Nguồn gốc da đỏ của nền dân chủ Hoa Kỳ

Thứ Hai, 12/10/2015, 09:01
Dân chủ là niềm tự hào của người Mỹ, một giá trị mà họ thường đề cao trong các cuộc đối thoại chính trị. Nền dân chủ Mỹ, với lịch sử cùng sức mạnh và cả những mặt hạn chế của nó, cũng là đối tượng nghiên cứu đầy hấp dẫn không ngừng đối với các nhà chính trị học trên khắp thế giới. Một trong những nghiên cứu như thế là cuốn sách có nhiều ảnh hưởng của Alexis de Tocqueville, De la démocratie en Amérique (hai tập in năm 1835 và 1840).

Nền dân chủ Mỹ được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp của những triết gia châu Âu như John Locke và John Stuart Mill, nhưng hai cội nguồn chủ yếu của nó là nền dân chủ Hy Lạp cổ đại và nền văn minh da đỏ. Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên - nhưng thật ra không mới - nó đã được nhiều học giả phân tích rất sâu sắc, đặc biệt là James Loewen, trong Lies my Teacher Told Me (Những điều thầy lừa dối tôi), cuốn sách đã đem lại cho ông giải thưởng danh giá American Book Award (1996). Vậy mà, và trớ trêu thay, trong lịch sử văn minh nhân loại, cuộc tàn sát người da đỏ ở Mỹ lại là một trong những cuộc diệt chủng tàn bạo và quy mô lớn nhất.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (1776) do Thomas Jefferson viết và sau này được Hồ Chủ Tịch trích dẫn ngày 2/9/1945, có những dòng bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.14.). Thật đáng buồn, những lời đẹp đẽ và cao thượng đó không dành cho người da đỏ - những chủ nhân đầu tiên của xứ xở ngày nay được gọi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Ngày nay, báo chí, sách vở và điện ảnh phương Tây vẫn tiếp tục mô tả người da đỏ như là những kẻ “dã man”, một thứ người Neanderthal ăn lông ở lỗ. Đó là một sự dối trá trắng trợn. Eric Foner trích dẫn Russell Thornton, ước tính rằng trước khi Colombus và những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến nơi mà họ gọi là Tân thế giới, dân số của châu Mỹ vào khoảng  70 triệu, chiếm 1/7 dân số toàn thế giới khi đó vào khoảng 500 triệu. (Eric Foner, Lịch sử mới của nước Mỹ, bản dịch của Diệu Hương, Trọng Minh, Hoàng Nguyên; Kim Thoa, Minh Long và Hồng Hạnh hiệu đính, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.11).

Một số người khác đưa ra những con số thậm chí còn cao hơn, theo đó dân số châu Mỹ khi đó vào khoảng 100 triệu. Để hình dung rõ hơn, ta có thể so sánh nó với dân số châu Âu. Vào năm 1.500, dân số châu Âu vào khoảng 55 triệu người. Những cuộc tàn sát cùng những bệnh tật mà người châu Âu mang đến đã khiến cho dân số của người da đỏ giảm xuống chỉ còn 350 ngàn vào năm 1920 (Theo Portrait of the USA (tài liệu của Cục Thông tin Hoa Kỳ, US Information Agency). Phần lớn những người sống sót bị dồn vào những khu đất cằn cỗi, hẻo lánh mà chính quyền “dành” cho họ, gọi là những “khu bảo tồn” (Reservations).

Những người da đỏ di cư từ châu Á đến qua eo biển Bering vào khoảng 20 ngàn năm trước và định cư khắp trên cả Bắc và Nam Mỹ. Khi những người châu Âu “phát hiện” ra châu Mỹ, lục địa này bao gồm nhiều xã hội rất da dạng, trong đó một số đã đạt đến trình độ phát triển rất cao mà chứng tích là các kim tự tháp và nhiều công trình đền đài, cả ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ.

Minh họa: Lê Phương.

Theo James Loewen, thành phố Tenochtitlan (nay là Mexico city), chẳng hạn, khi đó có dân số lên tới ba trăm ngàn người, tương đương với London, với những trung tâm buôn bán vô cùng sầm uất (James Loewen, Lies my Teacher Told Me, tr.102). Rất nhiều thực phẩm mà chúng ta sử dụng ngày nay là thành quả văn minh của người da đỏ, như cà chua, cà phê, khoai tây, ngô, ca cao… Ngoài ra là cao su, canô, giày đinh, giày đi tuyết… và rất nhiều sáng tạo khác.

Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất trong xã hội của người da đỏ là tinh thần dân chủ cùng cách tổ chức và quản lý ưu việt của họ. Benjamin Franklin, một trong những người cha tinh thần của cách mạng Hoa Kỳ từng viết: “Không một người châu Âu nào, sau khi đã thưởng thức cuộc sống hoang sơ, còn có thể chịu đựng được xã hội của chúng ta”.

Trong thực tế tiếp xúc giữa hai nền văn hoá, có một hiện tượng đáng chú ý là những người da trắng bị người da đỏ bắt làm tù binh, khi có quyền lựa chọn thường ở lại, vì thế nhiều khi người ta buộc phải trói tay trói chân họ để áp giải về với “thế giới văn minh”. Những người hành hương lo ngại về sức quyến rũ của xã hội da đỏ đến mức họ phải đưa ra hình phạt, đôi khi tử hình, đối với những người châu Âu không chịu từ bỏ cuộc sống “mọi rợ”.

