Aung San Suu Kyi: Trái tim sắt đá của hoa hồng

Thứ Bảy, 28/11/2015, 21:05
Aung San Suu Kyi từng là một bà nội trợ bình thường ở Oxford (Anh). Cuộc sống êm đềm của người phụ nữ này bắt đầu từ tình yêu sét đánh với người chồng Michael Aris. 16 năm chung sống, bà trở thành người vợ tận tụy và mẹ của hai đứa con, cho tới khi chỉ vì tình cờ, bà tham gia vào chính trị trong một chuyến đi tưởng sẽ là ngắn ngủi về lại quê nhà.


Quá trình đấu tranh bao thăng trầm đã đưa Aung San Suu Kyi trở thành nhà lãnh đạo nền dân chủ Myanmar. Phía sau thành công của bà là những sóng gió cuộc đời, sự hi sinh thầm lặng và chịu đựng mọi đớn đau. Bà đã quyết định ở lại Myanmar vĩnh viễn, chấp nhận xa con và rồi không được gặp chồng vào phút cuối trước khi ông qua đời.

Cuộc điện thoại định mệnh

Ngay từ khi còn nhỏ, Aung San Suu Kyi đã được nuôi dạy với một ý chí mạnh mẽ về di sản chưa hoàn thành của người cha Aung San - anh hùng giải phóng dân tộc Myanmar bị ám sát khi bà chỉ mới hai tuổi.

Năm 1964, Suu Kyi đi học tại Đại học Oxford (Anh), nơi bà gặp Michael Aris đang học ngành lịch sử. Với trang phục truyền thống Myanmar và bông hoa cài duyên dáng trên tóc, Suu Kyi đã gây ấn tượng mạnh với chàng trai châu Âu yêu vẻ đẹp phương Đông. Một kết thúc có hậu đã diễn ra sau câu chuyện tình đẹp của chàng sử gia người Anh và người phụ nữ sau này trở thành biểu tượng của nền dân chủ Myanmar. Chỉ có điều, khi nhận lời cầu hôn, Suu Kyi ra một điều kiện: Nếu tổ quốc cần, bà sẽ quay trở về. Và Michael không hề phản đối.

Rất ít người biết đến Michael Aris, vì ông đã bảo vệ gia đình một cách kín đáo. Chỉ cho đến khi ông qua đời, những người thân của Suu Kyi mới mở lòng hơn về mối tình vĩ đại này. Michael Aris và Aung San Suu Kyi kết hôn năm 1972. Gần 20 năm sau đó, Aung San Suu Kyi dẹp bỏ cá tính mạnh mẽ để trở thành một người nội trợ hoàn hảo, một bà mẹ hai con với tài nấu ăn xuất sắc. Bất chấp phong trào nữ quyền tại phương Tây thời bấy giờ, cũng như sức ép từ bạn bè nữ giới, bà vẫn khăng khăng một mình làm mọi việc nhà mà không để chồng động tay vào bất cứ việc gì.

Cuộc điện thoại vào một đêm năm 1988 đã thay đổi tất cả. Aung San Suu Kyi quyết định quay trở về Rangoon để chăm sóc người mẹ bị đột quỵ. Lúc này, đất nước trong tình trạng hỗn loạn, nhiều cuộc đối đầu bạo lực giữa quân đội và người biểu tình đã khiến Myanmar rơi vào tình trạng tê liệt. 

Dự định ban đầu ở lại quê nhà vài tuần đã không thành, Suu Kyi chẳng thể yên lòng rời bỏ Myanmar để cùng chồng sống một cuộc đời yên bình ở Anh. Bà bị ám ảnh nặng nề trước hình ảnh các khu nhà đầy người dân nằm chờ chết. Trong bối cảnh cuộc cách mạng không có người dẫn đầu, thông tin con gái vị tướng anh hùng Aung San vĩ đại đã trở về làm dấy lên rất nhiều hy vọng.

Khi được đề nghị làm lãnh đạo phong trào dân chủ, Suu Kyi đã cân nhắc và đồng ý. Lúc ấy, Suu Kyi chỉ nghĩ rằng khi cuộc bầu cử hoàn tất, bà sẽ được tự do để quay trở lại Oxford. Chỉ hai tháng trước, bà còn là một người phụ nữ toàn tâm cho gia đình, nhưng bây giờ lại dẫn đầu một cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn bởi vì trong suốt nhiều năm sau đó, bà “mắc kẹt” trong cuộc chiến, bị quân đội quản thúc nên không thể trở về Anh.

Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi.

Ngóng chờ trong vô vọng

Sự xa cách khiến Michael Aris vô cùng lo lắng. Ông chỉ có thể theo dõi tình hình Myanmar qua truyền thông, đôi khi bắt gặp hình ảnh người vợ đi khắp nơi vận động cho dân chủ. Từng bước đi của phong trào, nhiều thành viên trong đảng Suu Kyi cầm quyền bị bắt giữ, tra tấn man rợ. Tất cả tạo nên những nỗi sợ trong lòng Michael Aris, rằng có một ngày Suu Kyi sẽ bị ám sát. Bởi vậy, ông âm thầm phát động một chiến dịch vận động để giúp bà trở thành một biểu tượng quốc tế, nhằm khiến quân đội không dám hãm hại. Ông cẩn thận giữ công việc kín đáo, bởi vì quân đội có thể xoáy vào việc Suu Kyi kết hôn với người nước ngoài làm cơ sở để xuyên tạc bà trên báo chí Myanmar.

