Nguồn sáng tặng người dưng

Thứ Ba, 17/06/2008, 08:45
Cách nay 6 năm, đã có người Công giáo (đầu tiên ở nước ta ) xin hiến tặng đôi mắt của mình, đó là linh mục Luca Trần Hùng Sỹ - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Ninh Bình. Dịp đó, linh mục phát biểu tại Đại hội IV, Những người Công giáo tỉnh Ninh Bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2002 rằng: "Tôi tự nguyện hiến tặng đôi mắt của mình cho nền y học nước nhà, sau khi được Chúa cất về".

Thông tin này đã được hai báo: Người Công giáo Việt Nam và Sức khoẻ & Đời sống ghi nhận, cổ vũ. Tuy vậy, sau khi linh mục qua đời, việc hiến mắt đã không được tiến hành vì nước ta lúc đó chưa có văn bản chính thức nào về hiến tặng tạng, hay bộ phận cơ thể.

Bà Maria Hoa - người phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam hiến mắt

Giáo xứ Cồn Thoi, thuộc xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vừa có nhiều niềm vui như lễ kỷ niệm tròn 60 năm thành lập giáo xứ, tôn vinh thế hệ cha anh quai đê lấn biển, chắt chiu tiền của công sức làm nên một ngôi thánh đường khang trang trên một làng quê ven biển mới lấn.

Một sự kiện khác đến thật bất ngờ sau sự khuất núi của một bà lão bình dị như bao bà lão khác trong giáo xứ. Bà lão ấy là Maria Nguyễn Thị Hoa, 81 tuổi, giáo dân giáo họ Tòng Phát, xứ Cồn Thoi; bà mất ngày 18/2/2007. Người con dâu của bà cũng trùng tên Hoa (vợ anh Vinh) kể lại:

Ở giáo xứ có một chị tên Khuy, đi vùng kinh tế mới tại Đắk Lắk (giáo xứ Kim Phát - giáo phận Buôn Ma Thuột), người khoẻ mạnh nhưng chẳng còn lao động chính được bởi hỏng giác mạc dẫn đến mù loà, gia đình chị đã một hai lần đưa đi chữa trị, song không thể khỏi hẳn được, bác sỹ cho chị hay phải thay giác mạc. Nhưng việc thay giác mạc đối với chị thì không thể, vì nguồn giác mạc ở Việt Nam khan hiếm khủng khiếp.

Dân ta có câu châm ngôn "Có tiền mua tiên cũng được", trong trường hợp này "Nhà giàu cũng khóc" - (tên phim), mắt hỏng vẫn phải để hỏng sống trong mù lòa bởi có giác mạc đâu mà mua với chả bán. Hơn thế nữa chị Khuy lại là một nông dân. Bác sỹ cũng bật mí cho gia đình rằng: Có thể vận động người thân trong gia đình hay ai đó hiến tặng giác mạc, nhưng lạy Chúa tôi "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" dễ gì mà tìm được - chị Hoa bày tỏ xót thương cho những người hỏng mắt!

Dẫu biết là khó đấy nhưng gia đình chị Khuy lại thật hạnh phúc vì có một người em chồng rất nhiệt tình. Người đó là Phêrô Phạm Văn Sự hiện là nông dân, giáo dân giáo họ Tòng Phát. Đi đến đâu, anh Sự cũng kể về người chị dâu mình đang cần xin giác mạc. Gặp cụ già nào đau yếu sắp qua đời, anh cũng bày tỏ muốn xin.

Rồi đến một hôm, anh đã gặp được bà Hoa, mẹ chồng chị, và bà đã đồng ý hiến giác mạc sau khi mất. Trước nghĩa cử cao đẹp của bà, cả gia đình gồm tám chị em gái và chồng chị là anh Vinh tổ chức một cuộc họp bất thường và mọi người cũng thống nhất là "ý tốt của mẹ chúng con vâng theo!".

