Nhà thơ Trần Huyền Trân: Cây nào có gió không thèm lay?

Thứ Hai, 18/04/2011, 16:13
Trần Huyền Trân là người cuối cùng lọt được vào Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Khe cửa hẹp, lại bị sập mạnh và…nhanh quá, khiến ông chỉ kịp mang theo chút hành lý cầm tay, còn những thứ ba lô lỉnh kỉnh đành phải bỏ lại bên ngoài. Là tôi có cảm giác vậy khi đọc bộ hợp tuyển Thi nhân Việt Nam, chương mục về Trần Huyền Trân.

Từng có lúc tôi băn khoăn tự hỏi: Đã đồng ý viết bài về Trần Huyền Trân - giả dụ là không thật hào hứng đi chăng nữa  - tại sao các tác giả của Thi nhân Việt Nam lại chỉ nhắc tới vài đoạn thơ của ông mà tuyệt nhiên không chọn lấy một bài nào (điều ngoại lệ trong cả tập hơn 40 tác giả). Có phải vì thơ Trần Huyền Trân chưa toàn bích?

Nhưng, ở phần "Nhỏ to" in cuối sách, các tác giả chẳng đã tâm sự, có những bài không thật hay, các ông vẫn chọn đấy thôi? Tác giả Hoài Việt, trong bài Đây một loài hoa khác hải đường viết về Trần Huyền Trân có lẽ cũng đã ngầm trách các tác giả của Thi nhân Việt Nam khi thả những dòng sau: "Vậy mà, thật bất công - như một nhà nghiên cứu nào đó đã nói - có người làm sách chỉ "vớt vát" cho ông được mấy chục dòng".

Thật ra, nếu nói Hoài Thanh - Hoài Chân "bất công" với Trần Huyền Trân thì theo tôi, sự "bất công" ấy thế hiện ở chỗ: Có những tác giả kém tài hơn so với Trần Huyền Trân (bằng chứng là tới nay, thơ họ không còn được ai nhắc tới nữa), vậy mà vẫn có một chỗ ngồi ngay ngắn trong Thi nhân Việt Nam, trong khi thế đứng của Trần Huyền Trân trong tập sách chỉ là… mon men, chầu rìa.

Song nhìn từ góc độ độc giả thì - cho đến tận hôm nay, dù thơ Trần Huyền Trân đã được in ấn bề thế hơn, với nhiều nhận xét đánh giá hoành tráng hơn, song không phải đã đi được vào công chúng rộng rãi. Tất nhiên, đây không phải lỗi của Trần Huyền Trân, cũng không vì thế mà chúng ta đánh giá thấp tài thơ của ông. Nhưng nó là sự thật, và sự thật ấy có cái lý của nó.

Trong phong trào Thơ Mới, Trần Huyền Trân không thuộc hàng "kiện tướng"  (như các tác giả Nguyễn Phan Cảnh - Phạm Thị Hòa vì quá yêu mến ông mà xếp  như thế), song so với các nhà thơ đứng hàng… sau, mình, Trần Huyền Trân riêng một lối, không giống ai. Mặc dù có những câu thơ rất mượt mà, như một bức tranh lụa, và sức khơi gợi cũng như độ hàm chứa không kém bất cứ một bài thơ 4 câu nào của thi ca Việt từ trước tới nay: "Mưa bay trắng lá rau tần/ Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa/ Có người về khép song thưa/ Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng" (bài Thu), cũng như có những câu lục bát nhuần nhuyễn, đăng đối tới độ mẫu mực: "Phải đây mùa nhớ thương nhau/ Chim ngoài ngọn gió, hoa đầu cành mưa"; "Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh" (bài Tương tư), song cái độc đáo, cái đóng góp cơ bản của Trần Huyền Trân vẫn là việc ông đưa được vào thơ cái khí chất ngang tàng, hào hiệp, cái trăn trở với những phận người "dưới đáy xã hội" của mình.

Đặc biệt, khi tình hình đất nước vào giai đoạn rối ren, bấn loạn, khi ảnh hưởng của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai lan rộng, nhiều tác giả Thơ Mới đã lảng tránh hiện thực - nói như Chế Lan Viên: "Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không/ Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy/ Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng", thì ở Trần Huyền Trân, những dấu ấn thời đại ấy đã in khá đậm trong thơ ông.

Thơ cũng như người, ngoài tài năng ra, nó còn có may rủi số phận. Tôi đọc thơ Trần Huyền Trân và ngạc nhiên là ông có những bài không chỉ đẹp về giai điệu mà còn sâu về ý tưởng. Đây là hai câu rất gợi, tác giả dùng để phác họa cái khoảnh khắc giao mùa:

Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm

Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau.

