Nhà văn vẽ người và tự họa

Thứ Năm, 03/04/2014, 15:10

“Liên hoan Tác gia quốc tế Toronto tháng 10 năm 1998, tôi gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh người Pháp Mathieu Bourgois. Anh đi lang thang qua mười ngày liên hoan, chụp ảnh các nhà văn tham dự. Anh sắp sửa xuất bản một tập sách ảnh các nhà văn. Tất cả những con người ấy, vốn tự mình sáng tạo ra cả một thế giới nhân vật, nhưng lần này chính họ lại trở thành nhân vật trong tay người khác. Cũng như vậy, tôi có bộ sưu tập những người đã trở thành nhân vật của tôi”. Bằng vài câu phi lộ như thế, nhà văn Hồ Anh Thái đã mở cửa triển lãm chân dung của mình. Đó là phần Một trong tập sách cùng tên: Họ trở thành nhân vật của tôi (Song Thủy Bookstore và NXB Hội Nhà văn, 2003. NXB Trẻ tái bản có bổ sung, 2012).

Còn triển lãm chân dung mang tên Miền lưu dấu văn nhân của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế (Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn, 2013) thì được bắt đầu bằng Lời tựa của tác giả Nico, trong đó có đoạn: “Miền lưu dấu văn nhân - Ba mươi nhân vật, ba mươi số phận công dân với cá tính trội. Người tóc bạc lẫy lừng, kẻ tuổi xanh chập chững. Người sách, tranh, tiền bạc ngang đầu, kẻ khó rớt. Người ngựa xe đón đưa mỗi bước, kẻ hoang khuất miền quê. Tất cả bình đẳng ngồi chung chiếu thời cuộc vì cùng mang thiên chức sáng tạo nghệ thuật trong mình”.

Từ “nhân vật” được nhắc tới ở hai đoạn văn trên, hẳn nhiên không thể hiểu xuôi theo cái nghĩa là sản phẩm có được từ năng lực hư cấu của người cầm bút, hoặc “con đẻ tinh thần của nhà văn” - như ta thường nói đến mức quen nhàm. Mà “nhân vật”, đó là những con người cụ thể, bằng xương bằng thịt, đã từng hoặc vẫn đang chiếm một không gian nhất định trong cuộc đời thực. Họ ăn ngủ, đi lại, nói năng, hoạt động…, không khác mọi người là mấy. Nhưng điều quan trọng là họ còn sống một thế giới nữa, thế giới mà những đường biên của nó được vạch ra bằng hành vi viết, và nhờ vậy họ được gọi là nhà văn. Những nhân vật của cuộc đời thực ấy và của thế giới viết ấy, khi đã lọt vào tầm ngắm của một con mắt khác và được/ bị hiện hình từ con mắt này, bằng sức mạnh của câu chữ, thì đó là lúc ta có các chân dung văn học. Một người có thể là tác giả của nhiều chân dung văn học. Đến thời điểm nào đó, khi thấy chín muồi các điều kiện, anh ta sẽ gom các chân dung văn học mình đã dựng vào trong một tập sách, như trường hợp Họ trở thành nhân vật của tôi của Hồ Anh Thái và Miền lưu dấu văn nhân của Nguyễn Tham Thiện Kế. Tôi vẫn cứ muốn gọi đó là các triển lãm chân dung.

Nhưng tại sao lại Họ trở thành nhân vật của tôiMiền lưu dấu văn nhân, chứ không phải những tập chân dung văn học khác, như Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách (Nguyễn Đăng Mạnh), hay Những kiếp hoa dạiCánh bướm và đóa hướng dương (Vương Trí Nhàn) - những cuốn sách mà chữ “chân dung” nếu không nằm ngay ở nhan đề thì cũng xuất hiện trong cái ngoặc đơn được tác giả mở ra để gọi tên thể loại? Sự khác biệt, trước hết, nằm ở chính điểm xuất phát - nghề nghiệp của người viết: Một bên là nhà phê bình; bên kia là nhà văn, người sáng tác. Nhà phê bình khi viết chân dung văn học, cho dẫu phải công nhận: “Văn chân dung rất gần với văn sáng tác. Nó là một thứ bút ký về người thật việc thật”, vẫn khó có thể viết với tâm thế của người sáng tác. Khi họ dựng chân dung một nhà văn nào đó, dù cố gắng chớp được bao nhiêu nét đời thường “tiêu biểu, xuất thần” của nhân vật, thì cũng cốt để làm rõ hơn, khẳng định thêm, hoặc phát hiện khác, về con người-văn của nhà văn như anh ta bộc lộ qua tác phẩm. Có lẽ với họ, chân dung văn học là phê bình văn học theo một cách khác. Còn với người sáng tác, điều mà họ đặc biệt chú ý khi viết chân dung văn học, là sự “nổi khối” con người-đời ở nhân vật của mình - trong “đời”, tất nhiên không thể không có “văn” - và quan trọng hơn, họ viết với mối đồng cảm của những kẻ “cùng một lứa bên trời lận đận”, viết với tâm thế soi gương để nhận thấy phần nào bản lai diện mục của mình trong đó. Chân dung văn học, do vậy, là cách người viết đồng hiện với nhân vật. Một tự trình hiện. Một sáng tác theo cách khác.