Trong suốt khoảng thời gian dài không liên lạc được với nhau, ông Michael lo lắng bà Suu Kyi có thể đã qua đời. Chỉ khi nghe được báo cáo từ người dân đi ngang qua nhà bà còn nghe thấy tiếng đàn dương cầm vang lên, ông mới yên tâm. Người đàn ông này rất đau khổ và buồn bã vì nhớ Suu Kyi. Ông thậm chí giữ nguyên trang sách mà bà đang đọc khi nhận được cuộc gọi trở về quê hương. Ông trang trí các bức tường trong nhà bằng những chứng chỉ giải thưởng của vợ, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1991. Ngay phía trên giường ngủ, ông treo một bức ảnh lớn của vợ. Ngày qua ngày, Michael Aris đều ngóng chờ tin về Suu Kyi trong vô vọng.

Những tháng ngày bị quản thúc tại gia kéo dài từ năm 1989 tạo cơ hội để Aung San Suu Kyi suy nghĩ về cuộc chiến. Michael Aris biết điều này, cảm thấy yên tâm nhưng ông luôn muốn tìm cách sang Myanmar. Suốt thời gian này, ông Michael chỉ được vào thăm vợ hai lần.

Mặc dù, phe quân đội nắm quyền cho phép Suu Kyi có thể yêu cầu được đưa tới sân bay và bay về với gia đình, chấm dứt mọi hoạt động chính trị tại Myanmar, nhưng cả bà và chồng đều không muốn làm vậy. Là một sử gia, Michael Aris hiểu quyết định của vợ, thậm chí liên tục gây sức ép chính trị đằng sau hậu trường để kêu gọi sự trợ giúp từ giới chính khách. Ông không thể phủ nhận thực tế rằng, Suu Kyi là một phần của lịch sử đang hình thành của đất nước Myanmar.

Năm 1995, ông Michael bất ngờ nhận được cuộc gọi của Aung San Suu Kyi từ đại sứ quán Anh khi bà được thả tự do. Lúc này, Michael Aris và các con được cấp visa để bay tới Myanmar. Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng vợ chồng bà Suu Kyi nhìn thấy nhau. 

Ba năm sau, ông Michael biết tin mình đang bị ung thư giai đoạn cuối. Ông gọi cho bà để báo tin dữ và ngay lập tức xin visa đến Myanmar để được nói lời từ biệt. Hồ sơ xin visa của ông bị từ chối, ông tiếp tục xin thêm 30 lần nữa, trong khi sức khỏe xuống cấp nhanh chóng. Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng viết thư khiếu nại chính quyền độc tài ở Myanmar bấy giờ, nhưng đều vô ích.

Michael Aris và Suu Kyi có một mối tình vĩ đại, trải qua nhiều sóng gió và biến cố.

Tình yêu và niềm tin

Aung San Suu Kyi đã trở thành một chính trị gia tầm cỡ. Những năm tháng bị giam trong cô lập đã hun đúc cho bà một quyết tâm sắt đá, khiến bà quyết định ở lại quê nhà để đấu tranh, ngay cả khi cái giá phải trả là phải xa con và không bao giờ còn được gặp lại người chồng đã hết lòng yêu thương, thủy chung. Vì sự tự do và dân chủ của Myanmar, bà Suu Kyi đã nuốt nước mắt không về Anh nói lời vĩnh biệt với ông Michael Aris lúc lâm chung. Nếu đồng ý rời khỏi Myanmar, cả hai đều biết điều đó có nghĩa là lưu vong lâu dài, là tất cả những gì họ đã cùng nhau chiến đấu vì dân chủ tự do sẽ chẳng còn ý nghĩa gì.

Bà Suu Kyi gọi cho ông Michael hỏi ý kiến, và ông kiên quyết nói với bà đừng bao giờ nghĩ đến việc đó. Người chồng vẫn hết mực ủng hộ Suu Kyi hãy ở lại, tiếp tục con đường đã chọn và có niềm tin về một chiến thắng đã rất cận kề.

Sự lựa chọn âm thầm ám ảnh Aung San Suu Kyi suốt nhiều năm xa cách chồng con lúc này trở thành một tối hậu thư rõ ràng: bà phải chọn giữa gia đình và tổ quốc. Khi nhận ra không thể gặp lại chồng được nữa, bà mặc một chiếc váy màu ông yêu thích, cài một bông hồng lên mái tóc, đến đại sứ quán Anh để quay một đoạn phim nói lời từ biệt. 

Với người phụ nữ cứng rắn này, tình yêu thuở nào mà ông Michael dành cho bà vẫn còn vẹn nguyên. Đó chính là sức mạnh tinh thần để Suu Kyi vượt lên mọi khó khăn, tiếp tục cuộc đấu tranh tìm lại hòa bình cho một đất nước thống khổ, chìm trong hỗn loạn. Đoạn phim được bí mật đưa ra khỏi Myanmar, tới Anh vào năm 1999. Nhưng Michael Aris đã qua đời hai ngày trước khi ông kịp xem những hình ảnh về người vợ yêu dấu.

Từ sau khi được chính thức trả tự do vào tháng 11-2010, Aung San Suu Kyi đã gặp lại các con trai và các cháu. Bà ân hận vì đã không thể dành nhiều thời gian cho gia đình, nhưng không hề nghi ngờ gì về sự lựa chọn sau cuối là ở lại cùng với đồng bào. Suốt nhiều năm trôi qua, dường như sự hy sinh to lớn của Michael Aris và Suu Kyi trở nên vô ích. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi.

Thủ lĩnh Aung San Suu Kyi cùng Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vừa qua. Thời điểm này không phải là quá sớm khi nói rằng đây là một chiến thắng xứng đáng, một phần thưởng cho bà Suu Kyi, người đã cống hiến cả cuộc đời để đấu tranh không ngừng nghỉ cho sự nghiệp dân chủ của Myanmar. Còn với Michael Aris, giờ đây ông đã có thể ngậm cười nơi chín suối…

Hồng Hạnh
.
.