Nhà báo 'dỏm" Jon Stewart: Kẻ dám thách thức

Thứ Ba, 10/11/2015, 23:59
Sau 16 năm gắn bó với “The Daily Show”, chương trình nổi tiếng rất được yêu thích ở Mỹ vì tính hài hước và châm biếm sâu sắc đối với các vấn đề chính trị và tin tức truyền thông không trung thực, người dẫn dí dỏm và cá tính Jon Stewart đã nói lời chia tay với khán giả.

Trong buổi trò chuyện cuối cùng, Jon Stewart đã có một bài chia sẻ đầy cảm xúc để thuyết phục các khán giả của mình không nên chấp nhận sự giả dối và những thông tin sai lạc. Ông đã để lại rất nhiều ấn tượng khó quên khi dẫn “The Daily Show”, khiến người dân Mỹ cảm thấy vô cùng phấn khích và vui vẻ vì những thông tin đánh giá sâu sắc, đi sâu vào từng diễn biến nhỏ nhất của mọi vấn đề trên chính trường và trong cuộc sống.

Jon Stewart là một nhân vật quen thuộc của ngành giải trí và cũng là một nhà bình luận thạo tin, am hiểu chính trị và rất có khiếu hài hước. Cách nhìn nhận và đánh giá của Jon Stewart có khả năng làm ảnh hưởng tới nhận định chung của xã hội về một chính trị gia.

Thay đổi truyền thông thế giới

Jon Stewart, tên thật là Jonathan Stuart Leibowitz, sinh năm 1962. Ông là nhà văn, nhà sản xuất, đạo diễn kiêm diễn viên, nhà phê bình truyền thông, nhà báo và dẫn chương trình truyền hình Mỹ. Stewart bắt đầu khởi nghiệp từ một diễn viên hài độc thoại, nhưng sau đó lại rẽ sang truyền hình, từng làm chủ nhiều chương trình lớn nhỏ, ông sở hữu hai chương trình cá nhân mang tên “The Jon Stewart Show”, và “You Wrote It”. Nhưng nổi tiếng và thành công hơn cả vẫn là “The Daily Show”, chương trình được yêu thích bởi tính hài hước và châm biếm sâu cay đối với các vấn đề chính trị.

“The Daily Show” cho đến nay nhận tới 18 đề cử giải thưởng Emmy (dành cho các chương trình truyền hình thiên về giải trí), được bình chọn là một trong 100 chương trình truyền hình tốt nhất mọi thời đại.

Jon Stewart chính thức điều hành “The Daily Show” năm 1999. Dưới sự chèo lái của Stewart, “The Daily Show” thay đổi từng ngày, từ chương trình thời sự truyền hình thành một chương trình phê bình nghiêm túc hay “phê bình châm biếm có định hướng” thông qua tài ứng biến thông minh của Stewart. “The Daily Show” đầu tiên được dư luận quan tâm là tin tức nói về cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2000, giữa G.W. Bush và Al Gore, kể cả các chi tiết liên quan kết quả kiểm phiếu gây tranh cãi tại bang Florida. Là chủ “The Daily Show”, Jon Stewart truyền cảm hứng niềm tin cho khán giả vào sự thật, lẽ phải và có công thay đổi truyền thông thế giới.

“The Daily Show” đã trở thành chương trình châm biếm sắc bén nhất của Mỹ, tạo được ảnh hưởng rộng khắp trong nước và trên toàn thế giới. Chương trình này thường mời những người nổi tiếng hay chính trị gia đến ngay trường quay và chọn thời sự, đặc biệt là chính trị, để làm chủ đề bàn thảo.

Giờ đây, “The Daily Show” đã trở thành chương trình châm biếm trực tuyến phổ cập nhất khi có đến 21% giới trẻ Mỹ thông qua kênh thông tin này để tìm hiểu thời sự và vấn đề mà họ quan tâm. Các nhân vật nổi tiếng, đặc biệt chính giới Mỹ, trở thành khách mời quen thuộc của chương trình truyền hình này: những G.W. Bush, Donald Rumsfeld, Condoleezza Rice... đều từng là “diễn viên” bất đắc dĩ của chương trình.