Minh họa: Hữu Khoa.

Đọc Họ trở thành nhân vật của tôi, dễ nhận thấy mối quan tâm chủ yếu của Hồ Anh Thái khi dựng các chân dung văn học là việc cố gắng tìm đáp án cho những câu hỏi: Họ có gì đáng chú ý khi nhập vai người sáng tạo văn chương (người làm nghề viết văn, nếu muốn nói một cách giản dị hơn)? Sự đáng chú ý ấy liệu có dẫn đến sự đáng chú ý nào trong những cái họ viết ra? Là thuận chiều người/ đời sao văn vậy, hay có nghịch chiều hoặc vênh lệch giữa những phẩm tính trội bật trong trang sách với con người của cuộc sống thường nhật? Để trả lời những câu hỏi này, thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên, Hồ Anh Thái đã huy động tối đa năng lực quan sát nhân vật ở khoảng cách gần, kết hợp các quãng trong tiểu sử nhân vật với những chi tiết mang tính “a-nếch-đốt” đắt giá, tạo dựng những tình huống đối thoại về nghề nghiệp giữa người viết và người được viết. Mỗi nhân vật hiện hình một chân dung không trộn lẫn. Có một Ma Văn Kháng: “Hầu như có thể ngồi ghi chép, phác thảo và viết ở những nơi tưởng như không thể viết được. Lúc nào cũng nhấp nhổm, bứt rứt, sôi sùng sục lên vì những điều chướng tai gai mắt xung quanh” (Ma Văn Kháng, Ngược dòng nước lũ); thì cũng có một Tô Hoài bình ổn điều độ, điềm đạm đến mức thản nhiên trước mọi tác động dù lớn dù nhỏ của hoàn cảnh, để viết: “Đừng có để mọi việc làm bận tâm, không viết được nữa. Chẳng đáng gì” (Chiều chiều với bác Tô Hoài). Có một Hòa Vang bừng bừng nhiệt huyết, viết là sống, nhập hồn nhập cuộc vào tác phẩm, viết cũng chính là “diễn”, là sẵn sàng cất giọng đọc vùng vẫy giằng giật cùng những nhân vật điên điên tỉnh tỉnh (Hòa Vang trong những “ngày đẹp trời”); thì cũng có một Lê Minh Khuê của đời thực: “Nhiều lúc như người bồng bềnh trong một cõi riêng, xa vắng và lơ đãng”, nhưng lại là tác giả của những trang văn xuôi tỉnh táo đến mức sắc lạnh, thậm chí dữ dội, khi mổ xẻ cái đời thực đẫm chất văn xuôi quanh mình (Lê Minh Khuê, người đàn bà “viễn thị”)…

Sự đa dạng của các chân dung trong tập sách này, nhìn về tổng thể, đối ứng với một đơn dạng: Hồ Anh Thái. Nhằm tìm ra sự thống nhất ở bề sâu giữa con người nhà văn khi anh ta viết và con người nhà văn như anh ta thể hiện qua trang viết, Hồ Anh Thái luôn thực hiện việc khảo sát, phân tích văn bản tác phẩm rất kỹ lưỡng, từ cấu trúc, văn phong, cho đến tận cách đặt dấu chấm, dấu phẩy. Qua đó, dù vẽ chân dung nhân vật nào, anh cũng cho thấy cùng lúc những đường nét chủ yếu tạc nên chân dung của chính mình: Sự dày dạn trường văn trận bút của một người sáng tác, sự lọc lõi cẩn trọng của một người biên tập, sự tinh nhạy chính xác của một nhà phê bình. Và nữa, sự nhiệt tình hiếm thấy của người tự nguyện gánh lấy một phần công việc tổ chức đời sống văn học đương thời.

Khi Hồ Anh Thái trở thành một nhân vật trong Miền lưu dấu văn nhân, ta gặp lại con người văn chương này dưới vài nét vẽ của Nguyễn Tham Thiện Kế, tương tự, nhưng thêm một phán đoán chắc nịch: “Đúng là trời đã hành nhà văn này bằng thói quan tâm đến tất cả những gì thuộc về văn chương. Tôi không dám chắc, nếu không trở thành nhà văn như hiện nay thì Hồ Anh Thái cũng chẳng biết làm nghề gì để có được sự đam mê hiện hữu”. (Hồ Anh Thái, người đứng sau cánh gà mang hoa đào trên phố).