Và vào khoảng 6h sáng ngày 18/2/2007, Chúa đã gọi bà về thế giới bên kia. Như đã thống nhất từ trước, anh Sự - người em chồng chị Khuy gọi điện để các bác sỹ về lấy. Người trực tiếp về lấy giác mạc của mẹ chồng chị Hoa hôm đó là bác sỹ Sơn - một cán bộ của Ngân hàng Mắt.

"Vì đây là ca lấy giác mạc đầu tiên tại quê chúng tôi nên các bác sỹ phải đỗ xe mãi ở đằng xa, tránh sự hiếu kỳ của nhân dân. Hôm lấy giác mạc, tôi cũng chứng kiến, tại căn nhà bà Hoa, các bác sỹ nhờ người nhà đóng cửa lại, làm trong khoảng trên ba chục phút.

Tôi thấy họ chỉ lấy đi một lớp màng chỉ bằng vảy con ốc hột quê tôi mà thôi"- ông Phêrô Nguyễn Văn Hoá - Trùm Chánh giáo họ Tòng Phát hiện cũng là cộng tác viên đắc lực vận động cho phong trào hiến giác mạc tại giáo họ kể thêm như vậy. Ông nói tiếp: "Chúng tôi cứ nghĩ, đây là ca hiến giác mạc đầu tiên tại quê chúng tôi thôi, nào ngờ các bác sỹ bảo đây là ca hiến tặng đầu tiên tại nước ta, chúng tôi thấy tự hào vô cùng!...".

Nay người người trong giáo xứ, giáo họ học theo

Nghĩa cử cao đẹp của bà Maria Hoa đã được cha Chánh xứ Cồn Thoi và Hợp Thành là linh mục Antôn Hải đến thăm hỏi và đã nhiều lần biểu dương trên nhà thờ. Hiện linh mục Hải cùng với ban hành giáo hai giáo xứ và ban hành giáo các giáo họ trong hai xứ ra sức động viên bà con giáo dân hiến tặng giác mạc cho những người hỏng mắt, không phân biệt là có cùng tôn giáo, hay có cùng địa phương hay không. Vì vậy sau bà Hoa (những tháng cuối năm 2007), bà Têrêxa Thế, bà Maria Hiến (chồng là Huấn) cũng noi theo nghĩa cử cao đẹp đó khi qua đời.

Hiện trong giáo họ Tòng Phát còn có bà Maria Thơ tuy vẫn đang khỏe mạnh nhưng đã hứa với ban hành giáo họ là hiến cả hai giác mạc cho kẻ khó khi qua đời. Phong trào không chỉ dừng lại ở hiến giác mạc, mà cả các tạng khác trên cơ thể. Một cụ ông ở giáo xứ Tân Khẩn kề bên đã hiến cả cơ thể cho y học. Nghĩa cử của ông là học tập ở nghĩa cử cao đẹp tại "cái nôi hiến giác mạc Tòng Phát - Cồn Thoi" và cũng là trả nghĩa ơn đời, bởi chính ông khi xưa đã nhận của người khác một bên thận trái.

Ngày 10/5/2008 vừa qua, cánh phóng viên chúng tôi cùng Ngân hàng Mắt của Bệnh viện Mắt TW và Tổ chức Orbis về lại vùng giáo Kim Sơn để chứng kiến lễ tôn vinh, tặng bằng chứng nhận "Nghĩa cử cao đẹp"  lần thứ hai cho các gia đình giáo dân có người thân đã qua đời và có hành động bác ái cao cả, đó là hiến giác mạc lại cho những người mù lòa.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Minh Châu - Phó Giám đốc BV Mắt TW phát biểu với chính quyền, các linh mục và bà con giáo dân: Phong trào hiến giác mạc tại Việt Nam được khởi động đầu tiên tại vùng giáo này hơn một năm qua, đến nay nhiều bà con giáo dân ở các giáo xứ, giáo họ kề bên noi gương. Tính từ đầu năm nay cả nước chỉ có 21 người hiến thì riêng tại ba giáo xứ vùng này (Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Chung) đã có 8 người...

