Người chuyển hàng trái tuyến

Thứ Sáu, 22/01/2016, 17:16
Từ “hàng” trong bài viết này không phải là hàng hóa thông thường theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là tên ngụy trang sử dụng cho lực lượng giao thông viên hợp pháp của lực lượng tình báo của ta ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Hàng, là tài liệu tình báo chuyển từ Sài Gòn hoặc các đô thị miền Nam nằm trong vùng kiểm soát của địch về căn cứ và ngược lại.


Giao thông viên thực hiện chuyến hàng đặc biệt ấy là người chị kết nghĩa của tôi. Bà là cán bộ miền Nam tập kết. Tuổi Tân Mùi. Hơn tôi tròn một con giáp. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đang công tác tại một trường đại học ở Hà Nội, bà được cơ quan tổ chức Trung ương điều động đi làm nhiệm vụ đặc biệt. 

    Sau khóa huấn luyện nghiệp vụ tình báo, bà được điều vào công tác tại một cụm tình báo chiến lược, căn cứ bám trụ của đơn vị tại chiến trường đông bắc Sài Gòn, với nhiệm vụ giao thông viên hợp pháp, chuyển tài liệu bí mật của điệp viên hoạt động nội thành về căn cứ.

    Cuối năm 1965, tôi được cử vào công tác ở đơn vị này và được biết bà từ đấy. Thời đó cả Cụm chỉ có 3 người miền Bắc. Hai cán bộ lãnh đạo thuộc dân “Nam tiến”, lớp trẻ chỉ nhõn mình tôi nên tôi được anh chị em đơn vị rất cưng chiều. 

    Thời đó căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi tại rừng Vĩnh Lợi thuộc nam Bến Cát, giáp ranh với huyện Châu Thành, tỉnh Bình Dương. Căn cứ xây dựng thành hai khu vực, khu A và khu B. Khu B riêng biệt, dùng để đón cán bộ từ nội thành và giao thông viên hợp pháp về căn cứ. Do nguyên tắc bảo mật, cán bộ, chiến sĩ ở khu A không được tới, dù chỉ là cách nhau mấy chục mét.

    Một buổi chiều tôi được Cụm trưởng triệu sang khu B. Không hiểu có việc chi mà tôi được “hưởng quy chế ngoại lệ” vậy. Tôi tới khi ông đang tiếp một vị khách nữ, tuổi chừng trên dưới bốn mươi, trong cái lán nhỏ lợp bằng cỏ tranh, bàn ghế ghép bằng cây rừng. Tôi khẽ gật đầu chào khách. Cụm trưởng chỉ tôi và quay sang nhìn khách, giới thiệu: “Đây là Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường). Cậu ấy mới từ ngoài kia vô. Chuyện miền Bắc còn đang nóng hổi, cậu ấy sẽ kể cho cô nghe”. 

    Một số cán bộ Đoàn Tình báo J22 trong buổi họp mặt Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Tình báo quốc phòng (25/10/1945 - 25/10/2010) tại TP HCM. Bà Tư Thu ngoài cùng bên trái.

    Ông quay sang phía tôi giới thiệu vị khách: “Đây là chị Tư Thu, vừa ở thành về. Chị rất muốn biết tình hình ngoài Bắc nên mới kêu cậu sang”. Thế là từ đó tôi thường được gặp bà trong những lần “chuyển hàng” về căn cứ. Vì làm việc ở bộ phận tổng hợp tin tức để thông qua biện pháp kỹ thuật chuyển về trung tâm nên tôi thường xuyên biết về những chuyến công tác của bà. Có thể nói một trăm phần trăm các “chuyến hàng” của bà đều đảm bảo an toàn.

    Hình như chưa bao giờ bị các trạm kiểm soát của địch kiểm tra kỹ. Đó chính là “năng khiếu” nghề nghiệp của bà. Trong cuốn lịch sử tình báo quốc tế, người ta đánh giá rằng, những vụ bị lộ phần lớn từ khâu giao thông liên lạc.

