Người Việt mình có dễ tin nhau?

Thứ Tư, 18/12/2019, 11:07
Ca dao, tục ngữ đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian của người Việt. Câu nói dân gian “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” từ lâu luôn có tính khích lệ, động viên đại bộ phận dân chúng - những người nghèo, giúp họ không buông xuôi và có niềm tin trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, câu nói này cũng đồng thời phản ánh sự bất an trong đời sống xã hội và ít nhiều ảnh hưởng của triết lý phát triển được gọi là “tính phủ định Á Đông” - “hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”, chứ không tiến lên sau mỗi lần “phủ định” như trong xã hội phương Tây.

Nếu câu nói trên có thể giúp người nghèo nuôi hy vọng thì cũng cùng lúc mang lại sự lo âu và bất an cho kẻ giàu. Đành rằng đây chỉ là câu nói dân gian, phản ánh tiếng nói và ước vọng của người nghèo nhưng cùng với hai câu cuối trong bài ca dao “bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”, nó còn phản ánh một thực trạng có phần chua xót của lịch sử dân tộc chúng ta - vốn được phản ánh qua các lớp trầm tích trong Hoàng thành Thăng Long - sự phủ định gần như tuyệt đối của triều đại sau so với triều đại trước, thiếu tính kế thừa và không có niềm tin vào sự thịnh vượng hay ổn định dài lâu của xã hội.

Các lớp trầm tích trong Hoàng thành Thăng Long như sự phủ nhận gần như tuyệt đối của triều đại sau với triều đại trước. Ảnh: LG.

Trong xã hội quân chủ và chuyên chế ngày trước, do ảnh hưởng của Nho giáo nên tính “chính danh” thường được đề cao. Khổng Tử lúc còn sống chắc hẳn không lường trước được những “tác dụng phụ” khi đưa ra tính chính danh trong học thuyết của mình. Để đảm bảo tính chính danh, khi tiến hành lật đổ hay thay thế triều đại cũ, nhà nước cũ, các triều đại mới luôn tìm cách xóa bỏ hoàn toàn “sự hợp lý, hợp thời” của thể chế này theo hướng không để lại nhhững gì có thể gợi ý cho nhân dân nhớ về cái cũ nữa.

Điều này phản ánh rất rõ trong lịch sử Việt Nam, khi Phật giáo còn đang thịnh thì sự chuyển giao quyền lực của nhà Đinh cho nhà Tiền Lê, nhà Tiền Lê cho nhà Lý rồi nhà Lý cho nhà Trần tuy ít nhiều gây xáo trộn xã hội nhưng nó chỉ dừng lại trong phạm vi giai cấp quý tộc chứ ít ảnh hưởng đến dân chúng. Sau khi nhà Minh (Trung Quốc) xâm lược nước ta thì ảnh hưởng của Nho giáo bắt đầu lớn hơn và cũng từ đó tính phủ định trở nên quyết liệt hơn và triệt để hơn, đồng thời phạm vi ảnh hưởng không còn chỉ nằm ở tầng lớp bên trên nữa.

Thiếu hụt niềm tin

Trong lịch sử hơn 1.000 năm tự chủ của mình, nước Đại Việt, Đại Nam hay Việt Nam có thể nói là ít khi được hưởng yên bình lâu dài để làm ăn và phát triển. Nếu không vì nạn ngoại xâm thì cũng bị nạn “quan tham” làm cho bất ổn. Những yếu tố này đã dần dần tạo nên một tính cách được cho là bất lợi cho người Việt, đó chính là dễ hài lòng với bản thân khi có chút ít thành công và đa phần thích chọn cách làm ăn theo kiểu cơ hội (đôi khi có thể gọi là chộp giật), ngắn hạn, vốn chỉ mong kiếm được càng nhiều càng tốt tại một thời điểm để cất giữ chứ không yên tâm đầu tư dài hạn với một tầm nhìn xa. Không có số liệu chính thức nhưng hiện chúng ta có rất nhiều công ty vốn được lập ra để làm sân sau cho các phi vụ hoặc tận dụng các chính sách ưu đãi của nhà nước để kiếm lời chóng vánh rồi bị giải thể khi nhiệm vụ đã hoàn thành.

Thiếu tin tưởng vào sự ổn định dài hạn của xã hội đang làm chúng ta chảy mất rất nhiều nguồn lực và chất xám. Trong khi Samsung hay LG vẫn đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh hay Thái Nguyên thì rất nhiều người Việt mang ngoại tệ đi cất tại các ngân hàng Thụy Sĩ hay đầu tư cho con cái học ở các trường có tên tuổi ở phương Tây để tạo dựng tương lai ổn định hơn cho thế hệ sau ở bên ngoài chứ nhất định không vì lý tưởng tự cường dân tộc - một khái niệm tương đối mơ hồ với phần đông dân chúng nhưng đối với tầng lớp sĩ phu thì dù nhiều thế hệ trước đây đã cố nhưng chúng ta đã nhiều lần thất bại.

