Người từng gặp Bác Hồ ở Paris năm 1946

Thứ Sáu, 17/09/2010, 17:05
Lần theo địa chỉ do một người bạn giới thiệu, tôi đến nhấn chuông ngôi biệt thự nằm trên đường Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng để tìm gặp một người. Đó là ông Trần Thi, sinh năm 1922, tại làng Gia Cốc, huyện Duy Xuyên (nay là xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) - người mà đã có hơn 60 năm trong cuộc đời mình sống và làm việc trên đất Pháp.

Hơn 80 tuổi, ông quyết định hồi hương bởi khát vọng "được sống những năm tháng cuối của đời người nơi quê cha đất tổ, để rồi được chết ngay nơi mình chôn nhau cắt rốn...". Gần hai phần ba thế kỷ định cư ở hải ngoại, ông Thi không những luôn đau đáu hoài vọng về cố hương của mình mà ông còn là một "chứng nhân" của nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc.

Ông từng được gặp Bác Hồ vào một buổi sáng ở quận 17 Paris, khi Bác sang Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau. Từng bảo vệ cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong dịp ta tổ chức khánh thành Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp. Từng phục vụ cho các đoàn đại biểu đại diện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam từ những năm 1968 -1973... Ông đã có hơn 30 năm tham gia đảng Xã hội Pháp, tham gia Hội Ái hữu của Việt kiều yêu nước tại Paris...

Ngồi đối diện với tôi trên chiếc ghế sa lông rất sang trọng, mái tóc bạc phơ và nét mặt hồn hậu, chất giọng đặc sệt Quảng Nam, ông chậm rãi kể cho tôi nghe về những ngày tháng đã trôi qua trong cuộc đời mình. Năm 1939, người Pháp thực hiện việc bắt lính ở các vùng thuộc địa để đưa về chính quốc chống quân phát xít trong Đệ nhị thế chiến.

Ông Trần Thi.

Mặc dù chưa đủ tuổi, nhưng ông cũng đã có mặt trong đoàn người xuống tàu thủy sang Pháp thực hiện sứ mệnh làm một anh lính thợ. Khi nước Pháp giành được quyền độc lập, ông quyết định bám lại Paris để học nghề, rồi lấy vợ người Pháp. Ông kiên nhẫn làm lụng và cóp nhặt để tạo dựng cơ nghiệp cho mình nơi đất khách. Hơn 40 năm cùng chung sống, vợ chồng ông sinh được 4 người con gái. Và khi mà những đứa con của ông đã đến tuổi trưởng thành, họ đều có gia đình riêng và những việc làm ổn định, thì đó cũng là lúc ông Thi khao khát được trở về nơi ông đã ra đi.

Nói về sự hồi hương của mình, ông kể: "Cha tôi là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi có 3 người em ruột là liệt sĩ (1 người trong chống Pháp, 2 người trong chống Mỹ). Với lại, ngay từ khi tôi lấy vợ cho tới lúc lên máy bay về nước, bao giờ tôi cũng nói với vợ mình rằng: Khi Tổ quốc tôi giành được độc lập thì tôi phải trở về...".

Và ông đã toại nguyện. Hướng tầm mắt về phía rất xa xăm, ông ngẫm ngợi rồi hào sảng kể với tôi về những ngày đầu lập thân trên đất Pháp, ông nói: Phong trào của Việt kiều hồi đó còn thưa thớt lắm. Đa số anh em lúc ấy đều đang học nghề, có đôi người thì đã làm thợ, hoạt động Hội Ái hữu cũng khó vì mật thám xứ sở tại theo dõi rất gắt gao.

Không khéo léo là bị các ông chủ Tây sa thải ngay lập tức, mà bị sa thải là phải đối mặt ngay với đói rách. Đa số anh em vì vậy mà phải hoạt động bí mật hoặc bán công khai. Nhiều người hồi đó bị mật thám bắt bớ, tra xét, rồi trục xuất như ông Phạm Huy Thông, ông Nguyễn Khắc Viện.

Năm 1945, qua thông tin trên báo chí, ông cùng những người bạn Việt kiều biết được ở đất nước của mình đang dấy lên phong trào Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vận động nhân dân đánh đuổi giặc Pháp và phát xít Nhật. Vậy là anh em tổ chức ngay những buổi biểu tình, xuống đường ủng hộ phong trào Việt Minh ở Việt Nam.

