn ra ngủ khắp nhà, ngoài sân. Không thắng nổi sức cám dỗ, sau mấy lần nhòm ngó, cậu đánh bạo vào nhà, run lên vì sợ. Cứ thế, nhấc lên một khẩu súng  rồi lại đặt xuống, cuối cùng cậu cắp lấy 1 khẩu súng, băng đạn, len chân giữa cái đám ngổn ngang ấy, ra khỏi cửa, chạy hộc tốc đi vùi súng đạn vào đống rơm của 1 nhà giàu trong thôn. Thế là Đội Tự vệ xã chỉ có giáo mác, còn cậu liên lạc thì người ngắn mà súng lại dài, chưa biết bắn. Mỗi người lớn được mượn súng của chủ nhân nó giữ vài ngày. 

Rồi đến lượt Vệ quốc quân đóng ở pháo đài. Thấy anh chỉ huy Vệ quốc cứ ngơ ngác sục sạo tìm kiếm, cậu nói với anh em là đã biết tỏng anh tìm gì. Anh càng ngạc nhiên vì cậu nói còn biết chỗ bọn Nhật giấu các thứ đó. Nhưng cậu không chịu chỉ chỗ cho anh. Trước đó, anh đã không nhận cậu vào đơn vị vì thiếu cả tuổi lẫn sức vóc… Chú đặt điều kiện chắc lép: chỉ khi cầm trong tay giấy ký nhận cho cậu nhập ngũ thì cậu mới chỉ chỗ Nhật giấu phụ kiện mà tình cờ cậu nhìn trộm thấy. Cực chẳng đã anh chỉ huy phải thi hành lệnh của cậu! Pháo đài mà không có súng thì chỉ còn là ụ đất. (Quả nhiên, ngày nay, thời bình, chỉ còn có dốc Xuân Tảo ở ven đường Bưởi).

Câu chuyện của họ không chỉ là những chiến công mà tiêu điểm rực sáng là con người. Có một kỷ niệm đặc biệt, đó là Bác Hồ đến thăm Trung đoàn Bắc Bắc. Kèn đồng thổi vang từ 5 giờ sáng, mọi người bật dậy… Đội hình chuẩn bị đứng ở cửa trước. Bác hẹn 10 giờ, Bác luôn đến đúng giờ. Vậy mà đã quá nửa tiếng. Bỗng đồng chí Rùa thủ kho từ cổng hậu chúi đầu chạy tới, rồi vị chỉ huy hộc tốc chạy ra cổng sau: Bác đang quan sát, ở đó không có ai, cửa mở toang. Mắt Bác thoáng nét cười: “Chỉ huy phòng thủ thế nào, “quân địch” vào giữa doanh trại mới biết?”. 

Chỉ huy vừa bị “đánh tập hậu” lúng túng mời Bác về Tiểu đoàn bộ ăn trái cây, uống nước. Nhưng Bác lại muốn đi xem nhà vệ sinh! Tiểu đoàn phó Thanh Cao quyết tâm rước Bác cho bằng được, dẫn đầu đoàn quân hùng dũng vòng ra sân sau tới nhà vệ sinh. Cờ đỏ bay phần phật, cùi trống đánh ình ình vào trống, vào đùi theo nhịp bước, bỗng cái kèn đồng rơi xuống đất. Cả hàng quân nhốn nháo khiến Bác quay lại hỏi: “Các chú kia chạy đi đâu?”.

Hài lòng về nhà vệ sinh, Bác vẫn không chịu đi theo đám rước. Bác muốn xem nhà bếp! Bác khen nhà bếp, nhà ăn sạch sẽ, nhưng sao bàn ăn lại ghép bằng cánh cửa? Tiểu đoàn trưởng thưa rằng trước khi rút đi bọn lính Tàu đã phá phách, chẻ cửa làm củi đun, tất cả doanh trại đều ô uế, tan hoang. Bác quan sát thức ăn: cái bát con đựng nước cá kho để chấm, đĩa nhỏ đựng cá, nửa tàu lá chuối đựng đầy rau muống luộc. Bác khen cá rất thơm vì có khế, chuối xanh, kho rất khéo, rồi hỏi cá lấy ở đâu ra, các chú bỏ nước rau đi à, mỗi chú ăn mấy bát cơm? Vị chỉ huy thưa: Ra đồng tát cá với dân, dân vừa bán vừa cho nên cũng rẻ, không có bát to nên nước rau để ở nồi, mỗi người được 3 bát cơm nhưng cũng no vì ăn nhiều rau muống…

Còn đây là thủ kho Thùng Văn Rùa. Bác hỏi: “Họ chi lạ vậy?”. Họ Nguyễn nhưng ăn “thùng bất chi thình” nên anh đã được anh em đổi họ. Bác xoa cái bụng tròn căng và khen: “Chú Rùa này tốt bụng với anh em lắm đây”. Bác còn phong anh là “Tướng Thùng Văn Rùa chống giặc đói” (3 khẩu hiệu Bác đề ra vào giữa năm 1946 là: Diệt giặc đói – Diệt giặc dốt – Diệt giặc ngoại xâm). Bác đề nghị lãnh đạo tỉnh ủy đi kèm: mua cho anh em đĩa đựng rau, chậu đựng nước rau và những cái môi để múc canh. Sau đó Bác bảo cho Bác ra gặp bộ đội. Hồi ức ghi lại: “Thấy Bác đi lại đoàn quân cứ rùng rùng như rừng cây gặp gió. 

