100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015)

Nhớ tác giả “những việc cần làm ngay”

Thứ Hai, 22/06/2015, 11:45
Quãng những năm 1987-1990, trên Báo Nhân Dân thường có bài xã luận của tác giả ký tên N.V.L., nội dung chủ yếu tập trung vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉ ra các thói hư, tật xấu cần uốn nắn, chỉnh đốn đối với cán bộ, đảng viên. Bằng lối viết súc tích, sắc bén mà dễ hiểu, tác giả N.V.L. viết báo với quan điểm: “Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”. 

N.V.L. chính là tên viết tắt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi đó người ta quen gọi là tác giả của “Những việc cần làm ngay”.

Báo Nhân Dân ra ngày 25/5/1987, trên trang nhất đăng bài viết với hàng tít đậm Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L. Bài viết ngắn gọn, chưa đến 400 chữ nhưng đã đi thẳng vào vấn đề nóng khi đó là “giá cả tăng vọt” (được gọi là giá - lương - tiền). Bài báo chỉ ra những nguyên nhân của hiện tượng này và đề nghị các cơ quan tuyên truyền cần phản ánh, chỉ đích danh những cá nhân, cơ quan, tổ chức làm việc trái với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VI), lên án bọn phá hoại và không loan truyền tin độc hại của chúng. Ngay lập tức, Những việc cần làm ngay đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trở thành một chuyên mục lớn trên Báo Nhân Dân.

Nhưng thời gian đầu người đọc không biết tác giả N.V.L. là ai. Thời bấy giờ, tư duy “đóng khung” còn nặng nề, tác giả nào lại có cách viết sắc sảo, thẳng thắn và cách tiếp cận có tính đột phá đến như vậy? Có người luận nghĩa rằng: N.V.L. là “nói và làm”, cũng có người cho rằng các bài viết của N.V.L. giàu tính chiến đấu chống tiêu cực thì đoán là “nhảy vào lửa”… Đến khi biết N.V.L. là đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư của Đảng thì người dân rất phấn chấn và càng thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng mộ. Bút danh N.V.L. từ đó trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước lúc bấy giờ.

Nhà báo Hữu Thọ kể về tác giả N.V.L. với Những việc cần làm ngay như sau: “Tôi nhớ như in hôm đó là 24/5/1987, vào khoảng 5 giờ chiều, những người làm theo giờ hành chính đã về, tòa soạn chỉ còn tôi và ban thư ký trực thì đồng chí thường trực ở cổng 71, Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi gửi ban biên tập. Trong phong bì có thư đề gửi Ban Biên tập Báo Nhân Dân và một bài báo viết bằng tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo và dặn: “Nếu các đồng chí thấy được thì đăng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu.

Bài báo có đầu đề Những việc cần làm ngay ký tên N.V.L. Ban Biên tập đã quyết định đăng ngay trong số báo ra ngày hôm sau trên trang nhất, đóng khung và đó cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân. Bài đầu tiên của “Những việc cần làm ngay” đã thể hiện quan điểm của tác giả là chống tiêu cực. Thời điểm đó, bài báo nhấn mạnh cần chống lại tư tưởng cục bộ, không vì lợi ích quốc gia, nếu giải quyết được việc này sẽ chống được thực tế đầu tư dàn trải.

Hai ngày sau, ngày 26/5/1987, bài báo thứ hai của tác giả N.V.L. nói về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời điểm đó, nhiều đơn thư tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm nên tác giả N.V.L. đã dùng khái niệm “im lặng đáng sợ” để chỉ nói về sự vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân của một số cán bộ, đảng viên.

Ngày 21/6/1987, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tác giả Những việc cần làm ngay có bài viết trên Báo Nhân Dân, nói về những vấn đề đang đặt ra với báo chí trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Tác giả khẳng định vai trò quan trọng của nhà báo và báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo phải yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi, ghét kẻ làm xấu, làm sai để lên án. Tác giả N.V.L. chỉ rõ, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tờ báo không chỉ là tiếng nói của Đảng, Chính phủ mà là kênh thông tin hữu hiệu đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân, là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân bày tỏ ý kiến của mình với Đảng và Nhà nước. Văn phong nên sinh động, tránh khô khan và luôn nhớ lời Bác Hồ dặn: “Viết cho người ta dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm”…

Những dòng chân tình đó của tác giả N.V.L. đã động viên báo chí tích cực đấu tranh giữ gìn kỷ cương phép nước, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội. Đây là môi trường quan trọng để công khai hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội nhằm chống tiêu cực thắng lợi, đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công.