Có một câu chuyện vui mà dẫu hơn 60 năm kể lại vẫn thấy tức cười. Đó là chuyện anh em bàn nhau may cờ Tổ quốc để biểu tình. Ở Pháp chỉ nghe là cờ đỏ sao vàng thôi chứ không biết rằng vị trí của ngôi sao nằm ở giữa. Vậy là may cờ, nhưng đặt ngôi sao vàng ở trên góc của lá cờ.

Mỗi lần đi biểu tình như vậy ngoài những lá cờ to bằng vải, mỗi người đều có cờ đỏ sao vàng cất trong túi áo ngực. Mỗi lần như thế, cảnh sát Pháp bắt bớ và đánh đập rất nặng đối với những ai bị phát hiện trong túi có cờ Việt Nam. Mãi cho đến năm 1946, khi thành lập đoàn Việt kiều đi đón Bác Hồ sang dự hội nghị, anh em mới chính thức được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc.

Một buổi sáng, khi mọi người đều đang nằm trên giường chưa dậy thì Bác Hồ đột ngột xuất hiện ở khu nhà nghỉ của anh em Việt kiều mà không thông báo trước, làm tất thảy mọi người đều lúng túng. Biết được điều đó, Bác Hồ tươi cười xin lỗi anh em Việt kiều rồi giải thích rằng, Bác dậy sớm để tập thể dục, tiện thể ghé qua thăm anh em.

Bác nói: "Tôi qua đây thì giờ cũng quá ít, vả lại vì nóng lòng muốn gặp bà con mình để trò chuyện nên đến có phần hơi đường đột, mong các chú thông cảm...". Bác đi lại hỏi thăm sức khỏe của từng người, hỏi thăm quê quán, công ăn việc làm của từng người... không khí của buổi gặp chân tình, gần gũi quá khiến ai ai cũng cảm động.

Khi mọi người hỏi Bác về tình hình ở trong nước thì Bác nói: "Tôi cùng phái đoàn của Chính phủ ta sang đây là để thương lượng với Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh ở đất nước mình. Kết quả chưa biết rồi sẽ thế nào, nhưng đồng bào trong nước ta thì quyết tâm không chịu làm nô lệ nữa, cả nước đồng sức, đồng lòng đứng dậy đấu tranh giành cho được độc lập".

Rồi Bác hỏi: "Còn các chú, có ai muốn hỏi thêm gì nữa không, có góp ý kiến gì cho đoàn làm việc của Chính phủ sang đây không?". Cả căn phòng im lặng trong nỗi xúc động, bởi lẽ không ai có thể ngờ được rằng một vị lãnh tụ như Bác, sang Pháp để đàm phán những vấn đề quan trọng có tính quyết định đến vận mệnh của cả một dân tộc lại tranh thủ thời gian để thăm hỏi, tiếp xúc với anh em công nhân Việt kiều, lại còn đề nghị góp ý kiến.

Sáng hôm ấy, ông Thi đã mạnh dạn đưa tay lên xin có ý kiến với Bác rằng: "Thưa Chủ tịch, chúng cháu sang đây khi cả hai quốc gia Pháp-Việt đều đang có chiến tranh. Nay nước Pháp đã giành được độc lập, chúng cháu muốn ở lại đây để học lấy một cái nghề, nhưng xin Bác cho lời khuyên chúng cháu nên học nghề gì?".

Nghe xong, Bác Hồ cười và nói: "Đó là một câu hỏi quan trọng và rất đúng lúc, các chú đang có một cơ hội rất may mắn và cũng là cơ hội rất may cho đất nước ta. Các chú đang ở trên một đất nước khá tiên tiến về kỹ nghệ. Nên cố gắng học lấy một cái nghề cho tới nơi tới chốn, nghề gì cũng được, để sau này về phục vụ đất nước, nên nhớ dù ở đâu và làm bất cứ công việc gì cũng đừng quên mình là người Việt Nam...".