Chúng tôi cùng Phó Giáo sư tới từng gia đình, nghe người thân của họ kể lại những suy nghĩ tốt đẹp về việc hiến giác mạc của họ trước khi ra đi: Như cụ ông Quản giáo Phêrô Trần Ngọc Bảo (xứ Kim Tân), trước lúc ra đi, ông gọi con cháu lại nói: "Bên giáo xứ Cồn Thoi có cụ bà tên Hoa đã từng hiến giác mạc cho người mù lòa khi qua đời, mắt bố có lẽ còn tốt hơn, bố còn đọc sách Thánh được mà chưa cần dùng kính. Nếu bố nằm xuống các con hãy mời bác sỹ về để bố được hiến giác mạc...".

Hay trường hợp anh Giuse Tống Văn Hiếu, xã Kim Đông (anh ra đi ở tuổi 36), khi anh Hiếu ốm nặng nằm trên giường bệnh, linh mục xứ đến sức dầu Thánh cho anh, anh nói: “Số con mệnh mỏng chưa làm được gì cho đời, nếu Chúa gọi con về, con xin hiến lại cho người mù hai giác mạc của con"...

Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Giám đốc Tổ chức Orbis - tổ chức quốc tế phòng chống mù loà đã đánh giá cao về phong trào này tại vùng giáo Kim Sơn; đặc biệt vai trò vận động của linh mục xứ tại vùng giáo này.

Vẫn theo ông Thịnh: Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 300.000 người bị mù loà liên quan đến giác mạc, trong đó có 100.000 người mù cả hai mắt, con số này tiếp tục tăng theo mỗi năm; trong khi đó tổ chức trên mỗi năm chỉ giúp Việt Nam khoảng 100 giác mạc từ nguồn viện trợ của các nước... Ghi nhận của tác giả tại Hội Người mù huyện Hoa Lư - Ninh Bình, đến ngay chính chị Chủ tịch Hội (sinh năm 1970) trẻ trung, năng động mà ngành muốn thay giác mạc cho chị cũng rất khó tìm được nguồn giác mạc. Cần lắm những nghĩa cử cao đẹp!

Linh mục Antôn Đoàn Minh Hải - Chánh xứ Cồn Thoi, nói về quan điểm của Giáo hội:

Ngay từ đầu, tôi đã hết sức ủng hộ, không hề băn khoăn điều gì. Vì theo giáo lý đạo Công giáo thì việc cho giác mạc là một nghĩa cử bác ái cuối cùng của một người đã ra đi, cho đi chính là nhận lại được gấp trăm lần - tôi đã từng giải thích như thế ở nhà thờ (có lúc trên ngàn người, lúc cho từng cá nhân, lúc cho nhóm người).

Tôi đã trình bày với Bề Trên (tức Đức cha và cha Giám quản giáo phận), tôi cũng đã nói chuyện chia sẻ với nhiều người xa gần hỏi han về việc này. Mỗi bệnh nhân trước khi chết bao giờ cũng cần gặp linh mục để lo việc tâm hồn, việc tín ngưỡng... những lúc đó, tôi thường mời gọi bệnh nhân trao hiến giác mạc thì hầu như họ đều sẵn sàng.

Một năm qua điều đó đã và đang diễn ra rất tốt. Chỉ vài cá nhân đôi lúc nghe tác động nào đó, nói rằng, chết vẫn còn về thế giới bên kia - lấy đâu mắt mà xem. Đạo Công giáo vẫn xác tín chết không phải là hết, vẫn còn nhưng tồn tại ở một hình thức khác. Vì vậy việc cho giác mạc, tôi hy vọng trong tương lai hết sức khả quan và thành công, tôi sẽ đóng góp nhiệt tình cho công việc này.

"Vì một thế giới không mù lòa" là khẩu hiệu của tổ chức Orbis, cũng là thông điệp, là khẩu hiệu của cộng đoàn giáo dân hai giáo xứ Cồn Thoi và Hợp Thành. Xin tôn vinh những sáng kiến và dấn thân phục vụ cho lĩnh vực này. (Trích phát biểu của linh mục Hải tại lễ tôn vinh những giáo dân đã hiến giác mạc tại UBND xã Cồn Thoi, ngày 10/5/2008)

Vũ Thành Nam
.
.