“Trời hành” và “đam mê”, dường như đây cũng là hai yếu tố nền, làm nên thần thái, sức hấp dẫn chung của các nhân vật đối với Nguyễn Tham Thiện Kế. Bị “trời hành” và bị cuốn theo cơn lốc “đam mê”, nhân vật sống trọn vẹn chức phận tiền định của mình, chức phận nghệ sỹ, cái chức phận của con tằm kéo kén nhả ra tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí có thể nói, chưa cần đụng đến tác phẩm, bản thân “cái sống” của họ đã đủ là một tác phẩm, một bất thường giữa cuộc đời. Nguyễn Tham Thiện Kế dựng chân dung các nhân vật trong Miền lưu dấu văn nhân, trước hết và chủ yếu, từ việc “đọc” loại tác phẩm bất thường này. Tác phẩm bất thường đòi hỏi cách “đọc” cũng phải bất thường.

Điều đó lý giải tại sao nhà văn khước từ việc “kể nhân vật” theo lối bày ra một bản lý lịch trích ngang, tuần tự, với những điểm son thành tích và đôi ba kỷ niệm làm nhấp nháy nết tốt của nhân vật. Có khi, chỉ một cuộc gặp bất chợt, trong một khung cảnh hẹp, vài hành động, vài câu thoại, cũng đủ để Nguyễn Tham Thiện Kế phác họa được chân dung nhân vật ở những nét ấn tượng nhất. Đó là khi anh vẽ nhà thơ Hồng Thanh Quang trong một tiệc rượu bên bờ sông Thao loang ánh chiều (Hồng Thanh Quang, kẻ thành thật trong mỗi gương mặt), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trong một đối tửu Việt Trì đêm hun hút (Phạm Xuân Nguyên, Nguyên đầu bạc - kẻ ăn không đúng bữa), hay nhà văn Trần Hoài Dương trong một buổi mưa Sài Gòn bất chợt vỡ òa (Trần Hoài Dương, bông hoa nở giữa miền xanh thẳm). Cũng có khi, nhân vật được soi chiếu, hiện lên từ nhiều lớp cắt hồi ức, những lớp cắt chồng lấn lẫn nhau có vẻ như tùy hứng, nhưng lại mang đến sự đa sắc diện của một cuộc đời nghệ sỹ đa đoan. Không tự khuôn cái viết của mình vào một khung khổ duy nhất, các chân dung của Nguyễn Tham Thiện Kế dao động giữa hình thức truyện ngắn và hình thức bút ký, có trường hợp là trộn lẫn cả hai. Nhưng dù lựa chọn hình thức nào, thì xuyên suốt, vẫn là một bút pháp miêu tả ngoại hình và hành động nhân vật rất giàu chất tạo hình, giàu sức biểu cảm.

Đọc Miền lưu dấu văn nhân, khó mà quên được hình ảnh một Ngô Ngọc Bội đặc lão nông: “Ông lão uể oải mồi thuốc, nghiêng người lục trong đám túi hộp. Bật lửa chìa khóa va nhau lạch xạch. Bất ngờ rít khói như xe vải. Khói phun như rơm ướt hun chuột. Ông bỗng quều quào xoay xoay rồi ngã ệch ra đám sỏi đồi như vừa bị ai nện vào đầu. Mươi giây, ông chồm dậy ôm ngực ho sù sụ, vớ ngay chiếc ấm nhôm nước chè tươi, bập miệng tu ừng ực. Đã phờ phạc” (Ngô Ngọc Bội, áo cũ mặc giữa làng, áo sang mặc giữa nước). Trân trọng thương yêu giao hòa cùng sự giễu cợt thân tình kiểu bạn bè có thể bá vai bá cổ, thứ tình cảm tổng hợp ấy chính là cách để Nguyễn Tham Thiện Kế tiếp cận rồi phác họa chân dung các nhân vật, cũng là những người bạn của anh - dù đồng lứa hay vong niên, dù đồng hương hay dị xứ - những con người do “trời hành” và bằng “đam mê”, đã ghép mình để làm nên bức tranh văn nghệ Việt Nam đằng đẵng trên dưới nửa thế kỷ qua. Khiêm tốn nhưng đầy tự tin, đùa giễu lẩn vào chân thành đúng phong vị “thượng lưu Bạch Hạc”. Một nét phác chân dung tinh thần của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đấy chăng?

Nếu là vậy, ta có thể tin rằng: Khi bước chân vào các phòng triển lãm chân dung văn học như Họ trở thành nhân vật của tôi và Miền lưu dấu văn nhân, ngoài cơ số chân dung được bày ra để người xem thưởng ngoạn, ắt còn một chân dung nữa, ngầm ẩn và chi phối tất cả. Đó là chân dung tự họa của người viết

Hoài Nam
.
.