    Có lẽ cấp trên đã đánh giá đúng về bà nên ngoài nhiệm vụ giao thông liên lạc, khi cần thiết giao thêm công tác đưa, đón cán bộ tại Sài Gòn. Tôi nhớ một lần từ “tổng hành dinh” ở Hà Nội cử một phái viên vào giúp đơn vị chúng tôi gặp gỡ, thuyết phục một cán bộ cao cấp trong “quân đội quốc gia” làm cơ sở bí mật cho ta. Phái viên đáp phi cơ từ Hà Nội sang Campuchia rồi từ đó bay sang Sài Gòn. Bà được chỉ định đích danh đi đón phái viên. Hôm ấy bà diện áo dài trắng, bóp đầm, ra dáng quý phái  vào phi trường Tân Sơn Nhất đón “đức lang quân” từ ngoại quốc về. Tất nhiên phải có quy ước ám tín hiệu để họ gặp nhau. Quả là một “vai diễn” thành công trong cuộc đời hoạt động bí mật của bà.

    Sau chiến dịch Mậu Thân, địch đánh phá ác liệt chiến trường đông bắc Sài Gòn. Đơn vị chúng tôi được điều về bắc Bến Cát, sáp nhập vào Cụm B49. Ít lâu sau, tôi được điều động sang công tác tại Cụm tình báo H67; bà được điều động bổ sung cho mạng lưới giao thông của một đơn vị bạn. Tôi xa bà từ đó. 

    Đơn vị mới của tôi bám trụ ở mật khu Bời Lời tới cuối năm 1969 thì chuyển về Bến Tre để đánh lạc hướng theo dõi của địch. Mấy năm sau, được tin bà Tư Thu được đề bạt Cụm phó một Cụm, bám trụ tại khu vực Đồng Tháp Mười. Ở cương vị công tác mới, nhưng nghe nói có lúc cấp trên vẫn huy động bà tham gia vào những “chuyến hàng” quan trọng.

    Ông Năm Tuyến (người đứng), Cụm phó Cụm Tình báo H67 (Đơn vị Anh hùng) gặp mặt cán bộ giao thông nội thành Sài Gòn sau ngày giải phóng miền Nam.

    Năm ấy, vào dịp giáp tết, địch phong tỏa các cửa ngõ vào vùng căn cứ giải phóng của ta. Đơn vị bạn có một “chuyến hàng” khẩn cấp phải chuyển về căn cứ trong khi cửa ngõ vào khu vực này bị địch kiểm tra gắt gao, giao thông “gạo cội” của đơn vị có dấu hiệu bị lộ nên không thể thực thi nhiệm vụ. Cấp trên đã huy động bà, một người có kinh nghiệm đối phó với thủ đoạn lục soát của địch. Cái khó đối với bà là đường đi nước bước chưa quen.

    Phấn khởi được cấp trên giao nhiệm vụ, sau một đêm suy nghĩ viện lý do tiếp cận địa bàn, gặp cơ sở bí mật là người thông thuộc thung thổ để tìm hiểu đặc điểm tình hình khu vực, sớm hôm sau bà lên đường ngay. Hành trang chỉ một giỏ xách đựng trái cây, vàng hương cùng một con gà trống cồ. Bà sắm vai đi lễ nhà thầy Bảy và buổi trưa hôm ấy đã hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo đơn vị mừng vui khôn tả khi cán bộ giao thông đã vượt qua bao cửa ải đưa tài liệu về căn cứ an toàn.