                                          (Bài Đôi mùa)

Còn đây, hai câu thể hiện cái khí phách của một người lính dẫu bị thương vẫn tự nhủ lòng, nếu có chết thì cũng phải chết trong tư thế… mở mắt để hình ảnh cuối cùng theo vào giấc thiên thu là hình ảnh của cuộc tử chiến:  

Một tối rùng mình lau máu rỏ
Cũng không khép mắt đóng sa trường.

                                               (Bài Lưu biệt)

Và đây, hai câu thơ nói cái hiện thực lầm than, cơ cực của những kiếp người đến một chỗ ngả lưng cũng không đủ chen chân - thiết tưởng không có cách diễn đạt nào ngắn gọn mà thấm thía hơn:

Giường ken chiếu nối xoay ngang dọc
Xương gối vào xương chẳng đủ nằm.

                                                (Bài Đời một nhà văn)

Càng đọc Trần Huyền Trân, tôi càng thấy ông kỹ về câu chữ, mà so với một số kiện tướng của phong trào Thơ Mới, chưa chắc ông đã kém cạnh ai (không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiếp xúc với Trần Huyền Trân, người nổi tiếng khó tính trong nghệ thuật như Nguyễn Đình Thi đã "không khỏi sợ sệt thầm"). Song điều ngạc nhiên hơn nữa là ngoài những câu thơ hay, cách cấu trúc câu của Trần Huyền Trân ở những thể thơ ổn định như lục bát, thất ngôn vẫn có nét tươi mới, để lại nhiều dư ba:

Tiễn nhau chẳng tiễn dặm dài
Một đuôi con mắt mấy giời núi sông
Khép nhanh cánh gỗ là xong
Mà chân người khuất vấp lòng là đây.

                                                  (Bài Tiễn biệt)

Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mang trời đất vẫn không nhà
Người ơi! Mưa đấy hay xênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa.

                                                  (Bài Sầu chung)

Thôi thế anh về - tôi đi đây
Cây nào có gió không thèm lay?
Chim nào có cánh không thèm bay
Lòng nào có máu không thèm say?

                   (Bài Lưu biệt)

Người ta thường nói đến cái… duyên. Hình như, với thơ, yếu tố hay chưa đủ, mà để được người đời yêu thích, được phổ biến rộng rãi, nó còn phải có cái "duyên thơ". Chính yếu tố này làm cho nhiều nhà thơ, dù có bài hay, bài chưa hay, song  đã yêu thơ họ, độc giả có thể thuộc nhiều bài, thậm chí thuộc cả tập (mà thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Bính, thơ Trần Đăng Khoa… trước đây là những ví dụ).

Với Trần Huyền Trân, mặc dù là người rất yêu thơ, thuộc nhiều thơ, và dù tác giả dùng nhiều thể thơ truyền thống, lại rất coi trọng vần điệu, song tôi và nhiều độc giả vẫn cảm thấy khó khăn trong việc lưu giữ trong đầu trọn vẹn một bài thơ nào đó có dung lượng dài dài một chút của ông.

Tôi cảm thấy những bài thơ ấy của Trần Huyền Trân nó như thể những chú ngựa, vốn dĩ đã phải chạy đường trường, vậy mà chốc chốc lại tung một cú hất ngược, khiến người cưỡi ngựa cũng thấy… mệt. Nói chung, thơ Trần Huyền Trân nhiều tìm tòi, sáng tạo trong hình ảnh, trong giai điệu, trong cách đảo câu, lật chữ.

Nhưng trong khâu hòa trộn giữa giai điệu và ý tưởng, nó chưa có được tỉ lệ tương thích, khiến người đọc có thể tiếp nhận được tức thì cả hai (thường thì họ phải ngưng mạch thơ để ngẫm nghĩ kỹ về ý tưởng, mong hiểu thấu đáo điều tác giả gửi gắm), điều này vô tình đã ảnh hưởng đến cảm hứng tiếp nhận của độc giả.

Sau này, có một nhà thơ có nét gần với Trần Huyền Trân là Quang Dũng. Song Quang Dũng không pha trộn ý tưởng vào giai điệu một cách đậm đặc như Trần Huyền Trân. Thơ ông thoáng hơn. Bài thơ dày đặc nhất về sáng tạo hình ảnh và âm điệu của Quang Dũng là Tây tiến, song bù lại, hơi thơ lại rất tung tẩy, sảng khoái.

