Nguyễn Văn Tạo: Cây bút chiến làm xoay thời cuộc

Chủ Nhật, 05/07/2015, 08:57
Hơn 10 năm trước, Chuyên đề An ninh Thế giới từng đăng một số bài về công tác ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám. Quá trình tác nghiệp, tôi may mắn quen biết bà Nguyễn Thái Lan (SN 1947, hiện trú tại Gia Lâm – Hà Nội) và khai thác được nhiều tư liệu quý, để viết những bài như “Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Moscow những ngày đầu”, “Tấm hộ chiếu ngoại giao đầu tiên”, “Phái viên quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok”…

Đúng dịp kỉ niệm 125 năm sinh nhật Bác Hồ (19/5/2015), tôi nhận được email từ bà Lan, trong đó có những tư liệu mới về thân phụ của bà với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ là nhà cách mạng Nguyễn Văn Tạo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp và cũng là Bộ trưởng Bộ Lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời là một nhà báo tên tuổi ở cả Pháp và Việt Nam...

Nghiên cứu lịch sử hiện đại của Pháp và Việt Nam, có nhiều sự kiện thú vị trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Những năm 1920, tại kinh đô ánh sáng Paris, có những người “An Nam thuộc địa” nổi tiếng được cả nước Pháp biết đến như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Tạo… và đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, Nguyễn Ái Quốc là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; còn Nguyễn Văn Tạo là người Việt Nam duy nhất là uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp… 

Sinh năm 1908 tại Chợ Lớn, nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An,  Nguyễn Văn Tạo sớm được giác ngộ cách mạng. Khi đang học trung học tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Tạo tham gia các hoạt động bãi khoá đòi chính quyền thực dân trả tự do cho nhà ái quốc Nguyễn An Ninh, nên bị đuổi học. Chí trai tang bồng, ông trốn lên chiếc tàu Chantilly, sang Pháp. Tới Marsseille một thời gian, được sự giúp đỡ của Hội ái hữu người Việt Nam tại đây, Nguyễn Văn Tạo vào học tiếp Trường Trung học Lycée Mignet.

Ngoài việc học tập, Nguyễn Văn Tạo hăng hái tham gia các hoạt động mít tinh do Đảng bộ Cộng sản vùng Aix tổ chức. Cuối năm 1926, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp và tích cực tham gia các hoạt động chính trị như viết báo, sáng lập báo xu hướng cánh tả mang tên Lao Nông (ghép hai chữ Lao động và Nông dân, sau đổi thành tờ Vô sản). Tháng 10/1927, Nguyễn Văn Tạo lên Paris để tìm gặp Nguyễn Ái Quốc với ý định xin vào làm ở nhà in “Việt Nam hồn” nhưng Nguyễn Ái Quốc đã bí mật sang hoạt động ở nước khác.

Được sự giới thiệu của những người đồng chí, Nguyễn Văn Tạo ở lại Paris tiếp tục hoạt động cách mạng và làm việc tại một xí nghiệp sơn mài, đồng thời theo học Đại học Văn khoa. Cuối năm 1927, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đề nghị các đồng chí Việt Nam tiến cử một người làm việc tại Văn phòng trung ương, với nhiệm vụ giúp Đảng Cộng sản Pháp nắm tình hình các thuộc địa, nhất là tình hình Đông Dương để các nghị sĩ Cộng sản chất vấn, đấu tranh tại Quốc hội về chính sách với các thuộc địa. Nguyễn Văn Tạo được lựa chọn.

Giữa năm 1928, Đảng Cộng sản Pháp cử đoàn đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI tại Moscow (Liên Xô), Nguyễn Văn Tạo là đại biểu chính thức trong đoàn. Với bí danh Nguyễn An, Nguyễn Văn Tạo đã viết bản tham luận về tình hình Đông Dương. Bản tham luận này được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp thông qua và được trình bày tại phiên họp thứ 35 của Quốc tế Cộng sản vào chiều 17/8/1928 tại Nhà các Công đoàn Liên Xô trên Quảng trường Đỏ. Tài liệu này hiện được lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, số Q1/6.1 106 - QT, dịch từ tạp chí Thư tín Quốc tế số 128, năm 1928, với nhan đề Tham luận tại Đại hội quốc tế lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản.

Đồng chí Nguyễn Văn Tạo (bìa trái) cùng các đồng chí Cộng sản Pháp năm 1927.

Trong bản tham luận, đại biểu Nguyễn Văn Tạo đã đanh thép lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc: “Trong lúc đi xâm chiếm thuộc địa, chủ nghĩa đế quốc đem theo cảnh giết người, cướp của, ám sát, đem theo bệnh giang mai, rượu cồn, thuốc phiện”…

Bản tham luận đã được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh. Giáo sư Trần Văn Giàu nhớ lại chuyện này (Tạp chí Xưa và Nay, tháng 8/2005): “Người dẫn dắt tôi vào con đường cách mạng là anh Nguyễn Văn Tạo… Lần đầu anh đi dự và phát biểu với Quốc tế Cộng sản rằng: “Điều kiện ở Việt Nam đã cho phép thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương”, anh đề nghị Quốc tế Cộng sản giúp đỡ”.

Trở về nước Pháp sau hội nghị, Nguyễn Văn Tạo được tín nhiệm bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Ông trở thành người Việt Nam duy nhất là uỷ viên Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp. Trước những hoạt động của Nguyễn Văn Tạo, tháng 5/1931, mật thám Pháp bí mật bắt giữ và trục xuất Nguyễn Văn Tạo về Đông Dương.

