Người về từ Thiên Quốc
Và để phương Tây nhìn nhận rõ hơn về sự kiện đó, có một tác giả người Anh từng tự mình dấn thân vào ngọn triều sôi sục ấy: Augustus Frederick Lindley (9/2/1840 - 29/3/1873).
Những người phương Tây kỳ lạ
Ngày 19/3/1853, giáo chủ Hồng Tú Toàn dẫn quân tràn vào Nam Kinh, đổi tên thành Thiên Kinh, chính thức thành lập Thái Bình Thiên Quốc, tạo thế đối kháng với triều đình Bắc Kinh.
Không còn cách nào khác, khi lực lượng Bát kỳ binh khét tiếng thiện chiến thời lập quốc đã suy thoái sức chiến đấu trầm trọng, nhà Mãn Thanh bắt buộc phải cầu viện các thế lực ngoại quốc. Anh, Pháp, Mỹ… bắt đầu giúp đỡ Bắc Kinh tổ chức các "đội súng Tây" chính quy, và thậm chí trực tiếp đưa quân can thiệp, đối trận với quân khởi nghĩa Thái Bình.
Song, cũng có những người phương Tây lựa chọn việc đứng ở bên kia chiến tuyến. A.F.Lindley là một người như thế.
Đó là một quân nhân Anh, một sĩ quan hải quân cấp úy phục vụ tại Bộ tư lệnh hải quân đóng ở Hồng Kông, từ năm 1859, nghĩa là sáu năm sau khi Hồng Tú Toàn chiếm Nam Kinh.
Thiên Vương và chư vương Thái Bình Thiên quốc, trong sách của Lindley. |
Mùa xuân năm 1860, quân Thái Bình công hạ đại bản doanh Giang Nam của thủy quân nhà Thanh, thừa thắng tỏa quân tiến chiếm một dải Thường Châu, Tô Châu…, đến sát Thượng Hải. Lindley không thể không chú ý tới những bước tiến vũ bão đó, và ông bị gây ấn tượng đặc biệt với cách quân Thái Bình hoạt động.
Và rồi, Lindley quyết định xuất ngũ. Lý do được đưa ra là ông muốn tìm một công việc tự do hơn, và quả thật ông đã chuyển sang phục vụ một tàu buôn trong thời gian ngắn. Nhưng rất nhanh chóng, khi chiếc tàu ấy đến trao đổi thương mại ở vùng mà quân Thái Bình quản lý, Lindley cùng vợ mình - Mary - có một lựa chọn mang tính bước ngoặt.
Mùa thu năm 1860, họ tiếp cận với phòng tuyến Thái Bình quân. Cách thức mà quân Nam Kinh đón tiếp họ được Lindley nhìn nhận là rất nghiêm túc và thân thiện, khác xa với thái độ quan cách, tham tàn thường thấy ở quân đội Bắc Kinh. Điều này thực ra cũng dễ hiểu.
Thứ nhất, Hồng Tú Toàn và chư vương dưới trướng mình cũng đặc biệt cần chiêu mộ để hấp thụ những kiến thức quân sự quý báu từ những người phương Tây, nhằm nâng cao năng lực của quân đội. Quân Thái Bình, không còn là một cuộc khởi nghĩa nông dân tự phát với trang bị thô sơ bằng dao kiếm, đã bành trướng thế lực mãnh liệt với súng ống, đại bác…
Thứ hai, cùng là tín đồ Thiên Chúa giáo (cho dù Hồng Tú Toàn truyền bá một thứ Thiên Chúa giáo mang màu sắc Trung Quốc đậm đặc), rất dễ dàng để những người phương Tây được đối xử tốt, và có thể cảm thấy gần gũi. Họ được tướng lĩnh quân Thái Bình gọi là "Tây phương huynh đệ".
Và ít lâu sau, A.F.Lindley "mạnh dạn tự tiến", giong thuyền tới Tô Châu, xin gặp Trung vương Lý Tú Thành - một trong những thủ lĩnh quan trọng nhất của Thái Bình Thiên Quốc.
Tương ngộ và từ ly
Khi đó, Lý Tú Thành vừa ra quân gặp bất lợi ở Thượng Hải. Nghe nói có người khách Anh quốc vốn là cựu sĩ quan hải quân muốn cầu kiến, ông lập tức mở phủ tiếp đón trang trọng. Được trọng thị như bậc "quốc sĩ", Lindley tự nguyện trở thành môn khách của Lý Tú Thành.
"Sứ mệnh" đầu tiên mà Lindley đảm nhiệm là "tâm lý chiến". Ông đi khắp vùng lãnh thổ duyên hải do Thái Bình quân quản lý, tuyên truyền với các tàu buôn phương Tây về sự thân thiện của Thiên quốc, kêu gọi họ ủng hộ quân khởi nghĩa.
Thậm chí, bất chấp Thượng Hải bị phong tỏa, Lindley vẫn đích thân tới đó để thực hiện nhiệm vụ. Trở về, Lindley tiếp tục đảm nhiệm một trọng trách khác: Huấn luyện quân sự, truyền thụ kiến thức về đúc đạn pháo, chế tạo ngòi nổ, kỹ năng tác xạ, cho cả thủ hạ của Trung vương Lý Tú Thành lẫn Vinh vương Liêu Phát Thọ.
Một cảnh giao tranh giữa quân Mãn Thanh và quân Thái Bình. |
Tháng 5-1963, yếu địa Vũ Hoa Đài thất thủ. Lý Tú Thành bị Hồng Tú Toàn triệu gấp về bảo vệ Thiên Kinh. Vào thời điểm ấy, nhận được thư của Lý Tú Thành, Lindley mang tất cả chiến thuyền về yểm hộ trấn giữ Cửu Liễu Châu.
