Nhật Bản và “miếng bánh” Cuba

Thứ Bảy, 29/10/2016, 11:01
Cuba đang là một thị trường đầy hứa hẹn đối với các thế lực kinh tế thế giới. Và dĩ nhiên, Nhật Bản không thể đứng ngoài “trào lưu” chung trước sức hấp dẫn cực kì lớn của Cuba.

Cuba đang là một thị trường đầy hứa hẹn đối với các thế lực kinh tế thế giới. Những bước phát triển trong quan hệ Mỹ - Cuba cùng với chính sách cải cách, mở cửa kinh tế của Havana đã thu hút sự quan tâm lớn của các nước đối với quốc đảo này. Và dĩ nhiên, Nhật Bản không thể đứng ngoài “trào lưu” chung trước sức hấp dẫn cực kì lớn của Cuba.

Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm Havana được xem là tiền đề để Nhật Bản khai phá thị trường mới ở Cuba, tạo khởi đầu thuận lợi để Nhật Bản tiến sâu vào khu vực Mỹ Latinh nói chung.

Thủ tướng Abe cam kết Nhật Bản sẽ đóng góp vào sự phát triển của Cuba trong cả lĩnh vực công và tư. Ông hy vọng, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba sẽ giúp thúc đẩy đầu tư của đất nước “mặt trời mọc” tại quốc đảo này.

Tiềm năng kinh tế

Việc Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ hồi năm 2015 là động lực cho nhiều quốc gia mong muốn hợp tác với Havana, trong đó có Nhật Bản. Sau khi tham dự kỳ họp cấp cao lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm lịch sử đến Cuba với hứa hẹn mở ra một chương mới trong quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Tại Havana, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro, và hai bên tiến hành hội đàm về các lĩnh vực tiềm năng để phát triển quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba trong giai đoạn 1970 – 1985. Tuy nhiên, mối quan hệ này không còn được như vậy kể từ khi Liên Xô tan rã. Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt vỏn vẹn 53 triệu USD, trong khi hai bên có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh trao đổi thương mại lên gấp nhiều lần con số này.

Chính vì thế, Tokyo và Havana nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế song phương thông qua các khoản đầu tư của Nhật Bản. Tokyo tuyên bố xóa nợ 1,3 tỷ USD trong khoản nợ 1,75 tỷ USD của Havana, đồng thời công bố khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 12,9 triệu USD trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba (Mincex) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã kí thỏa thuận viện trợ các máy móc và thiết bị y tế trị giá 9,8 triệu USD của Nhật Bản cho các bệnh viện chủ chốt của Cuba. Mục tiêu của dự án là nhằm cung cấp cho Cuba các trang thiết bị cần thiết để số hoá lĩnh vực y tế cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ và công tác chẩn đoán – điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro và tiến hành hội đàm về các lĩnh vực tiềm năng để phát triển quan hệ song phương.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quan hệ giữa Tokyo và Havana đã thay đổi, vượt ra ngoài giới hạn của vấn đề nợ song phương. “Tôi chân thành hy vọng sự hiện diện của tôi ở đây sẽ là cơ hội để mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia”, ông Abe nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Abe còn bày tỏ mong muốn cải thiện môi trường đầu tư và giúp các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động sang Cuba. Bản thân các tập đoàn lớn của Nhật như Mitsubishi, Sumitomo và Marubeni cũng đang nỗ lực “tấn công” vào nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội phát triển này.

Tuy nhiên, chính quyền Abe cũng phải đối mặt nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường Cuba. Bởi lẽ, nhiều thế lực kinh tế thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu hay Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến tiềm năng to lớn ở quốc đảo từng một thời bị cô lập với thế giới này. So với Tokyo, Bắc Kinh có sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Cuba kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình ký hàng loạt thỏa thuận đầu tư trong chuyến thăm Cuba năm 2014.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng dần triển khai hoạt động kinh doanh tại Cuba trong các lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Ngoài ra, môi trường kinh doanh tại Cuba vẫn gặp nhiều cản trở, chẳng hạn như các doanh nghiệp nước ngoài phải tuyển dụng nhân sự thông qua các cơ quan chính phủ, hay Cuba luôn trong tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại hối.

Giải quyết khủng hoảng

Có thể thấy, việc Thủ tướng Shinzo Abe “tiếp cận” Cuba chỉ là một trong nhiều hoạt động của Tokyo nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ với chính quyền Havana. Bên cạnh mục đích kinh tế, ông Abe đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bởi Cuba là một trong số ít các nước duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Bản cũng nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác của Havana trong vấn đề Triều Tiên tiến hành thử tên lửa và hạt nhân, cũng như việc Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản làm con tin.