Ngày 13/5/1931, báo L’Humanité (cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp) đăng bài của Maurice Thorez (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp), nhấn mạnh: “Tất cả những người lao động Pháp đều biết đồng chí Tạo… Họ hiểu rằng một sự phản ứng tức khắc là cần thiết và giai cấp công nhân không thể không hành động ngay khi người ta “bắt cóc” một ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương Đảng”.

Sau khi bị trục xuất về Sài Gòn, Nguyễn Văn Tạo bị mật thám theo dõi gắt gao. Ông đến làm tại Báo Trung Lập do Trần Thiện Quý làm chủ báo, với suy nghĩ sẽ hoạt động công khai và kí tên thật trên báo để bênh vực quyền lợi của thợ thuyền. Từ đó, trên tờ Trung Lập liên tiếp xuất hiện cái tên Nguyễn Văn Tạo với những bài bình luận, phân tích sắc sảo. Dù có những đoạn bị kiểm duyệt, cắt bỏ, nhưng các bài báo đều toát lên tình cảm bênh vực mạnh mẽ người lao động, tố cáo chế độ thực dân tàn bạo.

Với trí tuệ mẫn tiệp của một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà báo Nguyễn Văn Tạo đã có những dự cảm chính xác trước 9 năm về sự kiện phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô trong bài Thời cuộc Đức với cái họa thế giới chiến tranh, nếu Hitler cầm quyền (Báo Trung Lập ngày 21/7/1932): “Bọn phát xít Hitler tuyên bố lên rằng hai kẻ đại thù nghịch của mình là chủ nghĩa của Karl Marx và điều ước Versaille… Hitler cướp chánh quyền ấy không phải là chiến tranh với Pháp và Pologne mà thật là chiến tranh với Liên bang Cộng hoà Xôviết”.

Bản thân là một nhà báo cộng sản, trong bài Giá trị của nghề làm báo (Báo Trung Lập, ngày 30/9/1932), Nguyễn Văn Tạo đã tuyên ngôn: “Nhưng là viết báo vì tư tưởng, vì chủ nghĩa. Nếu đạt đến mục đích tốt, mà rủi phải bị thiệt hại đến tính mạng cũng cam”.

Tư tưởng bao trùm lên những bài báo đầy tính chiến đấu của Nguyễn Văn Tạo là bênh vực, bảo vệ quần chúng lao khổ. Phải chăng đó là căn nguyên để sau này trong 20 năm liền nhà báo Nguyễn Văn Tạo đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động của nước Việt Nam mới. Hãy xem bài Hạnh phước cho ai? (Báo Trung Lập, ngày 7/3/1933) có đoạn: “Tiếng than đói cùng đường khắp nẻo, dội vô tận các nghị viện, dội tới Hội Quốc liên (tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc - PV). Bọn đúc súng đóng tàu nói quả quyết: “Phải có chiến tranh mới thoát khỏi vòng khủng hoảng”… Dẫu có chiến tranh đi nữa thì bọn chúng cũng không lo sợ đâu chết tức tưởi, cái chết ghê gớm của bao nhiêu công nông mặc sắc phục nhà binh mà! Bọn chúng cũng cứ ung dung, xì gà không ngớt, mở sâmbanh không ngừng chớ nào phải chịu đói rét như muôn triệu binh lính đâu”.

Trong Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Tạo tham gia lãnh đạo Ủy ban Hành chính Nam Bộ lâm thời do Giáo sư Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Tháng 1/1946, nhà báo Nguyễn Văn Tạo đắc cử Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá I, khi thảo luận thành phần, nhân sự cho tân Chính phủ, nhiều đại biểu đã yêu cầu có một bộ trưởng lao động tâm huyết chăm lo đời sống công nhân và người lao động. Trước các vị đại biểu Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã hứa sẽ lựa chọn một người xứng đáng với sự mong đợi của quốc dân đồng bào.

Cũng tại phiên họp này, đại biểu Nguyễn Văn Tạo đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình Nam Bộ kháng chiến; Bác Hồ và nhiều đại biểu đã không cầm được nước mắt trước sự hi sinh to lớn và tinh thần quật khởi của đồng bào Nam Bộ. Thay mặt Chính phủ và toàn thể Quốc hội, Hồ Chủ tịch ôm hôn thắm thiết Nguyễn Văn Tạo và nói những lời lịch sử: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Tiếp đó, Người tới ôm hôn vị đại biểu của Nam Bộ thành đồng và giới thiệu Nguyễn Văn Tạo làm Bộ trưởng Bộ Lao động của Chính phủ mới; ngay lập tức, Quốc hội đã bày tỏ sự tán thành với những tràng pháo tay liên tiếp.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ tháng 12/1946. Trong điều kiện vô cùng ác liệt, khó khăn của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo đã cùng Chính phủ ra sức chỉ đạo cuộc trường kì kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban thi đua Trung ương nhớ lại: “Năm 1956, tôi về nhận công tác tại Bộ Lao động, giữ chức Vụ trưởng, Trưởng Ban thanh tra lao động. Được về Bộ Lao động, tôi rất mừng… Anh Nguyễn Văn Tạo là một trí thức rất cần mẫn, viết nhiều sách báo về lao động, tiền lương. Anh còn giúp Trung ương Đảng tiếp, làm việc với những đoàn đại biểu các đảng nói tiếng Pháp”… Đến năm 1965, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo được Trung ương điều sang Văn phòng Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo qua đời ngày 16/8/1970, sau một cơn đau nặng. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 2002, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Nguyễn Văn tạo Huân chương Hồ Chí Minh và năm 2009, được truy tặng Huân chương Sao Vàng.

Trần Duy Hiển
.
.