Tất nhiên, như tôi đã nói ở đầu bài viết, đây không phải là lỗi của Trần Huyền Trân, lỗi là ở lối đọc thơ quen với sự "trơn tru", "thông suốt" của phần đông độc giả chúng ta. Chính vì lẽ ấy mà chúng ta đã ít nhiều bỏ sót những nét đặc sắc của thơ Trần Huyền Trân.

Không chỉ về cấu trúc câu, trong giọng thơ, Trần Huyền Trân cũng không giống phần đông các thi sĩ khác. "Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân" - Trần Huyền Trân từng viết như thế. Ông có nét đáng yêu - thậm chí rất đáng yêu - ấy là cái cốt cách… tráng sĩ rất đậm ở ông, nhưng cái đáng yêu ấy, suy cho cùng nó hợp với không khí thời loạn hơn là với không khí thời bình.

Hoài Thanh - Hoài Chân từng cho biết, các ông thích thơ Trần Huyền Trân bởi "sau khi đọc hoài những câu rặt anh anh em em, tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió", song với những người đang yêu, họ thích những câu thơ tình ngọt ngào, da diết kiểu Xuân Diệu: "Thôi hết rồi, còn chi nữa đâu em/ Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm/ Với sương lá rụng trên đầu gần gũi/ Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi/ Được giận hờn nhau sung sướng bao nhiêu/ Anh một mình nghe tất cả buổi chiều/ Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh". Hoặc của người "cùng hội cùng thuyền" với Trần Huyền Trân là Nguyễn Bính: "Em nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình… với nhau/ Ai làm cả gió, đắt cau/ Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non", hơn là cách trả lời phụ nữ kiểu Trần Huyền Trân (mặc dù xét cho cùng là ông rất khiêm tốn và… đứng đắn, không chút lợi dụng tình thế để… lả lơi):

Hay gì bà hỏi đến tôi
Khóc thì trái thói mà cười vô duyên.

Tim tôi chiếc lá dâu xanh
Tằm đời ăn rỗi trơ cành còn chi.

(bài Thưa bà, nội dung trả lời một phụ nữ yêu thơ Trần Huyền Trân).

Người ta thấy cách nói với phụ nữ ấy của Trần Huyền Trân không được thân mật, có thể nói là… cứng nữa.

Thi ca Việt Nam có nhiều bài thơ say, nhiều bài tuyệt bút ca ngợi thú uống rượu. Có lối say chỉ là… say như kiểu Tản Đà: "Say sưa nghĩ cũng hư đời/ Hư thời hư vậy, say thời cứ say/ Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?", hoặc cách kết hợp chuyện rượu với chuyện đời như Nguyễn Vỹ (bài Gửi Trương Tửu). Trần Huyền Trân có cả chùm bài về đề tài này, mà nổi bật là bài Uống rượu với Tản Đà. Đây là bài thơ được các bậc thức giả đánh giá cao, song với các bạn trẻ, không phải ai cũng thích cái cách tác giả triết lý về thế thái nhân tình quá dày đặc trong một bài thơ chỉ vẻn vẹn có 20 câu, kiểu như:

Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này

Tôi say?

            Thưa, trẻ chưa đầy

Cái đau nhân thế thì say nỗi gì

và:

Đường xa ư cụ? Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường.

hoặc:

Nguồn đau cứ rót cho nhau.
Lời say sưa mới là câu chân tình.

Đành rằng, thơ về rượu mà cứ sặc sụa mùi men rượu thì hỏng bét, và mượn rượu để chen vào chuyện thế sự là đắc địa, song triết lý nhiều quá, trong khi tâm tình của tác giả người đọc chưa thật rõ nguồn cơn, hình như cũng tạo cho bài thơ cảm giác nặng nề chăng? Tất nhiên, như tôi đã nói ở phần trên, đây không phải lỗi của Trần Huyền Trân. Nhà thơ có nhiều dạng, không nên bắt ai cũng phải giống ai. Tôi chỉ muốn lý giải tại sao thơ Trần Huyền Trân không đến được với đông đảo bạn đọc trẻ. Và càng có tuổi người ta mới càng vỡ vạc ra cái hay, cái sâu sắc của thơ Trần Huyền Trân.

Trong mâm thơ Việt Nam, Trần Huyền Trân là một "món" riêng. Và dù có mâm cao cỗ đầy, có cao lương mỹ vị đến đâu chăng nữa, ta vẫn thấy thiếu nếu không có món đó. Và đó là "món" mà khi thưởng ngoạn, ta phải… từ tốn, nói nôm na là phải nhai thật kỹ. Có vậy ta mới cảm hết được những nét đặc sắc của nó. 

 23/3/2011

P.K.
.
.