Jon Stewart, bằng lối dẫn khéo léo và cởi mở, đã biến một chương trình tưởng như chỉ mang tính chất chính luận thành những buổi công diễn hài kịch thực sự. “The Daily Show” đem tới cho người xem một phương pháp tiếp cận chính trị hoàn toàn khác biệt: phơi bày và phê phán những góc khuất ở bất kỳ phương diện nào, đơn cử như chuyện một ứng cử viên khoe khoang vô tội vạ thành tích cá nhân hay lời chế giễu của các nhà phê bình đối với những chiến dịch tranh cử. “Cách duy nhất chống lại những người không trung thực là phải luôn luôn cảnh giác. Những tin tức của họ rất dễ dàng phát hiện và nếu như bạn đánh hơi thấy có gì đó không đáng tin cậy, hãy lên tiếng”, Jon Stewart hài hước chia sẻ.

Jon Stewart rất quen thuộc với ngành giải trí Mỹ, ông nổi tiếng với The daily Show và cũng là một nhà bình luận thạo tin, am hiểu chính trị và rất có khiếu hài ước.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù chỉ là một người làm truyền hình “tay ngang” nhưng Jon Stewart lại cực kỳ thành công và chiếm được thiện cảm của đa số khán giả. Bên cạnh tính châm biếm sâu sắc, “The Daily Show” còn là sự pha trộn cá tính khôn ngoan, linh hồn “khắc nghiệt” của chính cá nhân Stewart - một phóng viên từng sản xuất hàng trăm nghìn tin tức, phóng sự ở mọi thể loại. Nhiều nhà phân tích nhận định, Jon Stewart quả thực rất thông minh, nhạy bén và đủ tinh tế khi xây dựng được một chương trình ăn khách và hấp dẫn tới vậy.

Cái cách “The Daily Show” lột tả vấn đề trần trụi, nhưng được gói lại cẩn thận bởi tính hài hước sâu cay, khiến người xem không cảm thấy nặng nề và bị “ngập” trong ma trận thông tin. Mặc dù nổi tiếng, nhưng Stewart lại rất khiêm tốn khi tự nhận là một nhà báo “dỏm”, còn thiếu nhiều kinh nghiệm và vẫn muốn tiếp tục cải thiện chất lượng các chương trình.

Một hiện tượng của làng báo

Jon Stewart đã giành được giải thưởng Emmy thứ 10 trong sự nghiệp vào năm 2012. Ở độ tuổi ngoài 50, ông vẫn là một trong những gương mặt nổi bật của ngành giải trí Mỹ mà theo tạp chí Time “có thể khiến khán giả cười sảng khoái dù đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn”.

Chia tay “The Daily Show” sau 16 năm gắn bó với chương trình được yêu thích nhất thế giới này, Stewart ít nhiều khiến dư luận ngỡ ngàng và hụt hẫng. Tuy nhiên, “ông vua truyền hình” trong những lời cuối cùng với khán giả, đã vui vẻ trấn an rằng: “Không có gì kết thúc cả. Đó chỉ là sự tiếp nối, như một dấu phẩy trong một đoạn văn. Bởi vậy, đừng nên nói lời tạm biệt. Tôi chỉ đi ra ngoài uống chút gì đó, và sẽ quay lại trong thời gian sớm nhất để gặp mặt những khán giả thân quen của chương trình”.

Không chỉ thành công trên lĩnh vực truyền hình, Jon Stewart còn là nhà văn có nhiều tác phẩm bán chạy như Earth hay Naked Pictures of Famous People. Bên cạnh đó, giáo trình về khoa học chính trị Mỹ A Citizen’s Guide to Democracy Inaction được bình chọn là tác phẩm hay nhất trong năm. Đây là quyển sách đáng chọn nhất trong một năm bùng nổ nhiều cuộc tranh luận chính trị, phê bình nghiêm túc về hệ thống chính trị hai đảng chính chịu tác động tài chính của các công ty kinh doanh và sự nhát gan của báo chí dưới cái nhìn hài hước chế giễu. Và chính tác giả Jon Stewart cũng từng được nhiều tạp chí bình chọn là một trong những nhà văn Mỹ vui nhộn và biết cách châm biếm nhất.

