Nguyễn Hồng Lam và “Người của giang hồ”
Hơn mười năm theo nghề báo và với chừng ấy thời gian dấn thân vào lãnh địa giang hồ, Nguyễn Hồng Lam (cây bút phóng sự của báo CAND - ANTG ) đã có trong tay một “bộ sưu tập” khá độc đáo và lý thú về các nhân vật giang hồ lừng danh đất miền Nam thế kỷ XX.
Có thể bắt đầu bằng một vẻ đẹp hư ảo của huyền thoại. Có thể bắt đầu bằng một dấu vết tưởng chừng tầm thường, nhạt nhòa, chìm khuất trong đời sống. Nhưng với Nguyễn Hồng Lam thì huyền thoại ấy, dấu vết ấy đã ám ảnh anh không ngừng. Tất nhiên, sự ám ảnh ấy không phải để anh ngẫu hứng sáng tác mà tạo cho anh sức hấp dẫn để “truy tìm”, nhận diện nhân vật giang hồ. Và, cuốn Người của giang hồ (NXB CAND-2004) được ra mắt bạn đọc như thế.
Đọc Người của giang hồ ta được gặp gỡ những nhân vật khét tiếng trong giang hồ như: Sơn Vương Trương Văn Thoại, Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm chín ngón, Điền Khắc Kim, Tín Mã Nàm v.v… Mỗi nhân vật, mỗi tính cách, số phận khác nhau đã được Nguyễn Hồng Lam phục hiện gần như toàn bộ một cách sống động và hấp dẫn.
Không viết theo lối huyền thoại hóa các nhân vật giang hồ như các nhà văn trước 1975 đã làm, Nguyễn Hồng Lam viết theo phương thức “bóc gỡ” từng mảng sự thật; đi sâu vào từng chi tiết; chính xác, rạch ròi trong từng mốc thời gian. Đặc biệt là mảng đời thường của các nhân vật giang hồ được anh soi rọi ở nhiều góc độ khác nhau. Từ những mảng đời thường đó người đọc có dịp tiếp cận với nhân vật một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Ví dụ khi viết về tướng cướp Điền Khắc Kim, Nguyễn Hồng Lam đã định danh nhân vật này là “Tướng cướp cô đơn” là hoàn toàn chính xác. Điền Khắc Kim sống phận cô đơn và hẩm hiu từ khi còn là một đứa trẻ đen đúa, gầy còm ở làng Hạnh Thông Tây (Gò Vấp – Tp. HCM). Mối tình đầu của Điền Khắc Kim với cô bé Diễm láng giềng cũng diễn ra trong cô đơn, câm lặng. Điền Khắc Kim là tên cướp gần như duy nhất chỉ thực hiện những phi vụ một thân, một mình mà hoàn toàn không có băng nhóm, bè đảng v.v…
Cũng như thế khi viết về Đại
Thêm một điều đáng ghi nhận ở Nguyễn Hồng Lam là khi viết về các nhân vật giang hồ khét tiếng, những kẻ từng gây tội ác, từng được xem là “trời không dung đất không tha” thì anh vẫn viết theo một cách nhìn khách quan chứ không theo kiểu “bôi đen” cho bằng được. Chính cái nhìn tỉnh táo của tác giả đã đưa người đọc đi xa hơn, tiếp cận đầy đủ, chính xác hơn về mỗi nhân vật. Từ cái nhìn đầy đủ, chính xác và khoa học ấy đã làm cho người đọc suy nghĩ nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn về cuộc sống cũng như thân phận con người.
Nguyễn Hồng Lam cũng không đưa ra bất cứ một “bài học” nào hết, nhưng cứ kết thúc cuộc “gặp gỡ” ở mỗi nhân vật, ta như thầm tiếc rằng giá như người ấy sống tốt hơn, giá như người ấy biết đem những khả năng, những tài hoa của mình để vun đắp tình yêu, cuộc sống, v.v… Và, rồi chợt dưng chúng ta thấy lòng mình như trỗi lên những tình cảm êm đẹp, những ưu tư về một cuộc sống thanh thản, lương thiện. Đó chính là “phép màu” từ ngòi bút của Nguyễn Hồng Lam vậy. Một “phép mầu” đặc biệt được tìm thấy ở những trang viết mang hơi thở của báo chí, ký sự.
Có một điều thú vị là, với bè bạn và đồng nghiệp thì Nguyễn Hồng Lam cũng là một mẫu… người của giang hồ. Anh đi và viết. Cứ thế, liên tục mải miết, chẳng đoán định con đường phía trước là cái gì đang chờ đợi mình, không quan tâm mình sẽ “ăn chắc” được điều gì. Nhưng anh vẫn đi, cứ đi mãi trên đường.
Trong tập sách này có “một thiên ký sự” mà tôi cho là đúng khí chất, phong thái của Nguyễn Hồng Lam nhất: Thiên đường để chết. Đọc rồi thấy một “gã giang hồ vặt” Nguyễn Hồng Lam quá “dễ thương” như những câu thơ của Phạm Hữu Quang: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…”