Trong khi đó, những người da đỏ thường trở về với cộng đồng của mình mà không hề luyến tiếc. John M. Murrin viết: “Phụ nữ châu Âu sau một vài năm bị giam giữ thường tự nguyện lựa chọn con đường ở lại. Quyết định này gây thất vọng và làm tổn thương những người đàn ông châu Âu họ để lại phía sau, trong nhiều trường hợp là chồng con của họ. Những người định cư nam giới trưởng thành không thể lý giải tại sao những phụ nữ “văn minh”, một số thậm chí còn là con chiên ngoan đạo và sùng tín của nhà thờ, lại có thể yêu thích cuộc sống “mọi rợ” và không hề phản đối công việc lao động vất vả ngoài đồng ruộng”. (Eric Foner, Lịch sử mới của nước Mỹ, bản dịch của Diệu Hương, Trọng Minh, Hoàng Nguyên; Kim Thoa, Minh Long và Hồng Hạnh hiệu đính, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003). 

Lý do nằm ở bản chất dân chủ và sự bình đẳng nam nữ của xã hội da đỏ. So với người dân châu Âu khi đó, người da đỏ được hưởng nhiều tự do cá nhân hơn. Phụ nữ da đỏ được kính trọng và có nhiều quyền lực hơn trong xã hội. Họ ít phải làm các công việc nội trợ hơn, đồng thời được tham gia nhiều hoạt động xã hội, kể cả tham gia quyết định những chiến lược và sách lược của cộng đồng. Điều đáng nói hơn nữa là các thành viên ngoại lai, kể cả người châu Âu, khi gia nhập cộng đồng da đỏ đều được hưởng những quyền lợi đó một cách bình đẳng, thậm chí có thể trở thành thủ lĩnh.

Mặc dù một số dân tộc gia đỏ cũng có chế độ cha truyền con nối, đa số các xã hội ở Bắc Mỹ dân chủ hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu quân chủ như Pháp, Anh, Tây Ban Nha từng sống hàng nghìn năm dưới bóng nhà thờ.

Năm 1727, Cadwallader Colden nhận xét về các tổ chức chính quyền của người da đỏ: “Chính quyền của họ chỉ dựa trên sự tin yêu của dân chúng và quyền năng ấy chấm dứt khi sự tin yêu không còn. Ở đây ta thấy cội nguồn tự nhiên của mọi quyền lực của một dân tộc tự do”.

Nói cách khác, đây chính là mô hình thực tế của một nhà nước vì của dân, do dân và vì dân hoàn toàn khác với những gì người châu Âu từng biết. Hình thức tổ chức xã hội như vậy có thể nói là không thể hình dung được đối với người châu Âu từng trải qua hàng ngàn năm chém giết lẫn nhau không ngừng vì lý do tôn giáo và ý muốn của những ông vua tàn bạo.

Xã hội của người da đỏ, vì thế, đã khiến cho các học giả người châu Âu kinh ngạc. Nó là nguồn cảm hứng trực tiếp cho tác phẩm nổi tiếng Utopia của Thomas More. Ý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của họ có ảnh hưởng lớn lao đến các nhà tư tưởng châu Âu như Locke, Montaigne, Voltaire, Montesquieu, Rouseau, những người, đến lượt mình lại ảnh hưởng tới các nhà tư tưởng Hoa Kỳ như Jefferson, Paine và Franklin cũng như các nhà lập quốc khác.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của văn minh da đỏ đối với nền dân chủ Mỹ còn trực tiếp hơn thế. Benjamin Franklin, sau khi bỏ nhiều năm nghiên cứu xã hội người Iroquois, đã đề nghị thủ lĩnh các thuộc địa ở vùng Albany thành lập một liên bang theo mô hình Liên minh sáu dân tộc của họ. Ông viết: “Điều lạ lùng là trong khi sáu dân tộc man rợ và thiếu hiểu biết có thể sáng tạo ra một mô hình liên minh, đồng thời điều hành nó một cách lâu dài và cực kỳ bền vững, thì một liên minh tương tự dường như là bất khả đối với mươi thuộc địa Anh” (James Loewen, Lies my Teacher Told Me, tr.110). 

Mặc dù Kế hoạch liên minh Albany của Franklin bị các thuộc địa Anh từ chối, nó có thể được coi như là tiền thân của Hiến pháp Hoa Kỳ sau này. Tinh thần dân chủ của mô hình tổ chức xã hội da đỏ được chính quốc hội Mỹ công nhận và chúng ta có thể nhận ra trong Hiến chương nhân quyền.

Dĩ nhiên, nền dân chủ Hoa Kỳ không chỉ có một nguồn gốc duy nhất là hình mẫu của người da đỏ. Nhưng, như James Axtell đã nói, không thể hiểu được lịch sử Hoa Kỳ nếu không nghiên cứu ảnh hưởng và di sản của người da đỏ. Nền dân chủ Mỹ, cũng như chính nước Mỹ, là một sản phẩm quốc tế.

Ngô Tự Lập
.
.