Cuba và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1960 và trong suốt những thập kỷ qua, hai bên vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Cuba thậm chí từng cố gắng chuyển vũ khí đến Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Tháng 5 vừa qua, đại diện cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên và Đảng Cộng sản Cuba đã nhóm họp để bàn thảo các biện pháp tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chịu nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, ông Abe nêu lên những vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay và kêu gọi Cuba hãy góp tiếng nói của mình.

Từ thực tế kể trên, Tokyo tin rằng Havana có vị thế và tiếng nói nhất định để có thể gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền Bình Nhưỡng. Trong những tháng gần đây, khi Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, Tokyo thực sự quan ngại trước những bước tiến nhanh và mạnh mẽ về công nghệ của Bình Nhưỡng.

Ông Abe đã đề cập tới sự cần thiết phải có phản ứng quốc tế mạnh mẽ và thống nhất liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Về phần mình, lãnh tụ Fidel Castro cho rằng, vấn đề “nhạy cảm” của Bình Nhưỡng nên được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại.

Nhiều chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể sớm hoàn thành việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, qua đó nâng cao khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Washington hay New York. Vì vậy, Nhật Bản đã cùng với Hàn Quốc và Mỹ đề xuất Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết mới nhằm trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn.

Trước khi tìm đến Cuba, Thủ tướng Abe đã tập trung đề cập đến chương trình hạt nhân Triều Tiên tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cũng như trong các cuộc gặp riêng với chính giới Mỹ, trong đó có ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ông Abe tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ở “đồng minh” Cuba.

Chạy đua giành chỗ

Tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ có vậy. Ông muốn thay đổi quan hệ song phương với Cuba để cạnh tranh với Trung Quốc ở một thị trường mà Bắc Kinh đã thiết lập được một chỗ đứng tương đối vững chắc và có quan hệ truyền thống tốt đẹp.

Nhật Bản đang chạy đua thúc đẩy quan hệ với Cuba nhằm “giữ phần” cho tương lai trong bối cảnh nước này bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng thời có dấu hiệu sẽ tiến hành cải cách nền kinh tế theo hướng cởi mở hơn.

Ngày ông Abe rời Cuba cũng là ngày Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt chân đến quốc đảo này. Hai chuyến thăm tưởng như chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thực sự nó đang cho thấy một cuộc đua mới giữa Bắc Kinh - Tokyo ở Havana.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, Trung Quốc có quan hệ kinh tế gần gũi và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba. Việc Nhật Bản xích lại gần Cuba có thể được xem như một nỗ lực để chống lại thế lực của Trung Quốc ở khu vực này.

Sự gần gũi về mặt thời gian giữa hai chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Lý Khắc Cường và người đồng cấp Shinzo Abe khiến người ta nhớ đến những cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Nam Á và châu Phi. Bắc Kinh và Tokyo đã cạnh tranh nhau trong việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia và Thái Lan. Trong khi đó, Hội nghị quốc tế Tokyo về sự phát triển của châu Phi được xem là nhắm đến Diễn đàn Trung Quốc về hợp tác Trung Quốc - châu Phi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không có vẻ gì là ông Abe cố tình thách thức lợi thế lâu dài của Trung Quốc, mặc dù ông Abe luôn coi Trung Quốc là một địch thủ. Thủ tướng Abe chủ yếu muốn xâm nhập thị trường mới bởi nhu cầu phát triển kinh tế nội địa của Nhật Bản và tìm cơ hội ở một vùng đất chưa được khai phá nhiều, chứ ông thừa hiểu rất khó thách thức lợi ích lâu dài của Trung Quốc tại đây.

Bên cạnh Nhật Bản, các nước châu Âu cũng có lợi ích trong việc mở rộng thị trường Mỹ Latinh, và Cuba được chọn là điểm khởi đầu. Những nước này không thể đứng ngoài chờ đợi và theo dõi Mỹ hay Trung Quốc phân chia lợi ích ở Mỹ Latinh. Chính vì vậy, chính quyền Shinzo Abe sẽ phải đối mặt với rất nhiều “đối trọng lớn” ở Cuba, chứ không riêng gì Trung Quốc. 

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Abe từng phát biểu: “Nhật Bản chỉ vừa bắt đầu nuôi dưỡng mối quan hệ với Cuba. Tôi chắc chắn rằng ở đây có nhiều cơ hội, song việc khai thác những tiềm năng này sẽ cần rất nhiều thời gian”…

Lê Nam
.
.