Trên thực tế, ảnh hưởng của Jon Stewart lại rất lớn. Ông đích thực là một hiện tượng trong làng báo chí đa phương tiện thế giới với ngòi bút sắc bén và nổi trội. Trong khi đó, với nghề diễn viên, vai diễn nào của ông cũng thành công. 

Chương trình “The Daily Show” thu hút cả đương kim Tổng thống Barack Obama (trái).

Người ta từng chứng kiến Stewart xuất hiện trên The Daily Show chỉ một ngày sau khi sự kiện 11/9/2001 xảy ra, bằng cách dẫn chương trình hấp dẫn và sắc sảo, ông khiến khán giả Mỹ vừa khóc vừa cười. Họ khóc bởi những đau thương mất mát nhưng cười ở tương lai tươi sáng, những khó khăn mà con người có thể vượt qua trong cuộc chiến chống khủng bố nếu người đứng đầu quy tụ sự đoàn kết cộng đồng, hiểu được lòng dân và hiểu được sự thật. Đặc biệt, nhân sự kiện này, Jon Stewart đề xuất, quốc hội Mỹ nên có luật chăm sóc sức khỏe đối với các phóng viên báo chí.

Jon Stewart từng được tạp chí Time bình chọn là người có ảnh hưởng nhất trong làng giải trí. Điều mà dư luận ấn tượng nhất ở Jon Stewart chính là chiến dịch “quyên góp” trên mạng Internet nhằm mua CNN. Vụ việc bắt nguồn từ lời dạm ngỏ trong một thương vụ có trị giá lên đến 80 tỉ USD của ông trùm truyền thông, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành News Corp Rupert Murdoch, thông qua 21st Century Fox, gợi ý mua đối thủ Time Warner vốn sở hữu đài truyền hình Mỹ CNN. 

Một khi thỏa thuận trên thành hiện thực, 21st Century Fox sẽ sở hữu ngành truyền hình cáp rất ấn tượng của Time Warner, có quyền tiếp cận nhiều bản quyền thể thao mà Time Warner đang nắm giữ và nắm nhiều lợi thế hơn khi đàm phán với các công ty sản xuất chương trình về khoản phí phải trả để đưa chương trình lên sóng. Tuy nhiên, Time Warner đã từ chối gợi ý trên của 21st Century Fox.

Mặc dù vậy, giới truyền thông cho rằng Murdoch sẽ không dễ dàng bỏ cuộc và sẽ nâng giá liên tục cho đến khi đạt được mục đích. Chính bởi điều đó, để “rào trước, đón sau” trong trường hợp ông trùm truyền thông “không quay lưng”, Jon Stewart đã mở chiến dịch gọi vốn cộng đồng nhằm mua lại CNN. Stewart lập ra trang mạng LetsBuyCNN.com và một chiến dịch trên trang gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter, giới thiệu thông qua chương trình “The Daily Show” của mình, kêu gọi mọi người cùng góp tiền, nhắm đến mục tiêu 10 tỉ USD. Đổi lại, những người góp tiền có nhiều đặc quyền được người mở chương trình hứa hẹn. 

Jon Stewart đã quá nổi tiếng trên CNN, thu hút khán giả nhờ sự hóm hỉnh duyên dáng và kỹ thuật “châm chích” độc đáo của người dẫn chuyện. Việc ông kêu gọi vốn cộng đồng khiến các nhà bình luận đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. Liệu ý tưởng chung tay mua lại CNN khá độc đáo và mới lạ của Jon Stewart có thành sự thật khi ông trùm truyền thông Murdoch vẫn chưa từ bỏ tham vọng thâu tóm Time Warner để mở rộng đế chế của mình thành “siêu đế chế”?

Việt Dũng
.
.