Nhiều "yếu nhân" quyết định số phận cuộc đàm phán

Thứ Năm, 14/05/2015, 05:14
Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) mới đây đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran sau thời gian dài đàm phán liên tục.

Theo đó, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ được dỡ bỏ nhưng chưa biết thời gian cụ thể - vấn đề phức tạp vốn được cho là khiến cuộc đàm phán không ít lần mắc kẹt. Iran muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt này ngay lập tức trong khi Mỹ muốn duy trì chúng cho tới khi Iran thực hiện thỏa thuận. Thời gian cụ thể sẽ được xác định rõ khi giới chức đàm phán tiến hành đi đến thỏa thuận cuối cùng, mà hạn chót là ngày 30-6 tới.

Hiện nay, các bất đồng đã được thu hẹp đáng kể và thế giới đang ở thời điểm mà phía Iran cần phải đưa ra quyết định. Nói cách khác, sẽ không có thêm lần gia hạn đàm phán nào nữa, và số phận của các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran - vốn đã kéo dài 1 năm rưỡi nay - sẽ được quyết định trong những ngày tới.

Một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân đang nằm trong tầm tay, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn liệu cơ hội hiếm có nhằm giải quyết thách thức an ninh lớn hiện nay thông qua ngoại giao có được các bên tận dụng triệt để hay không. Việc thành bại của thỏa thuận này không chỉ phụ thuộc vào tài thương lượng của các nhà đàm phán, mà số phận của nó đang nằm trong tay giới chính khách đầy quyền lực - những “yếu nhân” của Iran, Mỹ, và Israel.

Cặp đôi “thù địch” Barack Obama - Bob Corker

Tổng thống Mỹ Barack Obama là một nhân vật có ảnh hưởng mang tính quyết định trong các cuộc thương lượng hạt nhân với Iran. Khác với những người tiền nhiệm, quan điểm của ông Obama về hồ sơ hạt nhân Iran có phần mềm dẻo hơn.

Mặc dù ông Obama đã rút khỏi các cuộc đàm phán với Iran vào các năm 2010 và 2011, rồi đưa ra một gói trừng phạt kinh tế khắt khe chống Tehran, nhưng cuối cùng chính ông và bộ máy tại Nhà Trắng nỗ lực rất nhiều để thuyết phục Tehran quay trở lại bàn đàm phán.

Bob Corker.

Với hồ sơ hạt nhân Iran, ông Obama luôn nghiêng về một lựa chọn ngoại giao thay vì dùng sức mạnh quân sự. Vị tổng thống da màu này rất cứng rắn đối với những giải pháp quân sự, ngay cả với đồng minh số một tại Trung Đông là Israel. 

Nhưng ngay cả khi P5+1 đạt được thỏa thuận với Iran vào thời hạn chót theo như kế hoạch, khó khăn vẫn chưa hết với Tổng thống Mỹ, nhất là sau khi có lời đe dọa của 47 nghị sĩ Cộng hòa rằng thỏa thuận với Iran trên sẽ chỉ “sống” được trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, tức là tới tháng 1/2017.

Quan trọng hơn, ông Obama sẽ phải đối mặt với một vật cản rất lớn ngay trên quê nhà nếu muốn thỏa thuận hạt nhân đạt được cái kết thành công như mong đợi. Đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker - nhân vật có tiếng nói trọng lượng nhất tại Quốc hội Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran.

Trên cương vị là chủ tịch một ủy ban then chốt của Thượng viện, giữ cho chính quyền Mỹ luôn cảnh giác về chính sách đối ngoại nói chung là điều mà Chủ tịch Corker luôn lưu tâm. Đặc biệt với hồ sơ hạt nhân của Iran, ông Corker đã đệ trình một dự luật theo đó yêu cầu Tổng thống Obama phải trình bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran ra trước Quốc hội để xem xét và bỏ phiếu thông qua.

Barack Obama.

Thực chất, đây là một cơ chế giúp Hạ viện và Thượng viện Mỹ nắm trong tay công cụ để kiểm soát việc ký kết thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Tehran. Ông Corker tuyên bố tăng cường vai trò của Quốc hội trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ là một ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên khi nhân vật này sẽ tìm mọi cách để ngăn cản một thỏa thuận mà ông cho là “tồi” với Iran.

Trước rất nhiều sự chỉ trích từ phe Cộng hòa cùng những cơ chế “quái gở” do Chủ tịch Bob Corker đề xuất, Tổng thống Barack Obama vẫn kiên quyết bảo vệ các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Do vậy, ngay khi thỏa thuận này được ký, ông Obama sẽ phải một lần nữa thuyết phục người dân Mỹ cùng những thành viên “thù địch” trong Quốc hội về cách thức đảm bảo Iran tuân thủ thỏa thuận này. Nếu thành công, đây sẽ là một dấu ấn quan trọng trong hai nhiệm kỳ dẫn dắt nước Mỹ của ông.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Nếu Tổng thống Barack Obama là nhà ngoại giao rất cởi mở trong việc tìm một lối thoát cho cuộc xung đột về vấn đề hạt nhân với Iran suốt hai thập kỷ qua thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại là người làm mọi điều có thể nhằm đảm bảo rằng năng lực hạt nhân của Tehran giới hạn ở mức tối thiểu.

