Nhân chứng thời khắc mở “kho” tư liệu quân báo Sài Gòn - Gia Định
- Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Đảng Khu ủy Sài Gòn – Gia Định
- Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc
- Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định
Thế rồi anh say sưa kể, chị Năm nhẹ nhàng đóng cửa phòng ra ngoài, còn tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào câu chuyện của anh...
Rung chuyển Trung tâm báo chí
Sau 1968, chỉ thị của cấp trên là phải gây được hàng loạt tiếng nổ trong nội đô Sài Gòn. Anh chị em quân báo và nhân mối liên tục báo cáo về kết quả trinh sát bước đầu những điểm dự kiến sẽ đánh để ban chỉ huy cân nhắc chọn lựa.
Một trong những điểm được chọn là “Trung tâm báo chí” của chế độ Sài Gòn nằm ở góc đường Lê Lợi - Tự Do (Đồng Khởi bây giờ). Một điểm đánh mà hiệu quả chính trị rất cao. Lúc đó anh Hai Sang phụ trách quân báo chịu trách nhiệm nghiên cứu rà soát lại điểm cần đánh. Cấp trên cử một nữ sinh trẻ tuổi, một chiến sĩ biệt động, chị Đoàn Thị Ánh Tuyết phụ trách đánh điểm này. Anh Hai Sang trực tiếp giới thiệu mục tiêu cho chị Ánh Tuyết...
Cuối cùng anh nhấn mạnh: “Đây là trọng điểm mà đánh được nó sẽ có tiếng vang rất lớn nhưng lại rất nguy hiểm. Làm việc tại đây toàn thứ dữ nên chế độ gác, xét, kiểm tra người ra vào rất gắt gao, đột nhập vào trong rất khó. Nhận đánh điểm này là chấp nhận 90% hy sinh. Vô đặt bom rồi là rất khó ra...”.
Đoàn Thị Ánh Tuyết nói liền: "Chú ạ, cháu chấp nhận sự hy sinh ấy...”. Sau đó là những ngày Ánh Tuyết tự điều nghiên tiếp cận mục tiêu để trình phương án cho cấp trên duyệt. Chị làm giấy tờ giả là nhà báo hằng ngày tiếp cận cụ thể mục tiêu: người cảnh sát gác cửa, quy luật đi lại hoạt động, tên và quan hệ những người làm việc bên trong...
Ông Hồ Duy Hùng. |
Đầu tiên, Ánh Tuyết tìm cách tiếp cận với người cảnh sát gác cửa. Dần dà chị làm quen được với anh ta và thỉnh thoảng gửi tặng những món quà, khi là cái cặp, là những tập học sinh... cho con anh với lời giải thích: “Đi làm việc cho báo được người ta biếu quà”... Cứ vậy, Ánh Tuyết đã vạch ra cách đánh cụ thể mà hết sức táo bạo, được cấp trên duyệt.
Giờ G hôm ấy, trong vai một nhà báo với một giỏ xách đựng hộp quà mừng đám cưới xinh xắn - 2 hộp Guigoz đựng chừng 4-5 kg thuốc nổ C4 (đánh trong nhà kín hiệu quả cao hơn TNT) - Ánh Tuyết dễ dàng lọt qua vọng gác để vào trong tòa nhà với lý do gặp cô bạn làm thư ký (quá trình điều nghiên Ánh Tuyết đã biết tên và biết mặt cô này) để nhờ mang quà cưới tặng một người bạn chung mà Ánh Tuyết bận không đi dự được.
Cô thong thả bước lên lầu 1 rồi vào phòng làm việc của cô thư ký. Trong phương án đánh có dự kiến 2 trường hợp: Nếu gặp cô thư ký - là điều hầu như chắc chắn - Ánh Tuyết sẽ gây nổ ngay và sự hy sinh là không tránh khỏi. Nếu không gặp - rất khó xảy ra - Ánh Tuyết để “gói quà” đã hẹn giờ nổ gần kề lại... Thật hi hữu khi Ánh Tuyết bước vào và được các đồng sự của cô thư ký ấy cho biết cô ta vừa đi đâu đó trong tòa nhà này.
Ánh Tuyết tự giới thiệu mình là bạn cô nọ, trưa nay sẽ cùng cô ta đi dự đám cưới một người bạn nhưng giờ chót lại có việc bận đành nhờ cô đem gói quà đến mừng giùm... Ánh Tuyết gửi lại “gói quà” trên bàn rồi thoát nhanh ra cửa - biết đâu chưa ra khỏi phòng thì cô thư ký kia trở lại!...