Thiếu tin tưởng vào sự ổn định dài hạn của xã hội đang làm chúng ta chảy mất rất nhiều nguồn lực và chất xám. Ảnh: LG.

Chuyển đổi niềm tin trong bối cảnh mới

Thật khó để ai đó có thể kêu gọi người dân và bảo họ rằng bạn không được thiếu niềm tin, bạn cần phải tin tưởng vào điều này, điều nọ. Việc nhiều người trong chúng ta không có đủ niềm tin về sự ổn định xã hội - như đã nói, có nguyên nhân mang tính lịch sử. Để có thể tái định vị niềm tin, chúng ta cần nhiều hơn những giải pháp mang tính cổ xúy, vận động hay kêu gọi thuần túy.

Trong chiến tranh vệ quốc gần đây, Việt Nam đã lần lượt giành chiến thắng trước những kẻ ngoại bang hùng mạnh. Điều này không thể đạt được nếu mỗi con người và cả dân tộc thiếu niềm tin vào những gì mình đang làm và vào sức mạnh nội tại của dân tộc. Niềm tin đã giúp chúng ta có thể tạo nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nhưng khi đất nước đã có thái bình rồi thì “niềm tin” ngày trước đó lại không được chuyển hóa thành sức mạnh để xây dựng và phát triển đất nước - hay nói đúng hơn là rất nhiều người trong chúng ta đã không có hoặc mất hết niềm tin trong vấn đề này.

Sau khi mở cửa và đổi mới, Việt Nam chúng ta giống như một anh nông dân gầy xác gầy xơ, bắt đầu có đủ gạo ăn và ngơ ngác bước ra khỏi bản làng mình. Do lâu ngày không đi ra ngoài nên đối với anh cái gì cũng mới, cũng lạ, vì vậy nên làm gì cũng cần phải cảnh giác. Đôi lúc người khác thương anh, quý anh và muốn giúp đỡ anh tí chút nhưng anh không dám nhận vì ở nơi anh sống “không ai cho không ai cái gì bao giờ”.

Qua năm tháng, anh “tỉnh” ra chút ít và cũng tự tin hơn chút ít. Anh mạnh dạn bắt tay làm ăn với bên (nước) ngoài, thi đấu thể thao với láng giềng và ban đầu dù nhiều lúc có bị thua, anh vẫn vui vì dù sao cũng đang trong thời kỳ giao lưu, học hỏi. Rồi cũng đến lúc anh có được một vài thành tựu nho nhỏ (tuy chưa mang tính quyết định) anh ngây ngất, ngất ngây và lúc đấy anh đã mơ về một Nhật Bản, Hàn Quốc trong tương lai không xa.

Tiếc rằng khi đó, sức lực của anh chỉ đủ làm ra mấy chục triệu tấn gạo giúp nuôi sống một đàn con lít nhít và với chút kiến thức quản trị không được học hành chính thống đã khiến anh tuy không phải quay lại bản làng ngày trước nhưng chưa thể bứt phát nhanh chóng và ngoạn mục.

Thực ra đường và hướng vẫn luôn có đối với những ai muốn đi và thực sự có niềm tin là nó sẽ dẫn họ đến sự thịnh vượng. Cái quan trọng hơn chính là anh có đủ niềm tin về khả năng của mình để bước trên con đường vốn đã đưa nhiều dân tộc khác đến thịnh vượng này hay không! Và khi đã có đủ niềm tin rồi thì anh có sẵn sàng cắt bớt tóc, cạo bớt râu và học cách lái xe cùng các luật lệ tiến bộ trên con đường đó không?

Thật không hề đơn giản cho một người nông dân mới ra khỏi bản làng được có ít năm! Anh có lẽ phải cần giao lưu nhiều hơn nữa để cảm nhận sâu sắc hơn cái thiệt thòi, cái yếu kém và cả “nỗi nhục” của mình, gia đình mình khi bị tụt hậu và thua kém so với người khác. Chỉ đến khi anh nào anh thấu hiểu được rằng, con cháu mình cần có một môi trường nơi chúng không mang nỗi sợ về sự bất ổn xã hội, về sinh kế và an sinh, nơi những thay đổi và cải cách ngày hôm nay luôn kế thừa và phát huy các giá trị của ngày hôm qua, nơi cả đại gia đình đồng lòng với niềm tin là “mình sẽ làm được” thì lúc đấy mấy câu tục ngữ và ca dao ngày xưa ấy sẽ không đươc gọi là ca dao, tục ngữ nữa.

Trần Văn Tuấn
.
.