Nhớ lại Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Thứ Sáu, 06/04/2007, 10:45

Trong lời phát biểu tại buổi lễ ra mắt ứng cử viên Quốc hội, tổ chức lại Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách Khoa) ngày 5/1/1946, Bác Hồ cũng nhấn mạnh: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu...".

"Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước...

Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi con người nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".

Đó là trích đoạn từ "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 5/1/1946, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay từ "Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy, Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên", Bác Hồ đã đăm chiêu ấp ủ những dự tính về một cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, nơi có thể vang lên trung thực nhất, đúng đắn nhất, mạnh mẽ nhất những tiếng nói thực sự đại diện cho toàn dân tộc. Theo Bác, "Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết" (trích từ bài viết "Ý nghĩa Tổng tuyển cử", Báo Cứu Quốc, ngày 31/12/1945).

Lợi chung mới có lợi riêng

Tiêu chí cao nhất đối với người đại biểu nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là "phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng" (trích từ "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu" ngày 5/1/1946).

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946).

Là một nhà hoạt động cách mạng thực tiễn, Bác Hồ luôn có cái nhìn đúng đắn và đúng mức về phẩm chất của người làm chính trị, làm việc nước, của những ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Nhưng không phải vì thế mà Bác lại xem nhẹ yếu tố đạo đức tinh thần trong phẩm hạnh của những người "công bộc" của nhân dân, dù đang ở trong Chính phủ lâm thời hay sẽ trở thành đại biểu đại diện cho quyền lợi của nhân dân.

Ngay từ ngày 6/10/1945, khi nói về nội trị, ngoại giao với đại diện báo chí ở Hà Nội, Bác đã nhận xét: "Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình. Nhưng anh em... hiện nay, như quốc dân đã biết, không ai mong danh hay chuộng lợi. Muốn cho Danh chính, Lợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có Danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được Lợi với thế giới...".

Trong lời phát biểu tại buổi lễ ra mắt ứng cử viên Quốc hội, tổ chức lại Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách Khoa) ngày 5/1/1946, Bác Hồ cũng nhấn mạnh: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu...". Thật giản dị và rõ ràng!

Đoàn kết toàn dân

Chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. 5 ngày sau đã có sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, trong đó ghi rõ: "Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên".

Mặc dù công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài, thù trong, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, việc Chính phủ lâm thời vẫn ban hành một loạt sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt.

Và Quốc hội đầu tiên của chế độ Dân chủ  - Cộng hòa đã được lập nên với 403 đại biểu, trong đó có 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử. Thành phần xã hội trong Quốc hội khoá I gồm 61% là trí thức; 0,6% là kỹ nghệ gia; 0,5% là những nhà buôn. Thợ thuyền chiếm 0,6% và nông dân chiếm 22% thành phần Quốc hội khóa I. Về độ tuổi, đa số các đại biểu Quốc hội khóa I nằm trong khoảng từ 26 tới 40 tuổi (70). Có 0,7% số đại biểu ở trong độ tuổi từ 18 tới 25. 18% từ 41 đến 50 tuổi. Từ 50 tuổi đến 70 tuổi có 0,5% số đại biểu...--PageBreak--

Có thể nhận thấy, phần nhiều các gương mặt tinh hoa của dân tộc ta ngày ấy đều đã có mặt trong Quốc hội khóa I. Hầu như tất cả các lực lượng xã hội, các dân tộc, các giới đều có đại biểu trong Quốc hội khoá I. Với thành phần đa dạng, phong phú và phần nhiều ưu tú như thế, các đại biểu trong Quốc hội khoá I, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong "Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I" ngày 2-3-1946, "không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối".

Quốc hội khóa I đã là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước hoạt động trong những điều kiện rất mới mẻ và nhiều biến động nhất so với tất cả các khoá tiếp theo. Được thành lập ngày 6/1/1946, phải tới tháng 5/1960, Quốc hội khoá I mới chấm dứt hoạt động. Trong thời gian này, chỉ tính riêng về mặt lập pháp, Quốc hội khóa I đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ to lớn, xây dựng nên Hiến pháp và thông qua hàng loạt những bộ luật quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho một Nhà nước hợp pháp, dân chủ, thực sự của dân, do dân và vì dân.

Cơ cấu và hoạt động của Quốc hội khóa I đã thực sự thể hiện được tinh thần xuyên suốt mà Bác Hồ đã có lần đúc kết trong bài trả lời các nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946: "Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức... Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng Dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả các quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài...".

Rõ ràng là Bác Hồ đã không một giây phút nào quên nhấn mạnh tới yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần tạo nên mọi thắng lợi của dân tộc ta, đất nước ta trên con đường làm cách mạng để trở nên hùng cường và dân chủ: sự đoàn kết mạnh mẽ của "toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam" (trích "Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I") trên cơ sở những lợi quyền căn bản nhất của đất nước. Quốc hội của chúng ta đại diện đầy đủ cho quyền lợi của tất cả các tầng lớp nhân dân. Chính phủ của chúng ta cũng là khối "muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung".

Trí tuệ và phẩm giá

Không phải tất cả các ứng cử viên xứng đáng đều có thể trở thành đại biểu Quốc hội vì, "người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử" (trích "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu"). Nhưng lý tưởng nhất là tất cả những người được bầu phải thực sự đại diện cho trí tuệ và phẩm giá của nhân dân. Đó là mục tiêu bất di bất dịch trong tất cả các cuộc bầu cử Quốc hội của chúng ta.

Đội ngũ văn thân trí thức được đặc biệt coi trọng ngay từ Quốc hội khóa I. Ngay trong Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội khoá I đã có những tên tuổi trí thức còn sáng giá cho tới ngày hôm nay như Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Minh Giám,  Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Huỳnh Tấn Phát...

Có một Quốc hội khoá I hợp lý và tinh hoa, chúng ta đã có được một thành phần Chính phủ hợp lý và tinh hoa, đủ sức đảm đương việc nước trong những tình huống tưởng như vận mệnh quốc gia nghìn cân treo sợi tóc. Đúng như nhận định trên website chính thức của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã thực sự mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam, khi đất nước có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân toàn quốc đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại.

Điều này cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người Cộng sản, vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan âm mưu đen tối của các thế lực phản động âm mưu tiêu diệt cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực tế lịch sử cho thấy, chỉ trên cơ sở đó mới có thể gây dựng được khối đoàn kết toàn dân một cách vững bền, lâu dài và giàu triển vọng phát triển

Huỳnh Công
.
.