Một phút sau, từ “Trung tâm báo chí”, một tiếng nổ lớn phát ra làm rung chuyển cả khu vực... Đoàn Thị Ánh Tuyết đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Không biết chị Năm đã trở lại phòng từ hồi nào, đang ngồi chăm chú nhìn chồng, bên cạnh một đĩa khoai mì còn đang bốc khói. Ký ức trỗi dậy trong anh còn tươi nguyên, hai giọt nước mắt lăn xuống má, anh thầm thì: “Nó còn trẻ quá, và cho đến tận bây giờ một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: Nếu nó là con gái mình, mình có dám ra lệnh cho nó đánh không? Ôi! Con nhỏ thiệt lớn gan, đánh là cầm chắc hy sinh mà...!”.
* * *
Mấy tuần sau tôi lại đến “quấy” anh. “Sao! Chủ nhật chú không đi chơi à?”. Tôi vui vẻ: “Đến nhà anh nghe kho tư liệu quân báo Sài Gòn, Gia Định kể chuyện, được chị Năm cho uống trà quặu với khoai mì nóng hôi hổi thì đi đâu cho bằng!”.
Anh cười hiền: “Về hưu rồi, tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, chú phong cho cái danh hiệu lớn quá không kham nổi đâu! Mà thôi, muốn nghe chuyện thì cứ nói, đừng khích tôi...”. Rồi cứ thế, cũng như mọi lần, anh lại dắt tôi vào miền ký ức chiến đấu còn tươi nguyên nơi anh...
Người “săn” máy bay
...Sau Hiệp định Paris 1973, tôi đang là Phó Ban quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định kiêm Trưởng Ban quân báo Phân khu VI. Một hôm Ba Tú cán bộ trong ban cho biết bên Thành đoàn có một chiến sĩ quân báo cũ của ảnh là thiếu úy phi công VNCH...
Niềm ấp ủ bấy lâu lại lóe sáng trong đầu: Phải xin người này về đơn vị để lấy cho được một máy bay của địch, lợi ba bảy đường... Hồi đó, chủ trương chung của Miền là triệt để giảm biên chế ở cơ quan, tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu. Tình hình này là khó xin thêm người đây. Tôi tranh thủ báo cáo với các anh Tư Chu và Bảy Sơn ý định lấy anh phi công nọ về đơn vị mình, nhưng các anh đều lắc đầu... Tôi lại chạy lên trực tiếp xin anh Hai Phụng - Tư lệnh và cũng bị từ chối.
Thượng tá Đoàn Thị Ánh Tuyết. |
Tôi kiên trì “ca sáu câu”: nào là trận đánh vào căn cứ thiết giáp Gò Đậu vì chỉ có một nhân mối biết lái xe tăng địch nên thương vong nhiều mà chỉ lấy được một chiếc M41..., vạch ra viễn cảnh quân của anh có máy bay trong tay sẽ vác bom đi ném vào sào huyệt địch... Rồi: cả cơ quan chỉ thêm có mỗi một biên chế mà cũng là chiến đấu viên v.v...
Riết rồi anh cũng xuôi tai và tặc lưỡi: “Thôi xé rào cái đi... Cho cậu nhận đó”. Như mở cờ trong bụng, tôi cử ngay Ba Tú qua Thành đoàn. Anh Năm Nghị và chị Tư Liêm vui vẻ nhận lời nhưng kèm một điều kiện: đổi cho Thành đoàn một khẩu súng ngắn. Lúc đó để có dư một khẩu súng ngắn không phải dễ. Chả thế mà cả đơn vị tôi tìm không ra thêm một khẩu. Tôi lại lên xin anh Hai Phụng.
Lần này anh cương quyết: “Không được. Mới cho cậu một khẩu rồi. Súng để tập trung cho đơn vị chiến đấu. Cơ quan không có đâu”. Tôi vò đầu bứt tai năn nỉ hoài. Cuối cùng anh nói: “Cho phép cậu đưa khẩu K54 của cậu cho Thành đoàn. Tôi chứng nhận cậu không đánh mất vũ khí”. Thật là cũng chỉ còn cách ấy. Tôi đưa khẩu K54 của mình cho Ba Tú đi đổi lấy phi công Hồ Duy Hùng về...
Anh chỉ chỗ Hùng đang làm, tôi lập tức tìm đến công viên văn hóa Đầm Sen gặp anh Phó Giám đốc ấy. Thời điểm ấy là năm 1998, đã 48 tuổi nhưng Hồ Duy Hùng vẫn còn khá trẻ, tóc chưa hề có một sợi bạc, người mập đậm, hiền lành, nhỏ nhẹ như con gái...
Hùng quê Duy Xuyên (Quảng Nam) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1954, cha và anh cả ra Bắc tập kết. Ở lại, mẹ và các anh chị em đều tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1968, tổ chức cài Hùng vào học trường sĩ quan Thủ Đức.