Sau một tiếng hô nghiêm vang dậy, anh Thanh Cao quay người sang trái theo một góc vuông, đập mạnh hai gót giày, co mạnh hai cánh tay lên, bước dài về phía Bác rồi đứng lại, trong một tư thế thật là đẹp, đưa tay lên chào và báo cáo với Bác. Bác đi lại bắt tay anh. Toàn đơn vị im phăng phắc. Sao thế nhỉ? Trống không đánh? Kèn không thổi? Tay không vỗ? Khẩu hiệu không hô? Mọi người quá hồi hộp quên tất cả điều đã dặn, cứ nín thở đứng nhìn như dán vào Bác. Bỗng giữa hàng quân một tiếng hô như vỡ ra: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.  Tức thì như nước vỡ bờ, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”  từng đợt dội lên lẫn trong tiếng vỗ tay dồn dập vang dậy cả khu doanh trại… Bác phải trèo lên bục cao để những người đứng sau nhìn rõ Bác, rồi lại đi xuống, lại gần phía hàng quân, nói chuyện với họ, “giọng trầm trầm, sao mà ấm áp, vang động vào mỗi con tim”.

Bác nói rằng Bác đã biết anh em làm giỏi công tác tiễu phỉ, sát sao với dân để tuyên truyền và giúp dân lao động sản xuất, xóa nạn mù chữ, chăm chỉ học tập, kỷ luật nghiêm, các “hỏa đầu quân” nấu ăn ngon, bếp núc nhà ăn, nhà vệ sinh, doanh trại sạch sẽ. Thế nhưng chợt nhớ ra, Bác bảo hai vị chỉ huy: còn đống rác to sau sân kho sao không cho đốt? Vừa sạch sân, chống muỗi, lại có tro bón rau, gốc chuối… Chỉ huy phó thúc vào sườn chỉ huy trưởng, rên lên: Cái lão Rùa! Đã bảo đốt lại quên… Bác về rồi, ông phó nói với ông trưởng: “Hay thật! Kế hoạch của chúng mình bị đảo lộn hết!...”.

Tập Hồi ức chốt những mốc lớn trên đường trường chinh: trận Bắc Kạn năm 48, trận Khe Sanh và Đường 9 Nam Lào…, chiến thắng ở trận Nghĩa Lộ mở đầu cho CZ Tây Bắc với cuộc hành quân “Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa! Suối sâu đèo cao…”, nó được coi là một CZ gian khổ nhất, chỉ kém CZ Điện Biên Phủ. Nhưng cảm động nhất là những lời thương tiếc đồng đội đã hi sinh. Tôi gặp lại những liệt sĩ mà anh Hồng Sơn cũng đã kể lại cho tôi: hai chàng lãng tử Tường Kính, Phương Mèo nổi tiếng tài hoa mà dũng cảm…

Sau đó, trên đường hành quân 300km lên Tây Bắc trung đoàn 36 do anh Hồng Sơn chỉ huy đã tách riêng khỏi lộ trình của 2 trung đoàn đã cùng hợp đồng tác chiến. F36 vòng sang đánh trận Chân Mộng - Trạm Thản. Tuy nhiên, số phận của 1 đồng đội trong cuốn Nửa đời chiến trận của P.H.Sơn được ghi lại tỉ mỉ hơn. Lê Văn Hiến thuộc e36, nên đã được phổ biến không được để lại vết chân trên các ruộng lầy. Nhưng do vết chân của một đơn vị khác, nên Hiến đã bị địch bắt, tra tấn đến ngất lịm trong khi đi trước để dò đường. “Chỉ cần anh khai là  “chiến sĩ của trung đoàn đang phục kích ở hai bên đường là trận đánh sẽ vô cùng phức tạp”…

Rồi trên đường địch rút chạy, chiếc xe tăng cuối cùng bị Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã ném lựu đạn vào trong xe. Nhưng khi tiêu diệt được xe tăng, “Sơn Mã bị trúng đạn vào đầu, chết ngay (…) Sơn Mã lúc ấy tuổi mới đôi mươi, cùng anh ruột là Dũng Mã, cả hai đều là học sinh, sinh viên rời trường học đi chiến đấu (…) cao lớn, đẹp”. Quả là vào thời bình, khi tôi và anh Hồng Sơn gặp Dũng Mã ở Nha Trang, anh đã trên bảy mươi và có một vệt sẹo dài trên má. Tôi đã bảo chồng tôi, rằng anh Dũng Mã đẹp như diễn viên đóng vai Ruồi Trâu trong một bộ phim rất nổi tiếng… 

Hồi ức của Quân Tiên phong còn kể lại trận đánh Hòa Bình. E36 là đơn vị được ưu tiên có pháo cao xạ. Lần thử lửa đầu tiên, pháo cao xạ ra đánh chặn đoàn tàu chiến và ca nô, sau khi nó đã bị tổn thất bởi lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn. Dẫu thắng lợi, trên đường thu quân “… chúng tôi chọn những bông hoa ban đẹp nhất đặt lên 5 nấm mồ đồng đội còn ấm hơi đất của xứ Mường”… Những liệt sĩ đã chết trong cuộc đối đầu không cân sức: sơn pháo 75 ly của ta đấu với hỏa lực lựu pháo 105 ly của địch.

Đó chỉ là tưởng niệm ghi lại trong cuốn Hồi ức, về một vài trận trong cuộc trường chinh dài dằng dặc. Nhà thơ Quang Dũng cũng từng “Tây Tiến”… nơi đâu cũng có “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”…

Đặng Anh Đào
.
.