Từ việc đưa ra những bức vẽ biếm họa trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tới những cáo buộc trước Quốc hội Mỹ, ông Benjamin Netanyahu chỉ muốn truyền đi một thông điệp: Tehran quá nguy hiểm và không thể lường trước ngay cả khi chỉ được vận hành một chương trình làm giàu uranium quy mô nhỏ. 

Sự xung đột giữa chính quyền ông Obama với chính phủ do ông Netanyahu đứng đầu liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran đã trở nên công khai kể từ khi nối lại đàm phán hạt nhân Iran. Các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ rất khó chịu với sự hiếu chiến và những bài diễn thuyết chỉ trích các cuộc thương lượng hạt nhân với Iran của ông Netanyahu trong nhiều tháng trở lại đây. Các phát ngôn và hành động của ông bị cho là một sự xúc phạm đối với Nhà Trắng và chúng làm mối quan hệ Obama - Netanyahu trở nên căng thẳng.

Benjamin Netanyahu.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng tuyên bố sẽ tiếp tục hành động và đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm phản đối việc vũ trang vũ khí hạt nhân cho Iran, và làm mọi cách để ngăn chặn một thỏa thuận tồi và nguy hiểm để xua tan đám mây đen phủ lên tương lai của Israel. Ông cho rằng nếu thỏa thuận cuối cùng được ký vào tháng 6 dựa theo thỏa thuận khung nói trên sẽ “đe dọa sự sống sót của Israel”, thậm chí cảnh báo tăng nguy cơ dẫn tới “một cuộc chiến tranh đáng sợ”.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Obama, ông Netanyahu tiếp tục thể hiện rõ sự phản đối kịch liệt đối với thỏa thuận khung khi kêu gọi “một thỏa thuận tốt hơn”. Theo đó, cách duy nhất để đạt được thỏa thuận này là “duy trì và tăng cường sức ép lên Iran”. Lời phát biểu này đã phản ánh rõ nhất lập trường của ông Netanyahu đối với Iran kể từ khi ông trở thành người đứng đầu Chính phủ Israel lần thứ hai năm 2009. 

Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei

Ali Khamenei là nhà hoạch định chính sách ngoại giao hàng đầu của Iran, có đủ quyết tâm phá vỡ thế bế tắc và khiến thỏa thuận hạt nhân nhiều khả năng sẽ được ký kết. Với vai trò là thủ lĩnh tối cao, ông Khamenei đang nắm giữ cương vị cao nhất trong hệ thống chính trị tại Nhà nước Hồi giáo Iran. Do vậy, những bình luận mà ông đưa ra đối với các cuộc đàm phán hiện nay là đặc biệt quan trọng vì nó thể hiện quan điểm của giới lãnh đạo Iran.

Tháng 7/2014, ông Khamenei tuyên bố Iran sẽ cần khoảng 190 nghìn máy ly tâm để phục vụ chương trình hạt nhân ở quy mô công nghiệp nhưng 7 tháng sau, ông nói với giới truyền thông Iran rằng sẽ “chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào” phục vụ cho lợi ích quốc gia Iran. Đó cũng là lúc các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc ghi nhận những tiến bộ đáng kể.

Ali Khamenei.

Trong bối cảnh hiện nay, Iran và nhóm P5+1 sẽ không thể ký được thỏa thuận lịch sử này mà không có sự đồng ý của ông Khamenei. Lịch sử các cuộc đàm phán trước đây đã chứng minh điều này. Tuy nhiên, lãnh tụ Ali Khamenei từng bày tỏ quan ngại về sự “dối trá” của phương tây trong các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra.

Đây là phản ứng của ông Khamenei trước việc 47 nghị sĩ Cộng hòa gửi thư cho Iran cảnh báo rằng thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở. Khi đó, lãnh tụ tối cao Iran tỏ ra khó chịu đối với Mỹ, miêu tả những ý kiến của giới chính khách Nhà Trắng là “ác quỷ”.

Là người có tiếng nói quyết định tại quốc gia Hồi giáo, ông Ali Khamenei thẳng thắn tuyên bố không quan tâm tới “những chuyện vặt vãnh của thiên hạ”, mà sẽ làm đúng những gì… cần thiết. Ông không ủng hộ, song cũng không phản đối thỏa thuận, nhưng sẵn sàng đứng lên để bày tỏ quan điểm và yêu cầu mọi tiến trình phải minh bạch, chi tiết.

Truyền thông miêu tả Ali Khamenei là một nhân vật có đủ sự tín nhiệm để giữ chân được Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong suốt những giai đoạn đàm phán nước rút trước khi thảo luận khung về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết. Ngoài ra, lãnh tụ Iran cũng rất chủ động xây dựng quan hệ với Mỹ, theo lối ôn hòa và tích cực, cố gắng tránh mọi vướng mắc hay bất đồng nhằm tạo chiều hướng thuận lợi nhất cho các cuộc đàm phán.

Có nguồn tin tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ nhiều năm qua đã gửi cho ông Ali Khamenei một loạt các mật thư đề cập tới những vấn đề mới, mang tính xây dựng hơn trong quan hệ giữa hai nước. Và ông Khamenei cùng trợ lý đã trả lời ít nhất một trong số những mật thư này. Tuy nhiên, viện lý do rằng đây là những tài liệu “mật” nên giới chức hai bên không tiết lộ những vấn đề cụ thể được đề cập tới…

Nam Hồng
.
.