Những lời dặn dò, gợi ý của Bác Hồ lúc ấy quả là đáng giá ngàn vàng đối với anh em công nhân Việt kiều. Sau đận ấy, ông Thi đã cố công học hỏi và đã trở thành một người thợ cơ khí đóng tàu rất lành nghề. Vừa làm việc, vừa tham gia tích cực vào những hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước.

Ông Trần Thi đã nhiều lần được Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp và Chính phủ ta cử đi dự nhiều cuộc gặp mặt, Đại hội Thanh niên thế giới ở Sophia, Moskva, Bắc Kinh... ông cũng đã nhiều lần được về Hà Nội ngay trong những ngày đất nước đang có chiến tranh, ngày đó đoàn Việt kiều trong đó có ông đã được vào thăm đất thép Vĩnh Linh nơi tuyến đầu đánh Mỹ, được hội kiến với nhiều thành viên cao cấp trong Chính phủ ta lúc bấy giờ.

Sau chiến tranh, ông lại có mặt trong đoàn Việt kiều mang các loại giống cây trồng về cho đất nước. Rồi ông tham gia làm việc ở trong nước với tư cách là chuyên gia thiện chí. Năm 1977, ông đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ tặng bằng khen vì "đã trao đổi những kinh nghiệm quý báu về sản xuất trong những ngày về nước thăm viếng các nhà máy của cơ khí GTVT".

Tại Pháp, ông được kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa cùng nhiều quan chức ở Đại sứ quán ta tin cậy giao cho việc theo dõi tiến độ thi công tòa nhà sứ quán. Các hạng mục bằng sắt ở sứ quán thì do chính ông cùng những đồng sự của mình thi công một cách nghiêm túc.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Trần Thi còn kể thêm nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ trong chuyến Bác sang Pháp năm 1946 ấy. Đó là chuyện Bác đến chào tạm biệt và cảm ơn những công nhân lái tàu hỏa người Pháp khi hành trình của Bác và phái đoàn Chính phủ ta từ Paris đi về cảng Marseille an toàn.

Bằng tiếng Pháp rất lưu loát và rành rọt, Bác hỏi han những người thợ máy, cảm ơn và động viên họ, thái độ hòa nhã của Bác đã làm những người Pháp ấy từ ngạc nhiên đến khâm phục... Chuyện có một Việt kiều quê ở Thanh Hóa nằng nặc đòi may cho Bác một bộ veston để mặc đến Hội nghị cho ngang tầm với người Pháp (Bác Hồ sang Pháp mặc đồ ka ki).

Nhưng Bác đã từ chối và nói rằng: "Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của chú đối với tôi, cũng như đối với đất nước. Tôi nói thật với chú, đồng bào mình đang cần kiệm để nỗ lực đấu tranh giành độc lập, tự do. Tôi nhận thấy ăn mặc thế này còn hơn bà con trong nước lắm rồi". Nghe Bác Hồ nói thế, ai cũng nước mắt rưng rưng và sau đó câu chuyện về bình dị trong ăn mặc và phong thái bình dân của Bác Hồ được lan truyền khắp cộng đồng Việt kiều ở Pháp.

Giờ đây, hằng ngày ông Thi vẫn thường xuyên luyện tập thể thao thể dục, chăm sóc cây cảnh, thăm viếng bà con và làm công tác từ thiện, ông giúp gạo cho đồng bào bị lũ lụt, ông góp tiền cho những công trình ở địa phương, tổ chức Tết Trung thu tại nhà mình cho trẻ nhỏ, giúp tiền để làm một vài hạng mục mà theo ông là rất cần thiết trong những ngôi trường ở quê ông...

Hơn 80 tuổi, sống trong một ngôi biệt thự sang trọng với những tấm bằng Tổ quốc ghi công, vài kỷ niệm chương, mấy cuốn album ảnh của một đời người chu du trên đất khách, một pho ký ức về vị lãnh tụ kính yêu...

Vừa tiễn tôi ra cổng, ông vừa chỉ cho tôi xem vài chậu cây cảnh quý, rồi ông hào sảng đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Nguyễn Trọng Tín mà ông bảo là ông rất thích "Thì ra, để thấu tình cây cỏ/ cũng phải là cây cỏ nước nhà"

Phan Bùi Bảo Thy
.
.