    Nhiều năm sau kết thúc chiến tranh tôi mới có điều kiện gặp lại bà và hỏi chi tiết về chuyến đi ngày ấy. Bà khẽ cười và thuật lại: “Hôm đó tụi nó xét kỹ lắm, với tất cả mọi người chứ không riêng gì chị. Chặng cuối cùng xưa rày chỉ có một tên ở trạm, vậy mà hôm đó có tới ba tên. Sau khi coi tới coi lui căn cước, tụi nó lục lọi rất kỹ nhưng không có gì nghi vấn, hất hàm cho chị đi. Vừa được mấy bước thì một tên gọi lại: “Ê, bà kia! Để con gà lại. Đêm nay bọn này đang thiếu đồ nhậu đây. Ở trỏng thiếu cha gì gà mà chở củi về rừng”. Chị như muốn đứng tim, vì con gà là phương tiện ngụy trang tài liệu. Tài liệu nhỏ bằng một phần ba điếu thuốc được bọc kỹ bằng mấy lớp nilon, xét vào đít con gà. Chị giữ con gà như giữ tính mạng của mình. Nó lấy mất con gà thì còn gì mà nói. 

    Một thoáng suy nghĩ, chị phân trần với tụi nó: “Mấy cậu ơi, con gà chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng là vật tôi đi lễ thầy. Con nhà binh mà ăn đồ đem đi cúng là xui lắm. Nếu ở nhà, tôi xin biếu mấy cậu cả đàn”. Một tên chừng như là chỉ huy nói với đồng bọn: “Bả nói đúng đó. Tụi bay đừng có ngu mà thu đồ đem đi cúng. Coi chừng đường tên mũi đạn của “Việt cộng” nó không tha bay đâu. Thôi, cho bả đi”. Đó chuyện chỉ có vậy, đáng chi đâu”.

    Thế là thêm một chi tiết nữa để đánh giá về tài ứng biến của cán bộ giao thông tình báo Tư Thu, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi coi bà như người chị cả trong gia đình và bà nhận tôi là em kết nghĩa, coi tôi như đứa em út, vì bà là con một.

    Cũng phải tới sau giải phóng miền Nam tôi mới được biết tường tận về cuộc đời bà. Quê gốc của bà ở Thái Bình nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ. Tên thật của bà là Vũ Chi Lan. Tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1953 xây dựng gia đình với ông Lê Văn Đại, cán bộ “Nam tiến” – quê Thanh Hóa. Năm 1954 bà tập kết ra Bắc, chồng bám trụ hoạt động ở Biên Hòa với chức vụ Tỉnh ủy viên, bí thư một huyện nào đó.

    Năm 1958 bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1973 được trao trả tại Lộc Ninh. Thế là sau 19 năm đôi uyên ương không có tuần trăng mật ấy mới gặp lại nhau khi tuổi đã cao không còn khả năng sinh nở. Tình xưa nghĩa cũ, được địa phương quan tâm giúp đỡ, hai người về sống tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa cùng bà mẹ già gần một trăm tuổi. Cả mẹ và chồng đã lần lượt từ biệt bà ra đi. Bà khỏa lấp nỗi buồn bằng việc lao vào công tác xã hội ở địa phương, tham gia Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Đoàn Tình báo J22; đi tìm thăm đồng đội xưa ở nhiều vùng, miền của Tổ quốc (dẫu rằng tuổi đã bát tuần). Từ Tây Ninh, Đồng Tháp, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến Tre,… cho tới một số tỉnh miền Bắc, trong đó có tôi.

    Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống của Lực lượng Tình báo quốc phòng, tôi viết đôi nét về bà dẫu rằng chỉ là một nét chấm phá trong cả cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Vũ Chi Lan. Bởi cuộc đời hoạt động cách mạng của bà là cả một pho tiểu thuyết về tấm gương sáng ngời của phụ nữ Việt Nam anh hùng mà ngòi viết của tác giả bài viết này chưa có khả năng đề cập. Chúc người chị, người đồng chí thân thương của tôi một năm mới an lành, góp phần tô thêm truyền thống của lực lượng Tình báo Anh hùng.

    Khổng Minh Dụ
    .
    .