Suốt một dải Trường Giang, quân triều đình Bắc Kinh tập trung hàng nghìn pháo thuyền, công kích mãnh liệt. Đứng đầu sóng ngọn gió, vợ Lindley - Mary - trúng đạn hy sinh. Chính Lindley cũng bị trọng thương.
Vừa tạm hồi phục, người sĩ quan ấy đã lại bí mật lên đường tới Thượng Hải. Lợi dụng thân phận là người châu Âu "da trắng mắt xanh", ông đóng giả làm một nhà báo lên tàu "Phi nhi Phục Lai" của quân Thanh tác nghiệp.
Trong đêm, cùng 6 cộng sự, ông đưa chiếc tàu có hai đại pháo và nặng trĩu đạn pháo ấy về với quân Thái Bình. Vì chiến công này, ông được giao chỉ huy chính tàu đó (đã được đổi tên thành Thái Bình). Đây là nhiệm vụ đặc biệt làm xáo trộn không ít kế hoạch tác chiến của quân Thanh ở khu vực.
Đang lúc ra sức chiến đấu cho Thái Bình Thiên Quốc và trở thành một chỉ huy thủy quân cực kỳ quan trọng, lời chia tay của Lindley lại đến theo cách éo le nhất.
Tháng 11-1863, Lindley lại đến Thượng Hải. Song, lần này, ông không trở về được nữa. Nhà Thanh đã có những tác động chính trị cần thiết, để lãnh sự quán Anh gây khó dễ. Wright - người bạn đi cùng Lindley - bị bắt giữ với tội danh "hoạt động ngầm giúp đỡ quân phiến loạn".
Lindley không bị bắt vì thiếu chứng cứ, nhưng bị theo dõi sát sao. Hơn nữa, bệnh tình của ông lại bắt đầu chuyển nặng. Không còn cách nào khác, nghe lời khuyên của bác sĩ, Lindley trở về Anh. Một mình.
Năm 1864, kẻ lãng du ấy đặt chân về lại ngôi nhà của mình ở Luân Đôn. Trong ngập tràn những hoài niệm về người vợ - người bạn chiến đấu đã khuất cũng như trong nỗi nhung nhớ khôn nguôi về Lý Tú Thành cùng các đồng đội đang vào sinh ra tử, Lindley khao khát được viết lại tất cả.
Cuốn hồi ký của ông - "Ti Ping Tien Kwoh: or the History of the Taiping Revolution" (Thái Bình Thiên Quốc, hay là lịch sử cuộc khởi nghĩa Thái Bình) được viết xong và xuất bản năm 1866.
Cuốn hồi ký đầy kỷ niệm. |
Trong lời đề tặng, Lindley ghi rõ: "To Le-Siu-Cheng, the Chung-Wang, "Faithful Prince," Commander-in-Chief of the Ti-Ping forces, this work is dedicated if he be living; and if not, to his memory. (Kính tặng Trung vương Lý Tú Thành - chủ tướng quân đội Thái Bình.
Nếu ngài còn sống, cuốn sách này là lời tri ân dành cho ngài. Nếu ngài đã mất, cuốn sách này là lời tri ân dành cho những kỷ niệm về ngài".
Trong cuốn hồi ký ấy, Lindley đã dùng tất cả khả năng văn chương cũng như trí nhớ có thể, để phục hồi hình ảnh cho đạo quân khởi nghĩa nông dân đã bị truyền thông phương Tây hậu thuẫn triều đình Mãn Thanh bôi đen quá mức.
Năm 1872, khi tái hôn với một người vợ mới, ông vẫn ghi trong thiệp mời cũng như giấy chứng nhận: Augustus Frederick Lindley - thượng tá quân đội Thái Bình Thiên Quốc.
Nhưng, cũng chỉ một năm sau, ông từ giã cõi đời bởi bạo bệnh.
Khi ra đi, ông chưa từng và không bao giờ biết, vị chủ tướng yêu mến của mình - Trung vương Lý Tú Thành, cũng như những vị chỉ huy lừng lẫy khác như Dực Vương Thạch Đạt Khai hay An vương Trần Ngọc Thành…, đã phải chịu đựng một kết cục bi thảm ra sao.
* Theo các thư tịch Trung Quốc ghi chép, riêng thân quân hộ vệ Trung vương Lý Tú Thành cũng đã có tới khoảng 200 người nước ngoài. Những môn khách Âu Mỹ gồm 5 người Anh, 4 người Mỹ, 2 người Pháp, 1 người Ý, 1 người Hy Lạp. Sau này có 6 người chết trong chiến trận. * Vào thời điểm cực thịnh, Thái Bình Thiên Quốc có lãnh thổ trải rộng suốt miền nam sông Dương Tử, với trên 16 tỉnh và 600 đô thị. * Theo số liệu chính thức, cuộc đọ sức giữa Thái Bình Thiên Quốc với Thanh triều đã lấy đi sinh mạng của hơn 20 triệu người. * Tuy nhiên, kết cấu nhà nước lỏng lẻo và đặc biệt là thái độ nghi kỵ, tàn sát trung thần, dung dưỡng nịnh thần của Hồng Tú Toàn sau khi xưng Thiên Vương đã kéo tụt thanh thế của cả cuộc khởi nghĩa. Sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ khiến quân Thái Bình không thể Bắc phạt thành công, và tạo điều kiện cho quân Bắc Kinh củng cố lực lượng, phản công thắng lợi. |