Hai tháng kể từ khi chuyên mục “Những việc cần làm ngay” ra đời, khi nói về những bài báo của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 10/7/1987 rằng: “Có đồng chí khuyên tôi nên thôi vì “có bao nhiêu việc cần làm, sao cứ phải hăng hái chống tiêu cực như vậy?”, nhưng tôi vẫn cương quyết”.

Tác giả cho biết về hiệu ứng của Những việc cần làm ngay: Nhiều bộ trưởng, thứ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc liên quan đến ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công luận cao. Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp ủy cùng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù che chở. Cấp ủy, ủy ban và đoàn thể đều xử lý nghiêm cả về mặt Đảng và đem truy tố trước pháp luật. Báo, đài đã phản ánh nhiệt tình, góp thêm những tiếng nói lành mạnh, nhắc nhở mọi người: cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thực sự có chỗ đứng, giống như nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy...

Kể từ đó, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân xuất hiện đều đặn và điều này cũng trở thành phong trào trong toàn xã hội. “Từ chuyên mục này, phong trào này, rất nhiều việc tồn đọng, gây bức xúc đã được giải quyết. Đó là những ngày rất sôi nổi với các nhà báo và toàn xã hội” - nhà báo Hữu Thọ nhớ lại.

Trong các bài viết, tác giả N.V.L. đã phê phán những hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên; phản ánh hiện tượng lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu... của một số cán bộ có chức, quyền mà thời đó ít người dám nói tới; phê phán việc “ngăn sông, cấm chợ”, cơ chế quản lý bất hợp lý, tập trung quan liêu, bao cấp, làm theo kế hoạch, ăn theo chỉ tiêu, gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông…

Ngày đó, sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới. Bối cảnh đất nước hết sức khó khăn, nền kinh tế khủng hoảng, lạm phát phi mã, tình trạng đói nghèo trong nhân dân chiếm tỷ lệ cao, khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tư duy lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên cũng như trong nhân dân vẫn nặng nề, quan điểm phát triển vẫn bó hẹp trong khung cũ, nếu ai “vượt rào” dễ bị nghi ngại.

Với trọng trách Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận thấy thực tế ấy đang là rào cản của công cuộc đổi mới. Để củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, với sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra “những việc cần làm ngay” nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

Với sức mạnh của báo chí, trước hết là Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước ta, đồng chí đã công khai trước công luận về “Những việc cần làm ngay” với hàng loạt bài báo từ số đầu tiên 25/5/1987 đến số cuối cùng 29/9/1990. Sau gần ba năm rưỡi, hàng loạt bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đăng trên Báo Nhân Dân đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội.

Các bài viết trong chuyên mục không chỉ kịp thời nêu lên những nhân tố tích cực, các điển hình tiên tiến, mô hình mới mà quan trọng là khơi mào cho một cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực xã hội, chuyển nhận thức xã hội từ thói quen đánh bóng, tô hồng, sang chỉ ra sự thật, hạn chế. Đó cũng là cách chuyển từ khen một chiều sang vừa biểu dương cái tốt, vừa phê phán kịp thời các biểu hiện tiêu cực, yếu kém để thiết lập một trật tự xã hội công bằng, giữ nghiêm kỷ cương, tạo ra động lực phát triển kinh tế. Trong mặt trận chống tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thể hiện rõ quan điểm: “Muốn lúa tốt, cùng với việc chăm sóc, ta phải tích cực nhổ cỏ, nếu để cỏ dại phát triển, ta sẽ chỉ thu được những hạt lúa lép mà thôi”.

Tác giả Những việc cần làm ngay đã đi xa nhưng đến nay, đọc lại, ngẫm lại các bài báo đó vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa định hướng, soi đường mặt trận truyền thông trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày nay.

An Nhi
.
.