Tháng 12-1969, anh được tuyển đi học lái máy bay ở Mỹ. Tháng 10-1970, Hùng trở về nước với quân hàm thiếu úy lái máy bay trực thăng ở Nha Trang. Và chỉ 5 tháng sau đó, anh bị địch bắt bởi lúc này các anh chị em đang hoạt động của anh cũng bị bắt, địch phối kiểm hồ sơ thấy có liên quan đến Hùng.
5 tháng ở an ninh quân đội, chúng đã lầm Hùng với người anh bị bắt lính đào ngũ nên trong đối chất và hồ sơ không khớp, vì vậy địch chỉ sa thải anh khỏi quân đội với tội danh khai man lý lịch, có dấu hiệu thân Cộng rồi chuyển anh qua nha cảnh sát điều tra. Ba tháng tiếp ở đây, cũng không khai thác và điều tra thêm được gì, địch buộc phải thả Hùng với điều kiện làm chỉ điểm cho chúng.
Ra tù, Hùng móc nối ngay được với một đơn vị quân báo của quân khu Sài Gòn - Gia Định, tiếp tục hoạt động. Năm 1972, trong “mùa hè đỏ lửa”, Hùng được anh Ba Tú giao nhiệm vụ đi lấy một máy bay của địch. Cả một năm trời đi đây đó hầu khắp các sân bay. Mỹ chưa rút, sân bay được bố phòng hết sức cẩn mật, không có cách nào tiếp cận nên Hùng không hoàn thành được nhiệm vụ lại chuyển về hoạt động trong nội đô...
Sau Hiệp định Paris 1973, địch ra sức lùng sục, khủng bố khắp nơi. Một tối nọ, nhạy cảm nghề nghiệp như mách bảo cho anh là mình bị lộ, Hùng đã rủ người bạn cùng tổ đi trốn, anh bạn chần chừ ở lại và đúng hôm sau thì bị bắt. Hùng chạy lên Đà Lạt, móc nối được với người chị (Sáu Loan) và em mình đang hoạt động trong Thành đoàn... Từ quân báo, anh trở thành cán bộ của Thành đoàn là như thế.
Trở lại quân báo, Hồ Duy Hùng được anh Hai Sang phân công một số việc, trong đó số một là: “Lấy cho được một chiếc máy bay của địch”. Đã có bài học thực tế từ thất bại lần trước, kết hợp kinh nghiệm của một chiến sĩ quân báo với chuyên môn lái máy bay trực thăng của mình, Hồ Duy Hùng đi điều nghiên nhiều sân bay: Tân Sơn Nhất, Chu Lai...
Rồi trong một lần lên Đà Lạt, anh phát hiện một chiếc HU1A đậu chờ tổ lái đi uống cà phê không người canh gác. Hồ Duy Hùng nhanh chóng nhảy lên buồng lái, kiểm tra một vài số liệu cần thiết rồi cho máy bay cất cánh theo kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng...
Ngày 7-11-1973, một chiếc HU1A bốc lên từ thành phố Đà Lạt sương mù, bay len lỏi trong dãy Trường Sơn để tránh hỏa lực của cả hai phía rồi bất ngờ hạ cánh xuống Dầu Tiếng (Tây Ninh) thuộc vùng giải phóng... Người lái với bộ đồ bay đang mặc trên người hớn hở bước xuống. Một người lính phản chiến? Không, anh là một chiến sĩ quân báo của quân khu Sài Gòn - Gia Định...
Từ Dầu Tiếng, chiếc HU1A lại được lệnh bay về Lộc Ninh theo một đường bay đã được thông báo để tránh bị bắn nhầm. Vậy mà anh em du kích dọc tuyến bay không được phổ biến, đã bắn cho “lủng đuôi”, buộc máy bay phải hạ cánh sau lưng Cục Chính trị Miền.
Sau đó chiếc trực thăng này được đưa ra Hà Nội cho Bộ Tư lệnh đặc công. Hồ Duy Hùng đi cùng máy bay và nhận nhiệm vụ thuyết minh tính năng tác dụng và huấn luyện sử dụng HU1A. Trong những người Hùng huấn luyện có ông Nguyễn Xuân Trường (sau này là Đại tá, trưởng đoàn bay dầu khí) và ông Trần Đình Khoa (sau này là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân).
Cuối 1974, Hồ Duy Hùng lại trở về miền Nam chiến đấu trong đơn vị quân báo cũ của anh. Anh lại tiếp tục nhận những nhiệm vụ góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, trong đó có việc chuẩn bị sân bay để đón phi công anh hùng Nguyễn Thành Trung sau khi dội bom xuống dinh Độc Lập bay ra vùng giải phóng Lộc Ninh (Sông Bé)...